Quốc hội phải biết chi tiết về nợ công

LÊ THANH THỰC HIỆN 26/05/2014 20:05 GMT+7

TTCT - Tình hình nợ công đã rất gay go đến mức báo động. Trong phiên họp Quốc hội kỳ này, theo ông Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Quốc hội phải dành một phiên họp riêng về nợ công, đặc biệt là vấn đề kỷ luật chi tiêu ngân sách.

Trao đổi với TTCT, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nói: Về tình hình nợ công của VN hiện nay, mọi người chỉ đánh giá dựa trên quy mô của nợ công. Điều này chưa phản ánh hết nghĩa vụ đã, đang và sẽ phát sinh liên quan đến nghĩa vụ tài chính mà được quy thành nợ công.

Mặt khác, trong toàn bộ các khâu vay nợ từ vay trong nước đến vay nước ngoài, rồi việc sử dụng, cơ chế trả lãi và gốc đều có vấn đề. Chẳng hạn, để có nguồn trả gốc và lãi, chúng ta phải vay mới để trả cũ, như năm nay là 70.000 tỉ đồng. Chưa kể, dù chúng ta có luật về quản lý nợ công đã vài năm nay nhưng vấn đề quản lý nợ công vẫn không rõ. Cụ thể là mối quan hệ ngân sách với nợ công; trách nhiệm quản lý nợ công trong quyết định vay nợ, phân phối sử dụng, nguồn để trả nợ.

Quốc hội phải biết tình hình xấu đến mức nào

Chưa kể rất nhiều khoản chi mang tính chất ngân sách nhưng lại không đưa vào ngân sách. Đó là các khoản chi liên quan đến các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Hiện có 60-70 quỹ này, như quỹ bình ổn xăng dầu, quỹ tích lũy trả nợ, quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ liên quan đến cấp hộ chiếu visa, quỹ sắp xếp cổ phần hóa... có quy mô lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Nếu đưa vào ngân sách thì phải chịu sự giám sát của Quốc hội. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là Quốc hội phải rà soát xem quỹ nào là ngân sách thì phải đưa vào ngân sách và giám sát chặt chẽ.

* Quan điểm của ông như thế nào về việc Quốc hội cần có phiên thảo luận riêng về nợ công?

- Điều này là thật sự cần thiết. Bởi liên quan đến kiểm soát nợ công, Quốc hội có nhiều ý kiến về nợ công, thậm chí chỉ hỏi về một vấn đề như ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức). Thế nhưng chưa có một báo cáo đánh giá toàn diện nào về ODA, kể cả kết cấu ODA từ đâu, nguồn tiền và sử dụng ODA như thế nào. Nợ công có nhiều chuyện nhưng ngay cả việc công khai thông tin về nợ công cũng có vấn đề, hiện số liệu về nợ công mới được Bộ Tài chính cập nhật đến năm 2012.

Theo tôi, trách nhiệm về nợ công không chỉ là vấn đề đơn giản liên quan đến thâm hụt ngân sách mà còn ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, Quốc hội cần phải có sự rà soát đánh giá lại từ khâu quyết định vay nợ đến khâu cuối cùng là trả nợ như thế nào.

Nếu báo cáo về tình hình nợ công, chỉ nhìn vào mấy con số tổng quy mô nợ công, trong đó nợ chính phủ là bao nhiêu chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương là bao nhiêu thì chưa đủ và không có ý nghĩa gì. Rõ ràng không thể đánh giá được nợ công nếu chỉ cung cấp số liệu một cách sơ sài như hiện nay. Theo tôi, thông tin về nợ thì cần có chủ nợ và con nợ, lãi suất cho vay, thời hạn vay, đồng tiền gì... Còn đánh giá hiệu quả sử dụng khoản vay nợ công, có nhiều khoản vay mà chúng ta không được cầm tiền, đơn cử như vay ODA.

Tóm lại, Quốc hội bàn về nợ công thì phải có báo cáo đầy đủ về tình hình nợ công, thực trạng nợ công. Trên cơ sở đó mới đánh giá được nợ công xấu hay tốt, có nên tiếp tục vay nợ hay điều chỉnh mức vay nợ như thế nào. Đặc biệt, theo tôi, đã đến lúc đặt ra vấn đề cơ cấu lại nợ công. Cái quan trọng nhất trong quản lý nợ là quản lý rủi ro, khả năng trả nợ cả gốc và lãi...

Mình đang vay đồng yen rất nhiều, đồng yen lên giá thì nợ công sẽ tăng lên. Do đó, chúng ta nên tính đến chuyện giảm tỉ lệ vay nợ đồng yen xuống mà tăng đồng USD lên... chẳng hạn. Tất cả vấn đề đó phải đặt ra chứ không chỉ là chuyện tỉ lệ nợ công hiện ở mức 55,7% vẫn là an toàn.

* Nợ công ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia như thế nào?

- Một đặc điểm rất đáng chú ý ở VN trong nợ công là một phần nợ công được chúng ta dùng để trả nợ gốc. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là hầu hết nguồn vay để đầu tư của ta không chỉ ra được nguồn thu để trả nợ gốc và lãi, mà cuối cùng lại hướng vào trông cậy ngân sách, vào vay mới để trả nợ.

Thu tăng, chi không giảm, có bất thường?

* Nhiều ý kiến cho rằng nợ công tăng cao là do kỷ luật ngân sách của ta quá lỏng lẻo, ông có đồng ý quan điểm này?

- Về nguyên tắc, kỷ luật ngân sách là phải tuân thủ, gồm kỷ luật thu, chi và đảm bảo tỉ lệ bội chi mà Quốc hội đã quyết. Còn về mặt nguyên tắc nếu chi sai thì phải xuất toán, nghĩa là tìm nguồn trả cho khoản chi đó. Đó là vi phạm kỷ luật tài chính. Quan trọng nhất là Quốc hội kiểm soát cho được kỷ luật chi ngân sách. Các nước thực hiện việc này rất nghiêm. Tuy nhiên, ở ta trong nhiều năm nay kỷ luật ngân sách, nhất là chi, luôn vượt kế hoạch, đây là chuyện quá phổ biến.

Mặt khác, điều tôi muốn nói đến là các năm qua tỉ lệ thu ngân sách vượt rất xa so với dự toán khoảng 20%. Thế nhưng tỉ lệ vượt thu không giúp tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm khi chi ngân sách năm nào cũng vượt xa dự toán. Chưa kể hiện nay có cơ chế thưởng vượt thu và sử dụng khoản vượt thu này.

Đáng ra về mặt nguyên tắc, nếu thu vượt thì khoản này sẽ dùng để giảm chi, tiến tới cân bằng ngân sách. Thế nhưng cơ chế hiện nay cho phép nếu địa phương nào vượt thu thì được tự do sử dụng chi khoản tiền này. Cơ chế này sai. Thế nên có tình trạng xây dựng dự toán thấp để vượt thu và để chủ động chi.

* Giải pháp nào để kỷ luật ngân sách được tuân thủ nghiêm?

- Nếu chi vượt quy định thì phải xem đó là vi phạm pháp luật. Và để chấm dứt tình trạng chi vượt dự toán, ngoài việc giám sát thì Quốc hội không chấp nhận quyết toán cho những khoản vượt dự toán. Chỉ cần 1-2 năm siết chặt như vậy thì từ địa phương đến trung ương sẽ răm rắp ngay.

Tiền để nghiên cứu khoa học được chi cho tham quan

Báo cáo kiểm toán ngân sách năm 2012 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi lên Quốc hội. Theo đó, chi ngân sách nhà nước, dự toán Quốc hội giao 903.100 tỉ đồng, quyết toán 978.463 tỉ đồng, vượt 8,3%, tương đương 75.363 tỉ đồng so với dự toán. Đáng chú ý là một số khoản chi cho đầu tư lâu dài như giáo dục - đào tạo, dạy nghề, sự nghiệp khoa học - công nghệ không tiêu hết tiền, trong khi chi cho quản lý hành chính, thể thao lại vượt dự toán.

Chi vượt dự toán gồm: chi quản lý hành chính 89.172 tỉ đồng, vượt 12,5% (9.924 tỉ đồng) dự toán; chi sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn và thể dục thể thao 11.372 tỉ đồng, vượt 10,1% (tương đương 1.042 tỉ đồng) dự toán.

Các khoản chi chưa giải ngân hết là: chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề 127.136 tỉ đồng, bằng 93,5% dự toán, số còn lại 8.785 tỉ đồng; chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình 39.454 tỉ đồng, bằng 96,4%, giảm 1.459 tỉ đồng dự toán; chi sự nghiệp khoa học - công nghệ 5.918 tỉ đồng, bằng 82,7%, giảm 1.242 tỉ đồng; chi sự nghiệp kinh tế, bao gồm cả sự nghiệp bảo vệ môi trường 56.854 tỉ đồng, bằng 97,1%, giảm 1.684 tỉ đồng.

Báo cáo kiểm toán chỉ ra trong năm 2012, một loạt địa phương hụt thu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi. Chẳng hạn: tỉnh An Giang mua 53 ôtô với tổng giá trị 38,5 tỉ đồng, tỉnh Lâm Đồng sử dụng 315 triệu đồng kinh phí nghiên cứu khoa học để chi tham quan, học tập nước ngoài...

Có đến 31/34 tỉnh, thành phố được kiểm toán vượt dự toán chi thường xuyên được hội đồng nhân dân giao đầu năm. Một số địa phương sử dụng 569 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định như Hà Nội: 204 tỉ đồng, Đà Nẵng: 180 tỉ đồng, Kiên Giang: 58 tỉ đồng, Phú Thọ: 45 tỉ đồng...

L.THANH

Thiếu hụt ngân sách khiến VN tăng cường vay nợ

Thiếu hụt ngân sách nhà nước khiến VN buộc phải tăng cường vay nợ. Cả năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã huy động ước đạt 194.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, tăng khoảng 25% so với tổng lượng trái phiếu chính phủ huy động năm 2012. Theo thống kê của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển năm 2013 đạt 201.000 tỉ đồng, bằng 115% so với dự toán. Cơ bản thấy rằng nhiệm vụ chi là khá “tích cực” vì đều vượt hoặc bằng so với dự toán. Việc vượt dự toán 15% tương đương với 25.000 tỉ đồng là số tiền không hề nhỏ.

Ông Vũ Sĩ Cường (chuyên gia tài chính công)

Chi thường xuyên tăng nhanh

Quy mô chi tiêu ngân sách tăng nhanh, đặc biệt là chi thường xuyên. Theo dõi diễn biến qua các năm thì tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 tăng khoảng chín lần so với năm 2000. Tổng chi ngân sách tăng chủ yếu là do chi thường xuyên tăng 10,7 lần, chi đầu tư tăng 5,9 lần, chi trả nợ tăng 4,1 lần. Còn tính theo GDP thì quy mô chi tiêu ngân sách tăng trên 30% năm 2013, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình được khuyến cáo là 20-25% GDP.

Ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận