Quà biếu trên đường về quê

TS LÊ THANH HẢI 11/02/2016 19:02 GMT+7

TTCT - Nếu trong thập niên đầu của thế kỷ này người ta thường nhắc đến nguồn tiền và quà biếu từ nước ngoài như là nguồn lực giúp phát triển kinh tế, thì nay nguồn vốn xã hội từ các nơi đổ về mới được coi là lực đẩy giúp một nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững.

Lê Bích
Lê Bích


Những ngày cận Tết là thời gian tất bật để những người công nhân ở thành phố lo nghĩ coi năm nay sẽ mang quà gì về quê. Cũng là thời điểm nguồn kiều hối từ nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều nhất.

Những ảnh hưởng âm thầm

Năm 2008, Quỹ Ford và các tổ chức phi chính phủ có liên quan tới người Việt ở Hoa Kỳ từng tổ chức một hội thảo lớn ở Hà Nội để bàn về tầm quan trọng của kiều hối đối với sự thay đổi trong các cộng đồng dân cư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một báo cáo chi tiết đã được nhóm chuyên gia từ nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau thực hiện riêng cho Việt Nam, chỉ ra đường đi quan trọng của nguồn tiền kiều hối với số lượng ngang bằng tiền đầu tư FDI nhưng lại đi trực tiếp vào các dự án phát triển ở địa phương, phù hợp với nhu cầu của từng khu vực cụ thể.

Những năm gần đây, giới chuyên gia nhận thấy thêm một điều: những tác động văn hóa xã hội đi kèm theo nguồn tiền kiều hối là lực đẩy tạo ra thay đổi nhiều nhất.

Chẳng hạn, nghiên cứu của GS người Mỹ gốc Việt Thái Cẩm Hưng về hiện tượng lấy chồng Việt kiều đã sử dụng khái niệm tạm dịch là “kiều hối xã hội” (social remittances) để mô tả các ảnh hưởng rất lớn đi kèm theo lượng tiền kiều hối rất nhỏ.

Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa quê nhà ở Quảng Nam và di dân lao động thời vụ lên vùng Tây nguyên và dọc theo miền đồng bằng, chuyên gia người Úc Ashley Carruthers cùng đồng nghiệp ở Việt Nam là TS Đặng Đình Trung đã phát hiện nhiều cơ chế hoạt động để kiều hối xã hội giúp địa phương phát triển. Dù lượng tiền của lao động thời vụ từ thành phố mang về không nhiều, nhưng ảnh hưởng làm thay đổi mặt bằng văn hóa xã hội địa phương là rất đáng kể.

Vào cuối thập niên 1990, GS người Mỹ Peggy Levitt đã đặt ra khái niệm kiều hối xã hội để nghiên cứu sự ảnh hưởng của các cộng đồng di dân đối với quê nhà. Cách nhìn khoa học này nhanh chóng lan tỏa vì nó là phương tiện tốt để tìm hiểu mối quan hệ phát triển giữa hai xã hội mà di dân là cầu nối.

Trong xã hội toàn cầu như hiện nay, di dân có thể là người di chuyển giữa các nước, nhưng cũng có thể là người di chuyển giữa các vùng miền trong một quốc gia, mà thường là từ nơi kém phát triển đến nơi phát triển hơn. Cơ chế hoạt động của kiều hối xã hội cũng giống như kiều hối, tức là hệ giá trị tương tự tiền bạc được di dân chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Lòng tin ở lại

Về cơ bản, có thể chia kiều hối xã hội thành ba nhóm, hoặc ba lớp giá trị. Sơ đẳng nhất là những định chế xã hội (normative structure) như ý tưởng, hệ giá trị và lòng tin, được dùng để lý giải cho những hoạt động hằng ngày, như tại sao lại chọn đi chợ hay siêu thị, mua loại hàng hóa nào, có thói quen sinh hoạt và vui chơi giải trí ra sao.

Lớp thứ hai là hệ thống của các hành vi trong xã hội, tức là cách mà mỗi cá nhân tham gia vào hoạt động của cộng đồng. Lớp thứ ba là những gì thể hiện khả năng phát triển bền vững của cộng đồng đó, có thể gọi chung là vốn xã hội.

Nếu coi vốn xã hội là những gì cần thiết để phát triển bền vững về kinh tế cho địa phương, thì tất cả những gì mà người ở quê cần, hay là người ở thành phố và nước ngoài cảm thấy sẽ cần, đều có thể được liệt kê vào danh sách quà Tết.

Một tủ sách học đường, một ít đồ chơi mang về từ thành phố sẽ giúp trẻ em ở quê rút ngắn khoảng cách trình độ so với trẻ em thành phố, một khóa dạy tiếng Anh cho đồng hương của một Việt kiều, một chuyến khám bệnh miễn phí của một bác sĩ ở quê nhà... đều là những kênh dẫn để nguồn vốn xã hội ở quê liên tục được vun đắp.

Hoặc một người tin rằng mối quan hệ mua bán là điều then chốt để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, do đó anh ta tự mình đứng ra xây dựng cầu nối trong lĩnh vực chế biến và bao bì, một người về quê mang ra thành phố giới thiệu những sản vật của quê mình...

Ở mức độ của một người lao động bình thường, có khi đơn giản là tranh thủ cơ hội đi lại và gặp mặt để tạo ra mối quan hệ mua bán trực tiếp giữa hai cá nhân cụ thể ở hai nơi là đã quá đủ. Vốn xã hội ở đây nằm ở chỗ lòng tin của một người ở thành phố và một người ở quê vào cá nhân người di dân, đủ để tạo nền cho một thương vụ mua bán và nối tiếp bằng mối quan hệ dài hạn sau này. Đó mới thật sự là món quà quý giá và lâu bền cho người ở quê, hơn là những tờ tiền sẽ mau chóng biến mất vào guồng máy dịch vụ.

Nhưng không phải di dân nào cũng biết cần đem món quà gì về quê để góp vốn xã hội, chính người ở quê mới hiểu rõ nhất điều mình đang cần. Những ganh đua tiếp nhận kiều hối nhiều hay ít, những đòi hỏi ngấm ngầm về nghĩa vụ góp tiền làm cỗ bàn, xây đình chùa hay công trình công cộng, xây nhà to cho oai... là những chướng ngại vật vô hình nhưng rất lớn cho người đi xa về.

Ta quên mất điều thật sự cần ở người thân đi xa về là chính sự có mặt của họ và những câu chuyện tâm tình để ta nắm bắt sự phát triển nơi thành phố và trên thế giới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận