Phận người di trú

TRẦN NHÃ THỤY 24/05/2011 04:05 GMT+7

TTCT - Xuất khứ - ra đi là khởi đầu mọi câu chuyện của mọi cô gái làm việc trong công xưởng Trung Quốc. Từ các vùng quê nghèo, các cô gái ở độ tuổi 15-16, dở dang học hành, không thạo việc đồng áng, hành trang là một vali với vài bộ quần áo lên đường đến thành phố.

Phóng to

Các cô gái từ quê lên phố ngơ ngác giữa đông đúc, hỗn độn. Họ thường trực âu lo nhưng quyết tâm kiếm việc thì cao độ. Hoặc là người đi trước mách nước cho người chân ướt chân ráo, hoặc tự thân lăn lộn. Thường là với một cái chứng minh nhân dân đi mượn (để hợp thức trình độ tốt nghiệp trung học), nên mỗi một cô gái trước khi vào công xưởng phải quên đi họ và tên thật của mình. Một đời sống công xưởng với cái tên mới mà chính họ, trước đó vài ngày cũng chẳng bao giờ nghĩ tới, được bắt đầu.

Leslie T. Chang, phóng viên của tờ Wall Street Journal là một người Mỹ gốc Trung Quốc. Cô tốt nghiệp Đại học Harvard chuyên ngành lịch sử và văn học Mỹ năm 1991. “Sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, tôi chuyển đến Prague, Tiệp Khắc cũ. Tổng cộng tôi đã sống ở nước ngoài mười lăm năm, một hai năm về thăm gia đình một lần, giống như những người di trú ở đây...”.

Đó là những dòng mà Leslie T. Chang viết về bản thân mình. Có lẽ từ thẳm sâu, tác giả cũng nhìn nhận thân phận mình như những người di trú Trung Quốc khác. Mà quả thật vậy, ông nội cô đến Mỹ du học từ năm 1920 sau đó trở về, nhưng cha mẹ cô rời Trung Quốc đến Đài Loan năm 1948 sau đó đến Mỹ, không bao giờ trở về quê hương nữa.

Luôn có ý thức cưỡng lại sức hút của Trung Quốc, nhưng nhờ khả năng tiếng Anh (và “mới đầu, sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với tôi khá thực dụng) mà Leslie T. Chang được tờ Wall Street Journal nhận làm phóng viên thường trú tại Hong Kong từ năm 1993. Mười mấy năm sống, di chuyển giữa Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chính là quãng thời gian để Leslie T. Chang tìm lại quá khứ của mình và viết nên cuốn sách phi hư cấu, ngồn ngộn chất liệu sống, mô tả đời sống thị dân Trung Quốc đầy ám ảnh.

Giữa lòng nước Trung Quốc hiện đại, các cô gái nhỏ bé nói gì? “Ở nhà chẳng có việc gì để làm cả, vì vậy tôi ra đi”, đó là câu nói của hầu như tất cả cô gái khi được hỏi lý do ra đi. Rất đơn giản. Nhưng để sống, làm việc, kiếm tiền trong các công xưởng lại không đơn giản chút nào.

Hãy thử đọc một trang nhật ký của cô gái tên Xuân Minh làm việc trong một công xưởng sản xuất đồ chơi tại Đông Quản: “Thỉnh thoảng mình có cảm giác mình đã tê liệt cảm giác. “Tê liệt cảm giác”. Tê liệt cảm giác. Không! Không! Mình thực sự không biết nên dùng từ ngữ nào để diễn tả cái đứa mình bây giờ nữa. Dù sao chăng nữa mình rất mệt, rất mệt. Thực sự, thực sự đấy, mình thấy mệt lắm. Thân thể và tinh thần mình đều rất mệt. Quá mệt, quá mệt”...

Quá mệt. Tưởng chừng không thể nào sống nổi tới ngày mai. Nhưng ngày mai vẫn thức dậy đi làm. Từ sáng sớm đến 9 giờ tối. Quá mệt. Chính vì quá mệt mà đời sống công xưởng tạo cho các công nhân một tâm lý phổ quát, được gọi là kuangli (cuồng ly), dịch nôm na là “muốn nghỉ việc đến phát cuồng lên”.

Thế là nghỉ việc. Thế là thất nghiệp. Thế là đi tìm chỗ làm mới. Để rồi lại rơi vào tình trạng... quá mệt. Cái vòng luẩn quẩn lặp lại. Dẫu biết không có nơi nào khả dĩ tốt hơn, nhưng các cô gái công xưởng vẫn cứ bỏ việc liên tục. Một đời sống trôi dạt, lặng lẽ, chìm khuất giữa lòng các thành phố phồn hoa, sôi động.

Hơn 500 trang sách, tưởng chừng quá nhiều để mô tả đời sống công nhân nữ. Nhưng đọc xong cảm giác tiếc nuối còn đầy, giá như có thể đi theo họ thêm một quãng đường, chia sớt một câu tâm tình, chờ đợi một kết cục tốt đẹp. Và câu hỏi đến bao giờ họ trở lại quê nhà lại cứ vang lên, nhưng không thể trả lời.

__________

(*): Gái công xưởng - tiếng nói từ giữa lòng nước Trung Quốc hiện đại (nguyên bản tiếng Anh Factory girls - voices from the heart of modern China). Tác giả: Leslie T. Chang; Lục Hương dịch; Nhã Nam & NXB Lao Động 2011).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận