Phía sau sự hào nhoáng

Q.THI 01/06/2014 07:05 GMT+7

TTCT - Cảm giác đầu tiên khi bước vào phòng triển lãm tranh của họa sĩ Trúc-Anh (diễn ra từ ngày 22-5 đến 19-7 tại 65 Đề Thám, quận 1, TP.HCM) là màu sắc ngập tràn trên những bức tranh khổ lớn như Aurevoir Bonjour, Croco Queen, The Cosmos of the Primary...

Chân dung - tranh mực tàu trên giấy

Cũng có nhiều bức tranh khổ nhỏ vẽ bằng mực tàu thể hiện bút pháp tinh tế. Đó là những bức chân dung nhỏ được vẽ theo quyển sách Woo! của nhà nhiếp ảnh người Đức Juergen Teller với một phong cách được “nhận dạng” là xóa mờ ranh giới giữa nhiếp ảnh, thời trang và hội họa. Tuy nhiên, những bức tranh lớn của Trúc-Anh mới thật sự là chủ đạo của triển lãm.

Có ý kiến nhận xét rằng Trúc-Anh là “người tô màu cho sự hỗn độn”. Tuy nhiên, đó mới là vẻ bề ngoài. Ẩn sau sự hào nhoáng về màu sắc ấy của họa sĩ là một tâm thức trống trải, đầy hoài nghi. Ngay cả cái tên của triển lãm - oNiReaKHoWaRiGNoRaLiSMe - cũng dường như không mang ý nghĩa gì, trống rỗng, đầy nghi hoặc.

Thế nên trong những tác phẩm phức tạp nhất của mình, Trúc-Anh thường truyền đạt một cảm giác mất mát, hoang mang và sự ghẻ lạnh từ thực tế. Bên cạnh những màu sắc mượt mà, hiền dịu tưởng chừng rất trong trẻo, đầy thơ ngây của trí tưởng tượng tuổi hoa niên là những hình thù thô kệch, gồ ghề, biến dạng...

Nó được bao bọc bởi những lớp màu sắc hào nhoáng, bắt mắt và lộng lẫy. Những hình hài biến dạng ấy khiến người xem gợi nhớ sự thô bạo, bóng tối, nỗi đau, tiếng thét... tựa như bức tranh Guernica của danh họa Pablo Picasso.

Sinh năm 1983 tại Paris (Pháp), Trúc-Anh từng học tại các trường đào tạo về nghệ thuật ứng dụng như École Boulle (Paris), Haute École d’Art et de Design (Lausanne, Thụy Sĩ) và trường đào tạo nghệ thuật thị giác La Cambre - École Nationale Supérieure des Arts Visuels (Brussels, Bỉ). Trong hoạt động sáng tác của mình, Trúc-Anh trải nghiệm bằng nhiều phương tiện khác nhau như hội họa, nhiếp ảnh, quay phim, điêu khắc, trình diễn...

Croco Queen

Trúc-Anh và tác phẩm Aurevoir Bonjour - Ảnh: Q.Thi

Trưởng thành ở Pháp, rõ ràng Trúc-Anh thuộc thế hệ mà cuộc sống thật đa chiều trong một xã hội hiện đại. Trúc-Anh tâm sự về cuộc sống và sáng tác: “Hội họa là phương tiện trung gian tuyệt vời để nhận thức thế giới này, hơn nữa là sự tìm kiếm và so sánh về lịch sử con người qua rất nhiều thời đại, rất nhiều phong cách. Tôi muốn trở thành họa sĩ vì điều này trước tiên”.

Cùng với sự tìm kiếm và so sánh trong thế giới quan của mình, chàng họa sĩ trẻ nhận ra đằng sau sự hào nhoáng bề ngoài dễ khiến cho con người bị mê hoặc và lạc lối kia vẫn tồn tại những sự biến dạng và những điều bất thường khác. Anh muốn truyền đến người xem một thông điệp về sự hoài nghi cần thiết.

Điều hoài nghi đó ở Trúc-Anh không có nghĩa là đánh mất đi niềm hi vọng. Anh chỉ khuyến khích người xem tạm thời đóng cánh cửa của lý trí để lắng nghe những tiếng gọi sâu xa từ tâm cảm. Bởi sự hoài nghi và biết đặt câu hỏi chính là một phẩm chất cần thiết của con người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận