TTCT - Các cuộc làm việc, khảo sát tại các địa phương của Bộ Khoa học và công nghệ gần đây cho thấy nhiều bất cập trong việc phát triển các khu công nghệ cao (CNC).

Thứ nhất, quan niệm về các loại hình khu CNC, về chức năng, vai trò và hoạt động của các khu này không thống nhất. Thứ hai, điều kiện cần và đủ cho việc thành lập và hoạt động của các khu CNC chưa được nhận thức đầy đủ.

Phóng to

Hiện trạng một dự án quy mô tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (ảnh chụp đầu tháng 11-2011) - Ảnh: Quốc Thanh

Chưa rõ khu CNC hay khu công nghiệp

Xu hướng đa dạng hóa các loại hình khu CNC đang đặt ra những yêu cầu mới cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét, xác định lại khái niệm và loại hình, điều kiện thành lập các khu CNC ở VN nhằm phát huy tối đa thế mạnh về khoa học và công nghệ, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và cạnh tranh lành mạnh giữa các khu CNC, đồng thời hỗ trợ mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ngoài ra, một số tỉnh thành đã và đang thành lập các đặc khu theo kiểu vườn ươm công nghệ, trung tâm (công viên) phần mềm và khu nông nghiệp CNC. Trong đó, một số khu đã đi vào hoạt động được vài năm, nhưng tính chất hoạt động và chức năng chưa chuẩn, chủ yếu vẫn tập trung vào dịch vụ cho thuê đất, phòng ốc và một số tiện ích cơ bản. Chức năng ươm tạo doanh nghiệp CNC mới bắt đầu được chú trọng. Nhìn chung, việc xây dựng các khu này chủ yếu dựa trên quyết tâm chính trị của lãnh đạo các địa phương.

Theo tôi, có một số điều kiện để khu CNC ở VN có thể hoạt động hiệu quả. Điều kiện cần: hạ tầng kỹ thuật, nhân lực CNC. Điều kiện đủ: cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn, nền kinh tế cạnh tranh thông qua chất lượng. Riêng hai khu CNC quốc gia ở TP.HCM và Hòa Lạc (Hà Nội), tôi thấy việc đầu tư là chưa xứng tầm, các điều kiện đủ là chưa ổn. Hiện trạng cả hai khu này cho đến nay có nhiều ý kiến cho rằng đây là khu công nghiệp CNC chứ chưa hẳn là khu CNC. Rõ ràng việc đầu tư và phát triển của cả hai khu này đều có vấn đề của nó.

Khó thu hút dự án CNC

Muốn đầu tư phát triển CNC, trước hết phải phát triển kinh tế theo hướng cạnh tranh về chất lượng và nguồn nhân lực CNC phải dồi dào với chất lượng tốt. Trong khi hiện nay phần lớn xã hội mới chú tâm vào những tăng trưởng hình thức, nhu cầu thật sự đối với chất lượng và tri thức chỉ mới dừng lại ở quyết tâm trên văn bản, nhân lực CNC vừa thiếu lại không đồng bộ. Do vậy, cho dù đã rất ưu đãi, mời chào nhưng các nhà đầu tư CNC thật sự chưa mặn mà với nỗ lực mời gọi của chúng ta.

Đấy là những lý do chính cần nhận rõ, dù có đầu tư nhiều hơn nữa thì cũng chỉ xây dựng nhà cao cửa rộng rồi để đấy. Với điều kiện như vậy thì rất khó thu hút được những dự án đầu tư CNC thật sự, đặc biệt là công nghệ nguồn. Ngoài ra, với cách đầu tư và cơ chế đối xử với khoa học và công nghệ như thời gian qua, VN rất khó có CNC.

Với các dự án đã thu hút vào hai khu CNC, rất dễ thấy là không phải dự án nào cũng đáp ứng được chuẩn là CNC. Nhưng để đất trống quá lâu là phản cảm. Do vậy, có lẽ thà chấp nhận một số dự án đầu tư và rồi sau đó “lái” dần các dự án hướng vào CNC còn hơn là để đất trống.

Theo tôi, phát triển CNC như thời gian qua là thiếu điều kiện đủ. Để có được bài học như thế phải chấp nhận “trả học phí” thôi. Cần quyết tâm đầu tư cho CNC nhưng phải bằng một cơ chế khác, theo đó phải có chủ trương đầu tư tới hạn, chất lượng nguồn nhân lực được đảm bảo và phải coi chất lượng phát triển các ngành kinh tế là mục tiêu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận