TTCT - Nay sơn tra đã thành một trong 50 loại trái cây đặc sản ở Việt Nam. Chua chát trong núi cao rừng sâu giờ đã thành ngọt ngào thơm phức tỏa đi trăm ngả. Hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông thu lãi hơn 110 triệu đồng từ cây sơn tra. Ảnh: Trọng Thủy1. “Hồi nhỏ đi chăn trâu mình rất thích một cây táo cổ nọ ở gần nương nhà. Chẳng biết nó đã có ở đó từ bao lâu. Rồi nhà mình chuyển tới ở trong rìa rừng, gần chục năm sau lại chuyển về chỗ cũ, ở từ đó đến nay cũng gần chục năm rồi, nhưng cây táo cổ đó vẫn còn, và vẫn ngon. Mình đánh dấu lại, năm nào cũng ra cây đó ăn. Mình nhổ mấy cây con mọc quanh gốc cổ đó đi trồng khắp vườn, nhưng mấy cây này ra quả lại không ngon bằng quả của cây cổ kia. Ná nả (mẹ) bảo là quả táo ngon hay không phụ thuộc vào thiên nhiên, không lý giải được, nhưng vì thế cây đó mới quý” - Khang A Tủa, người Mông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), kể cho tôi nghe về cây táo mèo yêu thích của anh. Người Mông gọi đấy là quả tuzis, hay quả chua chát. Mãi sau này, khi giá trị kinh tế và dược liệu của cây táo mèo được đánh thức, người ta mới gọi nó bằng cái tên sơn tra.Muốn thấy cây sơn tra thì phải lên núi cao, nhiều nhất là ở huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu và một phần huyện Văn Chấn (Yên Bái). Thứ cây sinh trưởng tự nhiên trong những cánh rừng này có chiều cao trung bình 7 - 10m, tán lá rộng, thân cây mốc thếch, rêu xanh, địa y đỏ bám đầy. Lá sơn tra xanh pha tím thẫm. Hoa sơn tra trắng muốt, cánh dày, cuối mùa xuân nở trắng xóa. Quả sơn tra chín rộ vào mùa thu. Tháng 8 - 10 hằng năm, cứ lên núi cao là thấy, khắp nơi đâu đâu cũng có quả sơn tra chất thành đống ngồn ngộn.Quả sơn tra đẹp trong mắt kẻ sành. Trái đã chín có màu hồng trắng hoặc vàng trong, hơi dẹt, trái còn ương vỏ xanh pha vàng, hơi sần, đôi khi đầy những nốt sâu ăn, dáng hình vặn vẹo. Mùi thơm của sơn tra làm ngây ngất, xiêu lòng, muốn hít hà mãi không thôi.Và người sành ăn cũng không tham chọn quả to, đẹp mã. Họ lựa những quả nhỏ, thậm chí quả có sâu ăn vì đây mới thực là những quả đã chín thơm và ngọt. Loài sơn tra mọc hoang dại trong rừng có quả nhỏ, ngọt, giòn, mùi thơm ngọt thấm vào tận trong lồng ngực.Ngon nhất vẫn là quả sơn tra hái được ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải nơi rừng hoang. Nhìn không đẹp nhưng ăn một lần là say đắm mãi. Mù Cang Chải nổi tiếng là nơi trồng nhiều cây sơn tra (2.300ha, trong đó 1.500ha đã cho thu hái khoảng 3.000 tấn/năm, tập trung nhiều ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Nậm Có...). Quả sơn tra ở đây cũng được công nhận là ngon nhất, chắc bởi nơi này trên cao, khí hậu quanh năm mát mẻ. Tự bao đời nay, cây sơn tra bồng bềnh trên biển mây Mù Cang Chải.Người Mông dùng nước luộc quả sơn tra làm canh chua uống giải khát. Tuổi thơ của đứa trẻ con người Mông nào cũng nhớ những ngày thu, ná nả luộc quả sơn tra để lấy nước làm đậu phụ, những quả đã luộc chín kỹ thì mềm và ngọt hơn, chúng chia nhau ăn thích thú rả rích suốt ngày.Đến nhà người Mông nào ta cũng sẽ được chủ nhà chắt từ trong bình ra một bát rượu ngâm quả sơn tra ra mời. Thứ rượu có màu vàng sậm, thơm tho, ngọt và êm ấy, uống vào ấm cả bụng. Ngâm rượu sơn tra rất đơn giản, chỉ với rượu trắng và mật ong theo tỉ lệ thường là 1kg sơn tra - 2 lít rượu và nửa lít mật ong, đặt bình trên kệ khô ráo thoáng mát, tránh xa bếp lửa. Khoảng 2-3 tháng là rượu sơn tra đã dậy hương lừng vị, ngâm sơn tra với rượu gạo nấu men thảo dược, hạ thổ càng lâu thì rượu càng cực phẩm. Mở hé nắp bình, hương rượu đã tỏa thơm lừng, rượu rót đầy chén mơ màng màu sương khói của núi rừng trùng điệp.Những người dưới xuôi biết tới quả sơn tra thì cũng nghĩ ra vô vàn kiểu chế biến nó. Quả sơn tra tươi ép lấy nước, cho ít mật ong vào uống ngon lành mát dịu. Sơn tra ngâm với mật ong hay đường phèn thành thứ sirô sóng sánh thơm ngát, uống với đá cũng được mà dùng kho thịt kho cá cũng dậy lên hương vị ngọt thanh độc đáo. Quả sơn tra xóc với muối, bột ớt khô thành thứ quà vặt phố phường mê mẩn đám trẻ. Với các chị đẫy đà, thức uống thần thánh để thon thả lại của họ là từ quả sơn tra ngâm nước và giấm gạo, thành thứ giấm thanh vàng chanh màu linh nghiệm. Các cụ lại ưa món trà hãm từ quả sơn tra chín phơi khô, nhẩn nha mùi thơm trà sơn tra trong nắng sớm..., bởi trong đông y, quả sơn tra có đủ các tính năng kỳ diệu như chữa đầy bụng, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, hạ mỡ máu, hạ huyết áp, hạt còn có tác dụng an thần.Những phiên chợ miền núi mùa thu đầy ắp sơn tra. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng2. Nhưng 15 năm trở về trước, sơn tra chỉ là một sản vật bản địa “nhà làm”. Khang A Tủa nhớ lại: Ngày ấy quả sơn tra chín rụng đầy gốc trên rừng, người ta thu hái được chăng hay chớ vài lù cở mang về nhà dùng hoặc cõng ra đường cái, ra chợ bán được đồng nào hay đồng ấy. Phải tới cỡ những năm 2010, khi có các chính sách trồng cây gây rừng ở Mù Cang Chải, người ta bắt đầu trồng xen sơn tra với thông - loài cây đã được trồng từ những năm 1980, 1990 nhằm phủ xanh và lấy dầu, nhựa cho công nghiệp.Đỉnh điểm là khoảng 5 năm qua, giống sơn tra được giới thiệu là “táo Sơn La” được mang về trồng nhiều ở Mù Cang Chải. Giống sơn tra mới này được khuyến khích trồng ở cự ly dày, cỡ 4 - 6m một cây, thành từng hàng để tăng khả năng thụ phấn đơm trái của sơn tra. Người trồng thường phát quang, dọn gốc, làm cây nhận nhiều ánh nắng hơn, khiến quả sơn tra trở nên vàng, đỏ hơn, vị cũng giòn và ngọt hơn, quả to đều hơn. Khi nó đẹp hơn thì sơn tra cũng thêm lắm cái tên mỹ miều cho hợp thị hiếu bán mua, người ta gọi nó là “táo má hồng”. Quả sơn tra trên cây cổ thụ nhỏ và xấu mã hơn, lại bị gọi xuề xòa là “táo thường”, giá chỉ còn bằng nửa.Tủa lấy làm buồn bực vì chuyện đó. Anh nói: “Đặt tên cho táo cũng phần nào thể hiện cách chúng ta đang coi táo như thế nào: một bên là táo thường, một bên là táo má hồng. Có thể vài năm tới sẽ không còn gốc táo mèo cổ thụ nào nữa. Lúc đó, người ta sẽ nhập táo mèo giống mới từ một vùng đâu đó lên, rồi lấy danh nghĩa táo mèo cổ thụ Mù Cang Chải mà bán với giá gấp vài lần”.Khang A Tủa nói rằng nếu không có những cây sơn tra trên rừng, con đường đến trường học chữ của anh đã tắt lịm từ lâu. Từ khi lên cấp hai, năm nào nghỉ hè anh cũng theo mẹ lên rừng tìm cây sơn tra, trèo lên cây cao chót vót 3 - 4m, hái từng quả bé xíu mọc ra tận đầu ngọn mềm. Một ngày cả nhà hái được cỡ 20 - 50kg, hôm sau lại gùi đi bộ khoảng 10km nữa xuống quốc lộ, bán được 200.000 - 500.000 đồng. Cả vụ cũng kiếm được vài triệu đồng, đủ mua giày dép, quần áo, sách vở để tiếp tục đến trường. Tiền đi thi đại học, tiền đi nhập học đại học, một phần học phí những năm đại học, tiền mua gạo cho gia đình những mùa thiếu... những năm sau đó đều đa số đến từ quả sơn tra.Táo mèo mọc hoàn toàn tự nhiên, xen lẫn cây rừng trên những triền núi có độ cao 1.500 - 2.000m nên việc thu hái quả rất khó khăn. Công việc đó chủ yếu nhờ những người phụ nữ dân tộc Mông, với đôi chân trần thoăn thoắt chuyền cành hái quả. Trong ảnh: Chị Mùa Thị Vàng, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La) hái quả trên rừng táo của gia đình. Ảnh: Trọng Chính3. Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “sơn tra Mù Cang Chải” do UBND huyện Mù Cang Chải làm chủ sở hữu. Rốn sơn tra Mù Cang Chải là bản Lùng Cúng nằm trên một trong mười đỉnh núi cao nhất Việt Nam (2.913m). Từ trung tâm xã đến bản, ngày nắng người quen đường đi cũng mất hai giờ, ngày mưa thì xe đành chịu, đi bộ hết nửa ngày trời. Vén mây cuồn cuộn mà đi thì thấy hai bên đường, sơn tra nối tiếp sơn tra, bạt ngàn thành rừng.Trưởng bản Chang Sung Của bảo: “Khi mình sinh ra đã thấy cây sơn tra thành rừng rồi. Sơn tra ở đây nhiều và ngon có tiếng trong vùng”. Bản Lùng Cúng có 103 hộ, hộ nào cũng trồng sơn tra, nhiều thì trên 2ha, hộ ít cũng trăm gốc. Cả bản hiện có 80ha cây sơn tra đang cho thu hoạch, mỗi hecta có khoảng 500 cây, mỗi năm một cây cho thu hoạch trung bình 15 - 20kg quả. Vài năm gần đây giá sơn tra tăng vọt. Tại trung tâm xã Nậm Có các thương lái nhỏ đã thu mua với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg. Bán tại gốc ở Lùng Cúng cũng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Ông Thào Súa Rùa là người giàu nhất Lùng Cúng nhờ sơn tra. Trên diện tích 2ha cây sơn tra có sẵn, gia đình ông trồng mới được khoảng 300 gốc, mỗi vụ gia đình ông thu trung bình 60 - 80 triệu đồng.Sang bên xã Lao Chải, có nhiều người còn thu nhập cao hơn thế từ cây sơn tra. Ông Sùng A Sào, ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải, có 9ha trồng sơn tra, mỗi năm thu về 180 triệu đồng. Năm nay, nhờ chăm sóc tốt nên gia đình ông thu về 300 triệu đồng. Cùng bản còn có anh Giàng A Chu, năm được mùa, nhà anh thu về 200 triệu đồng từ quả sơn tra từ 5ha...Sơn tra thế là đổi phận, từ thứ quả được tìm hái vất vả trên núi cao, rừng sâu, nay thành cây hàng hóa giá trị cao, được trồng, bảo vệ và phát triển. Năm 2018, huyện Mù Cang Chải trồng cây sơn tra xen ghép vào 200ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Năm 2019 toàn huyện trồng mới gần 260ha, tập trung ở các xã Nậm Khắt, Mồ Dề... Mỗi năm, người dân thu hái được hơn 2.000 tấn quả, thu nhập hàng chục tỉ đồng.Nay thì những hộ dân, cộng đồng nào tham gia “Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016-2020” của UBND tỉnh Yên Bái còn được hỗ trợ cây giống, tiền nhân công, được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây sơn tra cho quả... Đề án này hi vọng hết năm 2020 sẽ có 10.000ha (bao gồm 3.820ha hiện có, trồng mới 6.200ha trên đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và đất nương rẫy kém hiệu quả), sản lượng sẽ đạt khoảng 7.500 tấn.Ông Vũ Lê Chung Anh, chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, cho biết: Trước khi triển khai đề án tổng diện tích sơn tra của huyện có 2.178ha. Từ khi thực hiện đề án năm 2016 đến nay, huyện đã trồng được thêm 1.478ha sơn tra, chủ yếu tại các xã: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Làng Nhì, Túc Đán và Tà Si Láng. Hơn 800ha đã cho thu hoạch trung bình hơn 1 tấn quả/ha, đem lại cho người dân Trạm Tấu khoảng 2 tỉ đồng/năm.Nay sơn tra đã thành một trong 50 loại trái cây đặc sản ở Việt Nam. Chua chát trong núi cao rừng sâu giờ đã thành ngọt ngào thơm phức tỏa đi trăm ngả.■Sơn tra/Táo mèo (Docynia indica (Wall.) Decne)Docynia Decne là một chi nhỏ gồm các loài phân bố rải rác ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới ấm Bắc bán cầu. Chi này có một loài là táo mèo ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng núi cao phía Bắc như Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ); Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương); Yên Bái (Mù Cang Chải); Lai Châu (Sìn Hồ, Phong Thổ), Điện Biên (Tủa Chùa, Tuần Giáo)…Táo mèo có vị chua, ngọt, hơi chát, tính ấm, có tác dụng kiện vị, tiêu thực.(Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, trang 785-787). Tags: Sơn TràTây bắcTáo mèo
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp tùy tiện VĨNH HÀ 12/10/2024 Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các nhà trường chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập.