Phát triển nam Sài Gòn: Giấc mơ còn dang dở

HỒNG PHÚC 25/09/2014 03:09 GMT+7

TTCT - 66 tuổi, ông Phan Chánh Dưỡng vẫn thỉnh thoảng dừng xe trước cổng Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) vào lúc tan tầm. Ông ngắm dòng công nhân tan ca rẽ về hai ngả đường, lòng hạnh phúc.

Dù vẫn còn một số tranh luận về hệ quả khi phát triển, nhưng rõ ràng hình hài hiện nay cho thấy một khu đô thị hiện đại - Ảnh: An Nguyen
Dù vẫn còn một số tranh luận về hệ quả khi phát triển, nhưng rõ ràng hình hài hiện nay cho thấy một khu đô thị hiện đại - Ảnh: An Nguyen

Cách đây 20 năm ông cũng đứng đó, 5-10 phút mới có một chiếc xe qua. Bây giờ, dòng người ra vào khu chế xuất như một dòng nước chảy miệt mài hằng ngày. Ông mỉm cười khi nhớ câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai…”, nay Nhà Bè hết sình lầy, thành vùng đất người chảy chia hai.

Ở chỗ “người chảy chia hai” này, ngã ba trước Khu chế xuất Tân Thuận, hơn 20 năm trước, khi đô thị Nam Sài Gòn chưa hình thành, ông đã phải tháo giày treo lên vai, lội sình đi vào trong khu đất để thăm nhà thờ Tắc Rỗi.

“Đánh thức” sình lầy

Đó là năm 1989, sau khi đất nước vừa mở cửa, có Luật đầu tư. TP.HCM khuyến khích những sáng kiến thu hút đầu tư. Đề án đô thị Nam Sài Gòn được đề xuất và thực hiện bởi nhiều người, trong đó có các lãnh đạo đầu tiên của Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), gồm những người như ông Phan Chánh Dưỡng, ông Phan Hồng Quân…

Khu chế xuất Tân Thuận được khởi động với nhiều ý kiến phản đối. Lời ra tiếng vào rất ong tai. Các chuyên gia lo lắng nguy cơ lãng phí vốn.

Nhiều người thắc mắc: Đất Nhà Bè thả con trâu xuống còn chìm thì thả nhà máy xuống sẽ đi đâu? Đổ bao nhiêu tiền xuống vùng sình lầy cho đủ, đổ vào có ai đến sinh sống? 

Những người làm dự án đã nghiên cứu kỹ, biết bao đô thị lớn đã xây trên đất mềm như khu Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc), Leningrad (Nga), New York (Mỹ)... Giá thành đầu tư tất nhiên cao nhưng đổi lại giá trị kinh tế và sản lượng sẽ cao. Nếu không dám làm, ngàn năm vẫn sình lầy như thế. Đất mềm không phải là cản trở mà tư duy con người mới là cản trở.

Các kỹ sư nghiên cứu trên đất này, lút bùn phân bổ từ 22-37m sâu, thậm chí có những nơi hố bùn sâu lên tới 60m mới tới lớp đất cứng. Ngay cả đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi (quận 1) đều từng là sông và đất trên đất bùn, tại sao người Pháp vẫn xây lên khu hành chính trung tâm thành phố?

Tất cả tòa nhà ở Nam Sài Gòn cũng vậy, nếu đóng cọc bêtông 40m sẽ có thể xây dựng bình thường.

Dự án khu đô thị Nam Sài Gòn đã được dựng quy hoạch tổng thể với 21 phân khu hình thành nên bộ mặt đô thị hiện đại, Phú Mỹ Hưng chỉ là một khu đô thị liên doanh với nước ngoài trên diện tích 600ha, chia thành năm cụm, còn lại 19 phân khu khác (hiện chưa hoàn chỉnh) gồm các phân khu chế biến hàng xuất khẩu, công nghệ cao, trung tâm hàng hóa, khu đại học, bệnh viện, khu thể dục thể thao, cung cấp hàng cho ĐBSCL, có cả khu phim trường… 

Đô thị trên được quy hoạch tổng thể có dáng dấp một con rồng, nay mới chỉ hình thành cái đầu nên chưa thể bay lên.

Vươn ra biển, và nỗi trăn trở 

Tiền, sức người, những trăn trở đổ vào Nam Sài Gòn có mất đi không? Câu trả lời ngày nay đã rõ. Vùng đất nghèo hoang dã như phần thừa ra của “Hòn ngọc Viễn Đông” nay đã trở thành đô thị mới, Phú Mỹ Hưng nói riêng và đô thị Nam Sài Gòn nói chung trở thành một thành phố đẹp và như đầu rồng hướng TP.HCM vươn ra biển Đông.

Cạnh Phú Mỹ Hưng, với hệ thống các chung cư, biệt thự, nhà ở, bệnh viện, trường học hiện đại còn có hệ thống cảng Hiệp Phước hiện đại. Khu chế xuất Tân Thuận hiện thu hút 170 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD và đã được lấp đầy 84% diện tích.

164 công ty được cấp giấy phép đầu tư tại đây, 63% xí nghiệp tại khu chế xuất đã tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất (năm 2013), là tỉ lệ cao chưa từng thấy ở các khu công nghiệp khác và là khu chế xuất đầu tiên và thành công nhất của Việt Nam. 

Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, các khu dân cư, các khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu và cảng SPCT (tại Khu công nghiệp Hiệp Phước)… và những dự án chuẩn bị được xây lên đem lại linh hồn mới cho một vùng đất Sài Gòn xưa mà trong tiềm thức của nhiều người chỉ có sình lầy, dừa nước, bần, đước và muỗi, rắn.

Qua 25 năm trở mình, dừa nước đã đứng dậy hóa thân thành các tòa nhà cao tầng xinh đẹp, soi bóng xuống dòng kênh an yên, bình lặng. Gió biển mát lành quyến rũ người dân đến sinh sống, học tập, vui chơi như một niềm tự hào của TP.HCM.

Sự trưởng thành luôn có những vết thương. Vẫn còn nhiều trăn trở trong lòng những người đã và đang gắn bó với Nam Sài Gòn. Có những vết sẹo trong lòng đô thị mới này. Đó là sự phát triển lộn xộn ở nhiều khu vực.

Việc phá vỡ quy hoạch tổng thể, phân chia và dùng đất không đúng mục đích và không theo quy hoạch tổng thể ban đầu đã xảy ra bởi các nhóm lợi ích nằm ngoài sự quản lý của những người tâm huyết.

Khi đô thị mới hình thành, giá đất tăng vọt, người ta đã xâu xé các khu vực khác và tinh thần của bản quy hoạch gốc đã không được bảo vệ. Bản thân trong sự phát triển đó còn có những người dân bị gạt ra bên lề, gạt ra khỏi cơ hội phát triển đó và chịu thiệt thòi. Chênh lệch cơ hội ngày càng lớn trong việc tích lũy của cải vật chất ở đây. 

Xây dựng một đô thị như vẽ một bức tranh, tiếc là bức tranh Nam Sài Gòn đã bị quá nhiều người thò tay vẽ vào nên sẽ khó thành bức tranh như ban đầu trong hình dung của người kiến trúc sư trưởng. Và nghệ thuật chưa khi nào thừa nhận một bức tranh tập thể đẹp.

Những người gây dựng Nam Sài Gòn đã tính toán các thay đổi có thể xảy đến với quy hoạch tổng thể 21 phân khu nhưng đã không giám sát, quản lý được mọi việc theo đúng kịch bản, đảm bảo sự quy hoạch tính toán nghiêm túc và không sai lệch.

“Mình đã không bảo vệ được quy hoạch và có biết bao lý do để người ta thay đổi quy hoạch tổng thể. Và đến bây giờ, sự khập khiễng chưa được giải quyết. Khi ra khỏi khu Phú Mỹ Hưng người ta thấy một thế giới đối lập, xô bồ hơn. Vấn đề không phải ở tiền mà là có những lợi ích và lòng tham không dẹp hết được” - ông Dưỡng nói.

Giờ đã nghỉ hưu và làm việc cho quỹ từ thiện, ông Dưỡng nghiệm ra rằng: trong đời có nhiều điều thích và được làm, cũng nhiều khi phải làm những điều không thích, nhưng hãy khoan phán xét mà mở lòng trải nghiệm.

Phú Mỹ Hưng nói riêng hay Nam Sài Gòn nói chung là những đô thị điển hình của Việt Nam đang trong dòng chảy thay đổi và phát triển. Đó là bằng chứng cho thấy với một dân tộc dù đã qua nhiều vết thương lòng nhưng đừng bao giờ không dám ước mơ.

Còn biết bao cơ hội tương tự để thay đổi các vùng đất còn nhiều vất vả của Việt Nam, ngoài Nam Sài Gòn. Bài học đó liệu có ai học và sẽ thuộc?

Ông Nguyễn Hoài Nam (phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM):

Có chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu

Đến nay, khu đô thị Nam Sài Gòn cơ bản vẫn giữ nguyên ý tưởng về phát triển đô thị của đề án được chọn từ cuộc thi thiết kế ý tưởng của khu đô thị Nam Sài Gòn cách đây gần 20 năm (năm 1995).

Về chức năng đô thị cơ bản vẫn không thay đổi là phát triển TP về phía nam, giữ gìn hệ thống kênh rạch, phát triển mô hình ở hiện đại mang nét đặc thù của đồng bằng Nam bộ. Các phân khu chức năng của đô thị Nam Sài Gòn về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện vẫn giữ nguyên vóc dáng, ý đồ ban đầu của ý tưởng thiết kế đô thị và hiện là một khu đô thị kiểu mẫu, được thế giới công nhận. Đến nay, tôi khẳng định đô thị Nam Sài Gòn không có nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch. 

Thay đổi lớn nhất của khu vực Nam Sài Gòn là bỏ quy hoạch sân golf rộng 250ha ở bên cạnh, thay vào đó là một đô thị sinh thái ưu tiên phát triển công viên, cây xanh và các công trình phúc lợi khác phục vụ người dân.

Ngoài ra, những khu chức năng khác của Nam Sài Gòn chỉ thay đổi một số chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể: chỉ tiêu của một số khu chức năng dọc theo trục đường Nguyễn Văn Linh được điều chỉnh để tạo những công trình có khối tích lớn hai bên đường, tương xứng với chiều rộng của con đường này.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng bổ sung một số chức năng cần thiết cho quá trình phát triển đô thị. Cụ thể như đưa Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào khu đô thị đại học Hưng Long thay thế vị trí một khu nhà ở thấp tầng trước đây, hoặc bổ sung bến kỹ thuật của hệ thống xe buýt nhanh của TP trong khu Nam.

Đại học Thể dục thể thao ban đầu được bố trí trong khu đô thị đại học Hưng Long nhưng sau đó đã chuyển đi nơi khác. 

Hiện tại, UBND TP đang phát triển đề án khu kinh tế đặc biệt phía nam gồm quận 7 - Nhà Bè - Bình Chánh - Cần Giờ. Vì vậy, việc xem xét điều chỉnh các chức năng của khu Nam Sài Gòn cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mới của TP là cần thiết.

Tuy nhiên, tất cả thay đổi trên đều nhằm làm cho đô thị tốt hơn, phù hợp hơn với hiện tại chứ không đi lệch ý tưởng ban đầu hoặc làm mất đi nét đặc trưng riêng của khu Nam Sài Gòn. 

Trong quá trình phê duyệt thiết kế của từng công trình cụ thể, cơ quan chức năng đã điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, điều mà 20 năm trước chưa từng đặt ra cho các nhà quản lý và quy hoạch. Cụ thể như sẽ mở rộng diện tích các hồ chứa nước, khơi thông dòng chảy, tạo luồng khí chuyển động trong đô thị...

Những yếu tố về biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến cấu trúc của đô thị trong tương lai, chứ không làm phá vỡ quy hoạch đô thị ban đầu. 

D.N.HÀ ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận