Rầu lòng bán lỗ heo, bò mùa Tết

TRẦN MẠNH 21/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Nhiều nông dân chăn nuôi heo, bò đang “rầu thúi ruột” khi Tết cổ truyền đã đến gần mà giá bán ra không thấy tăng như kỳ vọng, ngược lại còn giảm vì sức mua quá yếu.

Nguồn cung dồi dào nhưng sức mua yếu khiến giá bán sản phẩm chăn nuôi dịp Tết giảm. Ảnh: Quang Định

 Sức mua dịp Tết này giảm sút do tác động của dịch bệnh làm các đầu mối tiêu thụ giảm mua, nhiều người dân mất việc hoặc bỏ phố về quê, thu nhập giảm so với năm trước.

Cung lớn hơn cầu

Hồi giữa năm, ông Phan Trung Thành (Đồng Nai) mua hơn 100 con bò thịt về vỗ béo, dự định bán dịp cuối năm - lúc mà tiêu thụ thịt bò nhiều nhất. Khi đó, giá bò gầy hơi là 85.000 đồng/kg, giá bán bò thịt sau vỗ béo khoảng 90.000 đồng/kg.

 “Tôi hi vọng dịp Tết giá sẽ tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg, nào ngờ càng gần Tết năm nay giá bò càng giảm, muốn bán mà thương lái không mua" - ông Thành than thở. Cùng với số bò để lại từ năm ngoái, đến nay ông Thành còn gần 200 con bò thịt có thể bán nhưng gọi thương lái mãi không được.

“Thương lái nói giờ giá 80.000 đồng/kg bò hơi cũng khó mua vì đầu ra khó quá. Nhiều người khác cần tiền phải bán bò với giá 70.000 đồng/kg rồi” - ông Thành nói.

Tình hình người nuôi heo cũng không khá hơn: giá heo hơi hiện ở mức khoảng 50.000 đồng/kg. Với mức này, người chăn nuôi hòa vốn nếu tự chủ được con giống, còn mua heo giống từ bên ngoài là cầm chắc lỗ. 

Ông Nguyễn Văn Quang, chủ trại heo tại Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết năm 2021 giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 10 lần, giá thuốc thú y, vắc xin cũng tăng chóng mặt nên giá thành nuôi heo đã vượt mức 50.000 đồng/kg. 

Người chăn nuôi năm nào cũng mong tới dịp cuối năm để bán được giá nhưng năm nay Tết đến nơi rồi mà giá heo không tăng.

Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi tăng rất chậm so với hồi tháng 10-2021 và thấp hơn giá thành do hiện nay sức mua giảm rất mạnh. 

Dù TP.HCM đã cho các hoạt động trở lại bình thường nhưng các chợ đầu mối chỉ tiêu thụ khoảng 4.500 con heo/đêm, bằng gần một nửa so với thời điểm trước dịch. Không những vậy, liên tiếp thời gian qua giá heo móc hàm tại các chợ đầu mối đều ở mức thấp nên các thương lái đa số lỗ vốn.

“Giá heo hơi 50.000 đồng/kg nhưng giá heo mảnh chỉ có 65.000 đồng/kg đầu chợ, giá trung bình cả phiên chỉ có 55.000-58.000 đồng/kg thì thương lái chợ đầu mối lỗ nặng. Tình hình này kéo dài nên họ không muốn kinh doanh nhiều nữa” - ông Công cho biết.

Đầu tháng 10-2021, khi giá heo hơi giảm còn khoảng 45.000 đồng/kg đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng người chăn nuôi bỏ đàn, nguy cơ tết thiếu thịt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định Tết này thịt heo vẫn rất dồi dào, ngay cả sau Tết nguồn cung vẫn cao.

Theo Tổng cục Thống kê, chăn nuôi heo và gia cầm năm 2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động làm gián đoạn chuỗi cung ứng; nhà hàng, quán ăn đóng cửa, du lịch đình trệ khiến nhu cầu thị trường giảm, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng lớn, giá thịt heo hơi những tháng cuối năm ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng khiến nhiều cơ sở chăn nuôi bị thua lỗ.

 

 

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2021 so với năm trước của một số địa phương giảm mạnh. Cụ thể, Quảng Ninh giảm 10,3%; Hà Nội giảm 14%; Hải Phòng giảm 17,8%; Đà Nẵng giảm 20%; Bình Dương giảm 23,5%; Nghệ An giảm 30,7%; TP.HCM giảm 46,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 52,2%...

Ông Nguyễn Trí Công cho biết, việc hàng loạt nhà máy, công xưởng đóng cửa hoặc giảm giờ làm, các trường học cho học sinh học online, nhà hàng, quán ăn cầm chừng… dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thịt heo, gà giảm mạnh trong những tháng qua. Thu nhập của người dân giảm sút cũng là nguyên nhân làm sức mua các loại thịt trên thị trường giảm xuống.

Năm sau vẫn khó

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết nguồn tiêu thụ thịt bò tươi nói riêng và sản phẩm chăn nuôi nói chung chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn, trung tâm hội nghị tiệc cưới tại các thành phố lớn. Nhưng năm nay, tất cả các nơi này đều giảm hoạt động vì các biện pháp phòng chống dịch.

“Thị trường cuối năm năm nay quá yếu, nhiều chủ trang trại nuôi bò muốn bán nhưng thương lái không đến mua, phải tiếp tục nuôi đợi qua năm" - ông Ngọc cho hay.

Theo ông Ngọc, những chủ trại chăn nuôi kẹt tiền buộc phải bán rẻ để có tiền chi trả các chi phí chăn nuôi và chi tiêu dịp Tết, những người có điều kiện hơn chọn cách giữ bò để nuôi tiếp. 

Không như heo hay gà đến trọng lượng là phải xuất bán ngay không để được lâu, người nuôi bò có thể giữ lại thêm 5-6 tháng để chờ giá tăng mà không ảnh hưởng chất lượng thịt. “Tất nhiên chi phí sẽ tăng nhưng người chăn nuôi hi vọng sau Tết giá tăng sẽ gỡ lại” - ông Ngọc nói.

Những người nuôi heo và gà buộc phải bán khi vật nuôi đạt trọng lượng vì càng nuôi càng lỗ. Những chủ trại chăn nuôi tự chủ được con giống sẽ tiếp tục cầm cự với hi vọng qua năm các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, sức mua sẽ tăng lên và giá sẽ tăng trở lại.

“Lấy ngành gà công nghiệp làm ví dụ, vài năm trước giá giảm gần như suốt năm vì các công ty chạy đua tăng đàn dù nhu cầu không tăng. Sau thời gian thua lỗ nặng nề, các công ty và người nuôi đã phải cân đối lại tổng đàn nên giá vào dịp cuối năm nay tốt hơn, bắt đầu có lãi” - ông Trí Công cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022” diễn ra ngày 4-1 vừa qua, chuyên gia Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính), cho biết trong năm 2021 giá heo hơi có biến động mạnh qua các tháng. 

Nguồn: Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

 

Cụ thể, tháng 1-2021 giá heo hơi tăng mạnh so với tháng 12-2020. Sau đó, từ tháng 2-2021 đến tháng 10-2021, giá heo hơi giảm liên tục từ 79.000-82.000 đồng/kg giảm xuống mức 40.500-42.500 đồng/kg tùy địa phương. 

Trong 2 tháng cuối năm 2021, giá heo hơi có xu hướng tăng trở lại, đạt trung bình 49.000-49.500 đồng/kg vào tháng 12-2021. Nhưng mức giá này vẫn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo bà Vân, diễn biến giá heo hơi ở mức thấp như hiện nay, người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí phòng dịch và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá heo hơi trên thị trường trong tháng 11 và tháng 12-2021 có xu hướng tăng trở lại do sau khi các địa phương nới giãn cách xã hội, các nhà máy chế biến hoạt động bình thường trở lại, nhu cầu tiêu thụ thịt heo phục hồi.

 “Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn tiềm ẩn” - bà Vân nhận định.

Bà Vân dự báo giá heo hơi có thể tăng trở lại vào đầu năm nhưng không đột biến, khôi phục mức 60.000-65.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguồn cung thịt các loại cho thị trường Tết năm nay dồi dào nên giá cả khó tăng đột biến. Ngành chăn nuôi sẽ còn đối mặt với khó khăn trong thời gian tới khi giá thức ăn chăn nuôi có nguy cơ tăng trở lại. Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% trong cấu trúc chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. 

Tuy nhiên, nguồn cung lại phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu các mặt hàng ngô, lúa mì và đậu tương. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 11 năm 2021 đạt 1,04 triệu tấn với giá trị đạt 317 triệu USD, tăng 26,3% về khối lượng và 35,3% về giá trị so với tháng trước.

Sự thiếu chủ động trong nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam làm gia tăng rủi ro và lệ thuộc vào giá nông sản thế giới, minh chứng rõ ràng nhất là giai đoạn nửa đầu năm nay khi giá ngô, lúa mì và đậu tương đều đồng loạt tăng mạnh. 

Sự phát triển của ngành chăn nuôi heo thịt Việt Nam là động lực chính của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi heo tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm do giá thịt heo hơi duy trì ở mức thấp.

Trong nửa sau năm 2021, giá heo toàn cầu đã bước vào thời kỳ lao dốc khi đàn heo tại Trung Quốc được phục hồi sau dịch tả châu Phi (ASF). Triển vọng nguồn cung thịt thế giới trở nên tích cực hơn, cùng với việc Trung Quốc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thịt cũng gián tiếp tạo sức ép lên giá thịt heo tại thị trường Việt Nam.

Thống kê của Cục Chăn nuôi, tính đến đầu tháng 10-2021 tổng đàn heo của cả nước vẫn duy trì khoảng 28 triệu con, trong đó có gần 3 triệu heo nái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận