TTCT - Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam trong những thập kỷ qua đã và đang xâm phạm, hủy hoại nhiều di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di chỉ khảo cổ học. Những hồi còi báo động khẩn cấp về thực trạng đó đã réo vang nhiều lần tới mức… nay dường như không ai nghe thấy nữa. Khai quật khu di tích Cát Tiên - một di tích được quy hoạch nghiên cứu, khai quật và bảo tồn tốt. Ảnh: Viện Khảo cổ học NHỮNG MẤT MÁT LỚN Hàng chục năm trước đây, di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Bình Đa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) “biến mất” do nhu cầu đô thị hóa. Từ những năm 1978-1980, di chỉ này được khai quật, mang lại nhiều tư liệu mới về văn hóa khảo cổ Đồng Nai. Các nhà khoa học tìm thấy hàng ngàn công cụ đá, đồ gốm, đặc biệt là việc phát hiện bộ đàn đá Bình Đa ngay trong địa tầng cho thấy đàn đá đã được cư dân cổ chế tác tại chỗ cách đây trên 2.500 năm. Tất cả cho thấy một đời sống cư dân thời nguyên thủy thuộc văn hóa khảo cổ Đồng Nai khá phong phú về vật chất và tinh thần. Bất chấp những khám phá quan trọng đặc biệt ấy, di chỉ Bình Đa sau đó tiếp tục bị khai quật nhiều lần nữa nhằm “giải tỏa”, nhường chỗ cho các dự án đô thị hóa. Vùng đất di chỉ quý giá ấy nay đã trở thành một phường đông đúc của thành phố Biên Hòa. Số phận một số di tích tồn tại sừng sững trên mặt đất cũng không khá hơn gì. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lò gốm cổ Hưng Lợi niên đại khoảng thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trải qua hơn hai mươi năm từ khi khai quật và làm hồ sơ xếp hạng (1998), nay đã thành phế tích, trong tình trạng sụp đổ nặng nề. Giữa năm 2019, do tranh chấp đất đai kéo dài chưa được giải quyết, người dân đã thuê xe ủi san phẳng, xóa sổ hoàn toàn dấu tích duy nhất còn lại của “xóm Lò Gốm” nổi tiếng của đô thị Sài Gòn. Gần đây nhất, trong tháng 10 và 11-2019, truyền thông dồn dập lên tiếng về việc di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) bị xâm phạm nghiêm trọng. Mặc dù vừa được khai quật khẩn cấp, nhưng ngay sau đó việc xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch đã xâm phạm khu vực di tích khảo cổ học này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hố vừa khai quật còn đang được nghiên cứu. Đây là di chỉ khảo cổ học có niên đại và giá trị về văn hóa - lịch sử vô cùng quý hiếm, có thể nói độc nhất vô nhị của Hà Nội. Những di tích, di vật thu được trong những đợt thăm dò, khai quật từ nhiều năm trước đã minh chứng rõ nét nhất quá trình cư trú, các sinh hoạt thường nhật và tình trạng sản xuất các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, đồ gỗ, đồ gốm, đan lát, dệt vải… của cộng đồng cư dân cổ di chỉ Vườn Chuối qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đợt thăm dò, khai quật gần nhất phát hiện thêm di tích mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, nhiều vết tích thực vật, hiện vật tre, gỗ và nhuyễn thể nằm dưới đáy ao hồ cổ, tàn tích động thực vật... Trong đó đáng chú ý là việc phát hiện 10 mộ táng thời Đông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau. Di chỉ Vườn Chuối là một trong số rất ít các di tích có sự phát triển liên tục qua nhiều văn hóa khảo cổ từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, góp phần củng cố những bằng chứng của quá trình lịch sử lâu dài và liên tục của đất nước, trong đó vùng đất Hà Nội cổ có một vị trí đặc biệt quan trọng. MỐI MÂU THUẪN TRƯỜNG KỲ Sự hủy hoại cả ba di tích khảo cổ học nổi tiếng, được đánh giá cao về giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử đối với địa phương và cả nước này đều có một nguyên nhân chung: quá trình đô thị hóa ở địa phương. Rất nhiều nền văn hóa khảo cổ đã được phát hiện, khai quật từ thập niên 1970 đến cuối thế kỷ 20, nhưng đến nay đi khảo sát lại thì nhiều di chỉ đã không còn dấu tích. Tháng 10 vừa qua, Viện Khảo cổ học (*) cho biết khảo sát sơ bộ vào năm 2000 có đến trên 1.000 di tích thời Đông Sơn, nhưng tới đầu năm 2019 đã mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phá hủy hoàn toàn. Trong đó có những di tích mà nếu giữ được thì xứng tầm di sản thế giới như di tích Phùng Nguyên ở Phú Thọ - một di tích lớn, mở đầu thời kỳ tiền Hùng Vương; di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa - một minh chứng đỉnh cao văn hóa Đông Sơn thời các vua Hùng. “Một vài thập kỷ không xa, nếu cứ đà “bảo vệ” như thế này, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương cơ bản không còn tồn tại trên đất nước ta...” - PGS.TS Tống Trung Tín, chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, nhấn mạnh. Có nghĩa là những chứng tích của thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước đầu tiên không còn nữa. Trường hợp lò gốm cổ Hưng Lợi lại là một điển hình về sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, cả từ góc độ quản lý của ngành văn hóa (Sở VH-TT&DL) lẫn quản lý địa phương (quận 8). Ngay từ khi được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1998, nơi này đã có sự tranh chấp về nguồn gốc và phạm vi của di tích giữa chính quyền quận 8 và một số hộ dân nhận rằng họ là lớp người đầu tiên đến đây khai phá, cư trú quanh khu lò gốm cổ từ giữa thế kỷ 20. Từ đầu những năm 2000, khu vực phường 16, quận 8 - nơi có di tích lò gốm cổ Hưng Lợi - được đô thị hóa rất nhanh, giá đất tăng chóng mặt, quanh di tích mọc lên hàng loạt khu nhà mới... Việc tranh chấp khu vực di tích càng trở nên gay go. Do không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để giải quyết nhanh chóng và triệt để, di tích này ngày càng bị bao vây, cô lập, thậm chí bị “xẻ thịt” do người dân thường xuyên đến đây phá di tích lấy xà bần về đổ nền nhà mới. Đỉnh điểm là việc di tích bị san phẳng, không thể cứu vãn được nữa! Đó là chưa kể tới rất nhiều ngôi mộ cổ, những công trình kiến trúc tuổi đời trên một trăm năm, những hàng cây cổ thụ là hệ sinh thái không thể thiếu được trong đô thị cũng bị di dời, phá hủy phục vụ nhu cầu đô thị hóa, hiện đại hóa hạ tầng giao thông... Với di chỉ Vườn Chuối, vì khu vực Vườn Chuối gồm ba gò Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư), trong đó phía tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3, 5 của TP. Việc chủ đầu tư khu đô thị mới tiến hành san lấp và xâm hại khu di chỉ không phải là chuyện mới xảy ra, nhưng chỉ đến khi di chỉ xuất lộ cả mộ táng, các di vật vung vãi khắp nơi, có cả hiện tượng đào trộm lấy cổ vật... chính người dân đã phải lên tiếng và qua truyền thông, cấp quản lý cao nhất về di sản văn hóa là Bộ VH-TT&DL mới “khẩn trương vào cuộc”. Nhưng sự tích cực ấy của ngành văn hóa và các nhà khảo cổ học không đủ để cứu vãn di chỉ quý giá này. Nó cần tới cả sự “vào cuộc khẩn trương” của TP Hà Nội, vì chính sự bất cập trong quy hoạch đô thị và giao thông của Hà Nội đã khiến di sản này đứng trên bờ vực phá hủy và có thể mất vĩnh viễn nếu không khẩn cấp bảo vệ. AI ĐANG VẮNG BÓNG TRÁCH NHIỆM? Mâu thuẫn bảo tồn và phát triển là một dạng mâu thuẫn chẳng hề mới mẻ và chưa bao giờ bớt gay gắt, bất kể quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đều lấy “phát triển bền vững” làm mục tiêu. Những lợi ích quá lớn có được từ đất đai thông qua sự lợi dụng, lạm dụng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị hóa... là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa bị chèn ép và vô hiệu hóa. Vì vậy, phải sửa chữa từ bản quy hoạch tổng thể chung của các địa phương, trong đó quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa phải được đặt tầm quan trọng ngang, thậm chí cao hơn so với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, nó phải được ưu tiên, dành điều kiện thuận lợi để triển khai trước, làm cơ sở cho việc quy hoạch các lĩnh vực khác. Ý thức của chính quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý di sản ở địa phương là cực kỳ quan trọng: họ cần thường xuyên cùng các nhà khoa học thông tin, giải thích cho cộng đồng về giá trị di tích, kiểm tra, ngăn ngừa sự phá hủy di tích, chủ động đề xuất giải pháp phù hợp để bảo tồn di sản văn hóa. Chính quyền địa phương cũng cần là nơi đóng vai trò chủ yếu để tác động lên cấp quản lý cao hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, dùng tri thức thực tiễn “từ dưới lên” để xây dựng, sửa đổi những chính sách “từ trên xuống”. Đáng tiếc là vai trò ấy của chính quyền địa phương, đặc biệt là quản lý di sản văn hóa hiện nay cho thấy tư duy và thực thi trách nhiệm của họ không đáp ứng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nữa.■ (*) công bố tại hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Trong sự phát triển bảo tàng học hiện đại có xu hướng “bảo tàng hóa di sản văn hóa”, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng các “bảo tàng tại chỗ”, bao gồm chứng tích của môi trường tự nhiên, của con người và hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt... do một cộng đồng/nhóm cư dân cổ tạo nên trong một bối cảnh tự nhiên - xã hội ở một trình độ nhất định. Chính vì vậy mà di vật từ những di chỉ khảo cổ học thời tiền sử là hiện vật trưng bày không thể thiếu trong các bảo tàng lịch sử xã hội ở vùng miền, quốc gia. Chúng sẽ có ý nghĩa quan trọng và giá trị cao hơn nếu được bảo tồn và xây dựng thành “bảo tàng tại chỗ” vì thông qua những gì cộng đồng dân cư cổ đại để lại (cấu trúc di chỉ, công cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, tàn tích thức ăn, di cốt người, động vật…), cộng đồng dân cư hiện nay có thể nhận biết điều kiện sống và kỹ thuật sản xuất cùng với sự thích nghi với môi trường tự nhiên của người xưa. Bằng cách ấy, lịch sử một vùng đất, một cộng đồng được tiếp nối lâu dài. Tags: Khảo cổ họcBảo tồnKhai quậtXâm hại di sảnDi chỉ khảo cổ họcVườn Chuối
Mới mẻ bảo hiểm an ninh mạng BÌNH KHÁNH 08/10/2024 Lừa đảo, tấn công mạng ngày càng tinh vi nên đã xuất hiện "bảo hiểm an ninh mạng". Hình thức này còn khá mới trên thị trường Việt Nam, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán tung hàng, nhưng nhiều nơi vẫn ngại.
Tin thế giới 8-10: Triều Tiên lại cảnh báo dùng vũ khí hạt nhân, gọi tên Hàn Quốc MINH KHÔI 08/10/2024 Tên lửa Nga tấn công tàu treo cờ nước ngoài tại cảng Odessa; Bão Milton nhắm thẳng hướng bang Florida của Mỹ.
Rùa biển xuất hiện trở lại trên vịnh Nha Trang TRẦN HOÀI 08/10/2024 Sự xuất hiện của rùa biển cho thấy chất lượng môi trường biển vịnh Nha Trang đang có chuyển biến tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói gì về đoàn xổ số kiến thiết đi nước ngoài? BỬU ĐẤU 07/10/2024 Liên quan đến việc Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng thành lập hai đoàn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm ở châu Âu làm xôn xao dư luận, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói gì?