Singapore: Kinh tế suy thoái, Lý gia bất đồng

LOAN PHƯƠNG 30/09/2019 17:09 GMT+7

TTCT - Đối mặt cùng lúc với hai cuộc khủng hoảng: nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2019 vì nhiều trục trặc vĩ mô, và cuộc thừa kế khó khăn của Đảng Hành động nhân dân cầm quyền, bị phủ bóng bởi các tranh cãi trong gia đình họ Lý, đảo quốc sư tử đang đứng trước những thách thức có lẽ là lớn nhất trong nhiều năm qua.

Ảnh: Singapore đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế (SCMP)

Sản lượng chế tạo của Singapore vào tháng 7 vừa rồi đã sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số này vào tháng 6 ở mức âm 8,1% so với cùng kỳ, mức tệ nhất trong 3 năm rưỡi, theo hãng tin tài chính Bloomberg.

Kinh tế chật vật

Các kinh tế gia của Maybank Kim Eng - Chua Hak Bin và Lee Ju Ye - đều dự báo nền kinh tế Singapore năm 2019 sẽ rơi vào suy thoái khi các làn sóng thuế mới của Mỹ nhắm vào Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gây suy giảm mạnh với cầu hàng điện tử và hàng tiêu dùng và điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến Singapore.

Từ tháng 1 tới tháng 7, sản xuất hàng điện tử ở Singapore giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào giữa tháng 8, thành phố phụ thuộc vào thương mại này đã cắt giảm tăng trưởng dự kiến xuống còn mức 0-1%, so với dự báo trước đó là 1,5-2,5%. Tăng trưởng quý 2-2019 ở mức chỉ 0,1% so với cùng kỳ, thấp nhất trong một thập niên qua.

Ở bình diện rộng hơn, kinh tế gia hàng đầu thế giới về khủng hoảng và suy thoái, Nouriel Roubini của Đại học New York, nói có ba rủi ro về cung đe dọa những nền kinh tế mở như Singapore nếu nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 trở thành sự thật.

Cả ba rủi ro đó đều phản ánh những yếu tố chính trị trong quan hệ quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ: chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể dẫn tới chiến tranh tiền tệ; chiến tranh lạnh công nghệ Trung - Mỹ; và nguy cơ về nguồn cung dầu mỏ.

“Trên thực tế, với việc những công ty ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và những vùng khác của châu Á đã phải giảm bớt chi phí vốn, lĩnh vực công nghệ, chế tạo, và công nghiệp toàn cầu đã rơi vào suy thoái rồi - Houdini viết trên trang tin tức kinh doanh của Singapore Businesstimes.com.sg - Lý do duy nhất điều này chưa trở thành một cuộc suy thoái toàn cầu là bởi tiêu dùng tư nhân vẫn còn mạnh”.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) ngày 17-8 kể câu chuyện của một doanh nghiệp Singapore điển hình: công ty sản xuất chế tạo Aluputer Industrial. “Chúng tôi đang cảm thấy tác động [của cuộc thương chiến] qua nguyên vật liệu chúng tôi mua từ các nhà cung ứng Mỹ - Monica Lim, giám đốc phát triển kinh doanh của Aluputer, nói - Giá đã tăng hơn 30-50% do chi phí nguyên vật liệu thô ở Mỹ của các nhà cung ứng này chịu ảnh hưởng từ chính sách của [Tổng thống Mỹ Donald] Trump”.

Công ty Aluputer, chuyên sản xuất linh kiện máy móc, giờ buộc phải xem xét lại các quy trình kinh doanh và tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thô thay thế. Lim nói bà phải ra tay thật nhanh vì mọi trì hoãn có thể dẫn tới tai họa, trong bối cảnh suy thoái đang đe dọa nền kinh tế Singapore. Kurt Wee, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore (ASME), nói việc dự báo lại mức tăng trưởng là “sự thừa nhận rằng viễn cảnh kinh tế sẽ không thể là lý tưởng”.

Từ trước kết quả nghèo nàn của kinh tế trong quý 2-2019, các doanh nghiệp Singapore đã cảm nhận được sự suy giảm và tác động của thương chiến rồi, theo lời Wee. Selena Ling của Ngân hàng OCBC phân tích rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Singapore “thiệt đơn, thiệt kép” vì họ chủ yếu gắn với thị trường quốc nội, không thể đa dạng hóa bằng việc chuyển đổi sang các thị trường khu vực vốn ổn định hơn.

Thống kê của ASME cho thấy Singapore có tới 160.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, là một phần hữu cơ quan trọng của nền kinh tế. Wee hi vọng chính quyền sẽ hỗ trợ dài hạn cho các SME để hướng hơn ra bên ngoài. “Một số nước Đông Nam Á vẫn đang phát triển và tăng trưởng, và có rất nhiều cơ hội để các công ty Singapore làm tăng thêm giá trị và hỗ trợ sự tăng trưởng của những nền kinh tế đó” - Wee nói.

Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói rất nhiều về viễn cảnh kinh tế thời gian qua. Trong bài phát biểu trước quốc dân nhân ngày Quốc khánh 8-8, ông Lý khẳng định các biện pháp kích thích kinh tế sẽ được triển khai nếu chính quyền thấy cần.

Ho Meng Kit - giám đốc điều hành Nghiệp đoàn Kinh doanh, tổ chức hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp trong nước - nói trong khi chính quyền đang theo dõi sát tình hình, ông không nghĩ ông Lý và các cộng sự sẽ sớm “với tay lấy hòm thuốc”. Trong quá khứ, Singapore chỉ đưa ra các gói kích thích kinh tế trong những cuộc suy thoái đặc biệt lớn, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Công cuộc chuyển giao

Trong khi đó, việc cầm quyền liên tục từ khi lập quốc tới giờ của Đảng Hành động nhân dân Singapore (PAP) đang bị thách thức có lẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết sau những bất đồng trong nội bộ gia đình Thủ tướng Lý Hiển Long (cũng là gia đình cố thủ tướng Lý Quang Diệu, cha ông).

Di sản của ông Lý còn là những bất đồng âm ỉ trong gia đình ông. (Ảnh: Nikki Asian Review)

Tổng thư ký đảng này, Tan Cheng Bock (Trần Thanh Mộc), một chính trị gia 79 tuổi lão luyện và là bác sĩ đã nghỉ hưu, nói với Asia Times rằng PAP, mà ông là một thành viên trong hơn hai thập kỷ, đang thay đổi theo chiều hướng xấu hơn, trong khi Lý Hiển Dương đã nói ông sẽ ủng hộ PSP trong cuộc bầu cử lần tới.Đảng đối lập Singapore tiến bộ (PSP) có thể sẽ đưa người đại diện ra tranh cử của họ trong kỳ bầu cử tới là một nhân vật từ chính gia đình họ Lý, em trai ông Lý Hiển Long, là Lý Hiển Dương. 

“Phong cách của chính quyền đã thay đổi, các quá trình quản trị đã lạc đường vì đã có sự xói mòn trong ba cột trụ của quản trị nhà nước tốt: tính minh bạch, sự độc lập, và trách nhiệm giải trình” - ông Tan nói ở buổi ra mắt PSP ngày 28-3-2019.

Giới phân tích cũng đã nói về việc các đảng đối lập vốn phân rã của Singapore có thể thành lập một liên minh, dù lỏng lẻo, để đương đầu với PAP. “Người dân Singapore chỉ than trách qua những lời thì thầm”, ông Tan nói, vì thiếu một “nghị trình chính trị thật sự cởi mở”. “Trước khi lên tiếng, họ phải nhìn quanh xem có ai nghe không và lưỡng lự trong việc thảo luận các chính sách của chính quyền. Nhưng chúng ta không thể làm đà điểu vùi đầu trong cát và giả vờ rằng không có gì trục trặc hết”.

Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở Singapore phải diễn ra trước tháng 1-2021, và đang có đồn đoán rằng một cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức chỉ trong vài tháng nữa.

Giới phân tích dự báo ít có khả năng PAP bị đánh bại, nhưng ưu thế của đảng này có thể xói mòn hơn nữa khi họ đang chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo thứ tư kế tục Thủ tướng Lý Hiển Long, hiện 67 tuổi và dự tính sẽ nghỉ hưu trước tuổi 70. Trong cuộc tuyển cử gần nhất năm 2015, PAP giành 83/89 ghế ở quốc hội Singapore, với gần 70% số phiếu bầu.

Một diễn biến gay cấn trước bầu cử là việc em trai ông Lý Hiển Long - ông Lý Hiển Dương, 62 tuổi - công khai ủng hộ PSP sau những lời qua tiếng lại kéo dài trong nội bộ gia đình, xuất hiện cả trên mạng xã hội. “Tôi hoàn toàn ủng hộ các nguyên tắc và giá trị của PSP. PAP ngày nay không còn là PAP của cha tôi. Nó đã lạc đường” - ông Lý Hiển Dương, tốt nghiệp các Đại học Cambridge và Stanford, từng làm tổng giám đốc SingTel, viết trên Facebook hồi cuối tháng 7.

Ảnh:
Ảnh: Từ trái qua phải - Từ trên xuống: Cố thủ tướng Lý Quang Diệu và vợ ông, bà Hà Ngọc Chi (đã mất) - Hàng thứ 2: Con cả Thủ tướng Lý Hiển Long và vợ là bà Hà Tinh - Con thứ hai Lý Vĩ Linh và con út Lý Hiển Dương (cùng vợ ông là bà  Lâm Học Phần). Hàng dưới cùng là Lý Hồng Nghị (con của ông Lý Hiển Long và bà Hà Tinh) và Lý Thằng Vũ (con của ông Lý Hiển Dương và bà Lâm Học Phần).

Cả ông Hiển Dương lẫn chị gái, bà Lý Vĩ Linh, đều nói anh trai họ đã “sử dụng sai quyền lực trong vai trò thủ tướng”, ngoài những tranh cãi gay gắt giữa 3 anh em về số phận căn nhà của cha mẹ họ ở địa chỉ số 38 đường Oxley. Ông Lý Quang Diệu, qua đời năm 2015, đã nói công khai và ghi trong di chúc rằng ông muốn phá bỏ căn nhà đó sau khi ông qua đời. Hai chị em Vĩ Linh, Hiển Dương cáo buộc anh trai họ lạm dụng quyền lực để giữ lại căn nhà nhằm tranh thủ lợi ích chính trị, điều mà ông Lý Hiển Long, nắm quyền từ năm 2004, bác bỏ.

“Sự hiện diện của Lý Hiển Dương là rất đáng lo ngại với chính quyền. Ông là lời nhắc nhở thầm lặng, không ngừng rằng nhà họ Lý đang chia rẽ - Michael Barr, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Flinders, Úc, nói - PAP vẫn có được sự tin cậy và tín nhiệm ổn với cử tri. Nhưng lập luận rằng PAP đã lạc đường sẽ hợp lòng những cử tri thất vọng với đảng cầm quyền”. Ông Barr cũng phân tích rằng Tan là một đối thủ đáng gờm với PAP hơn hẳn các ứng viên đối lập trước đây. Ông không chỉ giành chiến thắng 6 cuộc bầu cử liên tiếp vào quốc hội Singapore ở khu vực bầu cử Ayer Rajah - đại diện cho PAP giai đoạn 1980-2006, mà còn suýt đắc cử tổng thống nước này năm 2011.■

Cuộc chiến truyền thông

Tháng 4-2019, Jolovan Wham - một nhà hoạt động dân sự - đã bị Tòa án Singapore tuyên tội bất tuân lệnh tòa liên quan tới một bài đăng Facebook của Wham so sánh sự độc lập của hệ thống tư pháp của Singapore với của Malaysia trong những vụ có tác động chính trị. Wham bị phạt 5.000 SGD (3.640 USD).

Ông Lý Hiển Dương đã góp 20.000 SGD (14.500 USD) cho Wham để trang trải các khoản phạt và án phí cho phiên phúc thẩm. Ông cũng quyên một “khoản tiền đáng kể” cho người viết blog Leong Sze Hian. Leong bị chính ông Lý Hiển Long kiện với cáo buộc mạ lỵ vì một bài đăng trên Facebook.

Ông Heng Swee Keat

Người kế vị?

Một bài trên Reuters vào đầu tháng 9 nói người nhiều khả năng kế vị ông Lý nhất ở PAP là Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt), một nhân vật “như đo ni đóng giày kiểu gia đình họ Lý”. 

Ông Heng, 57 tuổi và đang là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính, được mô tả là người “tính tình nhẹ nhàng, kỹ lưỡng” và có thể mang tới sự lãnh đạo “thoát ra khỏi quá khứ”. 

Giới phân tích tin rằng ông Heng sẽ là kiểu lãnh đạo mà Singapore vẫn quen thuộc: để mắt kỹ tới nền kinh tế và thương mại, trong khi duy trì thái độ thận trọng và không phe phái trong các vấn đề toàn cầu. Tốt nghiệp Cambridge và Harvard, ông Heng từng là thống đốc Ngân hàng Trung ương Singapore giai đoạn 2005-2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận