TTCT - Đối với Đại sứ Marc Knapper, mối quan hệ song phương Việt - Mỹ về cơ bản đã mang tính chiến lược. Ông "cực kỳ hy vọng" về khả năng nâng cấp mối quan hệ này lên đối tác chiến lược Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Ảnh: Nguyễn KhánhViệc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược đã được nhắc tới nhiều lần. Triển vọng này chắc chắn tiếp tục nằm trong số những nội dung quan trọng khi bước sang 2023 - thời điểm hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.Đó cũng sẽ là một trong những cột mốc đáng nhớ của ông Knapper, người đã bắt đầu nhiệm kỳ trong giai đoạn khá đặc biệt. Khi chính trị quốc tế chứng kiến nhiều biến động với những khó khăn về kinh tế, xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đan xen, vai trò siêu cường của Mỹ càng trở thành tâm điểm. Trong bối cảnh đó, quan hệ Mỹ - Việt Nam có thể là trường hợp phản ánh khá đầy đủ cam kết và chính sách đối ngoại của Washington.Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần trong cuộc trò chuyện cuối năm 2022, Đại sứ KNAPPER chia sẻ về nhiều vấn đề, từ quan hệ song phương, khả năng Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam và cả những hoài nghi về "chủ nghĩa bảo hộ" hay cam kết của Mỹ với khu vực.Chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh ChínhGần một năm từ lúc đảm nhận công việc ở Việt Nam, theo ông, đâu là thành tựu quan trọng nhất của ông đến nay và điều khiến ông hài lòng nhất trong công việc là gì?Thật khó nêu ra thành tựu quan trọng nhất vì đã có rất nhiều diễn biến trong 10 tháng qua với chúng tôi, cả tôi và đội ngũ sứ quán Mỹ tuyệt vời tại Việt Nam. Nhưng tôi có một vài ví dụ. Đầu tiên, chúng ta đã có một chuyến thăm thực sự thành công của Thủ tướng (Phạm Minh Chính) tới Washington hồi tháng 5, nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN.Trong khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN là tâm điểm, điều tuyệt vời ở chỗ Thủ tướng cùng đi với rất nhiều người khác và các bộ trưởng Bộ Công an, Kế hoạch & đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương… Và họ không chỉ tới Washington mà còn tới Boston, New York, San Francisco. Qua những chuyến đi này, tôi cho rằng đó gần như là một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước.Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Chúng tôi xem IPEF là nhân tố quan trọng và trung tâm để gắn kết kinh tế với khu vực… IPEF thực sự là nỗ lực của thế kỷ 21, không chỉ gắn kết về kinh tế mà còn cùng xử lý các vấn đề lớn nhất trong thời đại của chúng ta như sự gián đoạn chuỗi cung ứng chẳng hạn.Tôi cũng nhận ra rằng Việt Nam hiện xếp thứ năm trong các nước có số sinh viên học tại Mỹ nhiều nhất. Nếu so với Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada hoặc Anh về phương diện quy mô dân số hay thu nhập bình quân, số lượng sinh viên học sinh Việt Nam như vậy là rất ấn tượng. Điều đó phản ánh chất lượng trong mối quan hệ của chúng ta, niềm tin của các bậc phụ huynh khi đưa con em tới Mỹ.Ông vừa đề cập tới IPEF. Vai trò của Việt Nam trong IPEF là gì? Vì sao Mỹ chọn Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á nhất định?- Khi nói đến cấu trúc kinh tế khu vực, Việt Nam là sự lựa chọn tự nhiên, xét về tầm quan trọng của nền kinh tế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể có một kiến trúc kinh tế khu vực không có Việt Nam. Thật ra mà nói, mục tiêu của IPEF rất phù hợp với các mục tiêu trong quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam, đó là thúc đẩy thương mại, tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững…"Quyền được lựa chọn"Tôi muốn nói một chút về vài lo ngại với chính sách của Mỹ. Có một số ý kiến cho rằng Mỹ từng "bỏ rơi đồng minh", ví dụ sự kiện bãi cạn Scarborough ở Philippines, việc rút quân khỏi Afghanistan. Ông bình luận gì về các ý kiến này?- Tôi nghĩ nếu bạn đồng thời nhìn vào một số điểm, ví dụ cam kết rất mạnh mẽ và rõ ràng của chính quyền Biden với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà chúng tôi đã nêu rõ trong các tuyên bố chính sách trọng yếu như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chiến lược An ninh quốc gia, IPEF…, có rất nhiều tín hiệu rõ ràng rằng chính quyền chúng tôi nhìn nhận tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với an ninh, thịnh vượng của Mỹ trong hiện tại và tương lai.Chính quyền Biden tuyên bố rõ về tầm quan trọng của quan hệ với đồng minh và đối tác… Tôi cho rằng, ngược lại [với ý kiến trong câu hỏi], hai năm gần đây, chúng ta chứng kiến cam kết với các đối tác, bạn bè, đồng minh trong khu vực thậm chí tăng cường hơn, dù đó là đồng minh hiệp ước như Nhật, Hàn, Philippines hay các đối tác mới nổi như Ấn Độ, Việt Nam. Chúng tôi cam kết hoàn toàn với tình hữu nghị này và đảm bảo bạn bè, đồng minh, đối tác có những gì họ cần trong việc bảo vệ lợi ích của họ. Bạn biết đấy, khi tôi nói tới lợi ích thì đây là những lợi ích và mục tiêu mà tất nhiên chúng tôi chia sẻ.Chúng tôi cũng nghĩ về điều đó rất nhiều, về hình ảnh và thanh danh của nước Mỹ. Và tôi tin rằng trong hai năm qua chính quyền Biden đã có những bước đi vững chắc và tin cậy trong việc đảm bảo cam kết của chúng tôi ở khu vực. Đây là những lợi ích căn bản và tương đồng với lợi ích của chúng tôi.Cũng có những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ trong chính sách kinh tế của Mỹ. Gần đây, trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Mỹ thay đổi quan điểm về chính sách bảo hộ này…Tôi nghĩ rằng không thị trường nào cởi mở hơn Mỹ. Chúng tôi chào đón hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới để đảm bảo người Mỹ, các nhà sản xuất và những người khác nữa có thứ họ cần. Đồng thời, Tổng thống Biden đã nêu rõ rằng chính sách đối ngoại của Mỹ là chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu, lấy trọng tâm là đảm bảo người lao động Mỹ thừa hưởng một thỏa thuận công bằng.Ví dụ, khi làm việc với các thị trường như Việt Nam và các nơi khác, chúng tôi muốn đảm bảo đó là sân chơi công bằng. Một cách tự nhiên, khi nói tới sự thịnh vượng của người Mỹ tại các công ty Mỹ, chính sách của chúng tôi sẽ phản ánh điều đó. Đơn cử khi đề cập tới những điều như Đạo luật giảm lạm phát, chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo công nghệ cao và công nghệ tương lai có thể ở lại Mỹ. Như Tổng thống Biden nói, sẽ có một số "điều chỉnh nhẹ" vì chúng tôi nhận thấy có một số lo ngại từ các bạn bè và đối tác. Chúng tôi luôn lắng nghe lo ngại của người khác, của đối tác và đồng minh. Nhưng sau cùng, chính quyền Mỹ, bạn biết đấy, sẽ phải chăm lo cho nước Mỹ, người tiêu dùng và công ty Mỹ.Hiện nay các nước muốn hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, không muốn chọn phe. Vậy theo ông, Mỹ sẽ làm gì để bảo vệ lợi ích quốc gia trong khi tôn trọng sự lựa chọn của các nước?- Tôi không cho rằng hai điều này loại trừ nhau. Thật lòng mà nói, đó không phải là trò chơi được - mất. Việt Nam, dĩ nhiên cũng như mọi quốc gia trong khu vực, có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và quan trọng với Trung Quốc. Chúng tôi không phản đối và không cố làm suy giảm điều này. Nhưng điều chúng tôi thực sự muốn là đảm bảo Trung Quốc tiến hành việc làm ăn theo cách tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế, không cố gắng ép buộc các quốc gia khác hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng dù ở biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan hay Biển Đông.Vì vậy, chúng tôi không yêu cầu Việt Nam lựa chọn, nhưng rất muốn đảm bảo Việt Nam có một lựa chọn. Điều này bao gồm phải đảm bảo có luật lệ, và Trung Quốc khi làm ăn sẽ theo cách không bắt nạt hoặc gây áp lực lên nước khác.■"Chuẩn bị" cho điện đàm Tổng bí thư - Tổng thống MỹÔng có thể chia sẻ gì về khả năng Tổng thống Biden thăm Việt Nam?- Chắc chắn ngoại giao cấp cao luôn là phần cốt yếu trong mối quan hệ hai nước, và điều này đã phát triển trong 27 năm qua… Về chuyến thăm của Tổng thống [Biden], chúng ta cùng đợi xem. Tổng thống Biden rất bận rộn, nhưng ta đều biết mọi tổng thống Mỹ sau thời ông Bill Clinton đều đã thăm Việt Nam, và tôi không thấy lý do gì để Tổng thống Biden không làm vậy. Nhưng chúng ta cứ đợi xem. Đó là quyết định của Nhà Trắng, và nếu tôi nói thêm điều gì đó thì tôi sẽ gặp rắc rối (cười).Vậy giờ chúng ta đang đợi cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden…- Đúng vậy. Đây là ưu tiên của chúng tôi, đây là tất cả những gì tôi có thể nói. Chúng tôi đang làm việc hết mình để cuộc điện đàm ấy diễn ra.Ông đang chuẩn bị?- Đúng vậy. Tất cả phụ thuộc vào lịch trình của Tổng thống và lịch của Tổng bí thư. Chúng tôi đang thảo luận tích cực với lãnh đạo của các bạn để cuộc điện đàm diễn ra.Shakespeare từng nói có gọi hoa hồng bằng cái tên nào khác thì nó vẫn ngọt ngào. Việc nâng cấp quan hệ hai nước chỉ phản ánh bản chất vốn có trong mối quan hệ của chúng ta hiện nay. Khi bạn đánh giá những điều mà chúng ta đã làm cùng nhau, dù là Biển Đông, sông Mekong, đối phó với những vấn đề như chuỗi cung ứng, đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu…, xét bản chất, tất cả về cơ bản đã mang tính chiến lược rồi.Đại sứ Mỹ Marc Knapper Tags: Quan hệ Việt - MỹViệt - MỹQuan hệ song phươngĐối tác chiến lượcTổng thống MỹĐại sứ MỹMarc KnapperChính sách đối ngoạiMối quan hệPhạm Minh Chính
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.