"Quả bom" của Seymour Hersh

TƯỜNG ANH 22/02/2023 09:20 GMT+7

TTCT - "Quả bom" được nhà báo Mỹ Seymour Hersh tung ra chiều 8-2 trên nền tảng trực tuyến Substack khẳng định các vụ nổ vào tháng 9-2022 tại đường ống Dòng phương bắc là kết quả hoạt động bí mật của Hoa Kỳ, với sự tiếp tay của Na Uy.

Dưới nhan đề "Mỹ đã phá hủy đường ống Dòng phương bắc (DPB) như thế nào" đăng trên Substack, Hersh dẫn một nguồn "có hiểu biết trực tiếp về việc lên kế hoạch hành động" tường thuật: Để thực hiện kế hoạch, Hoa Kỳ đã liên lạc với chính quyền Na Uy, nước vốn đang cạnh tranh bán khí đốt với Nga - giúp thực hiện chiến dịch bí mật.

Ảnh: The Telegraph

Ảnh: The Telegraph

Từ bài báo của Hersh

Vì sao là Na Uy? Hersh giải thích: Na Uy là một trong những bên ký kết đầu tiên của hiệp ước NATO năm 1949. Chỉ huy tối cao của NATO hiện là Jens Stoltenberg, từng giữ chức thủ tướng Na Uy 8 năm trước khi chuyển sang NATO vào năm 2014, với sự hậu thuẫn của Mỹ. 

Ông là người cứng rắn trong mọi vấn đề với Nga và đã hợp tác với tình báo Mỹ từ thời chiến tranh Việt Nam. Nguồn tin của Hersh nói: "Ông ta (Stoltenberg) là chiếc găng tay phù hợp với bàn tay của người Mỹ".

Theo đó, hạm đội Na Uy nhanh chóng tìm thấy vị trí thích hợp ở vùng nước nông của biển Baltic, cách đảo Bornholm của Đan Mạch vài dặm. Rồi tháng 6-2022, thợ lặn của Hải quân Hoa Kỳ, hoạt động dưới vỏ bọc các cuộc tập trận của NATO Baltops22, đã đặt chất nổ C4 có thể kích hoạt từ xa.

Tài liệu của Hersh chỉ rõ nơi đào tạo các thợ lặn: Trung tâm Lặn và cứu hộ của Hải quân Mỹ ở Panama City, thành phố nghỉ mát ở tây nam Florida. Trung tâm này chuyên đào tạo thợ lặn nước sâu trình độ cao cho các đơn vị quân đội Mỹ trên toàn thế giới - có khả năng lặn kỹ thuật để làm cả "việc tốt" - như sử dụng chất nổ C4 để dọn mảnh vỡ ở bến cảng và bãi biển - lẫn "việc xấu" - như "làm nổ tung giàn khoan dầu nước ngoài, làm tắc van nạp của nhà máy điện dưới biển, phá hủy âu thuyền trên các kênh vận chuyển quan trọng".

Phản ứng của các nước

Người phụ trách báo chí thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, Adrienne Watson, đáp lại yêu cầu bình luận về bài điều tra của Hersh, cho biết: "Hoàn toàn là dối trá và hư cấu". Người phát ngôn của CIA Tammy Thorpe thì khẳng định "tuyên bố này hoàn toàn và tuyệt đối sai sự thật".

Trong khi đó, người phát ngôn của tổng thống Nga Dmitry Peskov nói ông "không thể không ngạc nhiên" về việc bài điều tra của Hersh "không được lan truyền rộng rãi ở phương Tây". Hai ngày sau khi bài viết công bố, ngày 10-2, Berlin lần đầu tiên bình luận về điều tra của Hersh. Theo đó, nội các Đức "không có dữ liệu xác nhận thông tin của Hersh".

Trung Quốc thì kêu gọi trừng phạt thủ phạm phá hoại hai tuyến đường ống: "Nếu cuộc điều tra xác nhận sự thật thì không thể hòa hoãn. Cần phải có người chịu trách nhiệm cho những hành động như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố.

Theo Hersh, Panama City, tự hào có hồ bơi trong nhà lớn thứ hai ở Mỹ, là "nơi lý tưởng để tuyển dụng những học viên giỏi nhất và ít nói nhất của trường lặn, những người mùa hè năm ngoái đã thực hiện thành công những gì họ được phép làm ở độ sâu gần 80m dưới mặt nước của biển Baltic".

Rồi ngày 26-9-2022, theo lệnh của chính quyền Joe Biden, máy bay trinh sát Orion P8 của Hải quân Na Uy đã thực hiện chuyến bay dường như thường lệ và thả một phao thủy âm. Tín hiệu lan truyền dưới nước, đầu tiên đến DPB-2, và sau đó đến DPB-1. Tín hiệu này đã kích hoạt chất nổ. Vài giờ sau, chất nổ cực mạnh C4 phát huy tác dụng, và 3 trong 4 đường ống đã bị vô hiệu hóa.

Nhà báo kỳ cựu Seymour Hersh. Ảnh: globalist.it

Nhà báo kỳ cựu Seymour Hersh. Ảnh: globalist.it

Thảo luận trong 9 tháng

Theo tìm hiểu của Hersh, quyết định của chính quyền Mỹ phá hoại DPB được đưa ra sau hơn 9 tháng tranh luận cực kỳ bí mật trong cộng đồng an ninh quốc gia. Vấn đề không phải là có làm không, mà là làm sao để không còn manh mối công khai nào. 

Học viên tốt nghiệp trường dạy lặn ở Panama City được sử dụng là vì họ chỉ thuộc hải quân chứ không phải người của Bộ tư lệnh Chiến dịch đặc biệt Mỹ, vốn phải báo cáo và thông báo trước với quốc hội. 

Chính quyền Biden đã nỗ lực hết sức để tránh rò rỉ kế hoạch suốt từ cuối năm 2021 tới những tháng đầu năm 2022, tức từ lâu trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.

Theo Hersh, Tổng thống Biden và nhóm cố vấn chính sách đối ngoại - Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Tony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách Victoria Nuland "nhất quán trong thái độ thù địch với hai tuyến đường ống DPB".

Chạy song song nhau suốt 1.200km dưới lòng biển Baltic, xuất phát từ hai cảng khác nhau ở đông bắc Nga gần biên giới Estonia, đi qua gần đảo Bornholm của Đan Mạch trước khi kết thúc ở miền bắc Đức, hai hệ thống đường ống trực tiếp, không cần quá cảnh Ukraine, đã mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Đức. 

Không chỉ hưởng nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào giá rẻ của Nga - đủ để vận hành các nhà máy và sưởi ấm các căn hộ, Đức còn dư khí đốt giá rẻ để bán khắp Tây Âu.

Ngay từ đầu, DPB-1 đã bị Washington và các đối tác NATO chống Nga coi là mối đe dọa với sự thống trị của phương Tây. Với DPB-2, ông Putin có thêm một nguồn thu nhập rất cần thiết, còn Đức và phần còn lại của Tây Âu sẽ "nghiện" khí đốt giá rẻ do Nga cung cấp - đồng nghĩa giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

Ông Biden không muốn Nga tiếp tục kiếm được hàng tỉ USD nhờ xuất khẩu khí đốt. Mỹ cũng coi các đường ống là phương tiện để Kremlin gây áp lực lên Đức và Tây Âu, có thể làm giảm sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine. 

"Thế nên chừng nào châu Âu còn phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giá rẻ, Washington còn lo ngại các quốc gia như Đức sẽ không sẵn lòng cung cấp tiền và vũ khí cần thiết cho Ukraine", Hersh viết. Về mặt an ninh, hành động phá hoại "bắt nguồn từ chính quyền sẽ vi phạm lời hứa của Hoa Kỳ nhằm giảm thiểu xung đột trực tiếp với Nga. Bí mật là cần thiết", Hersh giải thích thêm.

Trước Hersh, đã có nhiều chỉ dấu về bàn tay của Washington và NATO trong sự cố nổ đường ống. Ví dụ trong cuộc họp báo ngày 7-2-2022 sau khi ông Biden gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Washington, tổng thống Mỹ đã nói: "Nếu Nga tấn công... Ukraine, sẽ không còn DPB-2 nữa". 

Một nhà báo hỏi: "Nhưng chính xác thì ông sẽ làm điều đó như thế nào, vì dự án nằm trong sự kiểm soát của Đức?", ông Biden đáp: "Chúng tôi sẽ làm được, tôi hứa với các bạn, chúng tôi sẽ làm được điều đó. Sẽ không còn DPB-2 nữa". Tờ The Washington Post bấy giờ bình luận: "Cuộc họp báo là một kịch bản kỳ lạ" khi "tổng thống Mỹ đe dọa chấm dứt một đường ống dẫn khí của Đức - còn thủ tướng Đức do dự không công khai đồng ý". ■

Quét mã để đọc bài viết của Seymour Hersh.

Quét mã để đọc bài viết của Seymour Hersh.

Seymour Hersh là ai?

Hersh xuất thân từ một gia đình người Do Thái gốc Litva di cư sang Hoa Kỳ, thuộc nhóm nhà báo trường phái truyền thống. Là người gốc Chicago, ông tốt nghiệp khoa sử Đại học Chicago, rồi làm phóng viên mảng tội phạm cho Thông tấn xã Chicago và bắt đầu hứng thú với thể loại báo chí điều tra, phổ biến ở Hoa Kỳ vào những năm 1960, khi một loạt vụ ám sát chính trị diễn ra.

Trong chiến tranh Việt Nam, Hersh chuyển đến Washington, làm phóng viên cho AP, rồi với tư cách phóng viên tự do, thực hiện phóng sự điều tra và là người đầu tiên viết về vụ thảm sát Sơn Mỹ của lính Mỹ tại Việt Nam. Ông bán bài báo cho Dispatch News Service, dịch vụ này đã phân phối nó cho 33 tờ báo.

Ông đoạt giải Pulitzer năm 1970 - giải thưởng cao nhất về báo chí ở Mỹ - nhờ phơi bày vụ thảm sát. Ông còn được trao giải George Orwell của Hội đồng Giáo viên tiếng Anh quốc gia năm 2004 nhờ "đóng góp xuất sắc cho sự trung thực và rõ ràng của ngôn ngữ đại chúng".

Sự nghiệp báo chí lừng lẫy của ông còn có loạt bài điều tra về vụ "scandal Watergate" (bê bối nghe lén và điều tra đối thủ chính trị của chính quyền Nixon những năm 1972-1974). Năm 2004, Hersh lại gây tiếng vang khi là người đầu tiên viết về hoạt động tra tấn của quân đội Mỹ trong nhà tù khét tiếng Abu Ghraib.

Đi cùng bài viết, nhà báo 85 tuổi Hersh giải thích vì sao ông chọn nền tảng xuất bản tin trực tuyến Substack để đăng bài thay vì báo chí chính thống: ông tin rằng bằng cách đó, ông có thể "nói chuyện trực tiếp với độc giả", không qua một phương tiện trung gian.

Hồi tưởng công việc cuối những năm 1990, Hersh nói không thích bài của mình bị biên tập trên các báo lớn. Theo ông, các biên tập viên "hoài nghi quá mức" tài liệu của ông. Năm 2015, The Washington Post thậm chí đăng bài xã luận buộc tội Hersh "lạm dụng các nguồn ẩn danh".

gian gần đây, ngoài khủng hoảng tài chính của báo in và việc báo chí điều tra chạy theo các tiêu đề giật gân, Hersh còn nêu lý do "việc đưa tin phải tuân theo nguyên tắc và ràng buộc" vốn không tồn tại thời ông còn làm cho tờ The New York Times. Việc chọn đăng trên Substack - nơi có "kiểu tự do ông cần" - giúp ông thoát khỏi "lợi ích kinh tế của hãng xuất bản, đi sâu vào câu chuyện mà không bị giới hạn".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận