Quà khuyến mãi

TTCT - Ông Cảnh buồn rầu nhìn đám sâu lúc nhúc, lủi nhũi, lớn bé lẫn lộn. Trăm thau như một.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Mới tuần trước ông đã vội mừng khi thấy lũ sâu con nhúc nhích hàng loạt bên dưới lớp cám, cứ ngỡ trứng nở nhiều, tăng năng suất, ngờ đâu giờ chỉ thấy lích nhích sâu gạo! Đợt cám mua kỳ này bị nhiễm tạp. Có thể do độ ẩm của cám cao hơn bình thường tạo môi trường tốt cho lũ bọ có trong cám đẻ trứng và nở sâu nhanh hơn trứng sâu giống.

Kết quả của quy luật cá lớn nuốt cá bé là chúng đã ăn hết phần lớn trứng sâu giống gây ra sự mất cân bằng không mong muốn này. Hôm nay khá nhiều việc phải làm.

Không được nôn nóng, từ từ giải quyết, đây là thời điểm học chữ nhẫn tốt nhất. Ông nhủ thầm như vậy! Đầu tiên là trút từng thau sang rổ tre và sàng, đám sâu gạo sẽ rớt xuống bên dưới, còn lại trên sàng bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Nhẩm tính số lượng sâu thành phẩm và những cú điện thoại đặt hàng ông Cảnh lại thở dài. Chắc chắn sẽ nghe không ít lời phàn nàn từ những khách hàng quen thuộc và còn nữa, phải giải quyết đám sâu gạo.

Ông chưa bao giờ chuẩn bị tâm lý có lúc phải gọi điện thoại cho mấy thằng chơi chim nài nỉ chúng lấy hộ, thậm chí biếu không đám sâu tủn mủn chết tiệt này. Cái nghề nuôi sâu tưởng đơn giản vậy mà có lúc phải đau đầu, nổ não!

Về hưu, suy nghĩ nát óc, lang thang bao nhiêu quán cà phê, tán dóc với bao nhiêu tay đánh cờ, bọn chơi chim, ông Cảnh mới biết được một công việc làm có thu nhập tương đối, không bỏ vốn nhiều là nuôi sâu. Ban đầu ông tính nuôi dế. Loại dế cơm bán cho các nhà hàng thu nhập cũng khá.

Dế có vòng đời ngắn, sinh sản nhanh, hai tháng có thể thu hoạch; tuy nhiên nếu không có đầu ra ổn định, dế là loài không biết kế hoạch và con người cũng không thể kìm hãm sự phát triển của chúng, để sinh sôi nảy nở nhiều quá ôm “sô” cũng chết! Thêm nữa, nhà phố san sát, ban đêm bầy dế ré ó gọi bạn tình, điếc tai hàng xóm thể nào cũng có chuyện ngay.

Con chó nhà bên cạnh không hiểu mắc chứng gì một thời gian dài cứ chạng vạng là nó bắt đầu tru mãi cho đến khuya mới yên. Tiếng tru lúc to như kêu gào, lúc rền rĩ ai oán, lúc âm âm như tiếng khóc dai dẳng, lúc bứt rứt, lúc nỉ non... Một ngày, hai ngày không sao, đến ngày thứ ba đã thấy hàng xóm lao nhao. Người thì cho là xui lắm, thể nào xóm cũng có người chết; người thì bảo chủ nhà đến hồi mạt vận, kẻ khác mạnh miệng chó trở chứng thì... thịt!

Một tuần như thế, tiếng chó tru tới tai ông tổ trưởng dân phố và đến tuần thứ ba một cuộc họp bất thường được tổ chức tại nhà ông khóm trưởng. Mọi người nhất trí biểu quyết chủ nhà ấy phải xử lý con chó. Tội nghiệp ông hàng xóm, ông Cảnh nhớ hồi ông ta mang con chó về đâu chừng tuần tuổi, mắt mũi kèm nhèm. Bà vợ ông ấy phải chăm con chó bằng bình sữa của thằng cháu ngoại lúc mẹ nó về ở cữ bỏ lại. Nhìn cảnh bà một tay bế con chó, tay ôm bình sữa, ánh mắt trìu mến hệt hồi nuôi cháu ngoại mới thấy động vật đáng yêu cỡ nào.

Càng chăm con chó càng èo uột, tưởng phải đem chôn, vậy mà không hiểu sao lần hồi nó cũng lớn và phổng phao, đẹp mã là niềm vui của hai vợ chồng già không có con cái ở cạnh. Con chó không chỉ khôn, biết giữ nhà mà còn có nghĩa. Ấy là ông Cảnh nghe ông hàng xóm khoe thế!

Ngay khi buổi họp vừa kết thúc con chó tự nhiên lăn ra chết. Ông Cảnh cho rằng con chó biết điều, không để chủ phải khó xử; ở đời rút lui hợp lý hay thậm chí tự biến mất cũng là một cách hi sinh, có tình, có nghĩa. Nhớ chuyện con chó, ông Cảnh tưởng tượng đến dàn hợp xướng của lũ dế từ đầu hôm liên hồi về sáng, hàng xóm láng giềng có thông cảm cách mấy cũng không chấp nhận được. Bán anh em xa mua láng giềng gần. Nuôi dế đồng nghĩa với việc bán luôn cả láng giềng thì toi!

Cuộc đời hơn ba mươi năm làm công chức nhà nước, ông Cảnh nghiệm một điều rằng đám cà phê vỉa hè luôn có những thông tin không bổ ngang cũng bổ dọc. Hồi còn đi làm, sáng sớm ngồi cà phê cóc trước cơ quan thể nào cũng thông suốt chuyện xảy ra trước đó, còn nhanh và chính xác hơn Internet. Tay nào vừa thăng chức, tay nào chạy bằng, tay nào mới mua xe hơi, tay nào vừa bị giáng chức, tay nào vợ bỏ... Những chuyện đại loại như thế cũng rút khối bài học kinh nghiệm, trông người mà ngẫm đến ta.

Chuyện khôi hài, có tay đi họp được cái phong bì, quên lấy bên trong ruột ra, dọn dẹp sơ ý thế nào lại đem bỏ vào sọt rác, chiều sực nhớ lại thì chị tạp vụ đã đổ giỏ rác đi rồi. Người này nghi người kia. Chị tạp vụ thề sống thề chết cả đời không tham của ai một đồng, tay công chức nhếch môi. Chuyện nhỏ vậy cũng làm rôm rả chầu cà phê buổi sáng.

Bắt đầu từ đám thanh niên chơi chim. Đứa nói sao anh không thử nuôi sâu gạo cung cấp cho tụi em? Thằng khác lại bàn sâu gạo được mấy đồng, ông chú dù sao cũng mang tiếng công chức nhà nước, giờ đi nuôi sâu gạo hóa ra cả đời tủn mủn? Nó còn nói thêm một đời ăn lương ba cọc ba đồng, về hưu “sếp” phải làm sao đột phá khoản thu nhập cho thật hoành chớ!

Thấy mấy thằng bàn nhau về chuyện tương lai cho mình hăng quá, ông Cảnh xua tay, thôi, chúng mày cứ thích ăn to nói lớn, tao vốn liếng đâu mà làm ăn khuếch trương. Vừa lúc có thằng sáng ý, sao anh không nuôi sâu superworm là thức ăn của cá rồng? Chúng phân tích cũng có lý.

Thói đời thường khi không có gì trong tay, cắm mặt cày cuốc, ít ai nghĩ đến chuyện thần thánh, mê tín dị đoan. Bắt đầu có của ăn của để người ta lại nghĩ đến chuyện... ếm bùa, cầu an; và cá rồng bây giờ là mốt thời thượng trong cái gọi là phong thủy, trừ tà. Quả tình, khi ấy nghe bọn thanh niên nói chuyện ông Cảnh cứ nghĩ chúng chọc quê mình.

Giá tiền một con cá rồng nghe lùng bùng lỗ tai, có con cả chục ngàn đôla Mỹ, so với mức lương về hưu của ông thì quả là khập khiễng trời vực! Chưa kể kích thước hồ cá còn phải nhờ đến cây thước Lỗ Ban định đoạt sao cho mọi thứ phải hoàn hảo đến từng milimet. Đã vậy, nghề nào thì nuôi cá nào, cầu kinh doanh thì chơi cá đỏ, cầu sự nghiệp phải chọn cá vàng.

Còn tùy thuộc vào đèn trang trí nữa, cầu tiền bạc thì chọn đèn trắng thủy sinh, cầu an khang thì chọn đèn vàng... Màu cá nổi bật lên được hay không, thực hay giả, tỏa sáng hay lờ mờ hư ảo phụ thuộc các kiểu đèn này. Nghe mà hoa mắt chóng mặt! Ai đó cho rằng nghề chơi lắm công phu, làm dễ chứ chơi chẳng dễ quả là đúng trong trường hợp này. Bởi công sức, tiền của đổ vào như vậy họ không tiếc việc chọn mua thực phẩm tốt nhất cho cá.

Bọn chúng còn kể chuyện nhà ông nọ bỏ mấy chục lượng vàng mua đủ bộ thanh long, ngân long, hồng long, kim long về nuôi. Được mấy tháng cá chết, vợ chồng con cái khóc như nhà có đám. Thằng khác nghe thế nói ngay không phải thương cá hay tiếc tiền mà khóc cho mệnh hệ tương lai!

Và thế là ông Cảnh nuôi sâu. Loại sâu superworm là thức ăn bổ dưỡng của cá nhà giàu, cá phong thủy, cá vận hạn, chúng không ăn thì thôi, ăn vào là nghiện, sẽ không thèm thứ gì khác. Món tôm hùm ngon với người thế nào thì sâu này với cá rồng hấp dẫn thế ấy. Vốn liếng bỏ ra không đáng kể, trăm thau nhựa, chục ngàn sâu thương phẩm cứ thế mà nhân lên, cái sân thượng có mái che bảy chục mét vuông tha hồ mà bày biện.

Tuy nhiên, nghe và thấy tưởng là dễ, đơn giản lắm; vào nghề ông Cảnh mới biết con sâu không ồn ào, lé ré như dế cũng khiến ông tất bật cả ngày. Lo ăn, sắp xếp, dọn dẹp, phân loại, gầy giống... Không làm thôi, đã làm thì làm say! Loại sâu này được cái sạch, không phải dọn dẹp phân chuồng, nhưng cái ăn của chúng là cả vấn đề. Lẳng lặng mà hơn tằm ăn lên.

Tằm ăn còn nghe như tiếng mưa rơi, đàng này sâu cứ thế lùi lũi mà đục, không nghe tiếng, không thấy gì nhưng loáng cái vỏ bí, miếng táo hay miếng lê vừa bỏ vào đã mất tăm như thể có ma đùa! Đặc biệt cám phải thật sạch, lỡ nhiễm tạp là thất bại. Do đó khâu thức ăn cho sâu ông Cảnh luôn chú trọng hàng đầu. Sâu lớn lại công phu chọn ra từng con giống gầy thành nhộng, rồi thành bọ và cho chúng giao cấu sinh sản.

Loài sâu nói chung con nào cũng mạnh khỏe, phải biết chọn ra những con có kích thước dài hơn, tách riêng, nuôi chúng trong môi trường tối nhằm gây stress cho chúng để biến hóa nhanh thành nhộng. Còn phải biết cân bằng tỉ lệ âm - dương hòng đẩy nhanh quá trình gia tăng dân số!

Thu nhập từ nuôi sâu chủ yếu bán cho bạn hàng quen biết là đầu mối các kênh bán lẻ đủ để ông Cảnh trang trải chi phí cho thằng con học đại học xa nhà và xoay vòng đồng vốn. Ông Cảnh biết công lao của ông bỏ ra nhiều như thế nhưng lời lãi không là bao so với bọn đầu nậu, ngồi mát buôn nước bọt, lời gấp đôi, gấp ba. Phận con sâu, cái kiến mà cũng không thoát khỏi quy luật của thương trường!

Tiền lương hưu từ cái thẻ ATM của ông được chuyển giao hẳn sang bà vợ, người được hưởng lợi nhiều nhất bởi ông vừa có việc làm thêm thu nhập, không phải cả ngày ngồi ngáp vặt, uống nước trà lại bày đặt thơ phú, sốt cả ruột! Có ông bạn già kể chuyện cánh đàn ông về hưu thì thành lập câu lạc bộ Hoàng gia, phụ nữ thì tìm đến câu lạc bộ Dã quỳ. Mới nghe tưởng đâu sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho vui tuổi già, hóa ra không phải, hoàng gia nói trại là già hoang, dã quỳ nói trại là quỷ già. Chuyện tiếu lâm mà có thật đấy. Ông bạn già khẳng định như thế!

Làm ăn có lúc này lúc khác, bất kể ngành nghề nào. Ông Cảnh nghiệm ra điều này khi giờ đây ông đang đối mặt với nguy cơ “vỡ nợ” phát sinh từ đám sâu gạo không mời mà có mặt này. Vốn liếng vừa rồi đầu tư đâu phải ít, nặng nhất là khâu thức ăn cho bọ, phải là các thứ trái cây cao cấp như táo, lê... mới mong chúng đẻ trứng nhiều, tăng năng suất. Lại đúng vào thời điểm ông quyết định gầy thêm giống, mua thêm vật dụng chứa đựng, mở rộng quy mô sản xuất...

Càng nghĩ, ông Cảnh lại thấy đau đầu. Ăn nói sao với bạn hàng đây? Con cá nhà người ta tiền muôn bạc vạn. Sao mà xui rủi vậy không biết. Dễ mất bạn hàng như chơi!

***

Việc gì rồi cũng qua. Lời trách móc của đám buôn sâu đến tai ông Cảnh không nhiều lắm, chưa đủ “đô” làm thành cơn sóng stress, đau đầu, nát óc. Êm nhất là việc giải quyết mấy chục ký sâu gạo.

Chuyện là một hôm có thằng cháu họ đến nhờ ông Cảnh tư vấn một việc. Nó vừa được thăng chức, muốn có món quà gởi biếu sếp. Giá trị món quà sao cho không mang tiếng (nhiều quá hay ít quá) mà vẫn làm sếp vui. Tiêu chí này quả là khó. Biết ý sếp lúc nào vui, khi nào buồn? Phải ở mức tình cảm nào mới khiến sếp vui?

Cuối cùng, cánh chơi chim gỡ cho ông thế bí, giúp thằng cháu họ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Một cái lồng chim trên mức tình cảm và cặp chim ở mức tình cảm vừa phải, thật đúng với đam mê chim cây cá cảnh của sếp. May sao, có tay vừa tậu một lúc hai cái lồng chim, cần tiền muốn bán bớt một cái. Loại lồng này phải đặt hàng từ sáu tháng đến một năm. Tre chặt về ngâm bùn dưới lòng sông hơn nửa năm mới vớt lên xử lý chống mối mọt rồi phơi nắng.

Cái lồng 84 nan, hoa văn chạm trổ công phu đủ mặt bộ tứ linh long, ly, quy, phụng. Mười lăm triệu đồng quá rẻ! Và, sau cùng, một cặp chim lửa hót, qua khâu tuyển chọn khắt khe với yêu cầu đặt ra đuôi phải dài đúng 22 phân, được cho vào chiếc lồng xinh xắn tung tăng đến nhà sếp. Ông Cảnh còn cẩn thận kèm thêm mấy hộp sâu gạo kiểu như quà khuyến mãi. Gì chứ, sâu ông có thừa!

Sẵn trớn ông Cảnh biếu luôn đám chơi chim mỗi đứa vài hộp sâu “đặc sản” cây nhà lá vườn. Ông không dám kể chuyện những con sâu superworm đáng lý phải dài đến 8cm giờ đã biến thành sâu gạo, mà khoe với chúng rằng đó là mẻ sâu đặc biệt ông gầy giống chủ yếu để tặng bạn bè quen biết. Mấy thằng chơi chim nhìn ông ngưỡng mộ lắm. “Sếp” đúng tâm lý, bạn bè chiến hữu phải thế chứ. Ít ra “sếp” cũng trả công bọn em đã bày cho “sếp” ngành nghề kinh doanh ít vốn mà lãi nhiều. Thằng khác gợi ý chỗ tình nghĩa, bữa nào “sếp” biếu bọn em ít sâu superworm cho nó hoành tráng. Thằng khác can, tội mày, để ông già kiếm chút đỉnh nuôi con!

Đứng lên rời khỏi quán cà phê cóc, ông Cảnh nhủ thầm trong cái rủi có cái may, dù sao cũng có cái để ơn nghĩa bọn chúng. Nhưng lần này thôi nhé mấy ông tướng, đừng có mà thành sâu gạo hết thì “sếp” chúng mày đây phải giải nghệ sớm!

Tuy nhiên, không hiểu sao một tuần liền đêm nào ông Cảnh cũng nằm mơ thấy lũ sâu gạo hóa thành bướm. Bọ cánh cứng bỗng dưng biến thành bọ cánh mềm. Loại bướm vàng có kích thước nhỉnh hơn cắc bạc năm ngàn, mỏng tang, mong manh, cảm giác cơn gió thốc nhẹ qua cũng đủ làm chúng chao cánh, rớt xuống đất.

Chúng bay từng đàn, rợp trời, ông đi đâu chúng đuổi theo đó, và đích đến cuối cùng của chúng luôn là dòng sông phía tây thành phố, ranh giới giữa hai khu đô thị mới và cũ. Đàn bướm như thiêu thân uốn tung lên trời cao như dải lụa vàng có lốm đốm hoa văn màu trời rồi mới rụng cánh rơi xuống nước. Lại có hôm ông thấy lũ sâu gạo hóa thành bầy chim màu xanh bay kín trên đầu và cũng kết thúc bằng cách lao vào một bức tường nào đó mà chết.

Tỉnh dậy, nhớ đến lũ sâu, ông Cảnh lại lọ mọ lên sân thượng, ngồi hàng giờ nhìn chúng nhung nhúc trong thau xoay chuyển vòng đời trong sự yên lặng gần như tuyệt đối và suy nghiệm triết lý cuộc đời đã rất cũ kỹ, lời nói là bạc im lặng là vàng, lời nói đọi máu, có những thứ tồn tại vô cùng lặng lẽ nhưng đủ khiến núi lở, non mòn!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận