TTCT - "Bệnh dịch xảy ra mà không cùng nhau phòng chống thì diễn biến phức tạp đến khi tất cả đều bệnh. Nếu chỉ ngành y tế chống dịch thì đó là “tay không bắt giặc...” “Bệnh sởi dù quay lại nhưng không bằng những năm chưa có tiêm chủng mở rộng. Điều này chứng tỏ văcxin rất hiệu quả". "Nhưng vì khi bệnh ít đi khiến các bác sĩ trẻ không thấy bệnh, không biết cách điều trị nên bệnh quay lại thì lúng túng, làm trẻ nặng thêm” - bác sĩ Trương Hữu Khanh trao đổi với TTCT khi nói về hiện trạng các bệnh như sởi, tay chân miệng đang tăng mạnh và nguy cơ bệnh chồng bệnh.Gần đây, dịch tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết đồng loạt gia tăng tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam. BV Nhi Đồng 1 TP.HCM những ngày qua cũng tràn ngập bệnh nhi. Là người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp điều trị, theo dõi diễn biến các bệnh trên ở trẻ, theo bác sĩ, sự gia tăng này nguyên nhân từ đâu?- Bệnh dịch là bệnh có tác nhân vi sinh gây bệnh, có tính lây lan, thường xuất hiện hàng loạt nên rất nhạy cảm, được thông tin và bàn tới nhiều khi có dịch. Năm nào cũng vậy, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cũng được nhắc, được bàn, thỉnh thoảng có thêm cúm, sởi, lẻ tẻ thì có ho gà, bạch hầu.Bệnh dịch có đều đều và tăng theo đợt có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân dân số tăng (một năm VN đón thêm chừng 1,6 triệu trẻ em), các trẻ em này lớn lên, tiếp xúc với môi trường, càng lớn càng tiếp xúc nhiều thì càng dễ mắc bệnh.Mỗi bệnh đều có cách lây riêng, truyền thông đã phổ biến rất nhiều, ai cũng biết, ai cũng có thể ngừa nhưng do chúng ta không làm thường xuyên, người làm người không, năm này làm, đợt bệnh này làm thì tránh được, nhưng sang năm, đợt sau không làm thì lại mắc.Việc phòng bệnh chỉ cho bản thân sẽ không đủ, nó đòi hỏi những người xung quanh phải cùng làm, trẻ rửa tay nhưng người lớn không rửa tay thì... cũng như không.Một trẻ bệnh cần cách ly, nhưng vài người không thể cách ly vì không ai chăm trẻ thì nguồn lây vẫn đi vào nhà trẻ. Một nhà diệt muỗi nhưng hàng xóm không làm, nhiều khu quanh nhà không thể diệt muỗi thì vẫn bị sốt xuất huyết.Những bệnh có văcxin như sởi khi đã chích ngừa tốt thì bệnh giảm trông thấy, nhưng khi giảm trông thấy thì lại gây ra lơ là, quên chích, cho rằng chích ngừa không quan trọng. Một số người còn bài bác văcxin, nên bệnh đương nhiên quay lại. Bệnh đã có văcxin, muốn thanh toán dứt điểm thì độ phủ tiêm chủng phải tốt, lịch chích phải hợp lý và cả hai điều này phải duy trì thường xuyên mới đạt yêu cầu, chỉ cần không đạt một tiêu chí thì bệnh sẽ quay lại.Các yếu tố biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng ảnh hưởng đến dịch bệnh. Biến đổi khí hậu có thể làm muỗi bay xa hơn, mưa nhiều thì lăng quăng phát sinh dễ hơn. Đô thị hóa nửa vời thì lăng quăng trốn ở nơi không thể tiêu diệt được. Công nghiệp hóa thì phát sinh khu công nghiệp, khu nhà trọ, nơi mà mầm mống, tác nhân vi sinh gây bệnh dịch khó kiểm soát nhất. Cha mẹ ban ngày ở nhà máy, tối nhà trọ, nhiều người không biết gì về chuyện đưa con đi chích ngừa, không có thời gian hoặc con chích ngừa đủ chưa cũng không nhớ.Hành lang, lối ra vào thang máy... tất cả chỗ trống trong Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đều được phụ huynh tận dụng trải chiếu cho bệnh nhi nằm. Ảnh: Duyên PhanĐể phòng bệnh sởi, hơn 20 năm trước trẻ chỉ cần tiêm 1 mũi văcxin sởi lúc trước 9 tháng tuổi, về sau mới phải tiêm mũi 2 lúc 18 tháng tuổi. Như vậy, trong cộng đồng có 3 nhóm: người trưởng thành chỉ tiêm 1 mũi, có người tiêm 2 mũi và có những trẻ không tiêm. Có trẻ trước 9 tháng tuổi mắc sởi, có trẻ đã tiêm cũng mắc sởi, người lớn cũng mắc sởi. Dịch sởi bùng phát vì sao?- Bệnh sởi dù quay lại nhưng cũng không thể bằng những năm chưa có tiêm chủng mở rộng. Điều này chứng tỏ văcxin rất hiệu quả. Hiệu quả của văcxin đã rõ, nhưng khi bệnh ít đi khiến các bác sĩ trẻ không thấy bệnh, không biết cách điều trị nên bệnh quay lại thì lúng túng, làm trẻ bệnh nặng thêm.Khi điều chế được văcxin sởi, các nhà khoa học tưởng một mũi là đủ nhưng không đơn giản vậy. Khả năng tạo miễn dịch và độ bền của miễn dịch khi tiêm văcxin sởi phụ thuộc cơ địa của trẻ, phụ thuộc mũi đầu chích lúc mấy tháng, có chích mũi 2 không, khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 hợp lý không. Chích sớm thì miễn dịch kém, chích trễ thì trẻ bị trước khi chích, chích mũi 2 cách xa mũi 1 thì bị trước khi nhắc mũi 2.Người lớn chích sai nhưng lúc nhỏ không bị là nhờ xung quanh ít người bệnh; phụ nữ chích sai lúc nhỏ không bị bệnh, nhưng lượng kháng thể bảo vệ truyền trong bào thai không có bao nhiêu nên khi xung quanh có người bệnh, trẻ dưới 9 tháng cũng bị, người lớn cũng bị và người lớn lây lung tung, lây sang con nít luôn. Chích sót cứ một năm thêm một ít, nhiều năm tích lũy thì số người không có miễn dịch hay miễn dịch kém ngày càng nhiều, lúc nào đó gom lại đủ đông thì bệnh bùng lại.Trong hai tháng qua, số trẻ mắc tay chân miệng tại TP.HCM tăng đột biến, đặc biệt số ca mắc tay chân miệng do Enterovirus 71 (EV71) chiếm tỉ lệ khá cao, đây là loại lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, dễ bị các biến chứng nguy hiểm và tử vong nhanh. Vì sao EV71 bùng phát năm 2011 nay quay lại? Đó là theo chu kỳ dịch hay liệu có sự biến đổi chủng virút gây bệnh?- Vi rút gây bệnh tay chân miệng có 2 loại chính là Coxsackie A16 và Enterovirus 71, tính lây lan mạnh nên gây ra nhiều ca hàng loạt. Ngoài ra, còn nhiều loại Coxsackie khác cũng gây bệnh tay chân miệng nhưng chỉ là lẻ tẻ.Enterovirus 71 và Coxsackie A16 có đặc tính giống nhau là gây bệnh hàng loạt, nhưng Enterovirus 71 làm trẻ mắc tay chân miệng bị biến chứng nhiều hơn so với Coxsackie A16. Điều này cho phép dự đoán nhiều trẻ bị tay chân miệng nhưng rất ít bệnh nặng thì tác nhân là Coxsackie A16, còn bệnh đông và nhiều bệnh nặng thì tác nhân đương nhiên là Enterovirus 71, đoán như vậy cũng không quá sai.Tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ trên 5 tuổi có trẻ bị nặng, có trẻ bị nhẹ nên cha mẹ biết, có trẻ bị rất nhẹ nên không biết nhưng lại có miễn dịch dần và không bị nữa, người lớn cũng vậy, rất hiếm bị tay chân miệng. Năm nay, số ca tay chân miệng nhiều và nặng gần bằng năm 2011 cũng không khó lý giải. Năm 2011 có rất nhiều trẻ bị tay chân miệng do Enterovirus 71, nên vài năm sau khi lớn lên có miễn dịch không bị nữa.Nhưng giai đoạn 2013-2017 số ca tay chân miệng cũng cao nhưng nhẹ nên ít ai bàn, tác nhân những năm này đa số là Coxsackie, chỉ rải rác Enterovirus 71 và type của Enteroviris 71 là b4 và b5. Tầm tháng 8 năm nay, số ca tay chân miệng nặng bắt đầu xuất hiện, đương nhiên là do Enterovirus 71, số ca nhiều dần, xét nghiệm đa số do Enterovirus 71 type C4 nên số ca tăng dần là dễ hiểu.Bởi vì gần như tất cả em bé sinh từ sau năm 2013-2014 thì không thể có miễn dịch với Enterovirus 71, đặc biệt là type C4 nên năm nay tăng vọt và nhiều ca nặng. May mà chúng ta có phác đồ chuẩn nên ít tử vong, ngành y tế cũng vào cuộc phòng chống sớm hơn nhiều so với năm 2011 nên hi vọng bệnh sẽ chững lại và đi xuống.Bé Nhật Quang (1 tuổi, An Giang) bắt đầu có dấu hiệu nổi mụn nước ở tay, chân và miệng nên phải bôi thuốc tím và điều trị tại bệnh Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Duyên Phan Hàng chục năm qua, ngành y tế đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền vận động phòng sốt xuất huyết vì đây là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, văcxin dự phòng nhưng dịch cứ treo lơ lửng và đến hẹn lại lên. Theo bác sĩ, để thực sự tạo chuyển biến phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả hơn thì cần thay đổi gì?- Tôi cho là sự hô hào đã hết hiệu quả rồi, phải làm cụ thể. Giăng băngrôn khẩu hiệu thì nhắc họ nhớ, chứ chưa chắc đã khiến họ hành động.Cách lây của bệnh sốt xuất huyết không thay đổi, chỉ có thể là con muỗi vằn bay xa hơn chút. Nhưng chuyện tích trữ lăng quăng có thể đã khác, đô thị hóa nửa vời, nhiều nhà xây xong bên cạnh khu đất hoang rào chắn “bất khả xâm phạm” thì diệt muỗi, dẹp ổ chứa lăng quăng sao nổi. Các khu nhà trọ chật kín, nước thải không thông... thì trữ lăng quăng sinh muỗi là chuyện đương nhiên. Dọn nơi này nơi khác không dọn thì cũng như không. Bệnh đến hẹn lại lên là phải!Bệnh dịch xảy ra mà không cùng nhau phòng chống thì diễn biến phức tạp đến khi tất cả đều bệnh. Nếu chỉ ngành y tế chống dịch thì đó là “tay không bắt giặc” vì nếu không có chính quyền vào cuộc, người dân thờ ơ không quan tâm thì bệnh lại hoàn bệnh và dịch lại đến.Y tế dự phòng đến khu nhà trọ đề nghị dọn dẹp vệ sinh mà không có người quản lý nhà trọ thì chỉ như “nước đổ đầu vịt”. Ngành y tế đến quanh tường rào, biết bên trong nhiều muỗi và lăng quăng thì cũng chỉ biết lắc đầu và đi về thôi. Và nếu không biết được khu công nghiệp quản lý phòng ngừa bệnh thế nào, ngành y tế chỉ chờ bệnh làm từ trong ra rồi chặn và chặn thụ động."Khi trẻ mắc bệnh, chúng ta dù có khuyên cha mẹ các em đưa con đến cơ sở y tế gần nhà để tránh dồn lên tuyến cao hơn thì cũng phải hiểu niềm tin và sự an tâm của phụ huynh khi đến khám ở tuyến cơ sở mới là yếu tố quan trọng"(BS Trương Hữu Khanh) So với diễn biến dịch bệnh tại một số nước trong khu vực, việc phòng chống dịch của chúng ta cần nghiên cứu, bổ sung những gì? Đâu là những yếu tố thuận lợi và định hướng tập trung cho thời gian tới?- Sự khác nhau chủ yếu là dân số đông, đô thị hóa nửa vời, phát triển công nghiệp và di dân làm chúng ta khó khăn trong chống dịch. Và phải là tất cả cùng làm, nếu chỉ giao cho y tế thì không thể được.Dân mình cũng lạ, nhiều thì hoang mang, ít thì lơ là, chết thì mới sợ. Truyền thông giáo dục cũng lạ: đông thì mới bàn vì bàn lúc đông mới có người đọc, sắp đông thì chưa viết vì lo viết chắc không có người đọc, lúc có bệnh nhân chết mới ồ ạt đưa tin.Nhà quản lý thì lo nếu loan báo là đông lại sợ bị la, nên thường dùng cụm từ “chưa có bằng chứng đông”, “chưa cao hơn cùng kỳ”, thậm chí “cao cũng chưa bằng năm cao nhất”. Nghe từ “chưa” thì dân tiếp tục lơ là.Tất cả điều này đều phải thay đổi, phải có nhạc trưởng tinh anh, đủ lực, lắng nghe, phối hợp được nhiều ngành để cùng hành động.Cảm ơn bác sĩ.■ Tags: Dịch bệnhSởiSốt xuất huyếtTay chân miệngBác sĩ Trương Hữu Khanh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.