Sân chùa, một trái thị thơm...

MINH PHÚC 05/02/2023 05:36 GMT+7

TTCT - Bữa lên chùa đầu năm, với tôi, luôn là bữa thong dong nhất trong cả một cái Tết bận bịu. Mà không, có thể là cả một năm bận bịu.

Chùa nằm khuất sâu trong hẻm nhỏ Sài Gòn, nơi hiếm hoi còn một cây thị lão. 

Lúc chào cây thị già, không biết có phải lão cây vui mừng vì gặp bạn, mà đáp từ tôi bằng cách thả rơi một trái thị chín. Không đưa kịp "bị bà" để hứng, may thay, có chậu cúc đại đóa chùa để chưng dịp tết vẫn còn quanh gốc, nên trái thị đậu lên đám bông cúc, nhờ vậy mà nguyên lành.

Ảnh: Lam Điền

Ảnh: Lam Điền

Trái thị chín nương vào chậu cúc, khiến tôi nghĩ đến những duyên may. Gặp cây thị lão trong sân chùa ở thành phố này, cũng là một duyên may. 

Tôi và cây thị, lúc phát hiện nhau, có một chút rung động. Cây thị reo những chiếc lá rối rít, hiển nhiên là nhờ gió, nhưng tôi cứ coi như chúng reo lên chào đón mình. Lúc bước lên chánh điện nhìn ra sân, thấy những trái xanh trái vàng lủng lẳng và bé bỏng, thấy sao kỳ diệu quá.

Kỳ diệu y như năm tôi bảy, tám tuổi, theo bà ngoại đi lễ chùa đầu năm. Ở quê, đi lễ chùa chỉ là đến chùa thắp nhang và khấn nguyện, không phải đồ lễ chi lễ mễ hết. Bà đi chùa trong cái áo bà ba trắng quần đen và nón lá, tôi đi chùa trong bộ áo lam mới cứng nước hồ bà may cho. 

Bà xách theo giỏ đựng trầu cau, thỉnh thoảng nghỉ chân ở một góc cây nhai trầu, chờ đứa cháu nhỏ lúc thì sấp ngửa, lúc thì chậm rãi ngó cái này, lượm cái nọ, xem thứ kia. Hoa, cỏ, bướm, đường làng… trong mắt trẻ thảy đều vi diệu.

Chùa làng hồi ấy cũng có một cây thị to. Những mùa trái chín đã qua, là mùa rằm tháng bảy, cây thị thả trái chín rụng bẹp lép dưới đất. Hương thơm trùm hết một khoảng sân, hương thơm khiến đứa nhỏ chẳng chịu vào lạy Phật.

Dưới gốc thị còn có ông bảy già, người làm công quả ở ngôi chùa nhỏ, lo dọn dẹp, trồng cây, quét sân, tưới nước. Chùa quê nhờ bàn tay ông mà sạch tinh, gọn ghẽ. Bao nhiêu trái thị rụng, ông đều quét đi hết. 

Thỉnh thoảng, như mọi người già đầy tỉnh thức mà cũng đầy ưu phiền, ông chống cây chổi, ngó nhìn lũ sẻ nhỏ bay lên rồi sà xuống chíu chít. Trong phút trầm tư ấy, trong suy diễn của trẻ con, ông bảy giống một ông Bụt hiện diện ở giữa đời. Ông Bụt không hỏi: Vì sao con khóc, mà hỏi con muốn thị chín không?

Lắc nhẹ một cành thị ông bảy Bụt đã hô biến cách nào, mà một trái thị chín rơi vào vạt áo lam. Đứa trẻ khum đôi bàn tay, giấu mùi hương thị nhỏ, chờ khoe ngoại. Lúc ngoại bước ra sân chùa, bất ngờ thay, ngoại kêu nhìn vào túi áo, phía bên không có gài kim tây, cũng đựng một trái thị thơm.

Cái cây, mùi hương, mái chùa, tiếng chổi xưa… như trở lại trong cây thị sân chùa tôi đến lúc này. Bây giờ, không có bà ngoại mặc áo bà ba, một túi gài kim tây, một túi luôn có một điều bí mật đặc biệt nữa. 

Trong ngôi chùa này, trong một chớp mắt, tôi đã trở thành người lớn, giống như bao người lớn đầy khổ tâm và ưu phiền khác, mang bao vọng niệm và những ước muốn phi lý lên từng lời khấn lúc quỳ dưới chân Đức Phật.

Sân chùa bữa đầu năm tràn ngập mùi hương của những trái thị chín. Trái thị tôi nhặt được trong tay, sống động và thuần khiết đến kỳ lạ. Mùa thị chín kéo dài từ tháng bảy đến bây giờ. 

Cây thị lão trang nghiêm này, hẳn muốn nhắc rằng, vẫn còn có một mùa khác nữa, là mùa nhớ nhung mùi hương trên tay nhỏ, mùa của lá reo xanh, mùa để người này nương nhẹ người kia, để đi tiếp một năm thăng trầm. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận