Phác thảo vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: Lockheed Martin TTCT - Sau khi vũ khí hạt nhân bị giới hạn thành một món hàng để răn đe hơn là sử dụng trong thực chiến vì mức độ hủy diệt khủng khiếp của nó, vũ khí siêu siêu thanh (hoặc siêu vượt âm, hypersonic) nổi lên như một ứng viên sáng giá để thay thế thực thi sứ mệnh của không quân trong chiến tranh hiện đại, nhất là khi việc huy động binh sĩ chiến đấu trên mặt đất trở nên tốn kém, không được lòng dân và cũng không hiệu quả. Cuối tháng 12-2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đưa tổ hợp tên lửa Avangard vào trực chiến sau nhiều năm “úp mở” về độ tối tân của loại vũ khí này. Với khả năng đạt tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh (343,2m/s), Avangard được Nga quảng bá là dòng vũ khí siêu siêu thanh đầu tiên và nhanh nhất thế giới, có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hữu và trong tương lai. Thật vậy, nếu không tính đến tên lửa liên lục địa khi trở lại bầu khí quyển (vận tốc 6.000-8.000m/s), ở thời điểm hiện tại chưa có vũ khí nào trên thế giới chạm ngưỡng siêu siêu thanh, tức nhanh hơn vận tốc âm thanh ít nhất 5 lần. Sở hữu vũ khí siêu siêu thanh từ lâu đã là niềm ao ước không chỉ của Nga mà còn của Trung Quốc và Mỹ, vì lý do hiển nhiên: phóng từ lãnh thổ của một trong 3 nước trên, một quả tên lửa siêu vượt âm sẽ tiếp cận mục tiêu tại 2 nước còn lại trong vòng chưa đầy 30 phút. Không có bất kỳ hệ thống phòng thủ hiện hữu nào trên thế giới, kể cả của Mỹ, có thể đánh chặn một tên lửa với tốc độ khủng khiếp và khả năng cơ động linh hoạt đến thế. Dù tuyên bố của Matxcơva về những khả năng của tổ hợp tên lửa Avangard xác thực đến đâu, Washington cũng đang chạy đua để sở hữu năng lực quân sự tương đương. “Chúng ta chẳng mấy chốc sẽ bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang mới tiềm ẩn nguy cơ chết chóc chẳng kém thời kỳ Chiến tranh lạnh” - Steven Simon, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Đông và Bắc Phi thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ, viết cho New York Times. Ông Simon lưu ý bình minh của vũ khí siêu vượt âm trùng hợp với thời điểm nhạy cảm của chính trị quốc tế, khi mà các nỗ lực kiểm soát vũ khí đa phương đang “lung lay” và ngày hết hạn của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) giữa Nga và Mỹ vào tháng 2-2021 đã gần kề, trong khi nỗ lực gia hạn hiệp ước này không mấy sáng sủa. Cái chết từ không trung Vũ khí siêu siêu thanh được đánh giá là đỉnh cao của các loại khí tài bởi các nhà nghiên cứu và thực hành quân sự, những người tin rằng sức mạnh không quân là nhân tố then chốt quyết định thành bại của một cuộc giao tranh. Độ chính xác gần như tuyệt đối của tên lửa siêu siêu thanh giúp tiêu diệt mục tiêu và hạn chế tối đa thiệt hại không cần thiết hoặc thương vong cho thường dân. Một quả tên lửa siêu siêu thanh khi chạm mục tiêu có thể gây một lực tác động tương đương 10 tấn thuốc nổ - chưa tính đến sức công phá của đầu đạn hạt nhân có thể đi kèm - và có thể vươn đến gần như mọi tọa độ trên bề mặt Trái đất trong vòng 30 phút kể từ khi phóng đi. “Cái chết như một món hàng đến từ không trung mà người giao hàng không bao giờ trễ hẹn” - ông Simon ví von. Mặc dù Mỹ cũng có chương trình phát triển vũ khí siêu siêu thanh riêng mang tên Prompt Global Strike, Nga mới là nước cán đích đầu tiên nhờ chính sách đưa vũ khí siêu siêu thanh trở thành trọng tâm ưu tiên nghiên cứu để bù đắp cho sự thiếu hụt hạ tầng quân sự công nghệ cao rộng khắp như Mỹ đã có. Avangard cũng là lời đáp trả trực tiếp cho việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Matxcơva hồi năm ngoái. Ông Trump tuyên bố việc rút khỏi hiệp ước sẽ cho phép Mỹ tự do tăng cường năng lực phòng thủ trước một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng với Avangard trong tay, Nga không còn phải lo lắng về việc xuyên thủng bất kỳ biện pháp phòng thủ nào mà quân đội Mỹ có thể nghĩ đến. Phác thảo tên lửa siêu vượt âm. Ảnh: PublicIntegrity Cuộc chơi mới Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp và một số quốc gia khác cũng không giấu tham vọng phát triển các loại vũ khí siêu siêu thanh. Thời đại của loại vũ khí này cho phép một quốc gia khiêm tốn về quân sự giáng đòn chí mạng lên các mục tiêu quan trọng ở những cường quốc như Mỹ, Nga hay Trung Quốc mà đối phương vô phương chống đỡ. Một cuộc chơi mới đã bắt đầu. Trước hết, vũ khí siêu siêu thanh thay đổi hoàn toàn bản chất của một cuộc khủng hoảng quốc phòng và cách ứng xử trước khủng hoảng. Khi phát hiện một vụ phóng tên lửa thông thường, thời gian để nhận diện mục tiêu của quả tên lửa cũng như mục đích mà nó được phóng đi để đưa ra phương án ứng phó phù hợp đã là rất hạn hẹp. Với tên lửa siêu siêu thanh, thời gian đó chỉ được tính bằng phút. Lý trí nhường chỗ cho bản năng, như 2 tay súng trong một căn phòng tối chẳng thể toan tính gì khác hơn là bắn về phía trước. Trong tay một quốc gia thích sắm vai “sen đầm quốc tế” như Mỹ, vũ khí siêu siêu thanh là một món đồ chơi nguy hiểm vì nó xóa nhòa mọi rào cản khi gây chiến. Chính quyền đối thủ đang xây dựng một công trình giống nhà máy vũ khí? Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang ở Baghdad và tình báo Mỹ biết vị trí của ông ta? Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp mà vũ khí siêu siêu thanh sẽ là phương án hấp dẫn đến khó cưỡng đối với người ra quyết định khai hỏa: chúng nhanh chóng, cực kỳ chính xác và không gây thiệt hại về người cho “phe ta”. Nhưng sự thuận tiện đó cũng khiến ranh giới giữa việc sử dụng vũ khí có chọn lọc để phục vụ mục đích chính đáng - ví dụ như tiêu diệt một thủ lĩnh khủng bố ẩn náu trong một thành phố đông dân - và hành động kiểu “giết lầm hơn bỏ sót” trở nên mong manh và tiềm ẩn hậu quả khôn lường. Có ý kiến cho rằng vũ khí siêu siêu thanh chỉ là sự cải tiến về tốc độ của những khí tài quân sự sẵn có. Nhưng lịch sử đã chứng minh độ nguy hiểm của một món vũ khí thường không được đánh giá đúng mức khi chúng còn quá mới mẻ. “Khi Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân lên Nhật Bản, người ta cho rằng chúng chỉ là một sự cải tiến vượt bậc so với những loại bom vốn đã được sử dụng trong chiến tranh... Mãi đến sau này, bom hạt nhân mới được hiểu như một dòng vũ khí hoàn toàn khác, với sức hủy diệt quá lớn để có thể tiếp tục sử dụng” - Simon nhắc nhở. Nhìn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ, Simon cho rằng có lý do để tin tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm của vũ khí siêu siêu thanh sẽ không được hiểu tường tận cho đến rất lâu sau khi chúng đã được triển khai bởi các cường quốc quân sự trên thế giới. Khoảng thời gian “tuần trăng mật” từ lúc các nước phấn khích với việc sở hữu một năng lực quân sự tối tân mới cho đến khi quốc tế nhận thức rõ ràng về những nguy hiểm của nó và hành động sẽ là rất nhiều cơ hội để món vũ khí được đem ra sử dụng với những hậu quả khôn lường. Giờ đây, với màn “chào sân” tổ hợp tên lửa siêu siêu thanh Avangard của Nga, những nước khác cũng sẽ nuôi mộng nắm giữ cho riêng mình những món vũ khí với năng lực tương tự. Một khi các chương trình phát triển vũ khí siêu siêu thanh trên thế giới vào guồng, cuộc chạy đua phát triển, sở hữu, triển khai và cuối cùng là sử dụng những hệ thống vũ khí với sự nguy hiểm chưa được đánh giá hết sẽ rất khó, thậm chí không thể dừng lại. “Là người từng làm việc về chống khủng bố trong Hội đồng An ninh quốc gia, chỉ nghĩ đến những khả năng (của vũ khí siêu siêu thanh) thôi cũng đã khiến tim tôi đập nhanh. Tôi đã ở trong quá nhiều tình huống mà tôi biết nếu có vũ khí siêu siêu thanh thì nó sẽ được bày ra trước mắt như một phương án khả dĩ tốt nhất. Sự hấp dẫn của một món vũ khí như vậy là gần như không thể cưỡng lại” - ông Simon cảnh báo.■ Mối nguy hiểm lớn nhất của vũ khí siêu siêu thanh chính là chúng xuất hiện vào thời điểm mà các hiệp ước kiểm soát vũ khí của thế giới đã hoặc đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Một hiệp định đa phương để giới hạn kho vũ khí siêu siêu thanh cũng như việc sử dụng chúng như thế nào là cần thiết, và Mỹ cần phải đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt trong việc đàm phán tiến tới ký kết một hiệp định như vậy. Nhưng nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Trump, lại không tỏ ra hứng thú với bất kỳ thỏa ước nào có thể làm giới hạn năng lực phát triển quốc phòng của chính họ. Triển vọng không mấy sáng sủa nếu nhìn lại những hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí đã được ký kết trong thời gian gần đây, như Công ước vũ khí hóa học (CWC) hay Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), gần như thuộc về một thời quá vãng, khi lãnh đạo thế giới đồng lòng về tầm quan trọng của việc đầu tư cho kiểm soát vũ khí. Gần đây, khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau vụ Nhà Trắng ra lệnh giết tư lệnh Qasem Soleimani của lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 3-1, “Chiến tranh thế giới lần III” trở thành từ khóa được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội và các tờ báo lớn. Thế nhưng, nếu đệ tam thế chiến thật sự nổ ra ở Trung Đông thì đó không nhất thiết phải là cuộc chiến quy ước kiểu cũ hay dàn quân thực địa với đầy tiếng súng đạn. Ngoài vũ khí siêu siêu thanh thì mặt trận thực địa sẽ được thay thế bằng cuộc chiến trên không gian mạng. Ngay sau cái chết của tướng Soleimani, Chính phủ Mỹ đã phát đi cảnh báo về nguy cơ Iran phát động một cuộc tấn công mạng trả đũa nhắm vào các hạ tầng quốc gia trọng yếu như hệ thống lưới điện. Năm 2010, chính Iran từng là nạn nhân của một vụ tấn công bằng sâu máy tính mang tên Stuxnet làm tê liệt các cơ sở làm giàu uranium của nước này mà không tốn một gram thuốc súng. Giới quan sát cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ tấn công dù nước này một mực phủ nhận. Tags: Dẫn độĐào tẩuCarlos GhosnVũ khí
Cảnh sát giao thông có quyền trấn áp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh HỒNG QUANG 23/11/2024 Theo thông tư mới của Bộ Công an, khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, cảnh sát giao thông có quyền giải thích, trấn áp người vi phạm đó.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Virus H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại virus cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.