TTCT - Không chỉ bị bom mìn ẩn sâu đe dọa (xem TTCT số ra ngày 28-4-2013), Quảng Trị vẫn bị kẹt trong những thương khó của đất và người, khiến những cơ hội cũ và mới để vùng đất này bứt khỏi số phận ngặt nghèo vẫn trĩu nặng trong từng chữ “nếu”... Trung tâm trưng bày hoạt động bom mìn nhân đạo Quảng Trị - Ảnh: Hồ Cầu Gần một năm trước, nhân 40 năm giải phóng Quảng Trị, đại tá họa sĩ Lê Duy Ứng mang về đây một triển lãm mang tên “Ký họa chiến trường”. 40 năm đã qua, mà từ những màu mực ký họa, chiến trường Quảng Trị vẫn hiện ra với tất cả sự bi tráng, dữ dội và khốc liệt. Đặc biệt là bức ký họa mang tên Đuổi địch ra khỏi Cửa Việt. Không chỉ là một bức tranh đẹp, đó còn là một tư liệu vô cùng quý hiếm về trận “đấu tăng” mà những người lính thời ấy - vốn được biết nhiều về lịch sử Liên Xô - đã ví von là một trận Kursk của Việt Nam. Mất dấu... chiến trường! Cửa Việt (Quảng Trị) những ngày đầu năm 1973, khi hội nghị Paris đang vào những ngày quyết định nhất, cũng là chiến trường ác liệt nhất. Chiến dịch “Tango city” của quân đội Sài Gòn đã tung ra một lực lượng hùng hậu nhất từ ngày 25-1-1973 với sự có mặt của hàng trăm xe tăng, thiết giáp. Quân giải phóng cũng mở cuộc tiến công “phản đột kích” với một lực lượng hùng hậu không kém. Bức ký họa của Lê Duy Ứng khắc họa lại hình ảnh chiến trường Cửa Việt những năm tháng đó. Những cựu binh của mặt trận này cũng như nhiều người dân Cửa Việt vẫn không thể quên được hình ảnh hàng trăm chiếc xe tăng phơi mình trên chang chang cát bỏng bên bờ biển Cửa Việt lúc ấy. “Nếu hồi ấy, sau chiến dịch, chỉ cần lấy kẽm gai quây tròn quanh những động cát, bảo vệ cái hiện trường cả trăm chiếc xe tăng cháy và hỏng đó thì bữa nay chỉ ngồi và... thu tiền du khách đủ nuôi cả tỉnh” - đấy là một chữ “nếu” của tất cả những ai về Cửa Việt và hình dung hình ảnh ấy qua lời kể các chứng nhân. Trận chiến vòng cung Kursk giữa quân đội Liên Xô và phát xít Đức được mệnh danh là “trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới”, sau này được các nhà làm phim Xô viết làm thành bộ phim sử thi chiến tranh nhiều tập (Giải phóng), đài tưởng niệm trận Kursk được dựng lên hoành tráng... Còn với trận Cửa Việt, cho đến nay, hình như về mặt hình ảnh, tôi chỉ mới gặp trên bức ký họa của Lê Duy Ứng. Cả trận Cửa Việt ấy nay không còn một chứng tích nào. Cũng thật khó mà hình dung khi khách về thăm lại Quảng Trị, theo những tour du lịch vẫn được gọi là để “hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đồng đội vẫn còn đó, hàng hàng mộ chí trong 72 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh, nhưng chiến trường xưa thì không còn dấu tích nào. Câu chuyện đấu tăng ở “Kursk Cửa Việt” chỉ là một minh chứng cụ thể cho nhiều “chiến địa” nay đã thành “bình địa” - cụm căn cứ Khe Sanh, Tà Cơn, nơi hàng vạn lính Mỹ đã đồn trú trong chiến tranh Việt Nam, với một hệ thống sân bay, hầm hào, trận địa hỏa lực... nay được tập trung gom lại, “mô hình hóa” tại nhà trưng bày ở sân bay Tà Cơn. Đây là nơi có nhiều hiện vật nhất trong số các địa điểm tham quan ở Quảng Trị, tuy thế vài chiếc máy bay được mang về từ các công xưởng quân sự sau khi đã hết công năng, vài mảnh vỏ bom đạn, vài đoạn công sự được phục chế... chưa đủ cho du khách mặn mà tìm tới. Dù sao, tìm được một vài hiện vật vũ khí, khí tài chiến tranh để trưng bày như ở khu vực sân bay Tà Cơn đã là điều đáng mừng, bởi nếu nói đến một “điển hình” của cuộc chiến trên chiến trường Quảng Trị thì phải là “Hàng rào điện tử McNamara”. Tuy nhiên, tính từ lần đầu tiên tôi nghe nhắc đến việc “phục chế” một đoạn hàng rào này trong một hội thảo tại Quảng Trị vào năm 1992 (nhân 20 năm giải phóng Quảng Trị), thì 21 năm qua, dù có nhiều lần nhắc thêm về câu chuyện tái hiện “hàng rào McNamara” dù chỉ một đoạn ngắn vài chục mét để “minh họa”, dự án này vẫn nằm trên giấy. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, cuộc mưu sinh cấp kỳ của hàng vạn người dân thời hậu chiến cộng với sự thiếu tầm nhìn của những nhà quản lý đã khiến khối lượng khổng lồ các hiện vật chiến tranh trên đất Quảng Trị thành phế liệu, nuôi sống đời dân. Cho đến bây giờ, đất Quảng Trị vẫn còn hàng ngàn gia đình sống nhờ vào công cuộc tìm kiếm phế liệu chiến tranh, thậm chí hình thành nên những khóm phố, những thôn làng coi nghề đi tìm phế liệu là nghề “truyền thống” truyền nối ít nhất đã qua ba thế hệ, đồng thời với đó là hàng trăm mạng người đã ngã xuống hay mất đi một phần thân thể sau ngày hòa bình vì bom mìn... Đuổi địch ra khỏi Cửa Việt - họa sĩ Lê Duy Ứng sáng tác năm 1973 Quảng Trị - nếu không có “nếu”...? Tất nhiên không thể kỳ vọng ở tương lai với những chữ “nếu” theo kiểu “nếu như chiến trường xe tăng ở Cửa Việt được gìn giữ, nếu như những trận địa ở Khe Sanh được bảo tồn, nếu như hàng rào McNamara không bị tháo gỡ...”. Nhưng với không cần những chữ “nếu” kia Quảng Trị có đủ hấp lực để du khách tìm về hay không? Trên TTCT gần đây có bài viết về ngôi làng Gamcheon ở Busan (Hàn Quốc) và vài ngôi làng khác như Dongpirang, Ihwa... Những ngôi làng bình thường như bao ngôi làng khác, thậm chí còn nghèo hơn, nhưng thu hút rất đông du khách nhờ những bức tường, ống khói, bồn nước... đã biến thành những bức tranh tường vui mắt, cả ngôi làng là một không gian nghệ thuật. Câu chuyện của làng Gamcheon gợi lên trong tôi hình ảnh hàng vạn ngôi nhà Quảng Trị sau chiến tranh. Đó là những ngôi nhà “hậu chiến” đúng nghĩa, với cột nhà, đòn tay, vì kèo được ghép lại từ những cọc sắt làm hàng rào chống xâm nhập, tường nhà là những tấm ghi sắt, vốn trước đây làm công sự được ghép lại. Nếu không có ghi sắt thì những ống sắt đựng đạn đại bác được cắt bỏ đế, chẻ ra thành những mảnh sắt vuông có thể che chắn hay làm tấm lợp, những cống “cover” làm công sự dã chiến được người dân mang về biến thành ống che chắn giếng nước, sàn nước được lót bằng những tấm thép chống lầy cho xe quân sự trong chiến tranh, vỏ bom bi được dựng thành hàng rào... Tất cả những hình ảnh ấy không phải tìm đâu xa mà chính là hình ảnh ngôi nhà tuổi thơ của tôi mà cha tôi đã dựng nên sau ngày hòa bình. Cuộc sống phát triển, không ai có thể sống mãi trong những căn nhà “hậu chiến” nặng nề ngột ngạt được che chắn bởi phế liệu chiến tranh ấy, nhưng giờ đây, việc phục dựng một ngôi làng với những ngôi nhà “phế liệu chiến tranh” như thế để làm du lịch chắc không phải là quá khó, bởi ghi sắt, vỏ đạn, vỏ bom vẫn có thể tìm thấy dễ dàng ở các vựa buôn bán phế liệu. Và nếu người dân hưởng lợi từ “ngôi làng hậu chiến” ấy, chắc không ai dại gì từ chối! Cũng như thế, thay vì “bố trí” cho những nhà văn hóa cấp huyện, cấp thị, bảo tàng nằm rải rác từ đồng bằng lên miền núi, có khi ẩn kín ở một góc khuất thành phố... trưng bày những vỏ đạn pháo, xe tăng manh mún, đặt trên những bệ ximăng xập xệ, tách rất xa với thực địa chiến trường, nên chăng tập hợp tất cả những hiện vật ấy về một mối? Tất nhiên, những “đồ cổ chiến tranh” không chỉ có ở Quảng Trị, nhưng nếu Quảng Trị như là chiến địa điển hình thì sao không huy động sự ủng hộ của các quân binh chủng, các tỉnh thành để tìm thêm các hiện vật và phục dựng lại trận Cửa Việt khốc liệt năm xưa thành một trận “Kursk Việt Nam” mang tầm quốc gia. Nếu làm được như thế, trí tưởng tượng của du khách sẽ không bị “thách thức” sau mỗi lần đến tham quan “chiến trường xưa” như bây giờ! 40 năm sau chiến tranh và đã gần một phần tư thế kỷ kể từ khi Quảng Trị về lại với địa giới, cũng là khi tỉnh này nhìn lại “ký ức” để tìm đường đi tới, nhất là ngành du lịch. Cùng với thời gian, chiến trường xưa đang ngày càng mai một dấu vết nhưng những câu chuyện về ký ức miền đất lửa, miền đất “máu và hoa” vẫn còn rất sâu đậm, vậy mà lại thiếu vắng vô cùng những hiện vật sinh động, những tư liệu có sức thuyết phục, và có lẽ thiếu cả sự nỗ lực để được quan tâm xứng đáng. Mười lăm năm trước, khi tôi làm “tour guide” cho nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn về thăm Quảng Trị mấy ngày, sau khi về, ông đã viết trên TTCT câu chuyện Quảng Trị với cái tựa “Vắng vẻ ga xép”. Mười lăm năm sau, Quảng Trị cũng vẫn là “ga xép” đúng nghĩa đen của từ này khi nhiều chuyến tàu hỏa nhanh nhất của đường sắt Bắc - Nam không chọn Đông Hà tỉnh lỵ làm ga dừng chân. Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất mà số người hi sinh trong chiến tranh nhiều hơn cả dân số hiện tại (dù đã 40 năm sau giải phóng), miền đất được mệnh danh là “thành phố tuẫn đạo” mà thời chiến hầu như không ngày nào không được nhắc đến trong các bản tin chiến sự của nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới, nay với cái ga tàu bé nhỏ bên sông Thạch Hãn, không hề có một chuyến tàu Thống Nhất xuyên suốt Bắc - Nam nào dừng lại. Khách về Thành cổ chỉ có thể đi “tàu chợ” xuống ga Đông Hà rồi tốn thêm vài trăm ngàn để đi taxi vào đây bởi không một tuyến xe buýt nào nối thành phố Đông Hà tỉnh lỵ với miền đất trĩu nặng những khát vọng tâm linh này... Biết đâu, chỉ cần để cho cái ga xép Thành cổ này hai phút dừng lại của mỗi chuyến tàu, rất có thể số phận cái thị xã bên dòng Thạch Hãn này đã khác đi. Cũng với chữ “nếu” hiện thực như thế, miền đất Quảng Trị sẽ không loay hoay mãi với những đường hướng phát triển suốt bao nhiêu năm qua, nhưng giờ đây vẫn chưa thoát nhóm các tỉnh nghèo của Việt Nam. Mà đây chỉ mới nói riêng về câu chuyện chứng tích chiến tranh và du khách, còn câu chuyện về đường 9 - hành lang kinh tế Đông Tây, cửa ngõ thông ra thế giới để Quảng Trị... lại là những chuyện rất dài khác... Tags: Quảng TrịCửa ViệtBom mìnKý họa chiến trường
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Hai cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục va li, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để kiểm tra va li, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Tuyển futsal nữ Việt Nam: Sau ngôi nữ hoàng là giấc mơ World Cup NGUYÊN KHÔI 23/11/2024 Đánh bại tuyển futsal nữ số 1 châu Á Thái Lan để lần đầu bước lên ngôi nữ hoàng khu vực, tuyển futsal nữ Việt Nam thêm tự tin hướng đến việc giành vé dự World Cup nữ futsal 2025.