Quyền lực của một lời xin lỗi

DƯƠNG TRỌNG HUẾ 28/03/2016 16:03 GMT+7

TTCT- Nữ du khách nước ngoài đang đi dạo trên phố, bỗng bị hai tên cướp giật mất túi xách. Cô gục xuống khóc tức tưởi bên vệ đường. Báo chí đăng tải hình ảnh này, sau đó vài ngày đưa tin đại diện các ban, ngành xin lỗi du khách nọ.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Bài báo liên quan trên Tuổi Trẻ ngày 16-3-2016 nhận được sự quan tâm cao của độc giả với rất nhiều lượt bình luận. Trong số đó, một bình luận nhận được sự đồng tình nhiều nhất (qua số lượt thích) có nội dung đề nghị chính quyền xin lỗi người dân sở tại bấy lâu nay bị cướp liên tục nhưng chưa hề nhận được lời xin lỗi nào như vị khách kia.

Sức mạnh ngôn ngữ hình ảnh

Trước hết phải nói đến tấm ảnh vị nữ du khách khóc tức tưởi được ai đó chụp đã lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và sau đó là báo chí trong thời gian qua. Bức ảnh như giọt nước tràn ly trong tâm trí người xem.

Lâu nay cướp giật đã như là chuyện thường ngày ở phố thị mà người dân coi là thứ ung nhọt họ phải chung sống. Dù ung nhọt chưa phải là ung thư nhưng nó chất chứa nỗi bực bội ngày qua ngày. Khi một bức ảnh tạo ra được cảm xúc liên quan và đụng chạm đến nỗi bực dọc đè nén lâu nay, nó có thể tạo ra hiệu ứng tập thể.

Trong xã hội hiện đại, ngôn ngữ hình ảnh ngày càng có nhiều khả năng mang theo nó các ý nghĩa biểu tượng văn hóa ra khắp thế giới, kích thích sự thừa nhận hay phản kháng của đám đông có lợi ích gắn bó với nội dung hình ảnh đó.

Bản thân hình ảnh là một thứ ngôn ngữ mang tính biểu tượng văn hóa cao. Ngành du lịch luôn xây dựng hình ảnh có biểu tượng mãnh liệt kích thích đầu óc phiêu lưu, sự tò mò và ham muốn khám phá của các du khách tiềm năng.

Các nghiên cứu liên quan cho thấy ngôn ngữ hình ảnh trong hoạt động du lịch có chức năng thể hiện mối liên hệ cảm xúc giữa du khách và người bản địa để tạo ra đặc tính của điểm đến du lịch.

Vì vậy, những hình ảnh phá vỡ mối liên hệ cảm xúc đó rõ ràng là điều có hại cho ngành du lịch. Hành động xin lỗi của các ban, ngành với vị khách nọ, khi được đưa lên báo chí, bản thân nó cũng là một hình ảnh mang tính biểu tượng cao với người dân địa phương và khách quốc tế để củng cố hình ảnh thân thiện trước đó.

Người nước ngoài may mắn

Trở lại bình luận của bạn đọc báo Tuổi Trẻ về việc người nước ngoài được xin lỗi còn người địa phương ngày đêm bị cướp giật thì không, câu hỏi là ngoài hiệu ứng ngôn ngữ hình ảnh được mạng xã hội khuếch tán làm ảnh hưởng đến ngành du lịch thì còn lý do nào khác không?

Nhìn từ lăng kính kinh tế, nếu vị khách kia đóng góp cho thành phố bằng cách đến du lịch, mua sắm, quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài thì người dân thành phố không những cũng làm những điều đó mà còn đóng thuế xây dựng thành phố, đảm bảo ngân sách cho bộ máy chính quyền hoạt động. Vậy, để nói rằng du khách đóng góp nhiều hơn người dân nên chính quyền có lời xin lỗi là giả thuyết không thuyết phục.

Còn nói rằng đó là vì truyền thống cộng đồng trọng khách bên ngoài đến thăm thì cũng chưa hợp lý vì cướp giật xảy ra bao nhiêu năm nay rồi, chứ đâu phải chỉ mới hôm nay mà xin lỗi khách trước chủ sau? Cũng vậy, giả thuyết về một sự ngẫu nhiên mà người nước ngoài kia may mắn được xin lỗi chắc chắn sẽ không có điểm tựa.

Vậy, cái lẽ của việc này là như thế nào? Khi những lý giải từ hành vi kinh tế - xã hội chưa thuyết phục, có lẽ nên thử nhìn từ lăng kính quan hệ quyền lực văn hóa Đông - Tây xem sao.

Thuyết “Tự Đông phương Hóa”

Bàn về khía cạnh văn hóa quyền lực Đông - Tây qua hình ảnh biểu tượng thì có lẽ không nên bỏ qua thuyết Đông phương luận (Orientalism) của cố giáo sư Edward Said, Đại học Columbia.

Edward Said cho rằng các suy nghĩ, hình ảnh và ham muốn mang tính ý thức hệ đã dẫn đến những phân biệt về quyền lực giữa phương Tây và phương Đông, trong đó phương Đông, bất kể là quốc gia nào đều được rập khuôn đại diện hình ảnh về sự huyền bí, nữ tính, lạc hậu và thiếu vắng đạo đức văn minh(1).

Ta vẫn thấy hình ảnh phương Tây đầy nam tính và quyết đoán như chàng Pyle đối ngược với cô gái phương Đông tên là Phượng yếu đuối khát khao tìm kiếm chỗ dựa cuộc đời (phim Người Mỹ trầm lặng), hay anh lính Le Guen và cô gái gốc Việt Camille (phim Đông Dương).

Từ nền tảng những khác biệt mang tính hệ nhị thứ bậc như vậy mà phương Tây có vị thế thượng phong trong các xét đoán đạo đức, tri thức và văn hóa so với các nền văn minh khác phương Tây.

Theo các học giả Birch, Schirato và Srivastava, đây là nền tảng cho các áp đặt văn hóa chính trị của phương Tây lên phương Đông sau này, từ đô hộ chủ nghĩa cho đến các định chế tài chính như IMF độc đoán chính sách tài chính, xã hội và chính trị trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế châu Á những năm cuối thế kỷ 20(2).

Giáo sư Mahbubani, Đại học Quốc gia Singapore, đã đặt ra câu hỏi là trong mắt người phương Tây, liệu người châu Á có thể suy nghĩ không(3).

Khi nghiên cứu về cách các bộ phim Hollywood mô tả chiến tranh Việt Nam, giáo sư John Kleinen đã kết luận rằng trong khi những thể hiện hình ảnh về lính Mỹ thay đổi từ những người lính ái quốc sang nạn nhân của cuộc chiến thì những thể hiện về người Việt Nam là không thay đổi đáng kể.

Người dân bản địa và quân đối phương vẫn bị rập khuôn hình ảnh về sự láu cá, thô lỗ, thậm chí là độc ác và vô trách nhiệm(4). Không phải ngẫu nhiên mà Singapore với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tích cực xây dựng và thúc đẩy những “giá trị châu Á” trong nỗ lực tách biệt khỏi những áp đặt mà ông cho là tiêu cực từ phương Tây(5).

Cũng không phải ngẫu nhiên mà các bộ phim võ thuật Trung Hoa tìm mọi cách khêu gợi tinh thần dân tộc chủ nghĩa và tái dựng hình dung về giá trị nội tại trên di sản thực dân chủ nghĩa trong quá khứ.

Lý thuyết của Edward Said dù có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu văn hóa quyền lực Đông - Tây vẫn nhận nhiều chỉ trích. Một trong số đó là tranh cãi rằng phương Tây không thể tạo ra hình ảnh đối ngược về quyền lực văn hóa nếu không có phương Đông tham gia vào quá trình này.

Một số học giả cho rằng chính phương Đông đã tham gia vào xây dựng, củng cố và phát tán mối liên hệ quyền lực văn hóa này. Ví dụ Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc luôn được người bản địa xem là một công cụ bảo vệ quốc gia khỏi người Mông Cổ xâm lược, nhưng với các giáo sĩ phương Tây đến Trung Hoa thế kỷ 17 thì đó là một công trình mang tính biểu tượng văn hóa có tính huyền bí nhiều hơn.

Sau đó, người Trung Hoa cũng dần thay đổi suy nghĩ coi công trình quốc phòng đó là một biểu tượng văn hóa của họ.

Vậy nên một số học giả đã kết luận rằng dòng suy nghĩ về quyền lực văn hóa giữa Đông - Tây không thể chỉ là do người phương Tây tự tạo ra mà còn là sản phẩm của chính người phương Đông khi loay hoay tìm kiếm bản sắc hiện đại (modernity).

Nói một cách bóng bẩy, quá trình này như một game show truyền hình với nam thanh niên phương Tây đưa cô gái phương Đông theo một vũ điệu xoáy tròn đẹp mắt và cùng nhau họ tạo ra các vòng tròn huyền bí về cô gái ấy trong con mắt vốn đã sẵn định kiến về phương Đông của phương Tây.

Từ đó, khái niệm “tự Đông phương hóa” (self orientalism) tập trung lý giải quá trình người phương Đông tự làm yếu mình đi trong cán cân quyền lực văn hóa Đông - Tây. Có thể từ đó mà khởi đầu hay trầm trọng thêm tâm lý trọng vọng phương Tây trong các ứng xử của người địa phương.

Vậy nên, khi một người nước ngoài, khác người địa phương và có vẻ giống phương Tây, được xin lỗi còn người bản địa thì không cho cùng một hành vi giống nhau, liệu có phải là ta đã góp phần vào quá trình “tự Đông phương hóa” hay nói cách khác là tự làm mình trở nên yếm thế?

Người đẹp như ta

Nhìn rộng ra, các đối xử Tây - Ta xung quanh ta cũng tạo ra hiệu ứng tương tự. Một hội thảo được tổ chức cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt nhưng những người tổ chức cố gắng tìm kiếm và mời cho được vài vị khách Tây để khi lên báo chí truyền hình, hình ảnh hội thảo sẽ hoành tráng hơn. Khi tiệc đãi khách dự hội thảo diễn ra, ban tổ chức chỉ ưu tiên cụng ly và cảm ơn các vị khách Tây trong khi bỏ mặc các vị khách ta.

Các quảng cáo sản phẩm và dịch vụ, từ đào tạo - giáo dục, chữa bệnh, hàng hóa tiêu dùng, tất cả phải là hình ảnh của người phương Tây mới nâng cao được vị thế thương hiệu. Ngôn từ, mẫu mã sản phẩm dù chỉ để tiêu thụ nội địa cũng phải đưa tiếng Tây vào. Và một khuôn mặt đẹp thường được ta gọi là “đẹp như Tây” chứ không phải là “đẹp như ta”.

Ngay cả chính sách đối xử lao động nội bộ của các công ty cũng có thể được xem là một phần của quá trình “tự Đông phương hóa” khi một vị trí công việc đòi hỏi trình độ, trách nhiệm và năng lực như nhau nhưng lao động Tây được trả một mức lương cao hơn hẳn lao động ta, như trường hợp của Vietnam Airlines trước đây hay một số trường đại học hiện nay.

Cũng như thế khi nhìn từ vị thế của một dân tộc, khi ta tự đầu độc ta với thực phẩm hóa chất và tiêu thụ quá mức thuốc lá bia rượu, tự làm suy kiệt tài nguyên khoáng sản, tự lừa dối làng xóm với bán hàng đa cấp, cướp của nhau trên phố hay ăn cắp ở nước ngoài... là ta đang tự làm yếu ta đi, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Các chính sách ứng xử này lại do chính đoàn thể, doanh nghiệp hay cá nhân địa phương tạo nên để rồi sau đó họ quay lại buồn phiền với những bất công hệ lụy từ các ứng xử đó. Vòng tròn của chu trình này, buồn thay có vẻ như cứ thế lập lại trong các hành xử giữa ta với Tây và cả giữa ta với ta.

Khi ta không coi trọng ta, phải chăng ta đang chối bỏ bản sắc của mình cũng như làm mất đi sự coi trọng của người khác? Hai người phương Đông nổi tiếng là đức Phật và Khổng Tử đã ngộ ra điều này từ lâu lắm. Khổng Tử bảo hãy tôn trọng bản thân mình thì sẽ có được sự tôn trọng của người khác, còn đức Phật căn dặn rằng nếu lòng trắc ẩn chỉ dành cho người khác mà không dành cho cả bản thân thì lòng trắc ẩn ấy là không hoàn thiện.■

Tham khảo:

(1). Sách Đông phương luận của E. Said (NXB Vintage, 1979).

(2). Sách Châu Á: Chính trị văn hóa trong thời đại toàn cầu của T. Birch, T. Schirato và S. Srivastava (NXB Allen & Unwin, 2001).

(3). Sách Người châu Á có thể nghĩ? của K. Mahbubani (NXB Marshall Cavendish, 2009).

(4). “Framing “the Other”. A critical review of Vietnam war movies and their representation of Asians and Vietnamese” của J. Kleinen (tạp chí Asia Europe Journal năm 2003, số 1).

(5). “Culture is Destiny: A conversation with Lee Kuan Yew”, của F. Zakaria (tạp chí Foreign Affairs năm 1994, quyển 73, số 2).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận