Quan hệ Việt - Mỹ: Chờ những cột mốc mới

NHẬT ĐĂNG 08/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam đang gặt hái những kết quả tích cực, phù hợp với chuyển động của thế giới trong cục diện mới.

Tháng 8 này là lúc dư luận quốc tế tập trung vào thông tin liên quan tới chuyến thăm dự kiến của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam. Nhà Trắng tuần trước xác nhận bà Harris sẽ có chuyến thăm Việt Nam và Singapore nhằm thúc đẩy quan hệ với hai “đối tác quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang ở Hà Nội. Ảnh: VNA

 

Diễn biến này tiếp tục phản ánh sự phát triển toàn diện trong quan hệ song phương Việt - Mỹ. Bà Harris sẽ là vị phó tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam. Chuyến đi diễn ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin là quan chức cấp cao đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội.

Hai sự kiện nổi bật này càng khiến giới quan sát tò mò về khả năng Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương.

Bước tiến trong quan hệ song phương

Trong chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam (28 và 29-7), ông Austin đã đề cập đến mong muốn tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam. 

Cụ thể, trong cả hai cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Austin đều nói tới việc hai bên nghiên cứu, nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện (Comprehensive Partnership) lên đối tác chiến lược (Strategic Partnership).

Trên thực tế, mức độ hợp tác giữa các nước đôi khi không nhất thiết giới hạn trong câu chữ. Nhiều năm gần đây, phía Mỹ thường cho rằng mối quan hệ Việt - Mỹ đã và đang phát triển tốt bất chấp được gọi bằng từ ngữ gì. Tuy nhiên việc nâng cấp quan hệ cụ thể đã được đề cập nhiều hơn. 

Trung tuần tháng 7, ứng viên cho vị trí đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cũng khẳng định Washington hy vọng nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược.

Dẫu sao, việc nâng cấp quan hệ theo bất kỳ tầng nghĩa nào cũng sẽ không chỉ có giá trị biểu tượng. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin vừa qua cũng được cho là đã tháo gỡ thêm những nút thắt trong quan hệ hai bên. 

Trong đó, ông đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam hôm 29-7.

Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), ngoài lấy nhân đạo làm mục tiêu chính, động thái này cũng mang những toan tính chiến lược. 

Việc Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng ở Đông Nam Á khiến Washington chú trọng thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Việt Nam, bao gồm việc tiếp cận cơ sở quân sự, tập trận chung, hay bán vũ khí cho Việt Nam. 

Vì lẽ đó, việc hỗ trợ vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cho Việt Nam sẽ “loại bỏ một trở ngại mang giá trị biểu tượng chính trị mạnh mẽ đối với hợp tác quốc phòng song phương”.

Điểm giao của lợi ích song trùng

Trước chuyến thăm của ông Austin và thông tin về chuyến đi của Phó tổng thống Harris tới Việt Nam, Hà Nội cũng đã đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Ông cũng là bộ trưởng quốc phòng Anh đầu tiên thăm Việt Nam.

Truyền thông Nhật Bản trước đó đã thông báo bộ trưởng quốc phòng nước này sẽ thăm Việt Nam trong tháng 8. Những diễn biến sôi động gần đây phản ánh vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược của các nước ở khu vực, đặc biệt là đối với Mỹ và đồng minh.

Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt, Đại học Jawaharlal Nehru, việc hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Anh sang thăm Việt Nam gần như nối tiếp nhau năm nay khá lạ nhưng không hoàn toàn bất thường. 

Bà Bhatt lưu ý các quan chức cấp cao của Anh cũng đã tới thăm Việt Nam trước đó, như Ngoại trưởng Dominic Raab.

Nước Anh cũng đang thể hiện ý định tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và gần đây xem nhóm tàu sân bay CSG 21 là một phần trong tầm nhìn tổng thể về việc duy trì các giá trị chung, góp phần ủng hộ các quy tắc của luật pháp quốc tế, tự do hàng hải... 

Trong chiến lược nước Anh toàn cầu (Global Britain) sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), việc người Anh thúc đẩy sự gắn kết với Đông Nam Á về thương mại, kinh tế, cũng như chủ nghĩa đa phương là dễ hiểu.

“Nói cách khác, cách tiếp cận hậu Brexit của Anh đang định hình sự tập trung và cam kết của họ ở Đông Nam Á, mà chuyến thăm gần đây của ông Wallace là một phần trong chuỗi cam kết đó..." 

"Đối với Mỹ, Việt Nam là điểm dừng chân quan trọng trong chuyến đi cũng qua Singapore và Philippines, qua đó nhấn mạnh sự tập trung của chính quyền Mỹ hiện nay đối với Đông Nam Á và cam kết của họ với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, dựa trên quan hệ đối tác và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN”, bà Bhatt nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Trong năm nay, Anh, Mỹ, và một số nước đồng minh khác của Mỹ tại châu Âu, Canada, Úc... đều đã tuyên bố điều tàu tới Biển Đông, một động thái vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc.

Thông điệp tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam

Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần trước chuyến thăm của Bộ trưởng Austin, đại tá Thomas Stevenson, tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh thông điệp quan trọng của ông Austin tại Việt Nam là “chứng minh sự tôn trọng của chúng tôi dành cho hệ thống chính trị của các bạn”. 

Đây cũng là điều được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace đề cập trong phát biểu của ông tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, khi khẳng định hai nước có rất nhiều điểm chung, “bất kể chúng ta rất khác biệt về hệ thống quốc gia”.

Mỹ và phương Tây thường thể hiện mong muốn các đối tác chấp nhận những “giá trị phương Tây”. Nhưng tín hiệu “tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam” hiện nay cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận này.

Theo tiến sĩ Satoru Nagao, xét về kinh tế, hiện nay Việt Nam đang phù hợp với chiến lược của Mỹ. Và vì vậy, Việt Nam cũng được xem là thành tố quan trọng trong chiến lược “QUAD cộng”, trong đó nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc sẽ tăng cường hợp tác với 3 nước đối tác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.

“Mỹ muốn nhắn nhủ Việt Nam rằng, mục tiêu của chính sách liên quan tới “giá trị phương Tây” không phải là Việt Nam. Nói cách khác, bất kể khác biệt hệ thống, Việt Nam là một thành viên quan trọng trong QUAD cộng”, ông Nagao, nhà nghiên cứu khách mời của Viện Hudson, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

“Thông điệp của Mỹ cũng cho thấy họ hiểu rõ các suy nghĩ, quan tâm của Việt Nam, và cố gắng hành động để đáp ứng các mối quan tâm đó". 

"Điều đó, đến lượt nó cho thấy thành ý và sự nghiêm túc của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam nói chung và hợp tác an ninh - quốc phòng nói riêng”, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.■

Mỹ lắng nghe đề nghị từ Việt Nam về tàu tuần duyên thứ 3

Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đại tá Thomas Stevenson cho biết tàu CSB 8021 đã về tới Khánh Hòa. Đây vốn là tàu tuần duyên USCGC John Midgett (WHEC 726), thuộc lớp tàu Hamilton của Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ (USCGC), là chiếc thứ hai được Mỹ giao cho Việt Nam theo chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).

Khi được hỏi liệu Mỹ và Việt Nam có kế hoạch chuyển giao con tàu thứ ba hay không, vị tùy viên quân sự Mỹ nói: “Chúng tôi không nhận được bất kỳ đề nghị chính thức nào từ Việt Nam về con tàu thứ ba. 

Nếu chúng tôi nhận đề nghị như vậy từ phía Việt Nam, tôi cho rằng chúng tôi sẽ nghiêm túc với vấn đề này, và đánh giá các lựa chọn đang có”.

Trên trang Facebook chính thức ngày 3-7, Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam cho biết tới nay Mỹ đã cung cấp 6 hệ thống bay không người lái ScanEagle và 24 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam, cùng các nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện và bảo dưỡng tàu, cũng như phương tiện nắm bắt tình hình vùng biển và các năng lực thực thi pháp luật trên biển khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận