Quyền lực tối thượng trong tay ai?

TỊNH ANH 18/01/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Bằng cách làm Tổng thống Donald Trump phải “im tiếng” trên không gian ảo, Twitter và Facebook đã cho cả thế giới thấy ai mới là kẻ nắm quyền quyết định cuối cùng trong một thế giới mà truyền thông xã hội nắm vai trò không thể thay thế. Tổng thống Mỹ, người quyền lực nhất hành tinh, hóa ra cũng chỉ là một người dùng dịch vụ Internet không hơn không kém.

Twitter từ nay vắng bóng Trump. Ảnh: FT

“Cuối cùng thì hai tỉ phú từ California đã làm được điều mà hàng loạt chính trị gia, công tố viên và nhà môi giới chính trị đã cố gắng thực hiện và thất bại trong hàng năm liền: khiến Tổng thống Donald Trump tắt đài” - New York Timesngày 9-1 viết. Báo chí Mỹ gọi các kênh trên mạng xã hội là cái “loa phóng thanh” của ông Trump, nhưng thực tế ông chỉ là người dùng, và chủ sở hữu chúng đã quyết định “lấy lại” công cụ ưa thích của ông.

Facebook tuyên bố sẽ cấm quyền đăng bài mới trên trang của ông Trump ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ (tức ngày 20-1), còn Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của người sắp rời Nhà Trắng. Trang Facebook của ông Trump (https://www.facebook.com/DonaldTrump) vẫn còn truy cập được, nhưng bài đăng gần nhất là từ ngày 7-1, còn trang Twitter (@realDonaldTrump) thì trắng trơn, chỉ còn lại dòng chữ “Tài khoản bị tạm ngưng” vì vi phạm quy tắc.

Có nhiều thứ để bàn về thời điểm của việc Facebook và Twitter cấm cửa ông Trump: nó diễn ra chỉ vài ngày sau sự vụ ở Điện Capitol, và chỉ cách ngày ông Trump rời Nhà Trắng đúng 2 tuần. Vì sao lại ngay lúc này, khi cả hai nền tảng trong nhiều năm liền trước đây đã bảo vệ quyền được “tiếp tục hiện diện” của Trump trên nền tảng của mình? Lý do của việc “trở cờ” không khó đoán: CEO của hai hãng, Jack Dorsey và Mark Zuckerberg, liên tục phải chịu sức ép bắt Trump phải chịu trách nhiệm cho cách dùng mạng xã hội của ông, và áp lực đó lại càng gia tăng sau vụ bạo loạn khiến 5 người chết ngày 6-1.

Twitter cho biết quyết định khóa tài khoản vĩnh viễn bắt nguồn từ 2 tweet gần nhất của ông Trump, trong đó có thông tin ông sẽ không đến dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Nền tảng này nhấn mạnh 2 tweet đó phải được xét trong bối cảnh rộng hơn, với tình hình căng thẳng ở Mỹ, sự vụ ở Điện Capitol, các sự kiện diễn ra trong nước, và cả “hành vi của tài khoản này [Trump] trong những tuần gần đây”. Khi xét hết các yếu tố đó, Twitter cho rằng các tuyên bố của tổng thống có thể được nhiều đối tượng sử dụng cho các mục đích khác nhau, bao gồm cả kích động bạo lực. Lời lẽ của ông Trump cũng vi phạm quy định chống kích động bạo lực của Twitter, và vì thế “người dùng @realDonaldTrump sẽ bị khóa dịch vụ vĩnh viễn”.

Có thể Dorsey và Zuckerberg thực sự cho rằng mọi thứ với ông Trump thế là quá đủ, song cũng có thể nhìn nhận theo một cách khác, rằng chọn thời điểm này là khôn ngoan, do lẽ ông Trump giờ đã là “vịt què”: thất bại khi ra tái cử, phe Dân chủ nắm cả lưỡng viện ở Quốc hội và cả chức tổng thống. Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, ông Trump cũng mất đi nhiều đồng minh, kể cả những người thân cận nhất. Cái giá chính trị phải trả khi “tống cổ” Trump đối với Facebook và Twitter vào lúc này vì thế sẽ thấp hơn nếu hành động ở một thời điểm khác. Tuy nhiên, hệ quả trước mắt là giá cổ phiếu của hai mạng xã hội này đã giảm hôm 11-1. Biểu tình cũng diễn ra trước trụ sở Twitter.

Nhưng không chỉ có các mạng xã hội. Apple, Google và Amazon cũng cho thấy các Big Tech - các hãng công nghệ khổng lồ có ảnh hưởng toàn cầu - cũng có quyền “sinh sát”, phán quyết đúng sai mạnh đến cỡ nào, khi cùng nhau “triệt” Parler - bến đỗ của những người phe hữu muốn tránh sự kiểm duyệt của Twitter. Là chủ của hai hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, Apple và Google cấm Parler xuất hiện trên chợ ứng dụng của mình, còn Amazon ngưng cung cấp dịch vụ hosting - tương đương với việc trục xuất app này khỏi cõi mạng. Cả ba gã khổng lồ công nghệ này đều cho rằng Parler được dùng làm phương tiện bàn kế hoạch bạo loạn.

 

 Ảnh: TechCrunch

Hành động của các mạng xã hội, dù được không ít người hoan nghênh, thật ra đã đưa các công ty này vào thế leo lưng cọp, không còn đường lui. Trước đây, khi mũ ni che tai, kiên quyết cho rằng mình là nền tảng công nghệ, không phải chịu trách nhiệm với nội dung người dùng đăng tải, Facebook và Twitter đã bị cả hai phe tả hữu chỉ trích, thì giờ đây, khi đã tự tay phá vỡ lập trường, mọi hành động của các mạng xã hội này - nhất là đối với các thuật toán sàng lọc thông tin và kiểm duyệt nội dung - sẽ bị soi hơn nữa.

Chẳng hạn, sẽ có ý kiến đã khóa tài khoản Trump, sao không làm gì với tài khoản của các nhân vật chính trị mà Mỹ xem là “có vấn đề” khác? Khó có thể phớt lờ áp lực này như trước đây, khi các mạng xã hội đã chọn một nhân vật cỡ bự như Tổng thống Trump làm tiền lệ. Nhưng lúc đó, vấn đề lại là mạng xã hội lấy quyền gì mà đứng ra phân xử đúng sai, hay quyết định ai được nói và nói gì? Đây là chuyện gây tranh cãi đã dai dẳng từ trước; nếu giao cho con người thì không đủ nguồn lực, hay không tránh khỏi thiên kiến của “người phán xử”, còn trí tuệ nhân tạo thì lại chưa đủ thông minh.

Vụ việc của ông Trump một lần nữa cho thấy sức ảnh hưởng của các công ty công nghệ lên những gì diễn ra trong đời thực, và tác động đấy không chỉ ở chính trị Mỹ. The Economist đưa ra ví dụ Facebook đang mắc kẹt trong cuộc đấu chính trị ở Ấn Độ, khi cả đảng cánh tả Quốc đại và đảng cầm quyền BJP đều cáo buộc Facebook ưu ái đảng kia. “Nếu họ có thể làm điều này với tổng thống Mỹ, họ có thể làm vậy với bất kỳ ai” - Tejasvi Surya, chủ tịch tổ chức thanh niên của BJP, đăng tweet sau khi Twitter tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận