Sẽ tăng cường sự giám sát của Nhà nước

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 17/04/2010 21:04 GMT+7

TTCT - Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa trình Chính phủ một dự thảo nghị định mới sửa đổi nghị định 139 hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp. Đã có ngay không ít băn khoăn, lo lắng về những nội dung mới cập nhật.

Trao đổi với TTCT, ông Phan Đức Hiếu - phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (đơn vị soạn thảo) - nói:

Chúng tôi sẽ làm rõ thêm những vấn đề đang có nhiều tranh chấp, khó giải quyết như góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, vốn điều lệ, quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông đối với người quản lý công ty, hoạt động của đại hội đồng cổ đông... Tổng cộng có 10 nội dung được sửa và khoảng 15 nội dung mới được bổ sung.

Không có “cha mẹ” doanh nghiệp

* Nguyên nhân của việc phải sửa nghị định 139 có phải một phần vì có quá nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp?

- Việc bổ sung nội dung mới nhiều hơn sửa quy định cũ. Khó nhất là bản thân nghị định 139/2007 có một số biểu mẫu không được hướng dẫn. Luật doanh nghiệp có hiệu lực năm 2006. Chỉ trong hai năm 2006-2007, Quốc hội đã ban hành 31 luật, 11 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 406 nghị định; trong đó có 20 luật, pháp lệnh và hơn 100 nghị định có tác động và liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đúng là các văn bản pháp luật nói trên có thể bổ sung, tạo thuận lợi, nhưng có thể đã hạn chế, cản trở việc triển khai thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và hiệu lực thực thi của hai luật này.

* Nhiều ý kiến lo ngại dự thảo nghị định mới đã dành quá nhiều quyền cho phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD), khiến cơ quan này thành “cha mẹ” doanh nghiệp. Ban soạn thảo có tính đến khả năng này?

- Chúng tôi luôn cảnh giác trước khả năng này. Tuy nhiên trong dự thảo, ví dụ các quy định về đại hội cổ đông, chúng tôi trao quyền nhưng không cho phép các phòng ĐKKD can thiệp vào công việc nội bộ của doanh nghiệp. Phòng ĐKKD trong một số trường hợp cần thông tin, cần công cụ để xác minh nên đây là quyền tốt, mang tính hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Nhà nước cần có quản lý.

Nhiều trường hợp tranh chấp xảy ra bế tắc, nó không chỉ tác động đến doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ sự bế tắc đó theo tính thị trường một cách tích cực. Trong dự thảo không có quy định nào mang tính phải xin xỏ.

* Liệu có quá cứng nhắc khi chỉ cho một người đại diện duy nhất trong khi doanh nghiệp có hình thức hợp danh?

- Câu chuyện này rất lớn. Đại diện pháp luật nếu các bên liên đới chịu trách nhiệm khi có một bên thứ ba kiện thì bên thứ ba phải kiện một trong số các đại diện. Nếu cho phép một công ty có 5-7 người đại diện có thể gây khó cho chính doanh nghiệp và người liên quan. Chúng tôi chưa nghiên cứu sâu về cơ chế nhiều người đại diện, bản thân nó rất phức tạp và liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác. Hiện tại một doanh nghiệp có một người đại diện là thuận lợi hơn.

Vốn điều lệ phải là vốn thực

* Nhiều tranh chấp đã diễn ra do các quy định về góp vốn. Việc này có được sửa đổi?

- Từ trước đến nay có nhiều tranh chấp liên quan đến góp vốn trong quá trình kinh doanh. Đến khi có tranh chấp, phát sinh quyền, nghĩa vụ thì việc xác định trách nhiệm, quyền trên vốn không đơn giản. Dự thảo quy định rõ: thực tế góp bao nhiêu thì quyền và nghĩa vụ được hưởng bấy nhiêu.

Để nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, chúng tôi đã thống nhất lại cách hiểu về vốn điều lệ. Hiện nhiều doanh nghiệp đăng ký số vốn điều lệ khổng lồ nhưng thực có không bao nhiêu (quy định hiện nay cho công ty TNHH được góp vốn theo lộ trình không giới hạn). Sẽ quy định lại thời hạn là ba năm.

Với doanh nghiệp cổ phần, vốn điều lệ hiện nay được tính bằng tổng vốn được phát hành, nghĩa là cả đã góp và sẽ chào bán, dù chưa biết có huy động được không. Cũng có khoản khống ở đây. Dự thảo sẽ thay đổi, vốn điều lệ phải là số vốn đã bán được.

Sẽ bảo vệ cổ đông nhỏ?

* Nhiều ý kiến cho rằng quyền khởi kiện của cổ đông nhỏ là đương nhiên, dự thảo nghị định mới lại đưa ra các điều kiện được khởi kiện, thật ra lại hạn chế quyền này?

- Như tôi có nói, dù các quy định hiện tại của Luật doanh nghiệp đã cho phép cổ đông nhỏ khởi kiện nhưng các quy định đó chưa cụ thể, rõ ràng và thực tế để khởi kiện là không dễ. Mục tiêu không phải là hạn chế cổ đông nhỏ khởi kiện mà chỉ diễn giải một số quyền khởi kiện cho rõ ràng.

Một vấn đề lớn hiện nay là các cổ đông nhỏ chưa ý thức được quyền của họ trong công ty. Khi bị vi phạm quyền, họ không biết cách hoặc khó thực hiện quyền của mình. Việc sửa đổi lần này bổ sung quyền khởi kiện cho cổ đông nhỏ trước tổng giám đốc và hội đồng quản trị khi những người này không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi. Đặc biệt, chi phí kiện của cổ đông nhỏ vẫn sẽ do công ty trả.

* Ông đánh giá mức độ tác động của nghị định sửa đổi lần này ra sao, liệu nó có thể giải quyết hết những vấn đề từ thực tế chưa?

- Dự thảo nghị định xác định sẽ tăng cường sự giám sát của Nhà nước, đặc biệt với vốn. Dự thảo nghị định cũng giải thích luật rõ ràng hơn, tránh mất thêm chi phí, khó thực hiện, gây rủi ro cho các bên thực hiện Luật doanh nghiệp khi có cách hiểu khác nhau. Có nhiều vấn đề mà các bên quan tâm yêu cầu phải cụ thể hóa hơn, nhưng tầm của nghị định có hạn, những vấn đề đó phải sửa luật. Nghị định không thể giải thích quá luật được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận