TTCT - Những người cổ võ nhiệt thành cho tiền mã hóa (crypto) có lẽ đã chờ đợi thời khắc này: một cuộc khủng hoảng quy mô lớn khiến các hệ thống tài chính truyền thống không còn là lựa chọn tốt nhất, và đồng tiền kỹ thuật số sẽ trở thành giải pháp thay thế hoàn hảo. Cờ đã đến tay, nhưng tiền mã hóa có phất được không? Ảnh: ShutterstockBáo Washington Post cho rằng một cuộc chiến tiền mã hóa (crypto war) đang diễn ra song song với chiến cuộc ở Ukraine, mà ở đó, cả 2 phe đều có thể sử dụng crypto cho lợi thế của mình. “Tiền mã hóa có thể được huy động để cấp quỹ cho quân đội Ukraine hoặc giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt [liên quan đến hệ thống tài chính ngân hàng quốc tế]” - Tom Robinson, đồng sáng lập Hãng phân tích crypto Elliptic, nhận xét.Gọi cuộc chiến cũng không ngoa, bởi các quốc gia đều không xa lạ gì với tiền mã hóa. Ukraine mới thông qua luật chính thức công nhận crypto hồi tháng 9-2021 và được Hãng phân tích công nghệ blockchain Chainalysis đánh giá là quốc gia cởi mở với crypto nhất châu Âu và thứ 4 toàn cầu; còn Nga là quốc gia khai thác crypto lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Kazakhstan, theo dữ liệu tháng 10-2021 của Đại học Cambridge.“Trái phiếu chiến tranh”Chỉ 2 ngày sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (24-2), tài khoản Twitter chính thức của Chính phủ Ukraine đã loan báo sẽ chấp nhận quyên góp bằng tiền mã hóa. Chỉ sau 1 tuần (4-3), quỹ này đã thu được 50 triệu USD và con số này có thể tăng gấp đôi trong tuần tiếp theo, theo thông báo cũng trên Twitter của Phó thủ tướng Mykhailo Fedorov.Đa số tiền quyên góp là đồng Bitcoin và Ether, ngoài ra còn có Tether, Polkadot (gồm 5,8 triệu USD đến từ nhà sáng lập Gavid Wood) và Solana, Bloomberg dẫn lời Alex Bornyakov - thứ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine - cho biết. Theo Bornyakov, nhiều công ty và nhà sáng lập startup tiền mã hóa đã tham gia đóng góp nhưng “hầu hết tiền ủng hộ là từ người dân các nước”.Bộ Chuyển đổi số Ukraine đã liên hệ khắp nơi để tìm mua quân trang khí tài, bao gồm áo chống đạn, băng cứu thương và thiết bị nhìn đêm nhằm bổ sung cho quân đội. May mắn là 40% các nhà cung cấp từ châu Âu và Mỹ đều chấp nhận tiền mã hóa, số còn lại thì phải chuyển đổi crypto sang EUR hay USD để thanh toán. Tính đến hết tuần qua (6-3), Ukraine đã chi hơn 15 triệu USD trong số tiền mã hóa quyên góp được cho mục đích này.Trong các cuộc chiến tranh lớn, như Thế chiến thứ II, các quốc gia sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các khoản chi tiêu quân sự. NFT (chứng nhận tài sản ảo có thể mua bán được) đã trở thành “trái phiếu chiến tranh” của thế kỷ 21: hàng trăm NFT đã được gửi cho Ukraine như một hình thức ủng hộ, thay vì “chuyển khoản” crypto. Nổi bật nhất là bức tranh số 5364 trong bộ sưu tập NFT nổi tiếng CryptoPunk. Theo tạp chí Time, NFT này năm ngoái được bán với giá 16,2 Ether, tương đương 43.000 USD theo giá trị hiện nay.Sự nhiệt tình của cộng đồng NFT quốc tế khiến Ukraine bối rối vì hình thức “trái phiếu chiến tranh” này quá mới mẻ. Thứ trưởng Bornyakov thừa nhận chưa dùng đến NFT CryptoPunk trong lúc này vì chưa có thời gian tìm hiểu cách chuyển đổi chúng. Tuy nhiên, bộ này cũng lên kế hoạch sẽ thiết kế một bộ sưu tập NFT và chào bán để tiếp tục gây quỹ cho quân đội. Và điều này cũng quá mới mẻ. “Chưa có ai sẵn sàng làm NFT quân sự vì chiến sự mới diễn ra được 9 ngày, họ vẫn đang suy nghĩ xem phải thiết kế thế nào” - ông nói với Bloomberg. Minh họaKhó thành đường tránh cấm vậnKhi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT và đối mặt với các biện pháp cấm vận, phong tỏa tài sản thì câu hỏi đặt ra là crypto có phải là lối thoát giúp Matcơva giảm nhẹ được các thiệt hại do trừng phạt hay không.Từ cuối tháng 2, giao dịch giữa đồng rúp và các đồng crypto đã tăng gấp đôi so với trước khi có chiến sự, theo Đài DW ngày 4-3. Tuy nhiên, mức tăng này không đáng kể. Bloomberg dẫn dữ lệu từ Chainalysis cho biết giao dịch rúp - crypto chỉ đạt tương đương 34,1 triệu USD vào ngày 3-3, không là gì so với kỷ lục 158 triệu USD hồi tháng 5-2021.Theo Bloomberg, dù các lệnh trừng phạt đã có hiệu lực song người dân Nga “không hề vội vàng trao đổi crypto trên các sàn giao dịch lớn”. Lý do: crypto không phải là nơi trú ẩn an toàn cho tài sản như nhiều người vẫn tưởng.Mặc dù các sàn giao dịch lớn như Binance và Coinbase cho biết họ sẽ không đơn phương đóng băng toàn bộ các quỹ do người Nga nắm giữ, vì làm như vậy sẽ trái với các nguyên tắc cơ bản của một hệ thống tài chính dựa trên blockchain, họ vẫn sẽ tuân thủ lệnh cấm vận chẳng hạn khóa các giao dịch liên quan đến cá nhân hay tổ chức bị trừng phạt.Theo Chainalysis, lĩnh vực crypto đã có sẵn công cụ để ngăn các cá nhân né lệnh trừng phạt, và những động thái như vậy đã có tiền lệ. “Ngay khi OFAC [cơ quan thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ] xác định được các ví crypto liên quan đến các cá nhân bị trừng phạt, chúng tôi sẽ phát cảnh báo để khách hàng biết nếu có giao dịch liên quan đến các ví đó” - Caroline Malcolm, giám đốc chính sách quốc tế của Chainalysis, giải thích. Ngoài ra, sàn giao dịch crypto cũng sẽ nhận được thông báo nếu ai đó cố chuyển tiền từ một ví điện tử bị trừng phạt sang sàn đó nhằm chuyển sang tiền mặt.Một yếu tố khác, theo Malcolm: tính công khai của công nghệ blockchain, với “sổ cái” ghi chép từng giao dịch một công khai, ai cũng có thể xem được. Vụ Bộ Tư pháp Mỹ truy dấu và thu hồi thành công số Bitcoin trị giá 3,6 tỉ USD bị cướp từ sàn Bitfinex năm 2016 (TTCT số 7-2022) là bài học còn tươi màu mực rằng thế giới crypto không phải là nơi ẩn thân như người ta vẫn tưởng.Tất cả những điều này lý giải cho nhận định “vỡ mộng” đã nêu ở đầu bài. Sau vụ Bitfinex, cuộc chiến crypto đầu tiên của thế giới tiếp tục chỉ ra những hạn chế của công nghệ từng được kỳ vọng sẽ trở thành vàng kỹ thuật số này.Những hạn chếCrypto có vẻ là một công cụ nhân đạo hữu hiệu khi giúp việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine diễn ra đúng nghĩa xuyên biên giới và nhanh chóng, song hạn chế của nó là không phải ai cũng sẵn đủ điều kiện để cho và nhận tiền mã hóa cũng như cất giữ tài sản bằng crypto. Điều này áp dụng cho cả người dân Ukraine muốn bảo toàn tài sản khi di tản hoặc phòng xa lỡ sau này nền kinh tế sụp đổ, lẫn người Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận.Trang Vox chỉ ra một loạt lý do khiến việc sử dụng crypto giữa một cuộc khủng hoảng là không hề dễ dàng: ta cần có kết nối Internet, thiết bị, kiến thức về crypto (người chưa biết khó có thể học ngay giữa lúc rối ren). Tính thanh khoản của crypto cũng là một vấn đề, khi một số đồng tiền mã hóa ít phổ biến rất khó khớp lệnh vì không có người bán.Một hạn chế khác: giá các đồng tiền mã hóa thường hay biến động. Để trở thành vàng kỹ thuật số, tiền mã hóa phải giữ được giá khi có bất ổn về địa chính trị hoặc kinh tế; đằng này, giá Bitcoin và các đồng crypto khác đã liên tục nhảy múa giữa tình trạng bất định toàn cầu, khó có thể xem là nơi trú ẩn an toàn cho tài sản. “Thử tưởng tượng quý vị mang 1.000 USD ra khỏi Ukraine dưới dạng tiền mã hóa, và đến lúc có thể chuyển ngược về tiền thông thường thì giá crypto đã giảm một nửa, kịch bản này quả là không lý tưởng chút nào” - Vox viết.Nhưng đáng thất vọng nhất là tính phi tập trung, không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương hay chính phủ nào của tiền mã hóa, lại bị thách thức. Các sàn crypto trước mắt không “cấm cửa” toàn bộ người dùng Nga nhưng vẫn sẽ tuân thủ pháp luật liên quan đến các lệnh trừng phạt, tùy theo khu vực tài phán nơi họ đăng ký kinh doanh và hoạt động.Tiền mã hóa đã có phép thử lớn đầu tiên cho những lợi thế vượt trội mà những người cổ vũ nó vẫn luôn tin tưởng. Những câu hỏi lớn như crypto có giúp tránh lệnh trừng phạt, có trở thành “vàng kỹ thuật số” được hay không vẫn chưa thể trả lời ngay. Nhưng chí ít crypto thực sự là một giải pháp thay thế để không phải dính đến các định chế tài chính truyền thống, đúng như kỳ vọng của những người đeo đuổi nó.Trong ngày 8-3, có lúc giá Bitcoin giảm xuống dưới 38.000 USD, chạm mức thấp nhất trong một tuần. Thị trường crypto toàn cầu lao đao vì lo ngại việc giá hàng hóa tăng mạnh do chiến sự có thể có tác động rộng rãi và lâu dài hơn dự báo trước đó, theo Bloomberg. Đồng Ether cũng giảm tới 7%, đạt mức giá thấp nhất kể từ 24-2. Các đồng crypto phổ biến khác như Solano, Cardano và Avalanche đều giảm. Tags: UkraineNgaBitcoinTiền mã hóaCryptoChiến sự
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.