​Rủi ro nào khi mua bảo hiểm?

LAN ANH - LÊ NAM 13/08/2015 18:08 GMT+7

Không ít người tiêu dùng hào hứng với sự tiện ích của bảo hiểm sức khỏe (BHSK) nhưng cũng nhiều người “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì thiếu thông tin hoặc thiếu hiểu biết. Thủ tục thanh toán bảo hiểm xem ra vẫn nhiêu khê và những rủi ro pháp lý vẫn tiềm ẩn do thông tin ban đầu không rõ ràng.

Chi phí cho lần sinh con thứ hai của chị T.Q. (quận Tân Bình, TP.HCM) hơn 63 triệu đồng được bảo hiểm chi trả toàn bộ - Ảnh: L.N.

Thường bị đòi hỏi

Nhiều người cho rằng thông thường các công ty bảo hiểm không đòi hỏi nhiều đối với những trường hợp có giá trị bồi thường thấp hoặc ít khi sử dụng bảo hiểm, còn đối với những trường hợp sử dụng bảo hiểm thường xuyên cho việc chăm sóc sức khỏe của mình thì thường bị “soi” kỹ.

Anh B., một khách hàng mua BHSK, cho biết mặc dù anh đã cung cấp chứng từ phẫu thuật và điều trị nội trú của bệnh viện cho công ty bảo hiểm, nhưng sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ của anh, công ty bảo hiểm yêu cầu anh phải cung cấp thêm bảng chấm công của cơ quan anh B., thể hiện những ngày nghỉ không hưởng lương (có chữ ký, họ tên nhân sự, con dấu cơ quan)...

Đây là yêu cầu phát sinh mà theo anh B. là vô lý vì chuyện chấm công hay nghỉ không hưởng lương là một quan hệ dân sự khác, chẳng liên quan đến điều khoản nào trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong thực tế, các yếu tố như tốc độ giải quyết đền bù, mức độ linh hoạt trong việc giải quyết các thiếu sót về thủ tục trong quá trình đền bù chính là gút mắc mà nhiều khách hàng khi thực hiện đền bù vướng phải. Các công ty bảo hiểm thì cho rằng khách hàng đã kỳ vọng quá cao khi mua một sản phẩm BHSK, trong khi khách hàng cho rằng các công ty bảo hiểm hay đòi hỏi thêm những yêu cầu mới.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, một bộ hồ sơ yêu cầu thanh toán chi phí khám chữa bệnh, nằm viện là một bộ hồ sơ pháp lý, bao gồm đầy đủ tất cả mọi giấy tờ nảy sinh trong quá trình khám và điều trị. Có những trường hợp mọi thứ được liệt kê trong toa thuốc đều được thanh toán nhưng cũng có những trường hợp lại bị đánh giá là thứ bổ trợ, không phải là thuốc nên không được thanh toán.

Chẳng hạn, ông N.T.A. trong những lần điều trị bệnh viêm mũi của mình đều được bác sĩ chỉ định dùng chai xịt nước biển sâu Humer giá trị gần 100.000 đồng và được công ty bảo hiểm thanh toán lại. Nhưng khoảng một năm gần đây công ty bảo hiểm lại cho rằng đó không phải là thuốc nên không thanh toán...

Khó mà biết sẽ phát sinh gì thêm

Những người từng mua BHSK nhiều năm đều có chung nhận định: nếu năm nay sử dụng bảo hiểm nhiều, chắc chắn năm sau sẽ gặp khó khăn khi ký hợp đồng mới. Thông thường phí bảo hiểm năm sau sẽ cao hơn và công ty bảo hiểm cũng sẽ ra những điều kiện khó khăn hơn, thậm chí có quyền đơn phương từ chối ký tiếp hợp đồng. Điều này được một số công ty bảo hiểm xác thực.

Ông Võ Duy Cường cho rằng trong trường hợp chi phí bồi thường thực tế trong năm cho doanh nghiệp A cao hơn dự kiến của công ty bảo hiểm sẽ xảy ra nhiều khả năng chi phí mua bảo hiểm của doanh nghiệp cho năm sau sẽ tăng để bớt đi các rủi ro trong đền bù vào năm sau. Quy trình xét bồi thường của từng trường hợp khách mua bảo hiểm trong năm sau cũng sẽ có thể khắt khe hơn: đòi hỏi nhiều giấy tờ, công ty bảo hiểm cũng sẽ làm việc kỹ hơn với bệnh viện, nơi khám chữa bệnh để kiểm tra... 

Bởi thế, vai trò “nhà tư vấn” của các đại lý là hết sức quan trọng. Một khi chưa hiểu điều gì, người mua không nên ngần ngại “hỏi cho ra nhẽ”.
 

Nhìn chung, trước khi đặt bút ký, khách hàng bảo hiểm nên xem xét kỹ các quy định trong hợp đồng và phải yêu cầu giải thích rõ vì nhiều điều khoản được viết rất khó hiểu. Mới đây trên mạng xã hội đã ầm ĩ một vụ khiếu nại của khách hàng tham gia bảo hiểm thai sản, quy định của nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm là 270 ngày sau khi ký hợp đồng mới được chi trả, nhưng mới bốn tháng sau ngày ký hợp đồng, khách hàng đã yêu cầu thanh toán dịch vụ sinh mổ.

Cũng từng có trường hợp khách hàng “tố” công ty bảo hiểm đẩy rủi ro sang cho khách hàng khi em bé được bảo hiểm bất ngờ phát hiện chứng dị ứng sữa và buộc phải dùng sản phẩm chuyên dụng giá cao, khi đó công ty bảo hiểm đã yêu cầu khách hàng ký hợp đồng bổ sung có quy định... không chi trả cho bệnh tiêu hóa, trong đó có dị ứng sữa, đồng thời tăng phí bảo hiểm với khách hàng...

Sau nhiều lần thương lượng, công ty đồng ý giữ nguyên phí nhưng yêu cầu khách hàng đồng chi trả phí sản phẩm chuyên dụng là 70-30, tức là công ty bảo hiểm chỉ trả 30% phí mua sữa chuyên dụng...

Khi được phỏng vấn, nhiều khách hàng cho biết họ có cảm giác công ty bảo hiểm không cung cấp hết thông tin, nhất là những phát sinh có thể xảy ra. “Khó mà đoán biết được điều gì sẽ phát sinh sau này, nhưng mình có nhu cầu thì cứ phải mua thôi” - một khách hàng nhận xét.

Đọc kỹ hay được cung cấp thông tin đầy đủ từ đại lý là một chuyện, sự mơ hồ vẫn không thể nào hết đeo đẳng người mua bảo hiểm. Bởi lẽ trong bản hướng dẫn chứng từ thanh toán bảo hiểm của nhiều công ty, phần cuối bao giờ cũng có lưu ý: Trong mọi trường hợp, nội dung trong bản hướng dẫn này chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế các điều khoản được quy định trong hợp đồng. Tùy từng trường hợp cụ thể, công ty bảo hiểm có thể yêu cầu một số chứng từ khác nhằm làm rõ thông tin để đủ cơ sở xem xét bồi thường. Ai là người nắm chuôi?

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận