Phan Thành Nam và những con đường “sau đại học”

TRẦN NAM DŨNG 18/05/2020 18:05 GMT+7

TTCT - Làng toán học Việt Nam mới đây đón nhận tin vui khi giáo sư Phan Thành Nam - nhà toán học 35 tuổi hiện đang giảng dạy ở Viện Toán, Đại học Ludwig Maximilian (Munich, Đức) - được Hội Toán học châu Âu trao giải thưởng EMS.

Phan Thành Nam khi vừa sang ĐH Orléans (Pháp) - cột mốc đầu tiên trên con đường nghiên cứu ở nước ngoài của anh.
Phan Thành Nam khi vừa sang ĐH Orléans (Pháp) - cột mốc đầu tiên trên con đường nghiên cứu ở nước ngoài của anh.

TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa toán - tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, nơi Phan Thành Nam theo học bậc đại học, gửi đến báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần bài viết chia sẻ sâu hơn về câu chuyện của nhà toán học trẻ tuổi quê Phú Yên.

Đây là một tin rất vui dành cho giới toán học VN, vì EMS là một giải thưởng danh giá chỉ trao cho những nhà toán học đang làm việc ở châu Âu. Cứ mỗi 4 năm, kể từ năm 1992, vào đúng dịp tổ chức Đại hội toán học châu Âu (ECM), giải thưởng này được trao một lần, với 10 nhà toán học trẻ (dưới 35 tuổi) được chọn nhờ những công trình và đóng góp tiêu biểu.

Tất nhiên, trong giới toán học thì Abel là giải thưởng cao quý nhất, dành cho những thành tựu để đời. Giải thưởng EMS, theo một hướng khác, là giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ tuổi, đang ở thời kỳ sung sức.

Theo tôi được biết thì giáo sư Phan Thành Nam là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải EMS. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của giới toán học dành cho vị giáo sư trẻ tuổi. Và một con đường rất dài, rất triển vọng sẽ chờ đợi Nam trước mắt.

Điều tôi muốn nói nhất lúc này là những tác động tích cực và đóng góp mà Thành Nam mang đến cho làng toán học Việt. Trước tiên hãy nói về con đường thành tài của Nam. Em là cựu học sinh Trường THPT Lương Văn Chánh ở Phú Yên. 

Người Việt đầu tiên nhận giải

Lĩnh vực nghiên cứu của GS Phan Thành Nam là giải tích và vật lý toán, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết phổ, giải tích hàm, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng. Tính từ năm 2008 đến nay, GS Nam đã có 50 bài báo khoa học.

Tên tuổi của GS Nam bắt đầu nổi lên trong cộng đồng toán thế giới từ năm 2018, khi anh là một trong ba nhà toán học trẻ được trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ về vật lý toán’’ của Hội Vật lý thuần túy và ứng dụng quốc tế (IUPAP) trong Đại hội Vật lý toán quốc tế (ICMP) tổ chức ở Montreal, Canada.

Từ thời cấp III, Nam cùng em trai mình, Phan Thành Việt (cũng là một học sinh chuyên toán), đã rất nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu toán trẻ tuổi ở VN. Cả hai anh em sớm thể hiện khả năng nghiên cứu, viết lách khoa học, có rất nhiều bài nghiên cứu (ở mức độ toán sơ cấp) được lưu truyền trên các diễn đàn toán học.

Sau này, Nam và Việt đều vào ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Nam theo học hướng giải tích, sau đó lấy bằng thạc sĩ ở ĐH Orleans, Pháp và tiến sĩ ở ĐH Copenhagen, Đan Mạch. Tôi nghĩ Nam là một trường hợp điển hình mà các bạn yêu toán trẻ tuổi có thể định hướng theo sau này. Như mọi người đều biết, đi du học khi nào là một thắc mắc thường thấy với nhiều phụ huynh, sinh viên, học sinh.

Nhiều người quan niệm phải đi du học sớm mới tốt, mới đạt được thành tựu. Nhưng những người như Phan Thành Nam, và một số nhà toán học trẻ khác như Trần Vĩnh Hưng, Nguyễn Tiến Khải, Trần Anh Hoàng, Nguyễn Mạnh Tiến… cho thấy có nhiều con đường đi du học, cụ thể là đi sau đại học.

Con đường nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải đi du học từ sớm, và thật ra đi sau đại học cũng có những lợi thế nhất định. Để xin học bổng sau đại học, ngoài các yêu cầu chung, sinh viên cần hai yếu tố - thư giới thiệu có trọng lượng từ các giáo sư có uy tín và các bài báo của chính mình.

Con đường sau đại học càng giúp họ thuận tiện có những yếu tố đó, có thể chứng minh được thực tài của mình. Phan Thành Nam là minh chứng, là tấm gương cho các sinh viên, học sinh giàu đam mê hướng theo. Họ có thể không có điều kiện, và cũng không có nhu cầu phải đi du học từ sớm, nhưng vẫn có thể gặt hái thành tựu lớn từ con đường sau đại học.

Với cá nhân Nam, điều tôi thích nhất ở em là sự gần gũi và nhiệt tình với thế hệ đàn em. Các nhà khoa học càng giỏi thì đôi lúc càng lập dị, khó gần, nhưng Nam thì không. Như tôi đã nói, từ bé Nam đã thể hiện sự năng nổ, muốn đóng góp nhiều cho cộng đồng toán học. Sau này khi đã ra nước ngoài Nam vẫn vậy.

GS Phan Thành Nam 

 Anh giáo sư, em tiến sĩ

Anh trai tài hoa, em trai cũng không kém. Năm nay mới 31 tuổi, TS Phan Thành Việt cũng là một nhân vật có tiếng trong giới toán học VN. Con đường trong những năm đầu đời của TS Việt rất giống anh trai mình, cũng đam mê giải toán từ nhỏ, rồi vào ĐH Khoa học tự nhiên, được chọn sang theo học chương trình thạc sĩ của ĐH Orleans. Đến năm 2015, cậu con trai thứ hai của ông Bình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Nhưng rồi đó cũng là thời điểm Việt chọn con đường rẽ ngoặt so với anh, trở về VN.

Ông Bình kể, một phần lý do Việt trở về quê là bởi từ gia đình. “Bởi nhà chỉ có hai cậu con trai, mà cả hai đều ở nước ngoài hết thì vợ chồng chúng tôi buồn lắm. Không nỡ để ba mẹ già thui thủi nên Việt quyết định trở về”.

Hiện TS Phan Thành Việt đang là giảng viên của ĐH Tôn Đức Thắng. Điều thú vị là anh lại được cộng đồng mạng biết đến nhiều hơn bởi nickname “Vịt ú cờ tướng” - một kênh YouTube có hơn 250.000 người đăng ký chuyên tuyển tập và bình luận những ván cờ tướng nổi tiếng.

Ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, hơn 10 năm nay đã có chương trình “Gặp gỡ mùa hè” thường niên do các cựu sinh viên phối hợp với ban chủ nhiệm Khoa toán - tin học tổ chức, kéo dài khoảng một tuần mỗi năm.

Đây là chương trình hoàn toàn mang tính khoa học, những người có kinh nghiệm sẽ truyền đạt, mang đến các bài giảng, bài báo cáo mang tính dẫn dắt, định hướng cho thế hệ sau. Năm nào có điều kiện là Nam nhiệt tình tham dự. Nam cũng thường xuyên trao đổi, gửi những thông tin giá trị về cho các thầy ở Khoa toán - tin học.

Hiện Nam đang hướng dẫn hai nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó có bạn Nguyễn Đình Thi, vừa là đồng hương vừa là đồng môn của Nam ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Cậu con trai lớn của tôi, đang học dự bị ĐH, cũng đang được Nam định hướng cho việc học ngành toán ở Đức.

Khi có những nhân tài như Phan Thành Nam, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: “Liệu họ có về không?”. Với riêng ngành toán, tôi nghĩ về cũng tốt. Kể từ khi VN thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, điều kiện làm việc dành cho các nhà toán học VN đã được cải thiện đáng kể.

Trong thời đại bây giờ thì làm việc ở VN vẫn có thể dễ dàng tham gia vào guồng máy toán học quốc tế. Đi làm việc ngắn ngày hoặc dự hội nghị khoa học nước ngoài bây giờ cũng đơn giản rồi. Thật sự là đã có khá nhiều các bạn học toán chọn con đường trở về VN làm việc.

Nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ những người như Phan Thành Nam hay các anh Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn nếu làm việc ở nước ngoài càng có nhiều đóng góp lớn hơn. Vì họ sẽ trở thành cầu nối để giúp những sinh viên xuất sắc của VN được học ở những trường danh tiếng, với các giáo sư danh tiếng. Qua đó được tiếp cận với những xu thế mới nhất trong nghiên cứu toán học. Trong nghiên cứu khoa học thì giao tiếp khoa học đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Phan Thành Nam là đại biểu cho một giai đoạn tươi sáng của làng toán học VN. Có một giai đoạn làng toán của chúng ta hơi đi xuống. Nhưng trong khoảng 15 năm trở lại đây có rất nhiều những nhà toán học trẻ như Phan Thành Nam đi nước ngoài và gặt hái được thành tựu.

Ngoài Phan Thành Nam còn có thể kể ra một số tên tuổi đáng chú ý như Lê Quang Nẫm, Trần Vũ Khanh, Phạm Hoàng Hiệp, Nguyễn Hoài Minh, Đoàn Thái Sơn, Trần Vĩnh Hưng, Lê Hùng Việt Bảo.■

(HUY ĐĂNG ghi) 

Nhà toán học đa tài

Đam mê toán từ nhỏ, nhưng GS Phan Thành Nam suýt nữa đã vào lớp... chuyên văn. Ông Phan Thanh Bình, cha của GS Nam, kể: “Tôi vốn là người làm báo nên từ nhỏ cũng rèn cho các cháu việc đọc sách. Cả Nam lẫn Việt đều rất mê sách truyện, đọc các bộ tiểu thuyết lịch sử, kiếm hiệp không sót bộ nào. Đến năm lớp 9 Nam được trường chọn đi thi văn cấp tỉnh và đạt giải nhì.

Toán luôn là niềm đam mê lớn nhất của Nam lẫn Việt, nhưng cả hai cũng có những đam mê khác nữa. Từ nhỏ tôi đã quyết định để các cháu tự do phát triển theo đam mê, ý thích cá nhân. Suốt 12 năm đi học, Nam và Việt không bao giờ bị ép đi học thêm.

Nhưng khi lên cấp III thì cháu quyết định học lớp chuyên toán của Trường THPT Lương Văn Chánh. Lên ĐH cả hai cùng vào khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên, được dẫn dắt bởi những thầy nổi tiếng như thầy Đặng Đức Trọng, thầy Dương Minh Đức...

Sau khi học ĐH xong, Nam may mắn được chọn sang ĐH Orleans (Pháp) học thạc sĩ, một cơ duyên đến từ giáo sư Alain Phạm Ngọc Định, con trai của bác sĩ nổi tiếng Phạm Ngọc Thạch. Chính giáo sư Định đã dìu dắt Nam trong giai đoạn quan trọng này.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Nam cũng nhận được nhiều học bổng học tiến sĩ từ các nước khác nhau, nhưng Nam chọn đến Đan Mạch để học ngành toán lượng tử yêu thích, đó cũng là ngành còn rất mới mẻ ở VN”.

 (HUY ĐĂNG)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận