Quà tặng từ bên kia đại dương

HỒ SĨ BÌNH 01/06/2010 17:06 GMT+7

TTCT - 1. Buổi sáng chủ nhật, lục trong tủ áo xem có bộ đồ mơi mới nào không, bất chợt lòi ra một chiếc áo thun mới, còn nguyên cái mác trên cổ.

Tôi tần ngần một chút, chiếc áo có nhiều hình sặc sỡ quá không hợp với tuổi tác, vả lại cái gam màu tôi không thích, kiểu dáng thì đã quá lỗi thời. Có lẽ vì thế mà chiếc áo từ lâu đã bị bỏ quên, nên tôi bỏ xuống...

Nhưng nghĩ sao lại lôi lên, xé mác rồi mặc vào. Lúc này trong lòng tôi nghĩ khác, không còn là chuyện ăn mặc nữa bởi chiếc áo là quà tặng của người anh ruột bên kia đại dương vào dịp tết năm ngoái. Áo bị bỏ quên vì không hợp chứ không phải chê, nhưng sáng nay tôi vẫn mặc vì từ chuyện quà cáp này tôi đã có lần ân hận...

Phóng to
Ảnh: Võ Xuân Huy

2. Người anh ruột định cư ở Mỹ đã 15 năm nhưng không phải như người khác, cuộc sống cũng còn khó khăn lắm. Hai vợ chồng được con gái đầu bảo lãnh. Qua tới nơi được mấy tháng, do con gái đã có chồng là người bản xứ, chung đụng nảy sinh nhiều phiền toái, ở chung được đúng một tháng thì anh chị đi thuê nhà riêng.

Như nhiều người khác, ở cái tuổi ngoài 50, anh chị không còn muốn bươn chải nữa. Tiếng Anh thì học trước quên sau, không nghề nghiệp nên anh chị lăn lộn làm thuê đủ thứ việc. Sức khỏe có hạn, làm bữa được bữa không, lương đã thấp mà còn bị trừ lên trừ xuống. Nhiều khi nản, có lúc bị cho nghỉ việc, lại còn phải chu cấp cho hai đứa con ở bên nhà. Thế nhưng, chắt góp để dành vừa đủ tiền vé máy bay, lận lưng thêm một chút tiền tiêu vặt, cứ hai năm thì anh chị về Việt Nam một lần. Biết hoàn cảnh của anh chị nên mấy đứa cháu kêu bằng chú, bằng cậu làm ăn khá giả ở trong nước đều tìm cách chi viện cho anh chị, gọi là ủng hộ đội nhà để hai người có mà chi tiêu trong thời gian về nước.

3. Thế mà mỗi lần về, anh chị đều mang theo một số quần áo, theo kiểu của ít lòng nhiều làm quà cho mấy đứa cháu mỗi đứa một chút. Nhìn mớ áo quần anh chị mang về, tôi thấy thương cảm. Chỉ toàn là những đồ rẻ tiền, chất liệu vải rất kém nhập từ mấy nước thuộc thế giới thứ ba, đề mốt nên hàng đại hạ giá, nhiều khi chỉ vài ba đôla một cái, kể cả những áo quần của mấy công ty quảng cáo biếu không cho khách hàng. Tôi biết dù là đồ rẻ nhưng anh chị phải bỏ tiền mua dù không dư dả, mất công đóng gói rồi chia chác người này người nọ, gọi là đồ sale nhưng phải canh đợt không phải ưa mua lúc nào cũng được.

Thế nhưng oái oăm ở chỗ, với những người khó khăn thì không nói chứ đám cháu đang ăn nên làm ra, toàn là “đại gia” cả, thương cậu thương chú nhận cho vui lòng chứ chắc chắn là chúng không mặc. Lần nào cũng vậy, đám cháu nhờ bà chị âm thầm gửi cho bà con ngoài quê xa. Mà tội cho anh chị, vui lắm, ít ra cũng thỏa mãn dù sao cũng là quà của người nước ngoài mang về.

4. Hồi nhỏ tôi có đọc một truyện ngắn đã lâu quên tên. Truyện kể về một bát canh măng nấu với một khúc giò heo nhân ngày giỗ chồng của một phụ nữ nghèo. Mâm giỗ chồng chẳng có gì cả ngoài bát canh. Đứa con trai thì nhấp nhổm trông lên bàn thờ, mong nhang mau tàn vì lâu quá nó không biết mùi vị giò heo là gì.

Khi hạ đồ trên bàn thờ xuống, đứa bé nhảy đến bên bát canh giò măng đòi ăn thì chị dằn lại: “Con mang ra biếu nhà bác A đầu ngõ”. Chị nhắc đứa con trai: “Mấy năm nay nhà mình cực quá, bác ấy giúp đỡ mình... Thôi con để biếu bác”. Đứa bé mang bát canh vừa đi vừa thèm rỏ dãi. Bác A nhìn bát canh người giúp việc mang vào, thở dài buột miệng: “Mỡ quá, ăn sao được... thôi cháu đem cho bà già C cuối xóm, bà ấy đang ốm”, ông nhắc người giúp việc...

Tôi kể câu chuyện ấy nhưng vẫn sợ anh chị buồn, nói gần nói xa, không muốn anh chị tốn tiền mua quà để rồi... Anh chị hiểu. Buồn. Nhưng nói như dặn lòng: “Không lẽ về mà không mang quà gì cả, đây là cái tình thôi mà...”. “Thì cứ về không đi, gặp nhau là vui rồi chứ khách sáo làm chi” - tôi nhanh nhảu trả lời, rồi bỗng dưng thấy mình đã lỡ lời...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận