Phía sau vẻ đẹp

SƠN HÀ 06/06/2012 04:06 GMT+7

TTCT - Phía sau nhiều trào lưu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ là một ví dụ nóng hổi, đều có những nạn nhân rất cụ thể. Thành công hay thất bại sau phẫu thuật thẩm mỹ cũng để lại những dấu vết không hề nhẹ nhàng cả về thể xác và tâm lý.

Còn những góc khuất nào mà bạn nên biết trước khi gõ cửa thẩm mỹ viện?

Nhà tạo mẫu danh tiếng Donatella Versace do liên tiếp căng da mặt và bơm môi nên gương mặt bị biến dạng hoàn toàn - Ảnh: New york Daily News

Nếu nhân viên tư vấn hay bác sĩ cố gắng trấn an bạn rằng “đừng lo, không đau đâu, sẽ rất nhẹ nhàng, chóng vánh, bạn sẽ rất đẹp, mọi thứ đều rất an toàn”, hãy cương quyết nói lời giã từ và bước ra cửa.

Trang Body Health Book dẫn lời một số chuyên gia y tế Mỹ cho biết do hóa chất, cơ thể thay đổi, phản ứng xấu với thuốc gây mê, đau đớn hoặc nhiễm trùng là những tác dụng phụ thường thấy nhất của các ca phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật khiến quá trình phục hồi kéo dài, tác dụng của cuộc phẫu thuật suy giảm.

Một nguy cơ đáng lo ngại là các cuộc phẫu thuật có thể làm tổn thương dây thần kinh người bệnh. Việc bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để giảm đau và giảm sưng có thể dẫn đến nguy cơ dị ứng, tiếp đó có thể bị ho, sốt hoặc nghiêm trọng hơn là nổi mề đay và thậm chí tử vong. Phẫu thuật thẩm mỹ có thể dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng có tên hội chứng sốc độc tố. Tỉ lệ chết do hội chứng sốc độc tố rất cao.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), một nguy cơ lớn của phẫu thuật thẩm mỹ là kết quả của cuộc phẫu thuật không bao giờ đảm bảo 100%. Bác sĩ chỉ có thể dự báo diện mạo của bệnh nhân thay đổi như thế nào sau khi các vết sưng và bầm giảm đi. Thường thì kết quả không như bệnh nhân mong đợi. Chưa kể việc cơ thể có sẹo, mất cảm giác, kết quả không như ý gây ra những tác động tâm lý nguy hiểm như chứng trầm cảm, luôn lo âu, tự cô lập bản thân... Những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tâm lý trên càng đối mặt với nguy cơ trầm trọng.

Ngôi sao truyền hình thực tế Heidi Montag nghiện phẫu thuật thẩm mỹ nặng với gương mặt vô hồn sau phẫu thuật và người đầy sẹo - Ảnh: Celebrityplasticsurgery.tv

APA cho biết việc kết quả phẫu thuật không như ý cũng dẫn tới hội chứng ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ. Ví dụ, một bệnh nhân sau khi căng da mặt có thể thấy làn da của mình giả tạo quá. Người sửa mũi có thể thấy mũi vẫn lệch, người nâng ngực thấy một bên to một bên nhỏ. Họ thường có xu hướng tiếp tục phẫu thuật để giải quyết vấn đề dẫn tới hội chứng ám ảnh, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ Roxanne Guy, chủ tịch Hiệp hội Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ (ASPS), cho biết một nguyên nhân nữa của hội chứng ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ là nhiều người gặp vấn đề trong quan hệ tình cảm, công việc, cuộc sống nên chọn cách làm đẹp trên bàn mổ là “phương thuốc” chữa trị. Do đó cứ hết cuộc phẫu thuật này họ tiếp tục cuộc phẫu thuật khác với hi vọng cải thiện tình hình và đẩy bản thân vào vòng xoáy ám ảnh, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Đương nhiên, càng phẫu thuật nhiều thì các bệnh nhân này càng đối mặt với các nguy cơ kể trên.

Theo tạp chí People, những trường hợp bị ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ khá nhiều. Có thể kể đến cô Heidi Moore, 48 tuổi. Kể từ khi bị cưỡng hiếp năm 16 tuổi, cô tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để chữa lành vết thương tâm lý. Trong sáu năm, cô chi hơn 100.000 USD để phẫu thuật môi, cằm, má, hút mỡ, nâng ngực... bằng tiền vay ngân hàng. Hiện cô phải đi khám tâm lý hằng tuần nhằm chặn cơn nghiện phẫu thuật.

Anh Steve Erhardt (Los Angeles) đã tiêu tốn hơn 250.000 USD cho hơn 30 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ trong vòng 20 năm qua. Anh bắt đầu vòng xoáy đó khi làm việc cho nhà tạo mẫu danh tiếng ở Hollywood José Eber.

“Quanh tôi ai cũng đẹp nên tôi cần phải đẹp - Erhardt tiết lộ anh cũng thường thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ mỗi khi có người thân qua đời - Khi bà ngoại tôi bị tai nạn xe, tôi đi căng da mặt. Lúc mẹ tôi qua đời, tôi nghĩ ngay đến việc nâng má. Tôi không muốn mình trông buồn khổ và già nua”.

Cô Twila Solari, 44 tuổi, ở Temecula (California), là trường hợp điển hình của việc phẫu thuật lần đầu không đạt kết quả. Khi 19 tuổi, cô phẫu thuật cân đối ngực, nhưng kết quả mà cô mô tả là “trông giống như trái bướu”. Trong 25 năm sau đó, Twila liên tục đi phẫu thuật ngực, rồi chuyển sang mắt, nâng mũi, hút mỡ... Tổng chi phí cô bỏ ra lên tới 150.000 USD.

Trên trang Plasticsurgery.about.com, chuyên gia tư vấn Natalie Kia khuyên các bệnh nhân trước khi phẫu thuật thẩm mỹ cần có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý. Thứ nhất, họ cần nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè. Thứ hai, phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ dẫn của bác sĩ. Thứ ba, cần nghỉ ngơi, không vội vàng quay lại làm việc. Thứ tư, cần kiên nhẫn trong quá trình phục hồi. Thứ năm, phải tránh rượu, thuốc lá và ăn uống đủ chất. Và cuối cùng là khi cảm thấy có bất kỳ vấn đề gì, từ thể chất đến tâm lý, đều phải liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Cẩn trọng là vô cùng cần thiết bởi xét cho cùng, dù là vẻ đẹp ngoại hình thì đó cũng là cơ thể (duy nhất) của chính bạn.

__________

Theo TAND TP.HCM, số lượng vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại vì biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ mà tòa thụ lý khá hiếm hoi dù thực tế rất nhiều khách hàng tiền mất tật mang sau phẫu thuật thẩm mỹ bởi bàn tay bác sĩ thiếu kỹ thuật. Gần đây, một số khách hàng có khởi kiện vụ án ra tòa án các quận huyện (do thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ việc thường thuộc tòa án quận huyện, chỉ khi có yếu tố nước ngoài mới do TAND TP.HCM xét xử). Tuy nhiên, sau quá trình hòa giải, hầu hết các bên tự thương lượng với nhau về mức bồi thường nên đã rút đơn kiện.

Bởi phẫu thuật thẩm mỹ là một vấn đề cá nhân tế nhị nên thường ít người đi phẫu thuật thẩm mỹ công khai việc mình từng “dao kéo” để được đẹp hơn, nhất là những người nổi tiếng. Chính vì thế nếu gặp rủi ro, tai biến sau phẫu thuật, đa số khách hàng đều tự âm thầm thương lượng, bắt đền cơ sở phẫu thuật mà ít khi đưa vụ việc đến tòa án, trừ một số trường hợp đặc biệt. Các chủ cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ cũng rất ngại mất khách hàng khi vụ kiện cáo bị thông tin trên dư luận nên cũng cố gắng thương lượng hòa giải với khách hàng, họa hoằn lắm mới có trường hợp để cho tòa án phán quyết.

Theo thẩm phán Bùi Văn Trí - phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM, việc xem xét vấn đề đòi bồi thường thiệt hại do phẫu thuật thẩm mỹ là một vấn đề rất khó. Để có thể đánh giá đầy đủ, cụ thể thiệt hại của khách hàng, tòa án phải trưng cầu giám định của cơ quan y tế (như kết luận của cơ quan y tế rằng biến chứng của bộ phận cơ thể nào đó của khách hàng có nguyên nhân từ việc phẫu thuật, tỉ lệ ảnh hưởng bao nhiêu, chi phí sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết do phẫu thuật thẩm mỹ như thế nào...).

Hợp đồng phẫu thuật thẩm mỹ giữa các cơ sở y tế có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ với khách hàng là một loại hợp đồng dân sự, có thể xem là một dạng của hợp đồng dịch vụ. Chính vì thế, khi có tranh chấp thì tòa án sẽ căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên để xác định bên nào có lỗi trong quá trình thực hiện hợp đồng, lỗi này có phải nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho bên kia hay không.

Nếu trường hợp khách hàng cho rằng cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đã làm không hết trách nhiệm dẫn đến việc khách hàng bị thiệt hại về mặt sức khỏe (như bộ phận nào đó của cơ thể bị mất hoặc giảm sút chức năng), ảnh hưởng về thẩm mỹ (mũi bị lệch, mắt bị cứng, sẹo, cằm lẹm...) thì phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình cụ thể là gì để đề nghị tòa xem xét buộc cơ sở phẫu thuật phải bồi thường.

Theo nhận định của một số thẩm phán chuyên xét xử dân sự của TP.HCM, để bảo vệ mình trước các biến chứng khó lường của việc phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều cơ sở phẫu thuật khi ký hợp đồng với khách hàng đã đưa ra những điều khoản có lợi nhằm loại trừ trách nhiệm của mình trong trường hợp việc làm đẹp không mang lại kết quả mong muốn, gây tổn hại cho sức khỏe, thẩm mỹ của khách hàng.

Trường hợp việc phẫu thuật không đem lại kết quả như ý thì các cơ sở này cũng thường viện vào lý do bệnh nhân không chấp hành quy trình, phác đồ điều trị, sửa chữa khiếm khuyết của bệnh viện nên từ chối bồi thường.

Chính vì thế, lời khuyên cho những người muốn làm đẹp bằng dao kéo là cần phải biết tự bảo vệ mình bằng việc lựa chọn cơ sở có uy tín, đề nghị được kiểm tra toàn diện về tình trạng sức khỏe, phản ứng của cơ thể cũng như xem xét kỹ các điều khoản thỏa thuận trước khi ký tên vào hợp đồng phẫu thuật thẩm mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận