TTCT - Nhiều năm qua, Singapore đã đầu tư rất nhiều cho thịt nhân tạo và các loại protein thay thế. Tất cả nằm trong nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường khả năng chống chịu lại những bất ổn về nguồn cung của ngành thực phẩm nước này, và xa hơn nữa là đưa đất nước thành “Thung lũng Silion của thực phẩm” thế hệ mới của châu Á. Trang trại công nghệ cao giữa lòng đô thị Commonwealth Greens. Ảnh: Straits TimesSingapore xếp hạng khá cao (thứ 19) trong chỉ số An ninh lương thực toàn cầu năm 2020 của Economist Intelligence Unit. Trong điều kiện bình thường, Singapore không phải lo về vấn đề an ninh lương thực vì không thiếu tiền để mua. Nhưng khi xảy ra gián đoạn trong sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại khác. Sự dễ tổn thương trong an ninh lương thực của Singapore từng bộc lộ rõ rệt trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi giá lương thực tăng cao và Malaysia ngừng xuất khẩu cá; dịch tả heo châu Phi tác động đến chăn nuôi; rồi đến COVID-19, khi nhập khẩu lương thực ảnh hưởng vì nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước.Trước tình hình đó, Singapore đã có các giải pháp như đa dạng hóa nguồn cung và tăng năng lực cung cấp nội địa. Nước này hiện nhập khẩu lương thực từ hơn 170 quốc gia và khu vực, trong khi con số này vào năm 2004 chỉ khoảng 30. Năm 2019, chính phủ công bố mục tiêu “30 trước 30”, tức tự sản xuất 30% nhu cầu lương thực trong nước vào năm 2030, tăng 20% so với năng lực thời điểm ấy.Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Việc canh nông tại Singapore không hề dễ dàng do diện tích nhỏ hẹp và mật độ dân số dày đặc. Nước này chỉ có 1% quỹ đất dành cho nông nghiệp. Đó là lý do giờ đây Singapore chuyển sang phát triển năng lực khoa học và công nghệ để có những giải pháp đột phá trong nguồn cung thực phẩm, mà cụ thể là protein thay thế - theo Melvin Chow, giám đốc cấp cao tại bộ phận quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng thực phẩm của Cơ quan Lương thực Singapore. Lý do của lựa chọn này không khó giải thích. “Sản xuất protein từ thực vật và tế bào cần ít không gian và tài nguyên hơn so với các phương thức truyền thống” - Bernice Tay, giám đốc mảng sản xuất thực phẩm của Enterprise Singapore, nhận xét.Tháng 12-2020, Singapore trở thành nước đầu tiên cho phép thương mại hóa thịt gà nuôi trong lò phản ứng sinh học. Không lâu sau khi chào sân, món gà do Công ty Eat Just (trụ sở tại California) sản xuất đã có mặt trong thực đơn của nhà hàng 1880 ở khu trung tâm giải trí Robertson Quay (Singapore). Tháng 3 năm nay, Next Gen - công ty có trụ sở chính tại đảo quốc sư tử - cho ra mắt đùi gà làm từ đậu nành và sản phẩm ngay lập tức trở thành nguyên liệu chính trong 4 món ăn được phục vụ tại quán bar Three Buns cũng ở Robertson Quay. Món “gà giả” này hiện có mặt tại hơn 45 nhà hàng địa phương.Trong hơn 2 năm qua, hơn 15 công ty sản xuất protein thay thế (từ thực vật, côn trùng, tảo và nấm thay cho nguồn thịt giết mổ) đã mở cửa hàng tại Singapore. Ngoài Eat Just và Next Gen còn có thể kể đến nhiều cái tên đa quốc gia cũng đang hoạt động tại đây như Perfect Day, Shiok Meats và Gaia Foods. Trong đó, Shiok Meats và Gaia Foods đang lần lượt nghiên cứu sản xuất thủy sản và thịt đỏ nhân tạo. Một món cơm sử dụng thịt gà có nguồn gốc đậu nành do Next Gen sản xuất. Ảnh: Green QueenViệc Singapore trở thành thị trường tiêu thụ thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới không phải chuyện ngày một ngày hai. Nó là thành quả của việc Chính phủ Singapore đã đầu tư những nguồn lực cần thiết để “tạo ra một hệ sinh thái chào đón những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thực phẩm”, tạp chí Nikkei Asia ngày 6-7 dẫn lời Mirte Gosker, thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute Asia Pacific (GFI APAC).Cụ thể, chính phủ đã đầu tư 107 triệu đôla Mỹ cho các chương trình nghiên cứu và phát triển thực phẩm tới năm 2025. Cục Tác vụ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Enterprise Singapore cũng hợp tác với một số quỹ đầu tư quốc tế, như Big Idea Ventures, để đầu tư vào protein thay thế. Tháng 4 năm nay, Singapore khánh thành Trung tâm An toàn thực phẩm chế biến sẵn cho tương lai (Future Ready Food Safety Hub) để nghiên cứu về sự an toàn của các loại thực phẩm mới và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các doanh nghiệp trong ngành. Trong tháng 9, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), với sự hợp tác cùng GFI APAC, dự kiến sẽ tuyển sinh khóa học kéo dài 1 kỳ về công nghệ và kinh doanh protein thay thế.Chính sự đầu tư với quy mô lớn đã tạo cơ hội để những công ty khởi nghiệp như Eat Just và Next Gen phát triển. Andre Menezes, người đồng sáng lập Next Gen, gọi Singapore là “một hệ sinh thái toàn diện trên một hòn đảo rất nhỏ và đông đúc”. “Singapore đang bắt đầu tự định vị mình như Thung lũng Silicon về công nghệ thực phẩm” - Menezes nói với Nikkei Asia.Hồi tháng 2, Next Gen huy động được 10 triệu đôla từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm cả quỹ nhà nước Singapore Temasek International. Đây là khoản đầu tư lớn nhất đến từ một liên doanh công nghệ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Cơ sở sản xuất của Next Gen hiện được đặt tại Hà Lan, có khả năng tạo ra 5.000 tấn sản phẩm đủ cung cấp cho 9.000 nhà hàng mỗi năm, nhà đồng sáng lập Timor Recker chia sẻ với FoodNavigator-Asia hồi tháng 10-2020.Một trụ cột khác giúp hiện thực hóa mục tiêu “30 trước 30” của Singapore là hoạt động canh tác trong nhà sử dụng công nghệ cao, với năng suất cao hơn 10 - 15 lần trên mỗi hecta so với phương thức truyền thống. Hiện tại, Singapore có 31 trang trại trong nhà theo hình thức này, bao gồm 28 nơi trồng rau và 3 nơi nuôi cá. Điển hình là trang trại Commonwealth Greens, đặt trong một tòa nhà công nghiệp lớn. Ở đó, trong những căn phòng có trần cao, rau mù tạt, cải thìa, rau chua cùng nhiều loại rau khác được trồng trong các thùng nhựa; mỗi giá trồng dài khoảng 1m, được kết nối với dải đèn LED riêng, treo lơ lửng trên trần nhà. “Bộ não” của hệ thống này là hai cảm biến ở phía trước mỗi phòng. Một cảm biến điều khiển nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, CO2 và mức độ axit. Cảm biến còn lại đo lượng và thành phần chất dinh dưỡng dạng lỏng tưới cho rau. Hệ thống thủy canh bằng dung dịch dinh dưỡng này của Commonwealth Greens tiêu thụ nước ít hơn 95% và ít phân bón hơn 85% so với trồng trên đất theo cách truyền thống, trong khi lại cho ra tới 100 tấn rau mỗi năm, gần bằng 1% tổng sản lượng rau ăn lá tại Singapore. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tương lai của thức ăn Tiếp theo Tags: SingaporeNông nghiệp đô thịProtein thay thếCông nghệ thực phẩm
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 47-2024: Tinh gọn bộ máy - Hiện thực hóa những triết lý căn bản TTCT 05/12/2024 1 từ
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Tin tức thế giới 5-12: Chính phủ Pháp sụp đổ, Tổng thống Macron bị kêu gọi từ chức NGỌC ĐỨC 05/12/2024 Mỹ tố nhóm tin tặc "Bão Muối" của Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn; Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO.
Lê Tuấn Khang làm clip để giải trí, đâu phải để đi thi Liên hoan điện ảnh? THƯỢNG KHẢI 05/12/2024 Hãy ủng hộ, cổ vũ những sáng tạo của bạn trẻ như Lê Tuấn Khang; Từ khi nào mà clip giải trí trên mạng xã hội được soi theo chuẩn Liên hoan sân khấu, điện ảnh vậy?; Dù vô thưởng vô phạt nhưng không gây phiền cho ai thì có gì sai...
Tìm 'đối tác' quá dễ dàng, bệnh lây qua đường tình dục tăng theo 'tình một đêm' THÙY DƯƠNG 05/12/2024 Sự bùng phát ca nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục như giang mai, lậu, sùi mào gà... theo ý kiến của nhiều chuyên gia, là một thách thức lớn với ngành y tế.
Biến động một công ty vàng: Từ chủ tịch đến người đại diện pháp luật đều từ nhiệm BÌNH KHÁNH 05/12/2024 Cùng một ngày, Công ty cổ phần Vàng Lào Cai nhận được đơn từ nhiệm của ba lãnh đạo, từ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị đến giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.