Quả tôi chưa thấy bao giờ

HỒ ANH THÁI 04/08/2009 20:08 GMT+7

TTCT - Thế là mùa xuân đã cạn ngày, những tàng lá xanh non mỡ dần chuyển sang màu xanh thẫm, lác đác rụng một vài lá vàng. Đã nghe đâu đó man man hơi nóng của gió Lào.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCT - Thế là mùa xuân đã cạn ngày, những tàng lá xanh non mỡ dần chuyển sang màu xanh thẫm, lác đác rụng một vài lá vàng. Đã nghe đâu đó man man hơi nóng của gió Lào.

Mùa tình qua.

Những con hươu cái trong chuồng sau một mùa ân ái giờ mãn nguyện nằm bỏm bẻm nhai lại, mặt thường hênh hếch lên đắc thắng khi cái bụng chửa đã lùm lùm. Những vết cắt trên đầu đàn hươu đực đã liền sẹo chuyển sang màu thâm xỉn, bộ lông vàng óng mượt đang dần chuyển sang màu hung. Hết mùa tình, chúng cũng chẳng còn bức xúc phá chuồng để mà đi tìm bạn như mấy tháng về trước.

Vào độ đó nhà tôi lại chuẩn bị một mâm cơm cúng để làm lễ rửa cưa, kết thúc một mùa nhung.

Năm nay cũng vậy, khi mâm lễ đã được mẹ tôi chuẩn bị xong, cha tôi cài xong khuy cuối cùng của chiếc áo lễ, thau rượu trắng hăng mùi gừng tươi được đưa lên bàn thờ bên cạnh cái cưa nhung. Tấm vải điều đã được giặt sạch cất cẩn thận suốt cả mùa nhung cũng được đưa ra bày lên bàn thờ. Cha chuẩn bị rút hương ra châm lửa thì nhà tôi có khách. Khách là một người đàn bà đài các, dáng thị thành tuy chân bước hơi nhanh và hình như vẫn chưa bỏ được thói mắt la mày lét của người quê đến chốn chưa quen. Buổi lễ cúng rửa cưa tạm thời phải dừng lại. Mẹ và tôi tạm lùi xuống bếp. Cha mặc nguyên cả áo lễ tiếp khách. Tôi và mẹ ngồi chưa giập miếng bã trầu đã nghe cha gọi lên nhà trên có việc. Tôi kính cẩn đứng sau lưng cha như những lúc hành lễ, cha chỉ vào người đàn bà giới thiệu:

- Đây là cô Ngân Hoa, vợ của ông Ngân Lượng giám đốc nhà máy bia tỉnh ta - quay sang tôi cha nói - Còn đây là Thiên, con trai tôi, cháu sẽ thay tôi đi cùng cô.

- Nhưng... - cô Ngân Hoa ngập ngừng.

- Cô đừng lo, tôi theo dõi cả mùa nhung qua, cháu đã thay tôi cầm cưa được rồi cô ạ.

Nói rồi cha đến bên bàn thờ lấy cái cưa nhung xuống trao cho tôi và nói:

- Con cầm cưa đi theo cô Ngân Hoa.

- Mùa tình đã hết, hươu cả làng này đâu còn cặp nhung nào nữa mà cắt?

- Làng này không còn nhưng làng khác vẫn còn con ạ. Cô Ngân Hoa đã tin tưởng cha con mình mà lặn lội tìm đến đây thì phải giúp thôi. Vẫn biết đất có thổ công... Ở dưới đó cũng có nhà ông trùm Hậu là mát tay trong việc cắt nhung. Nhưng cô đây muốn giữ kín chuyện này nên con xuống cắt xong thì về ngay, cũng đừng nói gì nếu thấy những chuyện khác thường.

Tôi đón lấy cây cưa nhung từ tay cha rồi theo cô Ngân Hoa ra xe. Lần đầu tiên tôi và cây cưa nhung được đi xe ôtô. Cũng đúng thôi, từ bé đến giờ đã mấy khi tôi ra khỏi làng. Và cũng là lần đầu tiên tôi được ngồi trong một cái quán cà phê có mấy cô bán quán mặc váy ngắn như vậy, ngắn hơn cả con gái làng tôi xắn quần trước khi lội xuống ruộng sâu. Ngắn quá đến nỗi tôi không dám nhìn. Sợ lắm, chị tôi mới chỉ xắn quần quá đầu gối đã bị mẹ chửi là đồ hư thân mất nết rồi. Mẹ mà gặp mấy cô này không biết mẹ sẽ gọi họ là đồ gì đây? Tôi đang miên man suy nghĩ thì cô Ngân Hoa nói:

- Thiên này, trước khi về nhà cô muốn ngồi lại đây với cháu, ta thống nhất một vài điều. Cháu uống gì? Nước chè xanh à? Ở đây không có. Cháu uống bia hay cà phê cũng được.

- Thôi, cô cho cháu chai nước lọc. Cô muốn dặn điều gì?

- Như cha cháu đã dặn, những gì cháu thấy ngày hôm nay cháu phải thề với cô là sống để trong dạ, chết ngạ bên mồ nghe chưa?

- Nhưng cháu đến nhà cô là để cắt nhung hươu, từ trước đến nay cháu cũng chỉ quen có cắt nhung hươu, còn mọi việc khác cháu không biết làm. Thế cô muốn cháu làm việc gì mà phải bí mật? Cháu sợ lắm, không làm đâu, cô cho cháu về.

- Về là về thế nào, cháu vẫn cắt nhung, nhưng cặp nhung này hơi đặc biệt, cháu biết đâu bỏ đó là được rồi, đừng nói với ai kể cả cha cháu.

- Nếu là nhung thì cháu chẳng sợ gì, cháu hứa, thôi cô cháu mình đi đi kẻo trời trưa.

Người đọc theo chân một anh chàng chuyên nghề cưa nhung hươu để đến với một ca khá đặc biệt. Như trong tiểu thuyết và những truyện ngắn khác của cùng tác giả Nguyễn Thế Hùng, người ta chờ đợi một câu chuyện lạ về tập tục nuôi hươu ở vùng quê anh. Nhưng những dòng khai mở đã dẫn đến một nội dung khác, kết cục khác. Vấn đề ô nhiễm được đặt ra, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tâm hồn, đạo đức.

Chuyện đời nhìn qua mắt một anh trai quê. Một giọng kể có chút hài hước và chua chát. Một dung lượng nếu khoác cho cái áo ngụ ngôn hiện đại thì hơi chật, nhưng trong chiếc áo truyện ngắn thì có lẽ hơi thùng thình.

Nguyễn Thế Hùng khi còn là sĩ quan quân đội ở Cần Thơ đã đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long 2005 (truyện ngắn Người giữ cồn này nghe đâu còn đang được thành phố Cần Thơ chuyển thể sang nhạc kịch). Anh hiện ở Hà Nội, công tác tại Ban văn xuôi của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Anh có tiểu thuyết Họ vẫn chưa về và những truyện ngắn đặc sắc về nghề nuôi hươu lấy nhung ở vùng quê Hà Tĩnh của mình. Lần này cũng là chuyện nhung hươu, nhưng là... hươu khác.

Khi chúng tôi sắp ra xe thì có thằng bé bán báo dạo tiến đến, cô Ngân Hoa hững hờ rút một tờ Thời Mới rồi cũng hững hờ như thế cô giở từng trang báo ra. Bỗng mắt cô mở to hết cỡ khi bắt gặp dòng tít “Nhà máy bia Bình Hà gây ô nhiễm môi trường trầm trọng”. Cô đọc ngấu nghiến hết trang báo rồi ngay tắp lự rút điện thoại ra gọi:

- Anh à? Anh giết em rồi, sao anh để thằng Thời Mới nó đánh nhà máy bia như thế?... Rồi, em công nhận là có trường hợp lợn nhà ông Hợi đẻ ra một con voi con thật. Đúng, đúng, em tận mắt chứng kiến... Trâu nhà ông Sửu đẻ ra con nghé hai đầu cũng là có thật. Hả, anh nói gì? Chuyện đó thì em có nghe nhưng không thấy, nó không cho xem... nhưng... thiếu chim mới sợ chứ nó đẻ được thằng con trai hai chim thì tốt quá còn gì? Chim cò giờ đang thiếu, có người không thiếu nhưng chẳng nên chim nên cò cũng chán chết... Đùng một cái nhà nó có thằng con hai chim, biết đâu mai nay cả cái tỉnh này sẽ sản sinh ra một thế hệ đàn ông hai chim thì coi mà đắt hàng, tất cả phải cảm ơn nhà máy bia ấy chứ. Sao, ngay bây giờ à? Nói qua điện thoại không tiện à? Bàn bác bàn bạc như mấy lần trước đến rạc cả người chứ gì? Nỡm ạ, em đang rối lòng lên đây này, không được đâu, em đang có tí việc thật mà... Hôm khác không được à... Lại mới nốc huyết hươu vào chứ gì... Nhưng... nhưng... Không... Hứa nhé, anh đã hứa rồi nhé. Nó phải có bài cải chính ngay số báo tới nhé. Rồi em tới liền, nhưng hôm nay anh phải để em về sớm đấy. Nỡm ạ... sâm nhung cho nó nhiều vào rồi... Vẫn chỗ cũ phải không? Thôi, em không dám đến đó đâu, chỗ khác kín đáo hơn tí, con sư tử nhà anh... Rồi, rồi, em đến ngay.

Bỏ điện thoại vào túi xách, lấy hộp phấn ra phên phết lại mặt, kẻ một đường chì mờ lên hai chân mày hình cánh ná, miết lại cái môi son, mim mím dăm lần cho son cắn chắc vào môi như sợ sắp gặp phải kẻ bạc tình làm cho mình bạc phấn. Cô Ngân Hoa quay sang tôi nói:

- Bây giờ cô phải đi đây có chút việc, cháu cứ ngồi đây chờ, kể cả chuyện này cháu cũng bí mật giúp cô.

- Nhưng cắt nhung vào buổi chiều không tốt đâu cô ạ.

- Không sao, kể cả ban đêm cũng không sao, cháu cứ ngồi đây chờ cô về đón, đừng đi đâu mà lạc nhé. Này - cô hất hàm cho cô tiếp viên - Nếu anh này chờ lâu mệt, các em đưa anh vào trong chăm sóc giúp tôi nhé.

Cô khuất lưng, tôi nghĩ: lạ, nhà đã nuôi hươu mà không biết một tí gì về hươu, trước khi cắt nhung còn hẹn hò với trai. Không những bản thân đi hẹn hò mà còn bảo thợ cắt nhung đi nghỉ. Mùa tình là mùa của vạn vật sinh sôi, của gái trai tình tự, nhưng mọi điều đều có chung cái quy luật của nó. Hươu là linh vật của làng nên trước khi đến với linh vật đều phải thanh sạch. Thợ bắt đầu, thợ cắt nhung và gia chủ có hươu sắp cắt nhung đều phải trai giới. Điều đó không ai không biết, đến vợ chồng còn phải xa ra huống hồ là hẹn hò. Lạ thật, chẳng lẽ nuôi hươu mà không biết chuyện đó?!

***

Tôi hết đứng lại ngồi, mặt trời lên ngự đỉnh trời rồi tà tà ngả về phía tây vậy mà cô Ngân Hoa vẫn chưa quay lại. Mãi đến khi phía tây mây đỏ đòng đọc như một chậu máu, hoàng hôn đang tham lam nuốt dần mặt trời thì cô mới tã tượi trở lại. Không biết ăn nhiều son môi có ảnh hưởng gì tới bệnh đường ruột không? Nếu có, tôi dám chắc ngay đêm nay người tình của cô Ngân Hoa phải đi mua ngay mấy liều béc-bê-rin phòng tiêu chảy. Bởi trước khi đi cô ấy đã tô cho đôi môi chuối mắn đỏ chót lên, vậy mà bây giờ nó đã bạc thênh thếch như da trùn chết.

Nhà cô Ngân Hoa ngự ngay mặt phố, rộng thênh thang, đẹp như một lâu đài. Tôi chợt nghĩ nếu cái này cũng gọi là cái nhà thì không biết cái cha con tôi đang ở phải gọi là cái gì? Chắc gọi là lều thôi, mà lều cũng không xứng. Cũng giống như người ta gọi cụ Nguyễn Du là nhà thơ, và ông Trường hói cạnh nhà tôi chuyên đi thiến lợn, tự bỏ tiền ra in được tập thơ cũng vênh vênh xưng mình là nhà thơ. Không biết cô Ngân Hoa hưởng cái lộc gì mà to, mà giàu, mà sung sướng hơn cả dân làng tôi mấy mươi đời được hưởng lộc trời - nhung hươu được gọi là lộc trời mà.

Tôi đang ngơ ngẩn nhìn quanh quất không biết nhà cửa như thế này thì chuồng hươu đặt ở đâu? Gọi tôi đến cắt nhung mà chẳng thấy có chuẩn bị gì, bét ra cũng phải có dăm bảy người giữ thì tôi mới cắt nhung được chứ? Đang thắc mắc cành hông thì có một người đàn ông phóng xe máy vào tận nhà. Người lẻo khà lẻo khoẻo thế này chẳng lẽ là thợ bắt đầu (*), lạ thật. Không nhìn cả tôi, anh ta chạy ngay lên lầu, một lúc sau thấy khoác tay cô Ngân Hoa đi xuống. Chết cha, chẳng lẽ con cú này lại là chồng của con thiên nga này sao? Chả trách thiên nga chiều nay tách đàn. Tôi lại thắc mắc cành hông thì cô Ngân Hoa nói:

- Trăm sự nhờ anh, anh cứ dùng loại thuốc tốt nhất gây mê cho nhà em. Và điều quan trọng là anh giữ kín cho việc này. Trăm sự nhờ anh, em sẽ đền đáp xứng đáng.

- Em khỏi lo, đến voi anh gây mê còn ngủ li bì nữa là người, gây mê xong anh sẽ... sẽ... gây... tê... cho em luôn nhé.

- Nỡm ạ, cứ xong việc đi đã nào.

Vừa nói hai người vừa dắt nhau vào buồng trong. Khoảng mười lăm phút sau, cô Ngân Hoa ra cửa gọi tôi vào. Khi tôi lại gần, cô đặt bàn tay dịu dàng lên vai tôi nói:

- Cháu thật bình tĩnh mà cưa cho tốt nhé, đừng sợ gì cả, cứ cắt như cắt nhung hươu.

- Thế...?

- Không việc gì cả, cô và chú bác sĩ thú y sẽ giữ chặt đầu cho cháu cưa. Với lại ngủ li bì rồi, còn sợ gì nữa.

Chúng tôi đến bên chiếc giường đôi, trên đó có một người đàn ông đang nằm ngủ. Tôi nhìn lên mặt, lên đầu người đàn ông rồi bỗng rụng rời chân tay, trên đầu ông ấy đang đội một cặp nhung trắng hồng với nhánh chính, nhánh con đẹp như vẽ. Trên đời này kể từ khi nhà máy bia gây ô nhiễm tôi đã thấy khá nhiều chuyện lạ, chuyện bò hai đầu, gà bốn chân, lợn voi, chuột chó... đều thấy cả, nhưng người mà mọc nhung như hươu thì quả tôi chưa thấy bao giờ. Nhưng quả thật chẳng còn con đường lùi, tôi bặm môi cưa. Cưa ăn nhung xoèn xoẹt. Từ vết cắt nhểu xuống thau rượu hứng phía dưới một dòng máu đen, tanh, khẳm... như nước thải nhà máy bia. Tôi vẫn nghiến răng cưa, còn cô Ngân Hoa chắc không chịu được mùi xú uế chảy ra từ chồng. Cô nôn khan rồi ôm mặt lao vào nhà vệ sinh.

Người mà mọc nhung như hươu, máu người mà đen, hôi như nước cống, quả tôi chưa thấy bao giờ!

______________

(*) Thợ bắt đầu: người vào đầu tiên, dùng sức mạnh và sự nhanh nhẹn bắt lấy đầu con hươu để những người sau vật con hươu xuống cắt nhung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận