Phẫu thuật não khi người bệnh tỉnh táo

HIẾU TRUNG 03/03/2016 17:03 GMT+7

TTCT - Bệnh nhân bị ung thư não được phẫu thuật khi trò chuyện với bác sĩ. Những đột phá mới ở lĩnh vực phẫu thuật não khi người bệnh tỉnh táo đã mở ra một chân trời mới trong ngành y tế.

Một ca phẫu thuật não
Một ca phẫu thuật não


“Britanny, hãy đọc tên các ngày trong tuần đi”. “Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật”. “Cỏ màu gì?” “Màu xanh”. “Bầu trời màu gì?”. “Xanh da trời. Bác sĩ vừa mới hỏi tôi mấy câu này mà”...

Bệnh nhân Britanny Capone, 24 tuổi, bực bội khi phải nói đi nói lại những câu quen thuộc. Sự khó chịu của cô thực tế là một dấu hiệu rất tốt. Bởi điều đó có nghĩa là cô hoàn toàn tỉnh táo và giao tiếp một cách bình thường, dù khi đó cô đang nằm trong phòng phẫu thuật tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (New York, Mỹ).

Theo tạp chí Time, Capone đang trải qua cuộc phẫu thuật mở hộp sọ để cắt bỏ một khối u nằm rất gần vùng não kiểm soát tiếng nói và khả năng cảm thụ ngôn ngữ. Khu vực não này được gọi là trung tâm Wernicke, thuộc vỏ não trái.

Một phần hộp sọ của cô được cắt mở ra hoàn toàn. Bất kỳ tổn thương nào ở khu vực này cũng sẽ khiến Capone mất khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ suốt cả cuộc đời. Bệnh nhân chỉ được gây tê cục bộ ở sọ não để không cảm thấy đau đớn khi bác sĩ thực hiện kỹ thuật mở hộp sọ.

Phương pháp hiệu quả

Nhờ Capone tỉnh táo và nói chuyện, bác sĩ phẫu thuật của cô là Philip Gutin có thể xác định được chính xác phạm vi khối u và những vùng quan trọng của não bộ không được phép làm tổn thương. Qua đó bác sĩ Gutin cắt bỏ thành công khối u mà không làm ảnh hưởng đến khả năng nói của bệnh nhân.

Một khi đã định vị được chính xác phạm vi của khối u, bác sĩ Gutin và các đồng nghiệp tăng liều thuốc gây tê và Capone thiếp ngủ đi trong khi các chuyên gia xử lý khối u ở đầu cô.

Trên thực tế, phẫu thuật não khi người bệnh tỉnh táo được thực hiện từ nhiều thập kỷ trước đây đối với các bệnh nhân động kinh. Với cách này, các bác sĩ có thể đảm bảo họ cắt chính xác các mô não gây động kinh.

Trong những năm gần đây, công nghệ vẽ bản đồ não phát triển hoàn thiện, cho phép các bác sĩ dựng trên máy vi tính bản đồ não bệnh nhân rất chính xác. Kể từ đó, nhiều bác sĩ mới cảm thấy thật sự tự tin khi phẫu thuật mở hộp sọ bệnh nhân lúc họ tỉnh táo.

Hiện tại đây là phương pháp chủ đạo để chữa trị nhiều bệnh ung thư não, giống như trường hợp của Capone, hoặc đặc biệt là khối u não có bề ngoài giống não bộ. Loại bệnh này xuất hiện chủ yếu ở người trẻ và hoàn toàn không có cách chữa trị nào khác.

Nếu không phẫu thuật cắt khối u, người bệnh có 50% khả năng thiệt mạng trong vòng năm năm và 80% trong vòng mười năm. Một ca phẫu thuật thành công có thể giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ từ 10-20 năm, thậm chí lâu hơn.

“Cắt khối u não khi bệnh nhân được gây mê hoàn toàn không còn phù hợp nữa. Đó là cách làm sai lầm” - bác sĩ Emery Brown, giáo sư gây mê thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y tế Harvard, khẳng định.

Công nghệ gây mê phát triển đã giúp các chuyên gia dễ dàng kiểm soát việc gây mê cục bộ để thực hiện phẫu thuật mở hộp sọ khi người bệnh tỉnh táo. Trong trường hợp của Capone, nhóm phẫu thuật của bác sĩ Gutin chỉ mất 15 phút để đánh thức cô và chỉ vài phút để đưa cô vào giấc ngủ yên bình.

“Với công nghệ hiện nay, gây mê như vậy giống như tắt mở công tắc đèn vậy. Bệnh nhân có thể được gây mê, chìm vào giấc ngủ trong một phút rồi tỉnh dậy ở phút sau” - bác sĩ Robert Harbaugh, giám đốc Viện Khoa học thần kinh thuộc ĐH Pennsylvania State, cho biết.

Trước đây, nhiều bác sĩ lo ngại nguy cơ gây mê không hiệu quả, bệnh nhân đột ngột tỉnh dậy, cảm nhận rõ sự đau đớn nhưng không thể phản ứng được gì. Tuy nhiên càng ngày kỹ thuật phẫu thuật não khi bệnh nhân tỉnh táo càng trở nên phổ biến.

Kể cả với công nghệ vẽ bản đồ não, thông thường khi phẫu thuật bác sĩ vẫn phải kích thích não bằng thiết bị điện để quan sát phản ứng của người bệnh. Khi một vùng não được kích thích và bệnh nhân phản ứng tiêu cực hoặc mất một số khả năng vận động, ví dụ như nói chuyện, bác sĩ sẽ biết rằng đó là khu vực não quan trọng không được phép làm tổn thương trong quá trình cắt khối u. Trong suốt ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ liên tục trao đổi với bệnh nhân để đánh giá năng lực phản ứng của họ hoặc nghe thông báo về bất cứ cảm giác bất thường nào.

Bác sĩ Henry Marsh -Newyorker
Bác sĩ Henry Marsh -Newyorker

Nhà tiên phong

Bác sĩ Anh Henry Marsh, 66 tuổi, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới ở lĩnh vực phẫu thuật não khi người bệnh tỉnh táo. Ông hiện là cố vấn cấp cao của Bệnh viện St. George ở London. Đồng thời ông cũng phẫu thuật não và giảng dạy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2004, Hãng BBC đã làm bộ phim tài liệu Your life in their hands (Sinh mạng bạn trong tay họ) về các ca phẫu thuật não của ông. Năm 2014, ông xuất bản cuốn tự truyện Do no harm: Stories of life, death and brain surgery (Không làm tổn thương: Những câu chuyện về sự sống, cái chết và phẫu thuật não) gây tiếng vang lớn.

Ngày 30-12-2015, báo New York Times đăng bài phóng sự của nhà văn Na Uy nổi tiếng Karl Ove Knausgaard về hai cuộc phẫu thuật não của bác sĩ Henry Marsh tại Albania. Trước đó, kỹ thuật mở hộp sọ khi người bệnh tỉnh táo chưa từng được thực hiện tại Albania. Tại đây, bác sĩ Henry Marsh cho biết ông đã thực hiện hơn 400 ca phẫu thuật kiểu này.

“Phẫu thuật hoàn toàn không gây đau đớn. Lý do thực hiện kiểu phẫu thuật này là để đảm bảo sự an toàn. Đầu tiên chúng tôi chạm vào não bạn bằng một thiết bị điện nhỏ. Khi chúng tôi chạm vào vùng vận động trên não, bạn sẽ cử động.

Đó là cách chúng tôi biết đâu là vùng vận động. Khi cắt bỏ khối u, chúng tôi sẽ liên tục yêu cầu bạn cử động chân, đầu gối, hông, ngón tay... để xem bạn có thể cử động được không” - bác sĩ Henry Marsh giải thích.

“Sau khi cắt khối u, bạn có thể cảm thấy tê liệt phía trái cơ thể nhưng bạn sẽ bình phục. Nguy cơ bệnh nhân bị liệt không phải là bằng không nhưng rất nhỏ, chỉ chưa đầy 1%. Tôi luôn hi vọng cắt bỏ hoàn toàn khối u trong những cuộc phẫu thuật. Nhưng nếu không được, bệnh nhân phải chụp não trong nhiều năm. Và nếu bệnh nhân nhanh chóng khỏe mạnh trở lại sau phẫu thuật, họ có thể quay lại cuộc sống bình thường chỉ sau năm hoặc sáu tuần” - ông khẳng định.

Nhà văn Karl Ove Knausgaard được trực tiếp quan sát bác sĩ Henry Marsh và các đồng nghiệp mổ não cắt khối u cho bệnh nhân Ilmi Hasanaj, 33 tuổi. “Tôi có thể nhìn thẳng vào bộ não của Hasanaj... Marsh chạm vào bộ não một lần nữa. Lần này Hasanaj giơ tay rất nhanh, như thể nó được kéo lên. Tôi không thể tin vào mắt mình... Tôi hỏi Hasanaj cảm thấy thế nào.

Anh ấy cười yếu ớt và lẩm bẩm bằng tiếng Albania. “Ổn cả”. “Có đau không?”. “Chỉ đau chút xíu ở tai” - nhà văn Karl Ove Knausgaard mô tả.

“Sau khi Marsh nói với Hasanaj rằng cuộc phẫu thuật đã thành công, ông rời phòng mổ. Tôi cúi xuống phía Hasanaj và hỏi anh ấy cảm thấy thế nào. Anh cười và giơ ngón tay cái” - nhà văn Karl Ove Knausgaard viết. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Đài NRP hồi tháng 5-2015, bác sĩ Henry Marsh tiết lộ thậm chí còn hỏi một số bệnh nhân có muốn quan sát bộ não của chính mình không và một số đồng ý.

Mở rộng ứng dụng

Một cuộc phẫu thuật mở hộp sọ, cắt khối u khi bệnh nhân tỉnh táo có chi phí lên tới hơn 115.000 USD tại Mỹ. Ở trường hợp của Capone, sự khó chịu duy nhất của cô chỉ là không được xem khối u của mình.

Cô trở về nhà bốn ngày sau đó và quay lại với công việc sau hai tháng. “Tôi cảm thấy rất tuyệt vời, tưởng như chưa từng có gì xảy ra cả” - Capone khẳng định. Theo trang web y tế www.brain-surgery.com, nhiều bác sĩ hàng đầu cũng đánh giá kỹ thuật phẫu thuật não khi người bệnh tỉnh táo có hiệu quả cao.

Hiện tại giới y học đang mở rộng khả năng ứng dụng kỹ thuật này. Phẫu thuật khi người bệnh tỉnh táo đã bắt đầu được các bác sĩ phẫu thuật đầu và cổ thực hiện để cấy thiết bị nhân tạo thay thế thay thanh quản bị tổn thương. Việc bệnh nhân tỉnh táo và trao đổi được giúp bác sĩ đặt thiết bị chính xác hơn và khôi phục khả năng nói dễ dàng hơn. Các bác sĩ chỉnh hình cũng để bệnh nhân họ tỉnh táo khi phẫu thuật chữa trị cột sống bị tổn thương.

Trong ca phẫu thuật, họ yêu cầu bệnh nhân nhích ngón chân để đảm bảo rằng lưỡi dao mổ không phạm vào các dây thần kinh vận động quan trọng dọc cột sống. Và các bác sĩ phẫu thuật thần kinh cũng đang học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ nghiệp vụ vẽ bản đồ não, truyền đạt lại kinh nghiệm của họ. Do đó, kiến thức về cấu trúc não bộ con người đang trở nên đầy đủ hơn.

Các bác sĩ có thể lựa chọn những phương pháp phẫu thuật khác nhau đối với từng bệnh nhân. Bởi dù não bộ con người có chung cấu trúc, nhưng các thành phần của não có sự khác biệt ở mỗi cá nhân. Với nhà tiên phong Henry Marsh, bộ não con người là quá kỳ lạ, không thể hiểu biết hết được. “Chúng ta không thể hiểu nổi tại sao nhận thức và cảm giác có thể xuất phát từ các hoạt động điện khí và hóa học” - bác sĩ Henry Marsh nhận định.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận