Phải chăng chỉ là vì yếu đuối?

NGÔ PHƯƠNG THẢO 25/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - LTS: Bạn trẻ chơi vơi, buồn chán, vô cảm với xung quanh, rơi vào trầm cảm, có hành động tiêu cực, thậm chí kết thúc cuộc sống... Hiện tượng này ngày càng phổ biến. Nhưng bên cạnh đó không ít những trường hợp đối mặt và vượt qua khủng hoảng một cách kiên cường. Diễn đàn mới chờ đợi những câu chuyện của bạn đọc.

 

minh họa
 


1 Em đến với tôi trong buổi tối mùa hè của Sài Gòn, sau chiếc nón lưỡi trai lụp xụp và chiếc quần jean rách gối. Dù bị che khuất dưới nón, tôi vẫn thoáng thấy mắt em buồn, loang loáng nước. Khi anh chị lớn nói chuyện, thỉnh thoảng em vẫn cười đùa theo cùng nhịp. Nhưng khi bàn tới chuyện tình yêu, em nói em không tin tình yêu. Lúc em nói câu đó, tay chém dứt khoát giữa không trung.

Tôi nhìn em lặng lẽ. Một cô gái 22 tuổi, có điều gì khiến em không tin tình yêu? Tôi hỏi em: “Tại ba má em chia tay phải hông?”.

Em cúi mặt xuống, mắt lại loang loáng nước. Lúc chia tay ra về, tôi nói với em: Sài Gòn hay lắm đó, muốn thử thì thử đi.

Đó là ngày đầu tiên em đến Sài Gòn, với những vết thương chằng chịt trong tâm hồn mà tôi không thể đoán hết. Mỗi ngày qua, tôi biết thêm một chút. Những khi nước mắt em tự nhiên chảy, những khi em tự nhiên buồn, những khi em tự nhiên chán, những khi em không thiết làm gì hết cả. Em nói em biết là lúc này mình không nên như vậy nhưng em không thể chống lại. Cái cảm xúc tự nhiên muốn buông xuôi cứ ập tới, khiến tay chân em rã rời, cảm thấy thế giới này thật chán chường, cô độc. Em thấy chán ghét mọi thứ và tưởng như mình đã rời đi.

Chúng tôi, những đứa đã già hơn, nhắn tin cho nhau, cắt đặt nhau tìm cách ở cạnh em. Đứa thì bày trò đòi nấu cơm cho em ăn, đứa thì dẫn em đi mua áo mới. Nhưng có khi em muốn ở một mình thôi, chúng tôi lẳng lặng để em ở một mình. Có khi không liên hệ được với em, chúng tôi gọi khắp chốn tìm em. Thì ra em chỉ tắt máy và ngủ. Khi thức dậy, em gọi cho chúng tôi nói em chỉ ngủ thôi mà, các chị bới hết Sài Gòn lên rồi hả?

2 Em là một ngôi sao nhỏ trong giới digital marketing. Em có vài dự án tốt. Nhưng nhiều năm đã trôi qua, em cứ loay hoay hoài từ công ty này qua công ty khác, từ mối tình này qua mối tình khác, từ chỗ ở này qua chỗ ở khác, từ nhóm bạn này sang nhóm bạn khác. Không có một mối quan hệ nào của em kéo dài được quá vài tháng. Mỗi lần gặp, em đều có một trải nghiệm mới về đời sống để kể cho tôi nghe. Thế giới xung quanh em thay đổi thú vị, đầy màu sắc, nhưng có một điều không hề hay đổi: đó là cố gắng mãi vẫn không thể tin em.

Có điều gì đó ở em làm cho người ta cảm thấy khó tin. Giao việc cho em cảm thấy bất an. Làm việc với em cảm thấy mệt mỏi. Và kết quả công việc nhận lại từ em thường hay nhỏ giọt, có yêu cầu, có hạn mức, bị giới hạn. Tìm mãi không thể thấy từ em điều quan trọng này: lòng nhiệt thành vô tư. Em tính toán quá nhiều và làm cho người khác bị mệt vì sự tính toán ấy. Trong khi đó, năng lượng ấy có thể để dành cho sáng tạo, và khi có sự sáng tạo đủ đầy, em thừa sức có được phần thưởng xứng đáng.

Những lúc buồn, em tìm đến chúng tôi. Em lớn lên trong gia đình khó khăn, bị cuộc đời đối xử cũng tàn nhẫn. Trong quá khứ, nhiều người coi thường em vì em nghèo. Em nung nấu ý chí muốn vươn lên cho bằng được. Và vì từng bị nhiều người chê bai vì nghèo, giờ đây em học cách sát phạt người khác. Vì tổn thương và yếu thế từ nhỏ, em sợ phải yêu thương hay quỵ lụy người khác. Em luôn chiếm thế chủ động trong mọi mối quan hệ và thay thế một mối quan hệ đang suy yếu bằng một mối quan hệ khác, rất nhanh. Rồi em trống rỗng. Em vẫn không thể trả lời câu hỏi này: Vì sao em không thể hòa nhập được với một tập thể nào cả? Vì sao chẳng ai hiểu em? Vì sao em không thể có một mối tình nào kéo dài hơn sáu tháng?

3 Em không nhớ đã nhuộm bao nhiêu màu tóc, đổi bao nhiêu kiểu tóc. Cứ vài tháng thì chúng tôi lại ngồi với em, hỏi đi hỏi lại câu này với em: rốt cuộc là con muốn gì? Lần nào em cũng trả lời: con cũng không biết con muốn gì cả! Câu hỏi mà em bắt đầu hỏi chúng tôi là: con đổi qua làm công việc khác được hông? Con chán công việc này quá à! Sau khi chúng tôi thảo luận về công việc khác, em lại nói: nhưng con thích làm chỗ hiện nay thêm ít lâu nữa vì con thích mấy anh chị đồng nghiệp của con! Liền sau đó vài ngày là một kiểu tóc mới, một màu tóc mới.

Từng ngày trôi qua, chúng tôi hiểu nỗi cô đơn của em, những tan vỡ của em qua hình xăm mới mà em vừa để dành một phần lớn lương mỗi tháng để xăm nó; chúng tôi hiểu nỗi thất vọng của em qua mái tóc chẳng còn gì để cắt ngắn hơn của em, qua màu tóc chẳng gì để nổi loạn hơn của em. Chúng tôi tự hỏi với nhau: cô gái tài năng, đầy tiềm năng mà chúng tôi phát hiện ra đó, cảm nhận đó, sao lại biến đổi đến mức này?

Chúng tôi thực hiện livetream trong những buổi giao lưu với bạn đọc, nhưng chủ động dừng livetream khi em bắt đầu hỏi: cháu cảm thấy khó thở như có ai bóp cổ. Cháu luôn nóng tính và đau đầu. Cháu luôn cảm thấy không có ai hiểu mình, thường chìm vào Facebook để không nghĩ đến những suy nghĩ tiêu cực. Cháu từng rạch tay, rạch đùi, nhịn ăn, mất ngủ. Bây giờ cháu không còn seft-harm - hội chứng tự tổn thương bản thân nữa, thỉnh thoảng cháu nghĩ cháu đã chết rồi, người đang sống chỉ là cái xác không hồn. Cháu luôn cảm thấy cô đơn như có lửa thiêu trong lòng.

Những lời đó em đã gửi qua mảnh giấy, chúng tôi đọc mà cảm thấy ngực thắt lại. Dẫu sau đó, em đủ mạnh mẽ để đứng lên cầm micro và nói, nhưng những câu hỏi đầy dằn vặt của em sau đó cho thấy vấn đề không còn là một góc xúc cảm cá nhân bé nhỏ nữa và em đang cần sự trợ giúp hơn bao giờ hết để không tự gây ra những bi kịch lớn hơn. ■

Sau vụ thảm sát ở Bình Phước, vì hận tình tôi có viết bài “Khi người không yêu ta, hãy biết từ bỏ” trên Tuổi Trẻ. Cái gì khiến cho khoảnh khắc một kẻ quyết định mình sẽ làm chuyện đó? Cái gì khiến cho họ trở thành một con người bị loại trừ tính “người”? Cái gì khiến cho toàn bộ quá trình tiến hóa nhờ giáo dục của loài người trở nên vô hiệu đối với một cá thể? Cái gì khiến cho con tim trở nên điên loạn và lý trí trở nên mù lòa?

Thực hiện những cuộc nói chuyện sâu sắc với nhiều người trong nhiều năm, tôi phát hiện nỗi cô đơn của loài người là một tổng hòa hợp lý một cách kỳ lạ của phép cộng trừ trong toán học. Ta cộng cái tôi, trừ những thâm tình. Ta cộng cái hiểu biết hạn hẹp, trừ những cơ hội mở rộng tầm nhìn. Ta cộng nỗi đau, trừ những cơ hội đón nhận niềm vui mới. Ta cộng sự dò xét, trừ khả năng cởi mở. Ta cộng sự khôn ngoan, trừ khả năng hồn nhiên. Ta cộng hình ảnh đàng hoàng đĩnh đạc, chuẩn mực, trừ cơ hội bày tỏ nỗi đau của mình cho người khác xoa dịu, chở che. Ta cô đơn vì ta sợ mình học toán kém cỏi, cộng sai và trừ sai.

Nỗi chơi vơi của chúng ta đâu có dừng lại ở bạn trẻ. Đâu có dừng lại ở cô gái 22 tuổi đội nón lưỡi trai che khuất mặt ngày ấy. Nó hiện hữu mỗi ngày quanh chúng ta, chỉ là những người càng già đi, khả năng ngụy trang càng thiện nghệ. Hay chúng ta đã quen với nó rồi?

Chúng tôi đến dự đám tang của cháu trong một buổi tối cách đây vài năm. Nhìn mẹ cháu, người bạn thân quý của chúng tôi, gầy rộc thất thần ngồi đó, tôi không cầm được nước mắt. Vợ chồng anh chị và con gái đi dự một sự kiện nào đấy về, thấy cậu con trai 15 tuổi đã chết trong bồn tắm. Tự tử! Nỗi đau đó quá lớn, quá sức chịu đựng của một người. Chúng tôi không ai dám hỏi gì, chỉ biết ôm chị khóc. Mà chị đâu còn khóc được nữa, nước mắt đã ngược vào trong thành những khoảng trống không gì lấp nổi. Không có biểu hiện gì cả, không la mắng không cãi cọ. Không gì cả. Chỉ đột ngột rời đi.

Mấy tháng sau chị vẫn chưa bình thường trở lại. Chị chẳng hiểu gì hết. Tại sao lại như vậy? Tại sao là con chị?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận