TTCT - Oscar, như bao giải thưởng điện ảnh khác, không thể nào hoàn hảo. Nhưng vì đây là giải thưởng mà cả nền nghệ thuật thứ bảy của thế giới hồi hộp đón chờ, nên nếu Oscar có sẩy chân mắc phải một lỗi bé xíu, tỉ người sẽ xúm lại xé nó ra thành to. Quang cảnh lễ trao giải Oscar 2015 1. Năm 2011, James Franco bị vùi dập vì dẫn chương trình quá dở. Năm 2012, rất nhiều người không hài lòng khi thấy phim The iron lady (Người đàn bà thép) có mặt tại lễ trao giải do phim này vô cùng chán. Năm 2013, Seth McFarlane dẫn chương trình theo kiểu vô duyên. Năm 2014, bao khán giả tặc lưỡi khi thấy Mathew McConaughey thắng Oscar chứ không phải Leonardo DiCaprio. Năm nay, những lời xì xầm về giải Oscar không hề ít. Dù có người khen rằng hội đồng giám khảo đã để mắt đến những phim nhỏ, kinh phí khiêm tốn như Birdman, Whiplash (Vút trống) và The Grand Budapest hotel (Khách sạn Grand Budapest) thì lời than phiền dành cho Oscar cũng chất đống. Nào là giải thưởng kỳ thị giới tính lẫn chủng tộc khi không đề cử nữ đạo diễn da màu Ava DuVernay của phim Selma, nào là Into the woods (Khu rừng cổ tích) dở thế mà cũng có chỗ trong danh sách đề cử, nào là American sniper (Lính bắn tỉa Mỹ) cổ động cho tinh thần yêu nước mù quáng, vốn là thứ rất đặc trưng của đất nước chú Sam. Ôi thôi lời than thở có đủ cả, và than thì rất dễ. Nói cho cùng, Oscar có phải là giải hoàn toàn trao cho phim nghệ thuật đâu. Năm nay, những ai yêu ngành hoạt hình ngậm ngùi khi thấy tượng vàng trao cho bộ phim 3-D Big Hero 6 (Biệt đội Big Hero 6), trong khi tác phẩm vẽ tay Nàng tiên trong ống tre với màu sắc đẹp nhẹ nhàng đến nao lòng của vị đạo diễn kỳ cựu người Nhật Isao Takahata lại về không. Nam diễn viên Timothy Spall đã rất xuất sắc khi nhập vai họa sĩ nổi tiếng Turner trong phim Mr Turner - thậm chí ông còn nhận giải Cannes cho hạng mục nam chính - lại không vớt nổi một đề cử Oscar. Phim Mr Turner cũng chẳng được hội đồng trao giải ưu ái, dù chắc chắn rằng phim này tuyệt vời hơn cả Into the woods lẫn The theory of everything (Thuyết vạn vật) cộng lại. Buồn cho Mr Turner là thế, tuy nhiên điều này cũng chẳng bất ngờ. Đạo diễn của Mr Turner là Mike Leigh - người Cannes rất yêu quý, BAFTA rất ghét, còn Oscar thì không ưa bao giờ. Than cho lắm, nhưng thể nào năm sau thiên hạ cũng xúm xít chờ đợi Oscar 2016, các nghệ sĩ được mời sẽ lại lả lướt áo quần, mặt mày rạng rỡ. Các nghệ sĩ ngồi nhà thì thầm ước rằng mình đang bước trên thảm đỏ Hollywood. Sao lạ vậy nhỉ? Tom Cross đoạt Oscar 2015 với giải thưởng dựng phim hay nhất cho Whiplash. Ảnh deadline.com 2. Chẳng lạ chi cả, khi kinh đô của điện ảnh thế giới không phải chỗ nào khác ngoài Hollywood, khi Hollywood vẫn là nơi công nghệ làm phim luôn được nghiên cứu lẫn đẩy mạnh, khi Hollywood là nơi từ diễn viên ngôi sao đến chuyên gia trang điểm đều có thể sống dư dả với nghề mình chọn. Và đặc biệt khi Oscar không chỉ tôn vinh phim, đạo diễn, diễn viên, mà còn tặng thưởng cho những chuyên gia kỹ thuật, các nhà thiết kế, dựng cảnh, dựng âm... Những thứ này có vẻ không quan trọng bằng chuyện bật tivi lên để xem Angelina Jolie mặc gì tại lễ trao giải, nhưng Oscar sẽ không bao giờ được yêu quý đến thế nếu nó bỏ lơ khoa học công nghệ. Từ tác phẩm kinh phí thấp nhất đến phim bom tấn, từ phim rặt nghệ thuật đến phim hơi nhuốm màu thương mại, không tác phẩm nào có thể thành hình lẫn chen chân vào giải Oscar nếu những người làm nên nó đặt niềm tin vào các thứ mơ hồ. Ý tưởng hay là một chuyện, đưa ý tưởng đó lên màn bạc là chuyện khác hoàn toàn. Suy cho cùng, quay phim đâu phải viết văn. Lắm người khen Boyhood của giải Oscar năm nay rất hay nhờ đạo diễn Richard Linklater và dàn diễn viên cần mẫn, chịu khó. Phim đơn giản, thuật lại quá trình lớn lên của một cậu bé trong gia đình phức tạp. Richard quay phim này trong 12 năm, mỗi năm quay một ít để khán giả cảm nhận được rằng nhân vật trong phim lớn lên cũng như già đi một cách tự nhiên. Ông chọn những diễn viên có cùng chí hướng - Patricia Arquette thủ vai bà mẹ, còn Ethan Hawke là bố - rồi trả thù lao... rất thấp. Patricia Arquette còn cười rằng tiền công cô trả cho người dắt cún nhà cô đi dạo còn nhiều hơn thù lao cô nhận để đóng Boyhood. Đây là phim có kinh phí cực thấp, quay trong thời gian dài ngoằng và ai cũng xuýt xoa khen Richard Linklater. Thế nhưng nghệ sĩ đáng khen nhất chẳng phải Richard, mà chính là chuyên gia dựng phim Sandra Adair. Trong 12 năm ròng, cô Sandra Adair vất vả đối chọi với công nghệ luôn thay đổi - từ máy tính to đùng đến màn hình iMac mỏng dính - để dựng nên một bộ phim mạch lạc. Ai cũng hiểu khi có chương trình mới thì chương trình cũ sẽ chẳng được hỗ trợ nữa, như phim bây giờ sẽ ra đĩa chứ không ai đi sản xuất băng video. Phần mềm và máy móc dành cho việc dựng phim cũng vậy, cô Sandra Adair đã liên tục cập nhật, thay đổi cách dựng phim trong hơn một thập kỷ hòng chiều theo Richard Linklater. Nếu không có cô thì Boyhood đã thành mớ bòng bong. Tác phẩm độc lập kinh phí thấp Whiplash cũng vậy. Phim kể về cậu bé có mơ ước học đánh trống gặp phải ông thầy dạy nhạc khó tính. Câu chuyện nghe không có gì đặc biệt, không có tình tiết ăn khách, không hành động kỹ xảo. Thế tại sao nó hay tới nỗi Oscar phải để ý? Do đạo diễn Damien Chazelle là người tài năng? J. K. Simmons đóng quá xuất sắc? Tất cả yếu tố này đều đúng, nhưng công lớn nhất thuộc về chuyên gia dựng phim Tom Cross lẫn nhóm hòa âm của Craig Mann, Ben Wilkins và Thomas Curley. Whiplash là phim âm nhạc, đặc biệt nó kể về dụng cụ trống, phim về đánh trống mà nhịp điệu, tiết tấu lại lè nhè thì phản tác dụng quá. Nhưng cắt ráp thế nào để tác phẩm sôi nổi như nhịp trống, mà cảnh này không giật cục sang cảnh kia khiến khán giả vừa xem vừa nhức đầu đòi hỏi lắm kỹ năng. Chính Tom Cross là người giúp câu chuyện đơn giản của Whiplash trở nên thật lôi cuốn, hồi hộp chứ không lề mề ì ạch. Yếu tố lớn giúp Whiplash thành công nữa là âm thanh. Phim đánh trống rất dễ ầm ĩ, như lắm phim bom tấn hòa âm theo kiểu lười biếng luôn ồn ào đến điếc cả tai. Nhưng dụng cụ trống mà âm thanh lẹp xẹp không tạo hưng phấn thì còn gì phim? Tiếng trống trong Whiplash dù dồn dập nhưng vừa phải, rõ ràng, không tra tấn người xem, không át tiếng của những nhạc cụ khác, và đặc biệt không át lời thoại. Để khán giả khỏi bịt tai ở mấy cảnh sôi động rồi sau đó cố căng con ráy để nghe xem nhân vật nói gì là công của các chuyên gia hòa âm. Tác phẩm về đánh trống như Whiplash liệu có còn hấp dẫn nếu tiếng này choảng tiếng kia như thể hai cái chảo đang đập vào nhau? Vì thế khi Tom Cross, Craig Mann, Ben Wilkins và Thomas Curley lên sân khấu nhận Oscar, tất cả mọi người trong khán phòng đều chúc mừng họ thật nồng nhiệt. Phim Nàng tiên trong ống tre. Ảnh: gkidsfilms.com 3. Thành công của phim không chỉ phụ thuộc vào đạo diễn hay diễn viên ngôi sao, Hollywood biết điều đó và bản thân các đạo diễn lẫn diễn viên đều biết điều đó. Dù ai cũng hiểu có thể phim này xứng đáng nhận Oscar hơn, vị đạo diễn kia giỏi hơn, nữ diễn viên kia đóng tuyệt hơn, nhưng cứ hằng năm các gương mặt nổi trội nhất đều tụ tập tại lễ trao giải để chúc mừng những đồng nghiệp xứng đáng với tượng vàng chẳng kém gì mình. Martin Scorsese là một đạo diễn lỗi lạc, cũng chung số phận hay bị Oscar bỏ lơ như Mike Leigh. Ông luôn đến dự Oscar và luôn cười thật tươi khi chuyên gia dựng phim Thelma Schoonmaker - người gắn bó với Martin lẫn phụ trách dựng phim của ông trong hàng chục năm - nhận giải thưởng lớn. Thiên hạ có thể than trời khi những tác phẩm tuyệt đỉnh của Martin như Raging Bull, Taxi driver, rồi Casino hụt hết Oscar này đến Oscar khác và bản thân Martin luôn đi về tay không, trong khi đó bà Thelma Schoonmaker đoạt tới ba Oscar. Thế nhưng, đến năm 2006, lúc Martin lần đầu nhận giải Oscar cho mục đạo diễn xuất sắc nhất sau chừng ấy năm chờ đợi, người ông cảm ơn không ai khác ngoài bà Schoonmaker dù bà có lắm Oscar hơn mình. Chính vì các tài năng lỗi lạc, những ngôi sao lớn, lẫn kinh đô Hollywood đối xử tốt với từng kỹ thuật viên mà nền công nghiệp điện ảnh của Mỹ luôn phát triển, luôn lôi cuốn với nhiều tác phẩm không chỉ hay mà còn được công nghệ đi theo hỗ trợ. Nói cho cùng, nghệ thuật có khoa học đỡ lưng luôn là nền nghệ thuật khỏe mạnh lẫn đầy sáng tạo, được nền nghệ thuật này tặng thưởng thì thật vinh dự quá chứ. Dù ai có trách Oscar thiếu nọ sót kia, hằng năm bao nghệ sĩ vẫn rủ nhau tụ tập ở kinh đô điện ảnh và ước rằng mình sẽ là người nhận tượng vàng. Tags: OscarMartin ScorseseOscar 2015
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.