Rượt đuổi vũ trang trên không gian và đất liền

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 05/07/2009 03:07 GMT+7

TTCT - Sự kiện tên lửa Trung Quốc ngày 11-1-2007 bắn trúng vệ tinh dự báo thời tiết “quá đát” đang bay trong quỹ đạo cách Trái đất 850km gửi đi một thông điệp, rằng “Trung Quốc có đủ khả năng đối phó với mọi mối đe dọa tiềm tàng từ không gian, lĩnh vực mà từ trước tới nay chỉ có Mỹ và Nga thống soái”, như bình luận của mạng Liên hợp buổi sáng (Singapore).

Phóng to
Hải quân Mỹ thử hệ thống tên lửa trên tàu khu trục USS Sterret, 16-12-2008 - Ảnh: Wikimedia
TTCT - Sự kiện tên lửa Trung Quốc ngày 11-1-2007 bắn trúng vệ tinh dự báo thời tiết “quá đát” đang bay trong quỹ đạo cách Trái đất 850km gửi đi một thông điệp, rằng “Trung Quốc có đủ khả năng đối phó với mọi mối đe dọa tiềm tàng từ không gian, lĩnh vực mà từ trước tới nay chỉ có Mỹ và Nga thống soái”, như bình luận của mạng Liên hợp buổi sáng (Singapore).

Sự kết hợp những phương tiện đặt trong không gian với các vũ khí quy ước cho phép thực hiện những vụ oanh tạc chính xác “tới tận phòng ngủ” từ những tầm xa lớn. Chạy đua không gian trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc chạy đua hiện đại hóa quốc phòng tại châu Á - Thái Bình Dương, ngày nay đang diễn ra ráo riết trên năm lĩnh vực chủ yếu: tàu nổi, tàu ngầm, không quân, tên lửa và không gian. Ngoài ra, có thể diễn ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Đông Bắc Á.

Từ chạy đua không gian

Những vụ thử các phương tiện vũ khí chiến lược của CHDCND Triều Tiên gần đây đã góp phần thúc đẩy hiện đại hóa phương tiện vũ trụ của các nước láng giềng, trước hết là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản xác định nhiệm vụ cấp bách xây dựng hệ thống vệ tinh do thám thu thập thông tin, nâng cao khả năng phân tích những hình ảnh vệ tinh để phục vụ quốc phòng. Tháng 6-2008, thủ tướng Nhật Bản bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên phụ trách phát triển ngành vũ trụ nước này, Hạ nghị viện Nhật Bản thông qua đạo luật cho phép đẩy mạnh hoạt động vũ trụ vì an ninh quốc gia. Đầu tháng 5 năm nay, Ban Chiến lược chính sách vũ trụ của Chính phủ Nhật Bản thông qua dự án không gian giai đoạn 2009-2013 phát triển vũ trụ phục vụ quốc phòng và ngoại giao, với mục tiêu phóng 34 vệ tinh trong giai đoạn 2009-2013. Giai đoạn 2014-2020 Nhật Bản mua 60 vệ tinh, bốn vệ tinh trong số này sẽ thu thập thông tin tình báo.

Các cuộc xung đột vũ trang dưới mặt đất 70% được điều khiển trên trời qua vệ tinh. Điều này diễn ra tại Iraq, Afghanistan và Balkan những năm gần đây. Nguyên lý quân sự được nhà lý luận bậc thầy người Phổ Carl von Clausewitz (1780-1831) đúc kết đầu thế kỷ 19 tỏ ra vẫn đúng trong thời đại vũ trụ: “Ai kiểm soát trên cao thì kiểm soát được cả dưới thấp”.

Về phía Hàn Quốc, ngày 11-6 vừa rồi Seoul đã khánh thành trung tâm vũ trụ đầu tiên, trở thành nước thứ 13 trên thế giới có trung tâm vũ trụ, và từ trung tâm này dự kiến ngày 30-7 sẽ phóng một tên lửa đẩy đầu tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Nếu thành công, Hàn Quốc sẽ trở thành nước thứ 10 trên thế giới tự sản xuất và tự phóng vệ tinh nhân tạo.

Ấn Độ cũng bị cuốn hút vào cuộc chạy đua không gian. Sau sự kiện 11-1-2007 gây chấn động đối với Ấn Độ, tổng tư lệnh quân đội nước này - tướng Deepak Kapoor - xác định Ấn Độ cần nâng cao khả năng ứng dụng không gian vào mục tiêu quân sự và cần xây dựng bộ chỉ huy không gian giám sát và phản ứng nhanh chóng trước tình hình. Tháng 10-2008, Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ vào quỹ đạo Mặt trăng.

Mỹ và Nga, hai siêu cường vũ trụ, tiếp tục theo đuổi những chương trình tham vọng. Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo quyết định xem xét lại chương trình thăm dò Mặt trăng và sao Hỏa mang tên “Chòm sao” của NASA. NASA có thể tiến hành các chuyến du hành vũ trụ có người lái tới hai hành tinh trên sau khi tàu con thoi ngừng hoạt động, trong khi cơ quan này đang nỗ lực để hoàn tất việc xây dựng trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2010. Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục thúc đẩy chương trình vệ tinh thử nghiệm cho kế hoạch phòng thủ tên lửa, ngày 5-5-2009 phóng thành công lên quỹ đạo vệ tinh trang bị các cảm biến thử nghiệm nhằm phát hiện, theo dõi và cung cấp thông tin mục tiêu tên lửa.

Nhân Ngày vũ trụ quốc gia (12-4), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định khả năng cạnh tranh và an ninh của nước Nga phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả phát triển ngành tên lửa - vũ trụ. Ông nhấn mạnh ưu tiên chiến lược trong chính sách quốc gia Nga là củng cố vị thế tiên phong của Nga trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ và thị trường dịch vụ vũ trụ quốc tế. Năm 2009 Nga lập kỷ lục thế giới với 39 vụ phóng tàu vũ trụ.

Các chương trình vũ trụ góp phần quan trọng hoàn thiện các tên lửa đẩy - một trong những phương tiện quân sự quan trọng nhất trong cuộc chạy đua hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa.

Đến cuộc đua tên lửa đạn đạo

Phóng to
Trung Quốc phóng Thần Châu 7 đưa ba người lên vũ trụ, 25-9-2008 - Ảnh: Wikimedia
Trung Quốc đang dẫn đầu vòng đua mới nhất lên vũ trụ: đưa một người đầu tiên lên vũ trụ năm 2003, đưa hai người lên vũ trụ năm 2005 và ba người lên vũ trụ năm 2008; dự định đưa người lên Mặt trăng năm 2020. Mục tiêu của Trung Quốc là đẩy mạnh hoạt động vũ trụ và chống vũ trụ, do thám chiến trường, làm rối loạn kinh tế đối phương, “bịt mắt” các vệ tinh của đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột. Năm nay Trung Quốc sẽ lần lượt phóng 12 vệ tinh vào không gian, ba năm tới hoàn tất việc bố trí mạng lưới định vị dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu-II.

Công nghiệp tên lửa Trung Quốc đạt được những bước tiến vượt bậc, tự trang bị các tên lửa từ loại chiến lược cố định, cơ động và trên biển tới tên lửa chiến trường (số lượng hàng ngàn quả đủ kiềm chế Đài Loan). Mới đây, nước này gây chấn động giới quốc phòng Mỹ với việc đưa vào sử dụng siêu tên lửa đạn đạo chống tàu chiến tầm bắn 1.200 dặm nhằm vào các nhóm tàu sân bay chiến đấu của hải quân Mỹ.

Viện Hải quân Mỹ ngày 1-4-2009 cho biết loại vũ khí mới có thể mang đầu đạn hạt nhân để gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu siêu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Tầm bắn bao trùm các khu vực thuộc vùng “nóng” xung đột trong tương lai giữa Mỹ và các lực lượng trên biển của Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến khổng lồ về vũ khí hải quân và báo trước một sự thay đổi cán cân sức mạnh trên biển.

Đến năm 2010, tổng số tên lửa đạn đạo vượt đại châu trên đất và biển của Trung Quốc có khoảng 200 đơn vị. Để theo kịp Mỹ chặng đường còn khá dài, nhưng sẽ đuổi kịp Nga trong tương lai khá gần. Theo một số chuyên gia quân sự Nga, phần lớn tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể tạo thách thức chiến lược đối với Nga, sau 10 năm nữa quy mô lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga “cùng lắm chỉ ngang hàng Trung Quốc”.

Ngày 19-6-2009, lần thứ hai trong tháng Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-II có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, mở đường cho việc sản xuất hàng loạt loại tên lửa này và trang bị cho lục quân Ấn Độ.

Bình Nhưỡng muốn góp mặt trong câu lạc bộ hạt nhân

CHDCND Triều Tiên đang nỗ lực gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Với 350 tên lửa Rodong tầm bắn tới Nhật Bản, 600 tên lửa Scud bắn tới Hàn Quốc, Bình Nhưỡng tạo lực lượng răn đe, làm phức tạp kế hoạch an ninh quốc phòng Mỹ và hai đồng minh. Theo đánh giá của lãnh đạo quốc phòng Mỹ vào ngày 16-6 vừa qua, chỉ 3-5 năm nữa tên lửa Triều Tiên sẽ trở thành “mối đe dọa thật sự” đối với Mỹ, do đó Mỹ cần duy trì và nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất liền. Mặt khác, Triều Tiên có thể kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak ngày 19-6 nhấn mạnh Bình Nhưỡng có thể bán công nghệ hạt nhân cho các nước khác, “Nếu công nghệ hạt nhân rơi vào tay các phần tử xấu, cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ bị bao trùm bởi sợ hãi và lo lắng”. Ông cảnh báo các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hướng tới phát triển kho vũ khí của mình nếu chương trình hạt nhân của Triều Tiên không dừng lại.

Tại châu Á - Thái Bình Dương không phải chỉ có một hoặc hai nước lớn đang trỗi dậy, có tiềm lực quốc phòng hùng mạnh, mà đang xuất hiện thời kỳ “chiến quốc tranh hùng”. Vũ khí đang đẻ ra vũ khí. Vậy mà các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương mới chỉ bắt đầu con đường dài tìm kiếm một cơ chế an ninh đủ tin cậy để kiểm soát cuộc chạy đua quốc phòng tốn kém, đầy bất trắc đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận