Quan hưu, dân hưu

ĐỖ PHẤN 07/04/2016 02:04 GMT+7

TTCT - Thật ra nghĩa của chữ hưu trí ngày trước hoàn toàn chỉ để nói về quan. Suốt thời kỳ phong kiến đến tận những năm Pháp thuộc, người về hưu được lĩnh lương thường là tầng lớp quan lại.

Tranh: Lê THiết Cương
Tranh: Lê THiết Cương


Chỉ trừ các quan bị phế truất đuổi về quê chăn vịt. Hạng này thường phẫn chí, phẫn chí nhiều lúc thành lời, thành thơ ca ngâm ngợi, luận bàn thế sự. Nhìn chung đều tỏ thái độ chán ghét triều chính đương thời đục trong hỗn độn. Rất hiếm khi tự thừa nhận mình cũng đóng góp một phần vào cái hỗn độn ấy.

Có lẽ kể từ thời Việt Nam dân chủ cộng hòa mới có khái niệm “dân hưu”. Đó là cán bộ, công nhân viên chức bình thường. Tất nhiên trong số ấy cũng có quan, nhưng không ai dám gọi thế bởi quy định của nền hành pháp dân chủ cộng hòa không có chữ “quan”.

Từ cán bộ cấp cao nhất đến cán bộ cấp vừa vừa hay nho nhỏ, khi về hưu đều có chung danh xưng “cán bộ về hưu”. Và dĩ nhiên tham gia sinh hoạt tổ hưu như mọi cán bộ thường và công nhân hưu trí.

Người Hà Nội chẳng biết tại sao cứ phát âm chữ “hưu” thành “hiu”, nên chệch đi thành “hiu trí”. Chữ “hưu” là một trong những động từ hiếm hoi của tiếng Việt để chỉ một hành động thật ra không có hành động nào cả. Nó cũng tương tự động từ “nghỉ”. Thế nhưng gọi “hiu trí” nghe lại hợp với cảm giác mà phần đông vị hưu cảm thấy, nó cứ hiu hắt thế nào.

Dân hưu nhanh chóng khuất mặt trong trùng điệp các tổ hưu phố phường. Có tên tuổi đấy nhưng ít khi thấy xuất hiện hội họp. Trong số này thường có các “cụ hưu” nghỉ việc theo chế độ 176 được Hội đồng bộ trưởng ban hành năm 1989. Gọi tắt là “về một cục”.

Đại khái mỗi năm đi làm được lĩnh một tháng lương, gộp lại thành một món mang về, rồi thế là chấm dứt mọi liên hệ với Nhà nước. Trong các “cụ hưu một cục” này có người chỉ ở tầm 30 tuổi. Dĩ nhiên chẳng bén mảng đến tổ hưu làm gì bởi có “cụ” còn chưa vợ, lảng vảng tổ hưu thì còn trông mong nỗi gì?

Quan chức về hưu có thể tạm chia ra làm hai kiểu. Đầu tiên là những người còn say mê tư tưởng cống hiến, hăng hái tham gia mọi hoạt động đường phố. Cũng có thể họ chỉ là những người ưa hoạt động, bỗng nhiên nghỉ việc thấy cuộc sống có phần tẻ nhạt. Nhìn chung là họ đáng kính.

Kiểu thứ hai mới nhiều chuyện đáng bàn. Bất kể chức tước ngày còn tại chức to nhỏ đến đâu, nhiều vị vẫn giữ thói quen khụng khiệng dạy bảo tơi bời. Lúc thì át giọng các cụ cấp thấp hơn, cũng có khi mắng mỏ cả cán bộ phường đương chức.

Đại khái có ông quan nhơ nhỡ lúc sắp về hưu còn bắt phạt tiền cả cán bộ cấp dưới chỉ với một lý do rất giời ơi đất hỡi. Chị cán bộ cấp dưới ấy bình luận trên Facebook một câu thẳng tuột thật thà “Trông cái mặt kênh kiệu”. “Mặt kênh kiệu bị phạt năm triệu” đã gần như là một thành ngữ trên mạng Internet.

Những kiểu “mặt kênh kiệu” ấy tổ hưu nào cũng sẵn. Những phát biểu của họ về các vấn đề quốc kế dân sinh có khi nhiệt tình mạnh mẽ đến gay gắt, có khi thấp thoáng ngạc nhiên ngây thơ kỳ bí. “Hồi tôi làm đâu có thế!”.

Căn cứ để dựa vào mà phát biểu, mà phê phán, mà lên án và khuyên răn nhiều khi chỉ có một câu ấy. Chẳng cụ nào để ý hoặc thèm để ý rằng biết đâu sự thật có thể là “Hồi ấy tôi làm thế nên bây giờ nó mới thế!”.

Đáng ra nên đặt câu hỏi rằng “Hồi tôi làm đã thế mà bây giờ vẫn thế?”, may ra bớt đi ít nhiều phần “kênh kiệu”, con cháu còn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm để tiến bộ hơn thế.

Đọc trên báo thấy anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vang danh ngày đánh Mỹ giờ về hưu ở miệt vườn Đồng Tháp thấy muôn phần kính trọng. Từ tấm ảnh một phi công Mig17 bắn rơi sáu máy bay Mỹ trong quân phục bay đến một ông già ở trần quấn khăn rằn vác cuốc vẫn nụ cười rộng lượng chan hòa ấy.

Ông lão đại tá anh hùng này quả là người biết cách về hưu, cũng giống như hồi chiến tranh biết cách dùng máy bay Mig17 cổ lỗ để bắn rơi thần sấm (F105 Thunderchief), con ma (F-4 Phantom) hiện đại của Hoa Kỳ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận