Quyền lực và tội lỗi

TRƯỜNG SƠN 25/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - Các công ty công nghệ ngày càng phát triển, chi phối gần như mọi mặt của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng bắt đầu đánh mất lòng tin nơi người dùng và trở thành “cái gai” trong mắt các chính phủ.

minh họa

Ben Smith, biên tập viên cấp cao của trang BuzzFeed News, cho rằng những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook và Amazon “vẫn thường được xem như những gương mặt mới, xuất chúng đại diện cho tính sáng tạo của nước Mỹ”, giờ được nhìn nhận như là “trung tâm tội lỗi và đại diện cho những quyền lực không kiểm soát được”.

Khi các hãng công nghệ đánh mất hình ảnh, dần trở thành mối đe dọa, cũng là lúc người dùng phải đòi hỏi nhiều hơn về quyền lợi, bảo mật dữ liệu và có quyền gây áp lực buộc các công ty này đáp ứng.

Và ở chiều ngược lại, các gã khổng lồ Internet cũng buộc phải có trách nhiệm nhiều hơn và tuân thủ luật chơi của các chính phủ.

Những lỗi kỹ thuật... hết hồn

Chỉ trong 2 năm gần đây, các đại gia công nghệ lớn nhất hành tinh liên tục mất điểm với người dùng.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 6, Google dính xìcăngđan khi thừa nhận email của người dùng Gmail có thể đã bị nhân viên của các hãng phát triển phần mềm bên thứ ba đọc trộm.

Trước đó, điều tra của tờ Wall Street Journal phát hiện ra hàng trăm công ty chuyên viết ứng dụng hỗ trợ cho Gmail đã để nhân viên quét qua hộp thư của người dùng và đọc email của họ.

Chẳng hạn Return Path, công ty marketing cung cấp công cụ quản lý email miễn phí, đã để nhân viên đọc khoảng 8.000 thư điện tử của người dùng trong vòng 2 năm để phát triển phần mềm của mình. Một app quản lý email khác, Edison Software, cũng để nhân viên đọc hàng ngàn email để huấn luyện tính năng “smart reply”, tức app tự đề xuất câu trả lời dựa trên nội dung email. Facebook thì sao? Có thể nhắc ngay vụ Cambridge Analytica hồi tháng 4, khi công ty tư vấn cùng tên tiếp cận được dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ.

Nhưng đâu chỉ có thế, và những lỗi kỹ thuật của mạng xã hội 2 tỉ người này toàn thuộc hàng... hết hồn. Chẳng hạn như chuyện Facebook âm thầm đổi chế độ hiển thị các bài viết từ “chỉ mình tôi” hay “bạn bè” sang “công khai” mà người dùng không hề hay biết. Sự cố này kéo dài trong 10 ngày hồi tháng 5 và ảnh hưởng 14 triệu người dùng. Điều này cực kỳ tai hại vì người dùng vẫn đinh ninh bài viết của mình đã bị hạn chế đối tượng đọc được, hóa ra lại bị biến thành “cho cả làng biết” mà mình không để ý. Sang đầu tháng 7, Facebook lại một lần nữa thừa nhận hệ thống đã có lỗi, khiến những người bị “chặn” (block), tức không cho thấy thông tin gì về mình, bỗng dưng được bỏ chặn.

Những người “bỗng dưng hết bị chặn” có thể tiếp tục gửi tin nhắn qua Facebook Messenger cho người đã block mình. Hậu quả sẽ rất tồi tệ nếu điều này xảy ra với người ta buộc phải chặn vì chuyên quấy rối, làm phiền, thậm chí lăng mạ mình trên Facebook.

minh họa
minh họa

 

Hơn cả phản kháng

Những công ty công nghệ đã phát triển như vũ bão và nhanh chóng vươn lên thành những công ty lớn nhất hành tinh, với lượng người dùng tính bằng hàng tỉ và chi phối gần như mọi mặt trong đời sống con người, từ làm việc, giải trí đến mua sắm, giao tiếp và kết nối.

Vậy nhưng, ngày càng nhiều thách thức bủa vây các đại gia Internet. Từ năm 2013, tạp chí Economist đã dự đoán sẽ đến ngày xảy ra techlash (technology + backlash) - tức các phản kháng mạnh mẽ nhằm vào các công ty làm chủ công nghệ. Đến năm 2017, Economist có bài “Các hãng Internet đang đối mặt với làn sóng phản kháng toàn cầu”, nhắc lại từ techlash như một cách chứng minh nhận định cách đó 4 năm là chính xác. Và gần một năm sau, tại thời điểm này, tình hình không có gì sáng sủa hơn cho các hãng công nghệ. Tự điển Macmillan định nghĩa techlash là “Sự phản ứng (backlash) mạnh mẽ nhằm vào các công ty công nghệ lớn vì lo ngại về quyền lực, riêng tư người dùng và khả năng thao túng chính trị (của chúng)”.

Techlash là tình huống mà các công ty công nghệ vốn đã làm thay đổi, định nghĩa lại nhiều ngành nghề giờ bị xem như là mối đe dọa cho sự thật, nền dân chủ, quyền riêng tư cá nhân. Từ đó dẫn đến vấn đề có nên quản lý các siêu công ty công nghệ như bao nhiêu doanh nghiệp bình thường khác hay không.

Trong bài viết trên Economist tháng 1-2018, tác giả Eve Smith nhắc chuyện techlash và lại dùng một thuật ngữ mới để chỉ sự phản ứng mạnh mẽ này - BAADD, hay Big, Anti-competitive, Addictive and Destructive to Democracy, tức “quá lớn, cản trở cạnh tranh, gây nghiện và có hại cho dân chủ”.

Chuyện ngũ đại gia Apple, Amazon, Facebook, Google và Microsoft lớn mạnh (từ đó dẫn đến thế độc tôn, cản trở cạnh tranh trong lĩnh vực mà mình hoạt động) và có sản phẩm gây nghiện ra sao, hẳn không cần phải nhắc lại. Riêng phần gây hại cho dân chủ là vì những mạng xã hội như Facebook và Twitter là mảnh đất màu mỡ của tin tức giả, hay YouTube là nơi truyền bá video thánh chiến, cực đoan hóa.

Các thuật toán hiển thị tin tức của những nền tảng này tạo ra cái gọi là “bong bóng lọc”, tức một người chỉ được xem các thông tin mà họ thích, củng cố những thiên kiến sẵn có của họ thay vì mang đến thông tin đa chiều.

Chính phủ khắt khe hơn

Ngày xưa, các hãng Internet được chính phủ ưu ái, hay ít nhất là không buộc họ phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe và đánh giá cao tính toàn cầu, vô biên giới của thế giới mạng. Các công ty công nghệ lúc đó được xem là trung gian, không phải chịu trách nhiệm cho nội dung trên nền tảng của mình, giống như các hãng viễn thông không bị buộc tội nếu tội phạm trao đổi thông tin bằng cách sử dụng dịch vụ của họ.

Ngày nay, các chính phủ ở Mỹ và châu Âu đang chuyển sang xem các hãng công nghệ như công ty truyền thông, buộc họ phải chịu trách nhiệm cho những gì người dùng nói hoặc làm. Điều này thể hiện qua việc chính phủ nhiều nước yêu cầu Facebook hay Google phải gỡ bỏ các nội dung không phù hợp với pháp luật nước sở tại, với lý do an ninh quốc gia.

Các chính phủ cũng ngày càng gắt gao hơn trong việc phân định biên giới và chủ quyền trong không gian ảo, như quy định thông tin của người dùng nước nào thì phải lưu trữ trong máy chủ đặt trong lãnh thổ nước đó (TTCT số 23-2018).

Ngoài ra, chuyện công nghệ làm mất việc làm, đặt ra các vấn đề đau đầu mới về thu thuế, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, cũng là những lý do khiến các chính phủ ngày càng phải dè chừng và mong muốn đặt các hãng công nghệ vào khuôn khổ hơn.

Tác giả Will Oremus viết trên Slate ngày 6-7 việc các hãng công nghệ có chịu thay đổi hay không tùy thuộc vào báo chí, công chúng và các tổ chức phi lợi nhuận có chịu gây áp lực lên họ hay không. “Thật may đó là điều mà rốt cuộc chúng ta cũng đã và đang làm” - Oremus viết.

Buộc thay đổi

Có vẻ những ngày tươi đẹp của các hãng công nghệ, khi người dùng yêu thích các sản phẩm và dịch vụ của họ, còn các nhà đầu tư hạnh phúc với lợi nhuận khủng, đã bắt đầu rời xa, khi người dùng nay đã bắt đầu nhận thức nhiều hơn về thông tin cá nhân của họ và dữ liệu - tài sản họ miệt mài tạo ra nhưng lại trở thành con gà đẻ trứng vàng cho những công ty Internet.

Vấn đề này đã được nhắc đến khá nhiều gần đây. Vẫn biết để sử dụng dịch vụ tiện ích miễn phí thì người dùng cũng phải chịu “bánh ít đi bánh quy lại” cho các hãng công nghệ. Song, vấn đề là các hãng công nghệ phải minh bạch hơn trong cách sử dụng thông tin người dùng, có trách nhiệm bảo vệ chúng.

Với EU, đây không còn là chuyện kêu gọi các hãng công nghệ phải thay đổi, mà là mệnh lệnh bắt buộc khi Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) đi vào hiệu lực hồi tháng 5. GDPR yêu cầu phải có sự đồng thuận và chứng minh rõ ràng về việc thu thập dữ liệu cá nhân từ người dùng. Các điều khoản của luật này buộc các công ty cung cấp dịch vụ trên mạng Internet phải thay đổi chính sách về quyền riêng tư của họ cũng như cách thức thu thập dữ liệu.

Thực tế là các hãng công nghệ cũng chịu thay đổi, dù có khi là tự nguyện hoặc bị áp lực quá lớn. Chẳng hạn việc tuân thủ GDPR, hoặc đáp ứng quy định về chủ quyền dữ liệu cũng như yêu cầu gỡ bỏ thông tin từ chính quyền.

Apple trước sức ép từ chính quyền Trung Quốc đã phải gỡ bỏ nhiều ứng dụng VPN (mạng cá nhân ảo, dùng để vượt tường lửa) trong kho ứng dụng dành riêng cho thị trường đại lục. Facebook phải thuê nhân sự để đáp ứng yêu cầu phải gỡ bỏ thông tin về thảm họa diệt chủng Holocaust trong vòng 24 tiếng kể từ khi có yêu cầu từ Chính phủ Đức, hay Amazon và Microsoft phải xây thêm trung tâm dữ liệu ở nhiều nơi để tuân thủ quy định về chủ quyền dữ liệu.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận