TTCT - Hội nhập của nước ta tiếp tục được đánh dấu bằng việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Trao đổi với TTCT, ông Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế, cho biết: Ông Trần Quốc Khánh -Việt DũngChúng ta vừa kết thúc đàm phán 4 FTA quan trọng trong năm 2015. Đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU), FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu và FTA với Hàn Quốc.Trong số này, FTA với Hàn Quốc đã có hiệu lực vào ngày 20-12-2015. FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, bao gồm thị trường Nga, đang chờ được phê chuẩn, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2016. Hai FTA còn lại dự kiến phải cuối năm 2017 đầu năm 2018 mới có hiệu lực.FTA với Hàn Quốc và với Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ có tác động tốt tới nền kinh tế nhưng có thể chưa thể hiện rõ trong năm 2016. Với Hàn Quốc, do ta đã có quan hệ thương mại tự do thông qua FTA ASEAN - Hàn Quốc nên FTA vừa ký tuy có đem lại giá trị gia tăng cho xuất khẩu nhưng không nhiều và không đột biến.Giá trị lớn nhất của FTA này là thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, có thể phải sau năm 2016 mới thấy rõ. Với Liên minh kinh tế Á - Âu, do đồng rúp mất giá, sức mua của thị trường Nga giảm sút nghiêm trọng nên dù FTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào Nga được cắt giảm thì hiệu ứng tăng trưởng xuất khẩu cũng sẽ không được như tính toán ban đầu.Do chưa có hiệu lực nên TPP và FTA với EU sẽ chưa thể tác động tốt đến xuất khẩu. Tuy nhiên, để đón đầu hai hiệp định này, có thể sẽ có thêm một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Họ có đầu tư ngay trong năm 2016 hay không cũng khó nói vì quyết định này phụ thuộc rất nhiều yếu tố.Chuyên gia và kể cả quan chức nhà nước thường nói rằng FTA sẽ có tác động tích cực nếu... doanh nghiệp biết phấn đấu. Chữ “nếu” này quả thật nói thì dễ làm mới khó. Liệu có chuyện nếu không làm thì... “chết”?- Chữ “nếu” này đúng với mọi tình huống, cả trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Sẽ không thể thành công nếu như không nỗ lực.Trong một hội thảo gần đây ông có nói rằng doanh nghiệp (DN) phải tìm tòi... Điều đó hàm ý rằng DN chúng ta ít tìm tòi mà thường chờ đợi thụ động? Nhưng muốn tìm phải có thông tin, mà thông tin được cung cấp từ cơ quan nhà nước thường thiếu cập nhật hoặc trong trạng thái “còn bí mật”, ví như thông tin về TPP, vậy phải làm sao?- TPP không còn là bí mật nữa bởi toàn văn hiệp định đã được công bố. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều tài liệu, nhiều hội thảo phân tích tác động của TPP. Có thể nói Chính phủ đã và đang chủ động cung cấp thông tin cho các DN.Thông tin về TPP chắc chắn là không thiếu. Cái thiếu ở đây là sự quan tâm và khả năng phân tích thông tin. Trong hoạt động kinh doanh, các DN luôn phải đối mặt với nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, không chỉ TPP. Nếu DN quan tâm và chủ động phân tích những yếu tố đó để đề ra đối sách, DN sẽ có cơ hội thành công.Nếu DN không tự mình quan sát được hoặc có quan sát nhưng không phân tích được thì phải tuyển người giỏi vào giúp cho mình. Nếu vì hạn chế tài chính mà không tuyển được người giỏi, cần thông qua hiệp hội nhờ các viện nghiên cứu làm giúp. Tóm lại, tất cả phụ thuộc vào sự chủ động của DN. Chúng ta đã gặp không ít DN, doanh nhân chủ động như vậy và tất cả họ đều rất thành công trên thương trường.Tôi có một người bạn làm kinh doanh. Đầu năm nay, tôi đề nghị anh ấy quan tâm tới TPP. Anh nói: “Làm gì có mà đọc”. Tới lúc hiệp định được đăng tải, anh nói: “Chưa có bản tiếng Việt làm sao đọc?”. Tôi đưa bản dịch tiếng Việt, anh nói “đọc không hiểu”. Tôi giải thích từng điểm, anh lại nói: “Hiểu rồi, nhưng tất cả những thứ này tác động tới tôi thế nào và tôi phải làm gì?”. Đến đây thì tôi chịu. Tôi hiểu anh muốn gì ở tôi nhưng tôi không thể, và cũng không muốn, làm thay anh ấy.Nhiều chuyên gia nói phải cải cách thể chế các FTA, như TPP, mới đem lại sự chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Quan điểm của ông thế nào vì cải cách thể chế là việc quá lớn và mất nhiều năm, trong khi hội nhập kinh tế thì đã ngay cửa nhà?- Hội nhập không còn cận kề nữa bởi ta đã hội nhập được 20 năm rồi. Nếu nói về “cải cách” cũng đã được 30 năm. Bạn hãy nhìn tất cả như một quá trình, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.Nhìn theo hướng đó, bạn sẽ thấy “cải cách” và “hội nhập” là hai yếu tố luôn đi cùng nhau, tác động qua lại và hỗ trợ cho nhau trong suốt những năm vừa qua. Có lúc yếu tố này đi trước, có lúc yếu tố kia vượt lên, nhưng cải cách bao giờ cũng là yếu tố quyết định, dẫn đường.Cải cách thể chế và hội nhập kinh tế quốc tế đã cùng nhau mang lại nhiều thành công cho nền kinh tế, giúp Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1990-2015 cao thứ hai thế giới. Chính vì nhận thức được tác động qua lại tích cực này mà các chuyên gia kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường cải cách thể chế, từ đó giúp chúng ta nắm bắt đầy đủ hơn cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Về điểm này, tôi hoàn toàn thống nhất với các chuyên gia.Đàm phán TPP và FTA với EU đã hoàn tất. Nhìn chung, mọi người hồ hởi, lạc quan, nhưng có điều gì làm ông thấy trăn trở, lo lắng?- Tôi không hồ hởi hay phấn khởi với bản thân các hiệp định, kể cả đó là TPP hay FTA với EU. Điều khiến tôi phấn khởi là quyết định tham gia đàm phán TPP và FTA với EU của các đồng chí lãnh đạo.Quyết định này, được đưa ra từ năm 2008, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới cao độ. Với tầm nhìn và tư duy ấy thì kể cả không có TPP hay FTA với EU, chúng ta cũng sẽ thành công, không bằng cách này thì bằng cách khác. Trong cuộc sống bao giờ cũng có những điều chưa được như ý khiến ta trăn trở.Nhưng với hành trang của 30 năm đổi mới và 20 năm hội nhập, tôi nghĩ chúng ta có đủ cơ sở để bình tĩnh và tự tin vào tương lai.■ Tags: TPPFTACải cách thể chếTác động của hội nhập
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Hơn 1.000 tỉ đồng ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3 THÀNH CHUNG 14/09/2024 Các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 1.001 tỉ để ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.