Rung động đầu đời - từ cảm xúc đến sự chuẩn bị

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 21/09/2014 09:09 GMT+7

TTCT - Tại Đan Mạch, Thụy Điển, nhà trường đưa môn giáo dục giới tính vào giảng dạy từ lớp 7, 8 để trang bị những hiểu biết cần thiết và tránh những chuyện không hay.

Minh họa: Bích khoa
Minh họa: Bích khoa

Tại Đan Mạch, Thụy Điển, nhà trường đưa môn giáo dục giới tính vào giảng dạy từ lớp 7, 8, không chỉ vì thiếu niên Bắc Âu dậy thì tương đối sớm, mà còn vì các em cần được trang bị những hiểu biết cần thiết để tự bảo vệ cùng tránh những chuyện không hay mà sự bồng bột của tuổi trẻ có thể đưa tới.

Trong nhà trường, tại địa phương đều có những người chuyên phụ trách tư vấn cho học sinh, thanh thiếu niên, còn các phương tiện truyền thông luôn có những diễn đàn, chuyên mục giải đáp thắc mắc, tư vấn cho giới trẻ. 

Bốn vấn đề của tuổi thiếu niên 

Trong một xêri phim tài liệu về đề tài thanh niên trên Đài truyền hình TV2 của Đan Mạch, tiến sĩ Anne Goerlich - thuộc Trung tâm nghiên cứu về thanh niên (CeFU) Đại học Aalborg, Copenhagen - nói rằng đối với đa số các em học sinh cấp II, việc có bạn khi đến tuổi dậy thì hoặc vừa qua tuổi dậy thì rất quan trọng vì các em coi đó là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Thạc sĩ tâm lý Ida Koch, người có 15 năm cộng tác với Đài phát thanh quốc gia Đan Mạch trong chương trình tư vấn cho thanh niên “Tvaers” (Xuyên) rất được các bạn trẻ ưa thích, cho rằng tuổi vị thành niên là một thời điểm đầy thách thức, cảm xúc và xung đột - cho cả thiếu niên lẫn các bậc phụ huynh.

Trên trang web www.netdoktor.dk (Bác sĩ mạng), bà Koch đã đưa ra một số lời khuyên thiết thực cho các bậc phụ huynh có con em ở tuổi mới lớn.

Theo bà, các bậc phụ huynh cần lưu ý bốn vấn đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ trẻ em đến tuổi thiếu niên và sau đó là thanh niên của con em mình. Đó là quan hệ bạn bè, tình yêu đầu đời, quan hệ nam nữ đầu tiên và trải nghiệm đầu đời trước sự mất mát và cảm giác đau khổ khi thất tình. 

Cho dù vẫn gắn bó với gia đình nhưng ở tuổi mới lớn, tình bạn và các mối quan hệ với người xung quanh trở nên quan trọng hơn với thiếu niên. Qua đó, các em sẽ phát triển các kỹ năng giao tiếp, sự tự hiểu biết và có cơ hội thu thập kinh nghiệm giải quyết vấn đề.

Tình bạn giúp các em không cảm thấy đơn độc, có cảm giác được chia sẻ và hâm mộ. Thiếu nó, các em sẽ cảm thấy bị bỏ rơi.

Tình trạng này có thể nguy hại cho sự phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết, chẳng hạn như làm việc tập thể, giải quyết xung đột, thích ứng và đối phó trong không gian xã hội riêng (như mạng xã hội)...

Thế nên các bậc phụ huynh cần hỗ trợ các hoạt động của con em với bạn bè, để tâm đến thái độ của các em hầu tránh những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như nạn bắt nạt.

Đừng bắt họ chọn lựa giữa gia đình và tình yêu

Thiếu niên ở tuổi dậy thì thường phát sinh khao khát một quan hệ nào đó gần gũi hơn, thân mật hơn, hoàn toàn khác với tình yêu mà họ nhận được từ cha mẹ, người thân trong gia đình.

Do chưa từng có kinh nghiệm để so sánh nên khi các em rơi vào tình yêu (hoặc tưởng như thế) thì mọi sự đều đảo lộn. Tình trạng này có thể dẫn tới việc học hành sa sút, lơ là việc nhà, thay đổi thói quen... Mọi sự nhắc nhở bị xem là hành vi can thiệp gây phiền nhiễu...

Một số thiếu niên có thể tâm sự với cha mẹ về chuyện tình cảm của mình, một số thì không hoặc không thể. Và khi những người trẻ tâm sự chuyện tình cảm với nhau thì những kinh nghiệm trao đổi có thể tốt, có thể xấu. 

Bà Koch đưa ra lời khuyên là phụ huynh nên giúp đỡ con em trong việc học và những nghĩa vụ, nói chuyện với con em về những mặt tốt đẹp lẫn khó khăn của tình yêu nhưng cần tránh tạo ra áp lực vì thiếu niên phải được có sự riêng tư và không nên đặt các em vào thế phải chọn lựa giữa tình yêu và gia đình. 

Theo luật Đan Mạch, thanh thiếu niên được phép quan hệ tình dục khi được 15 tuổi.

Các nhà lập pháp cho rằng ở lứa tuổi này thanh thiếu niên đã có thể quản lý cơ thể và cảm xúc, và đủ trưởng thành để thiết lập các giới hạn nhằm tự bảo vệ mình trước những bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn.

Xác lập độ tuổi này cũng nhằm ngăn chặn thanh thiếu niên lớn tuổi hơn hoặc người lớn lạm dụng trẻ em.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tư vấn thanh niên của bà Koch thì không phải tất cả thiếu niên đều đã sẵn sàng ở lứa tuổi 15 này. Tốt hơn hết, phụ huynh nên dẫn dắt những cuộc đối thoại chu đáo với con cái, sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hướng dẫn, thí dụ như biện pháp tránh thai. 

Những quan hệ đầu đời thường nảy nở rất nhanh chóng nhưng cũng dễ đổ vỡ và chóng qua do những người trẻ không có đủ kinh nghiệm để vun đắp hay gìn giữ nó. Thế nên khi bị từ chối hay thất bại, thiếu niên có thể cảm thấy như cả thế giới đang vỡ thành từng mảnh.

Cũng như nỗi thất tình có thể khiến mọi thứ khác lu mờ hết thảy và những người trẻ chưa biết rằng người ta có thể chịu đựng rất nhiều điều, và những nỗi đau (do thất tình) có thể nguôi ngoai khi họ có đủ sự bình tâm và niềm tin vào cuộc sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận