TTCT - Từ ngày con lộ chạy qua làng, nối làng với tỉnh lộ, quốc lộ được nâng cấp, tráng nhựa phẳng lì, người chết vì tai nạn giao thông trong làng bỗng nhiên tăng vọt. Phần lớn là thanh niên trai tráng nhậu xỉn hoặc không nhậu xỉn phóng xe ào ào, bạt mạng đâm vào nhau hoặc đâm vào cột điện. Phóng to Nông thôn - tranh Bùi Xuân Phái Thế là người già chôn cất người trẻ. Con lộ phẳng lì giúp dân làng đi lại thuận tiện hơn, lên thành phố nhanh hơn, rút ngắn thời gian chuyển viện khi bị bệnh nặng, hàng hóa buôn bán vận chuyển dễ dàng hơn, nhưng nó cũng làm cho đám thanh niên, thiếu niên rời bỏ làng lên thành phố nhiều hơn để đi học, kiếm việc làm hoặc chơi bời lêu lổng chẳng làm gì. Nhiều đứa lúc còn ở làng học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, sau một thời gian lên thành phố thì đàn đúm, bỏ học, trở về quê mang theo những thói hư tật xấu tiêm nhiễm chốn thị thành. Những thanh niên còn lại ở làng giờ cũng chẳng còn mấy người làm nông. Con đường nhựa mở ra, hai bên đường giờ mọc đầy cửa hàng buôn bán, quán cà phê, quán karaoke, quán nhậu. Nói chung, thành phố có dịch vụ gì, những thứ giải trí gì, ở làng giờ hầu như đều có cả, chỉ chưa có dancing, massage. Và thanh niên nhiều người suốt ngày la cà ở quán. Thế hệ này bắt đầu ngán làm nông, ngán nhúng chân xuống ruộng, ngán vun đất trồng rau, ngán làm cỏ, tưới nước cho cây tiêu, cây điều, cây cà phê vốn trước đây là thế mạnh của vùng đất đỏ Đông Nam bộ này. Trồng lúa, trồng rau màu, trồng tiêu, điều, cà phê, chăn nuôi heo gà giờ chủ yếu là lớp trung niên và người già trong làng mà vì ràng buộc gia đình hoặc vì không còn đủ sức nên không đi đâu được, đành chấp nhận ở tại chỗ. Mà người ta ngán làm nông cũng phải. Làm nông thuần túy chỉ đủ ăn là may, không sao ngóc đầu lên được. Từ vài chục năm nay, nông dân vừa phải đánh vật với sản xuất (nước, phân, cần, giống) vừa phải đánh vật với thị trường đầy rủi may. Tiêu, điều, cà phê nay mới được giá, mai đã rớt giá, chưa kể dịch bệnh làm cây chết. Heo, gà, vịt... hết đợt này đến đợt khác, nếu không bị dịch bệnh thì cũng bị ảnh hưởng từ tin tức về dịch bệnh ở nơi khác khiến thương lái dựa vào đó dìm giá. Tin tức mới đây về việc sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo ở đâu đó cũng khiến những người nuôi heo ở đây điêu đứng. Thịt bán trên thị trường vẫn cao, cao gấp đôi giá heo hơi mua tại chuồng, vậy mà thương lái vẫn còn muốn ép giá phía người nuôi xuống nữa. Trồng trọt, chăn nuôi như cánh đồng bị bão liên tục chà đi xát lại. Nông dân, vì sự sống, vẫn làm nhưng mù mịt tương lai. Bảo sao con cháu họ không muốn bỏ đi? Trên cái nền sản xuất như vậy, cuộc sống không khỏi bấp bênh và xã hội khó mà ổn định. Tuy vậy, trai tráng trong làng bỏ đi thì lại có những người từ những vùng quê khác ở rất xa và có lẽ còn nghèo khó hơn kéo tới. Có những người chí thú làm ăn ở vùng đất mới nhưng cũng có người không. Trong làng bắt đầu xảy ra nạn trộm cắp, từ con chó tới đồ đạc trong nhà, từ tiêu, điều, cà phê cho tới cái máy bơm đặt dưới giếng sâu. Trong làng cũng bắt đầu có những con nghiện ma túy, cả ở nơi khác tới lẫn trong thanh niên xưa nay ở làng. Làng không còn yên bình như mấy chục năm trước. Ngay trong thời chiến tranh, người ta chết vì chiến tranh, vì bom rơi đạn lạc, nhưng quan hệ giữa người với người trong làng, trong xóm ít xao xác hơn bây giờ. Người ta tin nhau và tin vào điều thiện hơn bây giờ. Có cái gì đó như là sự rạn vỡ từ bên trong. Các nhà lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo trong làng nhận ra sự xói mòn của những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức xưa nay vẫn được thừa nhận nơi dân làng. Họ cố gắng làm điều gì đó để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, nhưng dường như vẫn chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu trước những xu hướng mới của xã hội. Vả chăng, những nỗ lực tinh thần chỉ hữu hiệu khi được hỗ trợ bởi những thiết chế xã hội phù hợp, mà các thiết chế xã hội thì đang xơ cứng. Ngôi làng tôi đang nói tới là ngôi làng của tuổi thơ tôi, nơi thỉnh thoảng tôi vẫn trở về. Còn có thể có bao nhiêu ngôi làng như thế, những ngôi làng đang lung lay gốc rễ, những ngôi làng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, từ trong mỗi người làng, mỗi gia đình, từ trong từng tế bào xã hội của làng xóm. Chẳng thế mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe về những tội ác ghê rợn xảy ra nơi chốn thôn quê, nơi bình yên một thuở, nơi tá túc cho những con người mệt mỏi với cuộc sống chốn thị thành nhưng giờ chính nó cũng đang phải đi tìm lại sự bình yên. Tags: Phiếm đàm
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Những bí mật bên trong 'sòng bạc' 2.600 tỉ tại King Club THÂN HOÀNG 06/07/2025 Trong vụ án đường dây đánh bạc 107 triệu USD, 136 bị can tham gia sát phạt tại "sòng bạc" King Club có đủ nghề nghiệp, địa vị khác nhau.
Sau treo thưởng 50 triệu của chủ tịch Cần Thơ, có nhiều hiến kế chống ngập 'độc lạ' CHÍ QUỐC 06/07/2025 Sau treo thưởng của chủ tịch Cần Thơ, nhiều giải pháp 'độc lạ' để thoát ngập lẫn kiến nghị xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi đã được góp ý, hiến kế.
Bắt tạm giam tài xế xe đầu kéo vụ tai nạn thảm khốc ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi LÊ TRUNG 06/07/2025 Liên quan vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hôm 19-6 khiến 2 người chết, nhiều người bị thương, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam tài xế xe đầu kéo.
Bão số 2 mạnh lên cấp 11, giật cấp 13 CHÍ TUỆ 06/07/2025 Sáng 6-7, cường độ bão số 2 (bão Danas) tiếp tục mạnh thêm một cấp lên cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão hướng về vùng biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).