Phan Anh - một phẩm cách kẻ sĩ

NGUYỄN KHẮC PHÊ 21/12/2011 03:12 GMT+7

TTCT - 400 trang sách, lại ở dạng hiếm có: từ những cuốn nhật ký của chồng, người vợ - bà Đỗ Hồng Chỉnh - đã biên soạn lại, bổ sung nhiều chi tiết hỏi thêm “nhân vật chính” hoặc tự mình chứng kiến, cuốn Những chặng đường anh đi (*) là tác phẩm đầu tiên về một nhân vật khá đặc biệt, đóng rất nhiều “vai” trong dòng chảy lịch sử dân tộc một thế kỷ qua: luật sư Phan Anh.

Cuốn sách được xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (16-12-1911 - 16-12-2011).

Phóng to

Con người nhiều “vai” ấy (từng là bộ trưởng thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến cử đảm trách bộ trưởng quốc phòng trong Chính phủ lâm thời VNDCCH, rồi thành bộ trưởng kinh tế vào năm 1947) là một luật sư tốt nghiệp trường Tây, du học Pháp, về nước lại chuyên nhận bào chữa cho những bị can là “cộng sản” gộc thời đó…

Ông chủ trì nhóm “Thanh Nghị”, ra tờ báo cùng tên và viết những bài xã luận nóng bỏng chuyện quốc kế dân sinh. Có “vai” ông chỉ đóng trong hơn một tháng - như cùng ông Tạ Quang Bửu sáng lập “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế” năm 1945 - nhưng đã tạo nên một hiện tượng lịch sử vì hiếm có ngôi trường nào ít học sinh như thế, thời gian đào tạo ngắn như thế mà lại là nơi trưởng thành nên nhiều nhân tài cho đất nước đến thế.

Những trang đầu cuốn sách, người vợ của Phan Anh viết về vùng đất “khí thiêng hun đúc” quê chồng - làng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) - như một lý giải gián tiếp vì sao con người Phan Anh hội tụ nhiều tài năng và tâm huyết như vậy. Dòng họ Phan nổi tiếng về tinh thần hiếu học và lòng yêu nước: cụ Phan Điển, ông nội Phan Anh, là nòng cốt của phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, cụ Phan Điện (1874-1945), thân phụ Phan Anh, nổi tiếng “ngang tàng, hay châm chọc những người quyền thế”.

Trong nhật ký, Phan Anh cũng nói về ảnh hưởng của nền tảng gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học và yêu nước đối với mình: “Ai mà không nhớ mãi ông Phan Điện, cả cuộc đời có những bước thăng trầm, nhưng bao giờ cốt cách cũng mạnh mẽ, thanh cao... Khi con đã lớn, có khả năng làm việc để cải thiện đời sống gia đình, ông vẫn nhất thiết khuyên con tiếp tục học để làm nên việc lớn, thực hiện cái mà cha ông và ông chưa làm được”. Điều này giải thích vì sao Phan Anh chọn con đường du học Pháp và tích cực hoạt động trong phong trào dân chủ thời đó cùng Phan Thanh, Đặng Thai Mai…

Phải có sự rèn luyện và chuẩn bị như thế, bước vào đời, trước những xoay chuyển chóng mặt của thời cuộc, Phan Anh mới có thể đảm nhận nhiều “vai”, đóng góp vào nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Cả trong thời gian làm bộ trưởng quốc phòng, dù chỉ trong tám tháng, ông cũng không phải là người ngồi trên “ghế quan” kiểu “danh dự” mà có những đóng góp quan trọng trong việc đề nghị Hồ Chủ tịch ban hành những sắc lệnh tổ chức quân đội quốc gia, đặc biệt là đề nghị Hồ Chủ tịch cho thành lập Trường võ bị Trần Quốc Tuấn - tiền thân của Học viện Quân sự Việt Nam.

Tất cả những điều đó đều được tường thuật đầy đủ trong sách, là sự bổ sung có ích cho những trang chính sử. Nhưng khác với những hồi ký của các chính khách thường nặng về kể diễn biến sự kiện, Những chặng đường anh đi chủ yếu dựa vào nhật ký và ghi chép lời người chồng trả lời vợ - một cô giáo - nên chứa đựng rất nhiều chi tiết chân thật của cuộc đời riêng, không né tránh những điều được coi là “nhạy cảm”... Người trí thức ngoài Đảng ấy, với những đau đáu vận nước, thật sự là một phẩm cách kẻ sĩ đẹp đẽ.

Những câu chuyện trong cuốn sách cho thấy những lựa chọn của ông đều là những cân nhắc thấu đáo vì đại cuộc. Khi Hồ Chủ tịch lập chính phủ liên hiệp (1945), mời làm bộ trưởng quốc phòng, ông không nhận mà tiến cử một trí thức “trung lập” mà ông hiểu rõ tài năng, đức độ, lại từng học qua Trường quân sự cao cấp Paris, đó là học giả Hoàng Xuân Hãn.

Khi Chính phủ thành lập lại (tháng 11-1946), Hồ Chủ tịch lại mời Phan Anh làm bộ trưởng tư pháp, ông cũng không nhận và lý giải vì “thành phần chính phủ liên hiệp rất phức tạp, khó có thể làm nên được một việc gì”. Nhưng khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến, các hoạt động kinh tế rất khó khăn thì ông lại sẵn sàng gánh vác chức bộ trưởng kinh tế.

Chính ở cương vị này, ông đã có những quyết định sáng suốt, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thốn hàng hóa gay gắt lúc đó và tạo cơ sở cho việc phát triển về sau: đó là việc thay thế biện pháp ấu trĩ “đấu tranh kinh tế với địch” ban đầu bằng cách chọn những địa điểm thuận lợi giao thương, xây dựng thành khu buôn bán trao đổi hàng hóa giữa vùng địch tạm chiếm và vùng kháng chiến.

__________

(*) Những chặng đường anh đi, tác giả Đỗ Hồng Chỉnh, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận