Sơ cử phe Dân chủ tại Mỹ: Đại hội đảng và nền dân trị

SÁNG ÁNH 14/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Cuộc sơ cử Đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ 2020 chẳng khác chi ngày hội đánh đu: hết lên lại xuống, rồi lên trở lại và tất nhiên là có nhiều người ngã sấp mặt. Từ 29 người lúc đầu đủ sắc đủ màu vào tháng 11, hiện chỉ còn 2 người sau khi 19 bang đã bỏ phiếu. Ngày “Siêu thứ ba” vừa qua (3-3) là ngày phán xét tàn nhẫn khi 15 bang và một vùng lãnh thổ (Samoa thuộc Mỹ) cùng bỏ phiếu, trong đó có hai bang đông đại biểu nhất - California và Texas.

Cuộc đua của phe Dân chủ giờ còn lại hai ứng viên chính, Bernie Sanders (trái) và Joe Biden. Ảnh: France 24
Cuộc đua của phe Dân chủ giờ còn lại hai ứng viên chính, Bernie Sanders (trái) và Joe Biden. Ảnh: France 24

Hiện ông Joe Biden, 77 tuổi, cựu phó tổng thống 2008-2016, dẫn đầu với 664 phiếu đại biểu. Ông Bernie Sanders, 78 tuổi, thượng nghị sĩ bang Vermont, có 574 phiếu. Đây là kết quả tạm thời vì bang California còn chưa kiểm xong các phiếu gửi bằng đường bưu tín.

Thể thức rối rắm

Thể thức sơ cử rất phức tạp: các bang bỏ phiếu vào ngày khác nhau, có bang cho cả cử tri ghi danh Đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ (và ngược lại). Một số ít bang dùng hình thức “caucus”, tức hội nghị đại biểu, chứ không phổ thông đầu phiếu. Trong thể thức này, thay vì để cử tri đến hòm phiếu với tư cách cá nhân, đảng sẽ tập hợp họ lại, chia phe và bàn cãi, thuyết phục lẫn nhau, rồi bỏ phiếu hai vòng.

Cách tính toán số phiếu đại biểu càng phức tạp: bang California chẳng hạn, chia theo tỉ lệ tương ứng với các khu vực bầu nghị sĩ, chứ không phải tỉ lệ toàn bang đơn giản. Theo cách này, các ứng viên có dưới 15% tổng số phiếu sẽ không nhận được phiếu đại biểu nào.

Trước bầu cử ngày 3-3, thăm dò cho thấy ông Sanders sẽ về đầu ở bang này với 35% số phiếu, các ông Biden, Michael Bloomberg và bà Elizabeth Warren ở mức trên dưới 15%; ông Pete Buttigieg và bà Amy Klobuchar ở mức 5-10%.

Ông Sanders như vậy sẽ ẵm hết phiếu đại biểu tại nhiều khu vực bầu cử, khiến cánh hữu và guồng máy của Đảng Dân chủ hoảng hốt. Chính các tính toán đó, dù không ai nói ra, đã tác động tới việc ông Buttigieg và bà Klobuchar tuyên bố rút lui và ủng hộ ông Biden.

Tuy nhiên, kết quả ngày 3-3, hai vị này vẫn được một số phiếu vì phiếu đã in sẵn và vẫn có một số cử tri bầu cho họ qua phiếu bầu theo đường thư tín (lên đến 20-40%). Giờ ông Buttigieg vẫn có 26 phiếu đại biểu và bà Klobuchar có 7.

Tại đại hội đảng vào tháng 7, họ sẽ “sang” các đại biểu cho ai đó, nhiều khả năng là ông Biden. Càng thêm rắc rối, các đại biểu bị “bán” đấy không nhất thiết phải nghe lời họ. Tùy bang, có nơi cho phép các đại biểu đổi ý, có nơi cấm và phạt tù, có nơi cấm và phạt 1.000 đôla như chạy xe quá tốc độ trên xa lộ!

Người mất đậm trong ngày 3-3 vừa qua là tỉ phú Bloomberg, 78 tuổi và cựu thị trưởng thành phố New York (2002-2014). Sau khi bỏ 560 triệu USD tiền túi để tranh cử, ông được 1,8 triệu phiếu và 61 đại biểu cử tri, tức một phiếu giá 310 đôla và một đại biểu giá 9,18 triệu đôla, hàng mua rồi miễn đổi trả. Ông Bloomberg có rất nhiều tiền, ước chừng 62 tỉ đôla, và tuyên bố sẽ bỏ 1-2 tỉ cho kỳ bầu cử này, coi như tiền làm rớt, lỡ có mất thì ông vẫn đủ gạo lứt muối mè qua ngày.

Kỳ sơ cử này của Đảng Dân chủ phân chia hai phe rõ rệt. Để đánh bại ông Trump có hai cách. Một là chính sách và chiều hướng ngược lại, cấp tiến rõ rệt, do ông Sanders và bà Warren đại diện. Hai là bảo thủ - trung dung để chiêu dụ lại thành phần “đứng giữa”, đã bỏ đảng theo ông Trump năm 2016. Chiều hướng này rất đông ứng viên.

Ông Biden là thủ cựu thành tích, ông Buttigieg là gương mặt mới, bà Klobuchar là phụ nữ sắt đá và ông Bloomberg “tôi là tỉ phú, giàu hơn và giỏi hơn Trump mấy chục lần”. Ông Bloomberg đã không mua được cử tri Dân chủ đủ để đến hội nghị vào tháng 7, nhưng chẳng phải là mất toi. Tại đây, 771 siêu đại biểu của đảng nợ ông rất nhiều... tiền.

Các vị này, để giữ chức vụ dân cử địa phương của họ cấp huyện, cấp tỉnh gì đó, đều từng phải nhờ ơn mưa móc của ông tỉ phú, đây mấy trăm ngàn, kia tiền triệu. Như thế, thế lực và ảnh hưởng của Bloomberg vẫn rất lớn, nếu ông không thể tự mình làm vua thì vẫn có thể ra tay làm một “tạo vương giả”, một “kingmaker”. Sau này, chính sách hay nhân sự trong nội các, nếu ông Biden thắng cử, cũng phải nói với ông một tiếng.

Nước Mỹ chuyển mình

Nước Mỹ đang trải qua một thời kỳ nhiều thay đổi. Phía Cộng hòa, một ứng viên nửa đùa nửa thật như ông Trump đánh bại 14 ứng viên đồ sộ thành tích, thì bên Dân chủ, ông Sanders cũng có vai trò tương tự. Phía Cộng hòa, các ứng viên bảo thủ truyền thống bị cử tri chê, và họ chọn một người ngoài guồng máy là ông Trump. Phía Dân chủ đi chậm hơn một bước, giờ mới ủng hộ thật sự cho ông Sanders, đại biểu dân cử “độc lập” duy nhất tại Thượng viện.

Bầu cử giữa kỳ năm 2018, cử tri của bên Dân chủ cũng đã đưa vào Quốc hội một số đại biểu cấp tiến mới, tự nhận không úp mở là những người “xã hội chủ nghĩa”. Điển hình là bà Alexandria Occasio-Cortez, 30 tuổi - tân đại biểu Quốc hội bang New York và cựu nhân viên phục vụ nhà hàng. Bà thuộc nhóm “Tiểu đội” (The Squad) gồm bốn phụ nữ, da đen, Hồi giáo, Ả Rập Palestine, và Latino đang đình đám ở Quốc hội.

Ông Sanders, 30 năm qua là người xã hội chủ nghĩa duy nhất ở một đất nước tôn sùng tư bản chủ nghĩa, giờ có thêm chín người đồng chí. Phong trào Sanders năm 2020 vững mạnh hơn 2016 và ông là người gây được quỹ tranh cử lớn nhất trong các ứng viên (không tính các tỉ phú xài tiền túi).

Ông Sanders là người duy nhất không nhận tiền ủng hộ từ các “siêu ủy ban hành động chính trị” (PAC, về cơ bản là nơi trung gian chuyển tiền ủng hộ của các tập đoàn lớn được hợp pháp hóa cho ứng viên), mà chỉ nhận trực tiếp từ các cá nhân.

Luật Mỹ cho phép mỗi cử tri cá nhân được ủng hộ các ứng viên đến mức tối đa là 2.800 đôla. Để lách luật này, người ta có thể “cúng” tiền gián tiếp qua các PAC không hạn chế. Thí dụ vừa rồi Tổng thống Trump được một PAC tổ chức một bữa tối gây quỹ tại Florida, trong đó mỗi cặp hiện diện phải trả 580.000 đôla! 10 triệu đôla quyên được từ đó sẽ dùng vào việc tranh cử.

Ông Bloomberg thì vợ dặn mỗi tối về ăn cơm nhà đúng giờ, khắc có 10 triệu đôla mỗi ngày để tranh cử. Còn ông Sanders, quỹ tranh cử là từ hàng triệu cá nhân, trung bình mỗi người ủng hộ khoảng 18 đôla. Còn nhớ năm 2016, tài tử George Clooney tổ chức một bữa tối quyên tiền ủng hộ bà Hillary Clinton, giá ngồi cùng bàn là 353.000 đôla cho một đôi, đứng ngoài uống nước ngọt là 30.000 đôla.

Chẳng may hàng xóm của Clooney là người ủng hộ Sanders, tổ chức một buổi gây quỹ sát nách, giá vào cửa 27 đôla, nhưng không có tiền cũng vào được. Ông hàng xóm còn ra ngân hàng rút 1.000 tờ giấy bạc 1 đôla để phát không. Khi đoàn xe của bà Clinton đi qua, họ cầm từng vốc giấy một đồng đấy ném vào bay tơi tả!

Người ủng hộ ông Sanders cũng được coi là thành phần trung kiên và tin cậy được nhất trên đường dài hay trong lúc khó khăn. Sơ cử tại bang Nevada với 1/4 dân số gốc Latino (dùng tiếng Tây Ban Nha) cho thấy ông Sanders cũng vô địch về các cử tri mới, trước giờ ít tham gia vào đời sống chính trị Hoa Kỳ.

Tại bang California, ông được đến 65% người gốc Á (bao gồm cả Ấn Độ) ủng hộ. Nhưng ngày 3-3 cũng cho thấy tường thành da đen của ông Biden vẫn rất vững vàng. Ông Biden được thừa hưởng điều này từ tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama và guồng máy Dân chủ tại các bang miền Nam nhiều người da đen vốn đã có truyền thống bỏ cho các ứng viên Dân chủ “chính quy” suốt từ những năm 1960, thời tổng thống Lyndon Johnson.

Ông Johnson là người khởi xướng chính sách “Đại xã hội”, tức là xã hội mở rộng cho mọi thành phần, với nhiều tiến bộ về nhân quyền, công lý và phúc lợi xã hội cho cử tri da đen.

Những cử tri thờ ơ

Phải nói thêm cho rõ, trong các bầu cử toàn quốc tại Hoa Kỳ, tỉ lệ cử tri có đăng ký bỏ phiếu dao động từ 38-56% những thập niên qua. Điều này đồng nghĩa khoảng một nửa dân Mỹ thờ ơ với chính trị, chủ yếu thuộc tầng lớp thấp, thu nhập kém, ít học vấn và trẻ, lo bươn chải kiếm sống hay lo chơi. Nhiều người trong số đó nghĩ lá phiếu của họ chẳng thay đổi được gì.

Tham gia bỏ phiếu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những nơi, lá phiếu dài 5 trang, sổ giải thích kèm theo dài 30 trang, và bầu cử diễn ra ở mọi cấp bậc và vị trí, từ các ban quản trị điện nước, cảnh sát huyện đến thủ thư xã, chánh án quận, hay ban giám đốc phòng giáo dục địa phương. Nghị trình chính trị không phải lúc nào cũng là chiến tranh với Iran hay bảo hiểm y tế toàn dân, mà chủ yếu chỉ là không được phá công viên gần nhà làm bất động sản hay ủng hộ tăng thuế điền trạch giúp lính cứu hỏa tình nguyện của ấp.

Nhưng dù nghị trình có là gì, thì các đạo luật luôn được viết bằng thứ ngôn ngữ luật pháp chẳng ai hiểu. Cử tri thông thái phải là người có kiến thức, có kinh nghiệm hoạt động trong lãnh vực, thôi khó quá bỏ.

Nói cách khác, 90-95% cử tri Mỹ không tham gia các quyết sách ở tầm địa phương, 2/3 không quyết định việc chọn đại biểu Quốc hội và tới một nửa không tham gia chọn tổng thống. Những người có tham gia, rất nhiều người lại chẳng hề hiểu gì đường lối, chính sách mà chỉ xem tranh luận, dáng dấp, cách ăn cách nói, tài sản, vợ (hay chồng) có đẹp không... Thế mới thấy, đường dân chủ thật gập ghềnh, không đi gấp thì bao giờ mới tới!■

Đại hội Đảng Dân chủ sẽ có tổng số 3.979 đại biểu có phiếu bầu trên toàn quốc, trong đó người Mỹ ở nước ngoài cũng có 13 đại biểu. Ứng viên nào giành 1.991 phiếu đại biểu (đa số tuyệt đối) sẽ thắng.

Trường hợp không ai có đủ đa số tuyệt đối, thì 771 “siêu đại biểu” sẽ vào cuộc. Những người này là chức sắc của guồng máy đảng. Năm 2016, tuyệt đại đa số siêu đại biểu ủng hộ bà Clinton đè bẹp gí ông Sanders.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận