Sân chơi vừa sức

HUY ĐĂNG 11/12/2021 06:00 GMT+7

Sau gần nửa năm chinh chiến ở “biển lớn” - giai đoạn cuối vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã trở lại với “ao làng” AFF Cup 2020 (do dời lại nên vẫn giữ tên AFF Cup 2020) vào đầu tuần này.

Sau trận ra quân thắng Lào 2-0, có thể thấy hành trình bảo vệ ngôi vô địch củ̉a thầy trò ông Park Hang Seo có lẽ chỉ thực sự bắt đầu khi chạm trán đối thủ khó chịu Malaysia vào ngày 12-12.

Lại là bài học Thái Lan

Từ tấm vé dự World Cup cho đến mục tiêu vô địch Đông Nam Á, từ các đối thủ tầm cỡ Nhật Bản, Úc, Saudi Arabia cho đến những cái tên đã nhẵn mặt như Thái Lan, Indonesia, Malaysia thực sự là một khoảng cách giữa “bể lớn” và “ao làng”.

VN có trận ra quân không thực sự thuyết phục trước Lào ở AFF Cup 2020. Ảnh: Getty Images

 

Hơn 3 năm qua, bóng đá VN đã thâu tóm hầu như mọi mục tiêu có thể - vô địch AFF Cup, giành HCV SEA Games, vượt qua một bảng đấu “nội chiến Đông Nam Á” ở vòng loại World Cup… 

Dễ hiểu khi người hâm mộ Việt không còn khao khát theo dõi đội nhà thi đấu với các đối thủ trong khu vực nữa. Nhưng có phải vì vậy mà thầy trò ông Park có thể đến AFF Cup với tâm thế “sao cũng được”?

Trước khi tuyển VN chinh chiến ở giai đoạn cuối cùng vòng loại World Cup 2022, chúng ta đã nói về bài học Thái Lan để cảnh tỉnh những mơ mộng quá xa thực tế. 

Và quả thật, số phận của tuyển VN ở đợt vòng loại này cũng không khác là bao so với Thái Lan 4 năm trước. Hừng hực khí thế khi mở màn, thua một vài trận tức tưởi trước những đối thủ hàng đầu châu lục, và rồi sớm chia tay giấc mơ giành vé World Cup.

Giờ đây, chúng ta lại phải ngoái nhìn bài học của Thái Lan một lần nữa - cho những bước đi sau khi vỡ mộng ở “biển lớn”. Kết thúc chiến dịch săn vé World Cup 2018, LĐBĐ Thái Lan khi đó mời về HLV nổi tiếng Milovan Rajevac để thay Kiatisak. 

AFF Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên của chiến lược gia người Serbia cùng đội bóng xứ chùa vàng, nhưng họ tiếp cận với thái độ khá dửng dưng.

Đến AFF Cup, HLV Rajevac không mang theo 4 trụ cột trải đều khắp sân: thủ thành Thamsatchanan, hậu vệ Bunmathan, tiền vệ Chanathip, và tiền đạo Dangda. 

Họ đều là những danh thủ nổi bật nhất 10 năm qua của bóng đá Thái. Ông còn loại cả những cầu thủ giàu kinh nghiệm khác như Tristan Do, Chappuis, Yooyen… rồi tự tin tuyên bố vẫn sẽ vô địch. Chính giới chuyên môn cũng từng tin rằng Thái Lan “chấp người” nhưng vẫn quá mạnh.

Kể từ đó, bóng đá Thái trượt dài một cách khó tin. Họ dừng chân ở bán kết AFF Cup 2018, bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2019, rồi xếp sau cả VN lẫn Malaysia ở vòng loại World Cup 2022… Đã không thể bơi ra biển lớn, bóng đá Thái còn chìm ngay tại ao làng.

Có nhiều lý do giải thích sự sa sút của bóng đá Thái, từ việc bổ nhiệm những HLV quá nổi tiếng nhưng lại không phù hợp (Rajevac, rồi HLV người Nhật Akira Nishino) cho đến thiếu vắng các ngôi sao ở những thời điểm quan trọng. Tâm lý cũng là một yếu tố quan trọng. 

Một thời, các chân sút Thái Lan khi gặp VN hễ cứ sút là vào, đó là dấu hiệu của bản lĩnh và sự tự tin. Những năm gần đây, Thái Lan vẫn chơi có phần nhỉnh hơn khi chạm trán VN, nhưng không còn đủ tỉnh táo và tự tin. Kết quả là hết lần này đến lần khác người Thái bỏ lỡ cơ hội đánh bại kỳ phùng địch thủ khu vực.

Đã quên cách tấn công?

Không có chuyện bóng đá VN xem nhẹ AFF Cup như Thái Lan. Và cũng không quá lời nếu cho rằng thầy trò ông Park lúc này rất cần đến AFF Cup để bắt đầu cho hành trình mới - hướng đến vé dự World Cup 2026.

Trước ngày lên đường sang Singapore, ông Park Hang Seo thừa nhận rằng không khí đội bóng không tốt sau khi phải nhận chuỗi 6 trận thua liên tiếp ở vòng loại World Cup. 

Không có gì phải hổ thẹn khi bại trận với tỉ số tối thiểu trước những đối thủ tầm cỡ Nhật Bản hay Saudi Arabia. Nhưng một chuỗi 6 trận thua liên tiếp thật sự có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực. 4 năm trước, sự sa sút của Thái Lan cũng khởi nguồn từ đó.

Cái cách mà tuyển VN “bơi ra biển lớn” cũng không mấy tích cực. Cả 6 trận vừa qua, thầy trò ông Park nhập cuộc với duy nhất một lối chơi phòng ngự co cụm, đeo bám, kèm người, phạm lỗi, đá rát… 

Cả những ngôi sao tấn công hào hoa như Quang Hải, Công Phượng hầu hết thời gian cũng phải lui về giữa sân để hỗ trợ tranh chấp bóng. Nếu bơi ra biển lớn là như vậy, liệu các cầu thủ VN có dần “quên” mất cách thức chơi tấn công?

Chứng kiến trận đấu đầu tiên với Lào ở AFF Cup 2020, có thể khẳng định dư chấn từ chuỗi 6 trận thua ở vòng loại World Cup vẫn còn ảnh hưởng các học trò ông Park. 

Trước một đối thủ quá chênh lệch trình độ, nhưng hàng công của VN lại chơi không mấy hiệu quả. Cả 2 bàn thắng đều đến từ cách dàn xếp tấn công bài bản, nhưng quá quen thuộc là căng ngang vào vòng cấm địa. 

Đó cũng là cách tấn công thường thấy của các đội bóng yếu khi phải đối đầu những đối thủ quá mạnh, áp đảo về mặt thế trận.

Rõ ràng, ông Park Hang Seo và các học trò trong hơn 3 tháng qua không có nhiều cơ hội để tập dượt, trau dồi nhiều miếng đánh tấn công khi phải căng mình chơi phòng ngự suốt trước các đội bóng lớn, trong khi V-League tạm ngừng thời gian dài.

Sau hơn 3 năm mò mẫm con đường đến với đẳng cấp châu lục, bóng đá Thái Lan đã dần chấp nhận sự thật. Muốn có danh hiệu, sự tự tin, và duy trì nhịp độ phát triển, những trận đấu với các đối thủ ngang tầm trong khu vực vẫn rất cần thiết. 

Sau khi chia tay các HLV đẳng cấp World Cup, Thái Lan giờ đây mời về Alexandre Polking - HLV người Brazil từng dẫn dắt qua nhiều CLB ở Thai League. 

Tham dự AFF Cup 2020, ông Polking đã triệu tập lên tuyển 8 cái tên từng vô địch AFF Cup 2016, với nhiều ngôi sao kỳ cựu như Thamsatchanan, Bunmathan, Yooyen, Chanathip hay Dangda.

Vì sao các CLB lớn sau khi đã trải qua 9 tháng chiến đấu gian khổ vẫn phải cày ải mùa hè với những trận giao hữu vô nghĩa? Họ cần giữ nhịp cho đà phát triển trước thềm mùa giải chính. 

AFF Cup cũng vậy, tuy ngày càng nhạt nhòa với trình độ “ao làng”, nhưng vẫn là một sân chơi không thể thiếu trước khi đủ sức “bơi ra biển lớn”.■

Biến số Indonesia

Trái với Thái Lan và Malaysia, những đội bóng mang đến giải toàn các lão tướng kỳ cựu với hy vọng vô địch, đội hình Indonesia ở giải lần này gồm khá nhiều cầu thủ trẻ. 

Trong tay HLV Shin Tae Yong hiện có đến 9 cầu thủ dưới 21 tuổi và 2 trong số này đang chơi bóng ở nước ngoài. Đó là Egy Maulana (chơi bóng ở Serbia) và Elkan Baggott (Anh). 

Cả 2 đều có cơ hội sang châu Âu chơi bóng từ khi còn trẻ. Còn quá sớm để khẳng định họ sẽ vươn tầm siêu sao, nhưng việc Indonesia có nhiều cầu thủ trẻ tiếp xúc với các nền bóng đá hùng mạnh được đánh giá cao hơn so với chính sách nhập tịch của Malaysia hay Philippines.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận