Phim dở, phim hay - đều do vận động

XÊ NHO 22/02/2025 01:35 GMT+7

TTCT - Giải Oscar chẳng phải là bảo chứng cho một phim có đáng xem hay không.

Phim dở, phim hay - đều do vận động - Ảnh 1.

Oscar là giải thưởng điện ảnh danh giá. Vì thế khi nghe phim Emilia Pérez nhận được đến 13 đề cử, kể cả các đề cử quan trọng như phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, nữ chính, nữ phụ xuất sắc nhất, chắc nhiều người nghĩ phim này chắc coi được đây. Số đề cử như thế là nhiều bằng Gone With the Wind, Forrest Gump hay Lord of the Rings.

Nhưng khán giả không nghĩ thế: trên IMDb, bộ phim này có điểm số thấp nhất trong số các phim từng được đề cử tính từ năm 1935: chỉ 5,6/10. Trên Rotten Tomatoes, đánh giá của khán giả ở mức thấp đến kinh ngạc: 17%; trong khi 9 phim được đề cử phim hay nhất còn lại có điểm số từ 75 - 99%.

Emilia Pérez (đạo diễn người Pháp Jacques Audiard) là một phim ca kịch nói tiếng Tây Ban Nha, kể về một trùm băng đảng ma túy người Mexico giả chết rồi phẫu thuật chuyển giới thành đàn bà để thoát khỏi thế giới tội phạm. 

Chừng đó yếu tố cũng đủ giúp ta hiểu vì sao nó nhận đến 13 đề cử. Hollywood ngày càng khoái sự "phải đạo", dàn diễn viên một phim cần có đủ người da đen, người châu Á; các cặp đôi phải có cặp đồng tính. Một phim về chuyển giới, nhân vật chính "cải tà quy chính", đi vận động cho các nạn nhân cuộc chiến ma túy… dĩ nhiên được ưu ái. 

Trong quá khứ từng có những phim được ưu ái như thế và giành giải phim hay nhất như Crash (2004) hay Green Book (2018) nhờ đề cập vấn đề chủng tộc. Đằng sau 13 đề cử Oscar cho Emilia Péraz còn là mãnh lực đồng tiền khi Netflix bỏ ra 12 triệu đô la mua quyền phát hành phim, rồi còn tiêu thêm hàng chục triệu đô la cho các chiến dịch vận động tranh giải. 

The Economist nói thêm đây là lần thứ 10 Netflix vận động tranh giải phim hay nhất kể từ khi Roma trở thành phim đầu tiên của một hãng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến được đề cử vào năm 2019. Cách đây 25 năm, nhà sản xuất Harvey Weinstein đầy tai tiếng đã vận động cật lực để phim Shakespeare in Love giành giải phim hay nhất, hất cẳng phim Saving Private Ryan xứng đáng hơn nhiều.

Emilia Pérez trong mắt báo giới cũng tệ không kém. The Economist cho rằng đối thoại trong phim cứng đơ như thể được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh rồi mới qua tiếng Tây Ban Nha. Người xem Mexico chê nhất là giọng nói của nhân vật chính do Karla Sofía Gascón thủ vai vì cô này sinh ra ở Tây Ban Nha chứ không phải Mexico. 

Giọng nói của ca sĩ Selena Gomez trong vai vợ của Emilia cũng bị chê vì nghe giống giọng robot và đang nói tiếng Tây Ban Nha lại đột ngột chuyển sang nói tiếng Mỹ. Khán giả cũng cho là phim tầm thường hóa cuộc chiến ma túy, tập trung vào số phận một tay trùm mà bỏ qua những nỗi thống khổ các băng đảng ma túy gây ra cho người dân.

Thế nhưng Emilia Pérez vẫn chiếm sóng trên mạng xã hội và báo chí chính thống vì các xì căng đan do diễn viên chính gây ra. Karla Sofía Gascón trở thành diễn viên nữ chuyển giới đầu tiên được đề cử giải Oscar nhưng chưa kịp vui bao nhiêu ngày thì báo chí đã khui ra nhiều đoạn cô này viết trên X, tức mạng Twitter, rất trái ngược với sự "phải đạo" Hollywood mong muốn.

Cô này cho rằng đạo Hồi "đã trở thành một ổ dịch bệnh cho nhân loại cần được chữa trị gấp"; gọi George Floyd, người da đen bị cảnh sát Mỹ đè cổ đến chết, là "kẻ lừa đảo nghiện ma túy"; phê phán các diễn viên đoạt giải Oscar 2021 là nhờ chính sách đa dạng…

Dưới áp lực của Netflix, Gascón xin lỗi và khóa tài khoản X nhưng sau đó vẫn không chịu khuất phục. Đăng bài trên tờ Hollywood Reporter, cô này nói: "Quý vị càng cố gắng đè bẹp tôi, chỉ càng làm tôi thêm mạnh mẽ". Trên đài CNN tiếng Tây Ban Nha, cô cương quyết "sẽ không từ bỏ đề cử Oscar vì không làm gì sai". Netflix, theo The New York Times, đang tìm cách cứu vãn chiến dịch tranh giải dù trước đây tin chắc phim sẽ đoạt nhiều giải lớn.

Phim dở, phim hay - đều do vận động - Ảnh 2.

Ảnh: Netflix

Theo NYT, chiến dịch vận động tranh giải Oscar nay quay sang dùng mạng xã hội để lan truyền các lời đồn nhằm tác động lên phiếu bầu. Ngoài Emilia Pérez, các phim được đề cử khác cũng dính xì căng đan như phim The Brutalist bị mổ xẻ trên mạng xã hội vì đã dùng công cụ AI để khiến giọng nói tiếng Hungary của diễn viên Adrien Brody nghe thật hơn. Phim Anora bị chê vì đã không tuyển dụng một điều phối viên lo chuyện bảo vệ cho các cảnh thân mật trong phim. Năm ngoái phim được đề cử The Holdovers bị cáo buộc đạo văn.

Số phận của Emilia Pérez như thế nào vào ngày trao giải Oscar đầu tháng 3 đến nay vẫn chưa rõ. Có người nói giới cấp tiến Hollywood vẫn sẽ bầu cho Emilia Pérez để đối chọi với chính sách chống "phải đạo" của Tổng thống Trump. Ông này xóa bỏ các phong trào đa dạng hóa, bình đẳng giới trong các cơ quan chính phủ Mỹ, cấm người nam chuyển giới nữ thi đấu thể thao với nữ… 

Thế nhưng như thế là trái ngược với hình ảnh của Karla Sofía Gascón, người được mệnh danh là "Donald Trump của mùa giải Oscar". Netflix đang quay sang vận động cho nữ diễn viên Zoe Saldaña dễ giành giải nữ phụ xuất sắc nhất.

Nhưng ta có thể thống nhất với nhau rằng giải Oscar chẳng phải là bảo chứng cho một phim có đáng xem hay không. Vận động hậu trường của các hãng phim, tính cấp tiến của những người bỏ phiếu ngày càng rõ, càng gây chán nản. Này, liệu có ai còn nhớ đến, ví dụ, bộ phim Everything Everywhere All at Once thắng đến 7 giải năm 2023? 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận