TTCT - Nhật Bản đang cần thúc đẩy các hoạt động ngoại thương và di chuyển vốn - sản xuất ra nước ngoài hơn bao giờ hết, trong khi Việt Nam cần một biểu đồ ngoại thương đa dạng hơn và muốn tiếp tục hội nhập hơn về kinh tế với thế giới. Nhật Bản được chờ đợi sẽ dẫn đầu các nỗ lực tái sinh TPP -sputniknews.com Triển vọng của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản mới đây, vì thế, có lẽ đang là rộng mở nhất kể từ nhiều năm qua. Nền kinh tế Nhật Bản thời gian qua bắt đầu cho thấy những dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng, dù nhiều nhà phân tích vẫn cảnh báo nước này cần thêm các cải cách, cũng như mở ra hơn về thương mại để giữ được nhịp độ tăng trưởng. Từ cuối năm 2016, nền kinh tế Nhật Bản, vốn đã mắc kẹt trong giảm phát vài thập niên qua, chứng kiến sự tăng trưởng về chỉ số giá tiêu dùng - điều mà các kinh tế gia cho là “thần kỳ”. Lạm phát đã tăng liên tục từ tháng 10-2016 và ở mức 0,4% so với năm trước vào tháng 4-2017, một kỷ lục. Đợt phục hồi kinh tế thứ ba Bloomberg hồ hởi loan báo sự phục hồi đó, cho thấy Nhật Bản đã vượt qua “chứng xơ cứng động mạch” và đi xa tới mức nói Mỹ nên học theo cách tiếp cận nhắm vào những vấn đề cấu trúc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với chính sách nổi tiếng “Abenomics” của ông. Giải quyết vấn đề nợ công, giảm phát, và cả suy giảm dân số là những thách thức rất lớn, nhưng “Abenomics” có vẻ đang tìm được đường đi đúng. Thủ tướng Shinzo Abe hiện đã là nhà lãnh đạo có thời gian tại vị kéo dài thứ ba ở Nhật Bản trong thời hậu chiến, nhờ vào nhiều điểm tích cực trong chính sách kinh tế của ông. “Không thể phủ nhận viện Thủ tướng Shinzo Abe và Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã thực hiện những biện pháp chưa có tiền lệ để xoay chuyển nền kinh tế Nhật Bản, dẫn tới sự hồi phục kinh tế kéo dài thứ ba trong lịch sử thời hậu chiến, tới nay đã là 53 tháng” - báo cáo nghiên cứu của công ty Nikko Asset Management (Nikko AM) công bố tháng 5-2017 cho biết. Nhưng Báo cáo của Nikko AM cũng ghi nhận sự thay đổi còn chậm chạp trong hành vi của hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật Bản, vốn hiện cùng nhau nắm giữ 11 nghìn tỉ USD tiền mặt và tiền gửi - mức cao kỷ lục. Những con số ngắn hạn là đáng mừng, nhưng chính ông Abe đã chỉ ra rằng Nhật Bản cần tập trung hơn vào dài hạn, giải quyết vấn đề dân số suy giảm và tái cấu trúc. “Việc thiếu hụt lao động đang trở nên nghiêm trọng - ông nói - Để vượt qua, chúng ta cần tăng năng suất”. Một giải pháp là sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo, mà chính quyền hy vọng sẽ bù đắp cho khoảng 5,7 triệu việc làm tới năm 2031, đồng thời khuyến khích phụ nữ đi làm và tăng tuổi về hưu. “Thành công tổng thể của chương trình Abenomics là lớn hơn nhiều so với cảm nhận chung” – Jonathan Garner của Morgan Stanley nói với Bloomberg. Dẫu thế, giới phân tích - trong nước, ngoài nước, chính quyền, doanh nghiệp và phi lợi nhuận - đều chỉ ra hai vấn đề: sự già hóa dân số và cấu trúc kinh tế kiểu từ trên xuống dưới. Tỉ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm mạnh. Hiện Nhật Bản chỉ có 3,5 người làm việc cho mỗi người về hưu, giảm một nửa so với 25 năm trước và còn giảm nữa. Cùng lúc, chính sách nhập cư ngặt nghèo khiến Nhật Bản không thể tìm thấy nguồn lao động thay thế. Giải pháp tất yếu là rất nhiều công ty Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nơi nguồn lao động dồi dào và giá rẻ hơn. Tất cả các nước Đông Nam Á, nhất là những nước còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao - như Việt Nam, sẽ được nhắm tới. Cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản khiến các cải cách ở diện rộng là không đơn giản. Trong hàng thập niên, Nhật Bản tăng trưởng dựa vào sự hợp tác gần gũi giữa các tập đoàn lớn, các tổ chức quan liêu và những chính trị gia thắng cử - tam giác sắt của nền kinh tế. Sự tập quyền kinh tế cho phép tập hợp và điều phối nguồn lực - tự nhiên, tài chính, lao động và tổ chức - vào một nhóm mục tiêu kinh tế rõ ràng và hạn chế. Nhưng sự phân mảng và công nghệ hóa của nền kinh tế hiện đại khiến cấu trúc đó trở nên lỗi thời. Hiroshi Mikitani - một trong những người giàu nhất Nhật Bản (tài sản 7,5 tỉ USD) và là một trong những doanh nhân tiên phong ở nước này với tập đoàn công nghệ Rakuten của ông - viết trong cuốn Japan, The Power to Compete (tạm dịch: Sức mạnh cạnh tranh của Nhật Bản): “Nhật Bản đã tạo ra những tiêu chuẩn và rào cản phi thuế quan của riêng mình, về cơ bản khiến chỉ các công ty Nhật Bản có thể thành công và phát đạt trên thị trường Nhật Bản”. Tam giác sắt đã không thể thích nghi, thậm chí từ chối tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dù là qua vốn vay ngân hàng hay thị trường chứng khoán. Các định chế tài chính vẫn chỉ ưu ái các tập đoàn lâu đời, nay không còn đủ cơ động và rất nhiều đang đứng trước nguy cơ phá sản, không ít chỉ còn trụ vững nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và tiền thuế của dân. Vì những lực cản trong nước đó, Nhật Bản cần các hiệp định ngoại thương như một cú hích, một cớ lý chính đáng từ bên ngoài để giới chính trị gia có đủ sự chính danh lẫn quyết tâm chính trị triển khai các cải cách trên thực tế. Chính ở đây mà Nhật Bản có mọi lý do để dẫn dắt một nỗ lực tiếp tục hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bất chấp việc Mỹ - với chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump - đã lắc đầu. Một TPP không có Mỹ sẽ thiếu đi sức nặng cần thiết của một hệ thống ngoại thương thực sự mang tính toàn cầu nhưng với nhiều nước tham gia, thị trường Nhật Bản và rất nhiều nền kinh tế bậc trung khác trong khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất hành tinh, cũng đã là đủ lớn. Quan trọng hơn, họ có thể dựa vào TPP để bắt đầu những cải cách cấu trúc được mong đợi lâu nay ở trong nước. Bản thân Tokyo sẽ hưởng lợi không ít từ các nền kinh tế bổ sung rất tốt cho họ ở quy mô trung bình, tăng trưởng tốt và năng động như Úc, Việt Nam..., nhất là khi Abenomics bao gồm chiến lược thúc đẩy việc tiếp cận các thị trường nước ngoài để mang lại sức sống mới cho thị trường trong nước. Thứ hai có thể là vấn đề địa chính trị. TPP, dù chỉ với 11 nước, vẫn là một giải pháp thay thế không có Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh gần như trên mọi mặt giữa hai siêu cường châu Á hiện giờ. Mở rộng biểu đồ thương mại Trong một biểu đồ tròn về tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu của các nước vào Việt Nam, phần “Trung Quốc” sẽ choán một diện tích gần 1/3 (29,82%, tương đương 49,44 tỉ USD vào năm 2015, số liệu từ Ngân hàng Thế giới). Điều đó tương đương với một thâm hụt thương mại 32,87 tỉ USD của Việt Nam với siêu cường láng giềng. Trong khi đó, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ hiện vào khoảng 32 tỉ USD. Nhật Bản, thật thú vị, đứng thứ 3 trong cả hai danh sách thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đều vào khoảng 14,1 tỉ USD kim ngạch, với chênh lệch giá trị xuất - nhập không đáng kể. Những con số thật sự cho thấy nỗ lực cân bằng mọi ảnh hưởng, bao gồm về kinh tế, trong tình thế không lấy gì làm dễ chịu mắc kẹt giữa các siêu cường. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ và Nhật Bản trong thời gian qua đã đi kèm với rất nhiều hiệp định mua - bán được ký trực tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp các nước. Tại Mỹ là 13 thỏa thuận trị giá khoảng 8 tỉ USD (con số được điều chỉnh, theo Reuters, khác với một số nguồn trước đó), với sự tham gia của nhiều tập đoàn Mỹ như General Electric và Caterpillar, chủ yếu là hợp đồng bán máy móc và trang thiết bị từ Mỹ sang Việt Nam. Còn ở Nhật Bản là hàng loạt thỏa thuận khác trị giá 22 tỉ USD. Các hợp đồng này tất nhiên khác nhau về tính chất cụ thể và thời hạn thanh toán nhưng nếu được thực hiện đầy đủ, chúng sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong biểu đồ ngoại thương hiện tại của Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam về việc nối lại TPP đã được trình bày khá rõ ràng trong những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. “Việt Nam cùng với Nhật đã tham gia TPP. Đến nay Hoa Kỳ đã rút ra khỏi hiệp định này, còn lại 11 nước, chúng tôi đang bàn bạc với các đối tác về những giải pháp cụ thể để tìm ra cách thức tốt nhất để chúng ta hợp tác cùng có lợi - ông Phúc nói ở Diễn đàn tương lai châu Á, Tokyo - Cuộc họp cấp cao bộ trưởng thương mại của APEC tại Hà Nội vừa qua đã thảo luận về vấn đề này, và chúng tôi đang tiếp tục thảo luận để tìm ra phương thức hợp tác tốt nhất khi TPP không có Hoa Kỳ”. Việt Nam cũng là một nước cởi mở hơn hẳn với các hiệp định thương mại tự do và hội nhập. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ở diễn đàn trên: “Lịch sử cho chúng ta thấy dù chúng ta có ủng hộ toàn cầu hóa hay không, nó vẫn là một xu hướng không thể tránh khỏi”. Ông cho biết Việt Nam đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do ngoài 12 hiệp định đã ký kết. Là một nền kinh tế đang phát triển, dựa vào xuất khẩu, Việt Nam sẽ cần ngoại thương cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng quan trọng không kém, các hiệp định mới được kỳ vọng là xung lực bên ngoài để thúc đẩy những cải cách kinh tế quan trọng trong nước. ■ Các điều khoản và điều kiện vốn vay ODA của Nhật Bản được thiết lập dựa trên mức thu nhập của nước tiếp nhận. Hiện tại Việt Nam đã được xếp vào nước có mức thu nhập trung bình thấp với thu nhập quốc dân trên đầu người trong khoảng từ 1.046-1.985 USD năm 2014. Mức lãi suất của vốn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam dao động 0,1-1,4%/năm và thời gian trả nợ là 25-40 năm, thời gian ân hạn là 7-10 năm. Với tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, JICA sẽ tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam tới khoảng năm 2030. Vì thế từ tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay ODA ưu đãi từ các tổ chức quốc tế khác, nhưng mức ưu đãi của vốn vay ODA Nhật Bản sẽ chỉ giảm một chút nếu Việt Nam được nâng bậc vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao hơn hiện nay (tức mức thu nhập trung bình). Cho tới năm 2014, Việt Nam là nước nhận nhiều ODA và vốn vay ưu đãi nhất từ Nhật Bản trên toàn thế giới, vào khoảng gần 1,7 tỉ USD, cao hơn cả Ấn Độ, nước xếp thứ hai với gần 1,5 tỉ USD. (theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) Tags: Quan hệ Việt NhậtViệt Nhật hợp tácVì ta cần nhau
Quốc vương Campuchia: Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em, bạn bè lâu đời DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhấn mạnh Campuchia có quyết tâm cao để tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Nga nói sẽ 'tất tay' nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 28/11/2024 Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cho biết Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay để đánh Ukraine nếu Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng mong hai tân bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với Chính phủ NGỌC AN 28/11/2024 Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với tập thể Chính phủ, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của Chính phủ qua các thời kỳ.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.