TTCT - Bức ảnh nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bên cạnh bà Aung San Suu Kyi tại tư dinh đại sứ Thái Lan ở Rangoon hôm 20-12-2011 có thể được xem như là bức ảnh “đẹp” nhất của ASEAN năm qua. Những gì “bất khả” từ hai mươi năm qua nay trở thành khả dĩ và hiện thực là một hứa hẹn cho năm Thìn đang tới. Phóng to Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (phải) tiếp bà Aung San Suu Kyi tại tư dinh đại sứ Thái Lan ở Rangoon hôm 20-12-2011 - Ảnh: Reuters Chuyến viếng thăm bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập Myanmar bị quản thúc từ bao nhiêu năm qua, là một dấu hiệu nữa cho thấy “điều kỳ diệu Myanmar” từ sau khi tướng giải ngũ U Thein Sein đắc cử tổng thống vào cuối năm 2010 đang là một hiện thực ngày càng hứa hẹn. Thật ra việc thăm này chỉ là một chặng “biểu tượng” trong chuyến công du vì đại sự của bà Yingluck Shinawatra: người Thái đang có 9,5 tỉ USD đầu tư trong 61 dự án ở Myanmar, chỉ sau Trung Quốc. “Bất ngờ mang tên Thein Sein" Với tân Tổng thống Thein Sein, bức tranh chính trị Myanmar đã màu sắc hơn. Đầu tháng 11 năm ngoái, một đạo luật đảng phái mới đã được quốc hội biểu quyết: tự do đăng ký đảng phái, kể cả những người trong đảng của bà Aung San Suu Kyi, một đảng đã từng thắng cuộc trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1990 song bị giới quân nhân tiếm quyền từ khước trao quyền và sau đó cấm chỉ (1). Với những đổi thay ngoạn mục đó, Myanmar nay đã có thể ngẩng cao đầu được trao và nhận giữ chức chủ tịch ASEAN luân phiên vào năm 2014. Bất ngờ Thein Sein không chỉ chừng ở đó. Ông đã cho thấy một sự mở cửa ngoại giao đa phương. Tháng 10-2011, sau khi trả tự do cho 200 tù chính trị, ông lên đường sang Ấn Độ hành hương trong hai ngày, sau đó mới đến New Delhi chính thức công du trong ba ngày. Điều này rất ý nghĩa nếu nhớ lại làn sóng phản đối tháng 9-2007 do các nhà sư dẫn đầu. Nhân dịp này, Ấn Độ đã gia hạn tín dụng 300 triệu USD cho Myanmar và cấp 500 triệu USD tín dụng mới (2). Tất nhiên ông Thein Sein cũng đã đợi năm tháng sau chuyến viếng thăm Trung Quốc chỉ hai tháng sau khi ông nhậm chức để đến Ấn Độ. Tân Hoa xã cho biết vắn tắt trong ba ngày thăm Trung Quốc, ông đã gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cùng chứng kiến ký kết một số thỏa thuận hợp tác kinh tế, gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo để bàn về những “quan hệ giữa hai nước”. Các nguồn tin độc lập cho biết những “vấn đề mà hai bên cùng quan tâm” này thật ra còn là việc tàu chiến Trung Quốc ghé các cảng của Myanmar, là mỏ khí đốt Shwe mà Trung Quốc đã mua trước kia, là các vấn đề sắc tộc và an ninh biên giới, là việc bảo vệ đường ống dẫn dầu của Trung Quốc từ cảng Kyaukpyu của Myanmar trên vịnh Bengal về Côn Minh. Ống dẫn dầu này, một khi hoàn thành vào năm 2013, sẽ truyền dẫn đến 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi (3). Có phải Myanmar đang “buông” Trung Quốc để “ôm cầm sang thuyền khác” như có thể ngờ ngợ, nhất là sau việc Tổng thống Thein Sein ra lệnh dừng dự án đập thủy điện Myitsone vốn do Trung Quốc đầu tư? Không, phía Ấn Độ, Mỹ đều quả quyết không phải vậy. Học giả C.S. Kuppuswamy của Ấn Độ cho rằng “Myanmar đang quân bình quan hệ với Mỹ và Trung Quốc thôi”. Đặc phái viên Mỹ về Myanmar Derek Mitchell trung tuần tháng 12-2011 sang Bắc Kinh thề thốt: “Mỹ không có ý định tạo ra tác động tiêu cực lên quan hệ Myanmar - Trung Quốc... Hai bên hãy tiếp tục giao thương như cũ” (4). Trong quá khứ, Trung Quốc dẫn đầu đầu tư vào Myanmar với 12,3 tỉ USD, thương mại hai chiều lên đến 5 tỉ USD (năm 2010) và là chủ của 21 dự án đập thủy điện. Việt Nam cũng đã ráo riết bắt đầu tham gia đầu tư vào Myanmar với một số dự án tổng cộng lên đến gần 400 triệu USD, nhân chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ hạ tuần tháng 12 vừa qua (5). Campuchia - Thái: gương vỡ lại lành Trước lễ Giáng sinh 2011, Campuchia và Thái Lan đã đi đến một thỏa thuận sẽ rút quân ra khỏi vùng chiến sự quanh ngôi đền Preah Vihear. Bộ trưởng Sok An, chủ tịch Ủy ban năng lượng Campuchia, và Bộ trưởng năng lượng Thái Lan Pichai Naripthapha đã đồng ý như thế nhân chuyến thăm Campuchia và làm việc của ông này (6). “Điểm nóng” duy nhất trong lòng ASEAN coi như đã “hạ hỏa” sau khi đảng của em gái ông Thaksin Shinawatra giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái. Chính phủ của đảng này đã từng êm thắm ký kết với chính phủ Hun Sen một thỏa thuận về việc “di tích UNESCO hóa” ngôi đền này. Sau đó, khi còn lưu vong, ông Thaksin từng được ông Hun Sen mời làm cố vấn kinh tế. Tái tranh chấp và tình trạng chiến tranh đã chỉ bùng nổ với chính phủ của cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva vì những lý do chính trị nội bộ đương đầu với chính phủ Samak cùng phe “áo đỏ” thân ông Thaksin. Quan trọng hơn nữa là việc hai bộ trưởng trên cũng đã nhất trí nối lại những đàm phán về việc cùng khai thác dầu khí tại những vùng biển tranh chấp trong vịnh Thái Lan. Bộ trưởng năng lượng Thái Pichai Naripthapha loan báo sau cuộc gặp: “Chúng tôi đã bày tỏ ý định chung là cùng khai thác các khu vực có dầu hỏa đang tranh chấp vì lợi ích chung của hai nước. Điều này sẽ có thể đóng góp vào an ninh năng lượng chung trong 40-50 năm tới”. Tin này đã được phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan khẳng định. Hôm 30-12-2011, Tân Hoa xã cập nhật tin này (7) và cho biết thêm “thỏa thuận này mới chỉ là thỏa thuận sơ và miệng, mang tính nguyên tắc”, song “nếu hai nước đạt đến một thỏa thuận chung về vấn đề này, sẽ có thể bắt đầu khai thác các mỏ dầu và khí trong vòng tám đến mười năm tới”. Tân Hoa xã cũng cho biết khu vực tranh chấp rộng khoảng 26.000km2 trong vịnh Thái Lan, và vào tháng 6-2001, hai bên đã từng ký kết một nghị định thư đồng thuận liên quan đến các vùng biển tranh chấp, song văn kiện này đã bị chính phủ Abhisit Vejjajiva bác bỏ. Liệu đây có sẽ là một “điển hình tiên tiến” cho những tranh chấp tương tự trên biển Đông? Vấn đề ở chỗ Thái Lan chưa hề đơn phương tuyên cáo bằng vũ lực rằng vịnh Thái Lan là của Thái Lan bao giờ cả! Biển Đông bớt sóng gió? Chuyến thăm Việt Nam (và Thái Lan) vào cuối năm 2011 của người được xem là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào trong năm nay được website của Chính phủ đưa tin như sau (trích đoạn): “Sáng 22-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp thân mật Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đang thăm chính thức Việt Nam... Về vấn đề biên giới trên bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên phối hợp thực hiện tốt ba văn kiện đã ký kết, đồng thời thảo luận tích cực sớm ký kết Hiệp định hợp tác khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân, thực hiện hợp tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông, suối ở khu vực biên giới. Đề cập vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông, đồng thời đề nghị hai bên trên tinh thần đồng chí anh em, láng giềng hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần DOC, để giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp trên biển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới” (8). “Ngạc nhiên Myanmar” là một kinh nghiệm tự cởi trói mọi mặt đáng nghiền ngẫm. __________ (1) Le parti de Suu Kyi de retour? AFP Publié le 05/11/2011(2) President Thein Sein’s visit to India, SAAG Paper no. 4739 17-Oct-2011(3) http://www.irrawaddy.org/article.php?art_id=21361&page=1, 2(4) Myanmar Balancing Relations with US and China, SAAG Paper no. 4833 29-12-2011(5) http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/68298/(6) The Phnom Penh Post22.12.2011(7) http://french.peopledaily.com.cn/International/7692584.html(8) http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/vietnam-trungquocnhattricung-nd-35dc1af0.aspx Tags: ASEANThái LanXuân Nhâm ThìnYingluck ShinawatraAung San Suu Kyi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Những loại vũ khí nào mới xuất hiện trên chiến trường Nga - Ukraine? UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Hôm 21-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến một cái tên mới xuất hiện trên chiến trường Ukraine là tên lửa tầm trung Oreshnik.
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.