Số phận một bức ảnh

TTCT - Ngày 13-2, Tổ chức Nhiếp ảnh báo chí thế giới (WPP - World Press Photo) thông báo một bức ảnh của Anthony Suau, phóng viên ảnh tạp chí Time, đã nhận được danh hiệu “Ảnh báo chí thế giới năm 2008” (The World Press Photo of the Year for 2008). Anthony Suau cộng tác theo chế độ hợp đồng với tạp chí Time đã 20 năm.


Bức ảnh chụp một viên cảnh sát ở Cleveland, Ohio (Mỹ), súng lăm lăm trên tay đang kiểm tra một căn nhà bị tịch thu trong đợt khủng hoảng tín dụng nhà đất ở Mỹ. Ảnh chụp ngày 26-3-2008, nhưng suốt năm qua đã không được tạp chí Time sử dụng. 

Suau nhớ lại: anh đã bị choáng khi đến thành phố Cleveland lúc ấy. Không một đường phố nào là không có nhà bị cưỡng chế. Cảnh tượng không khác gì vừa trải qua cơn bão Katrina.

Trả lời phỏng vấn sau khi có tin đoạt giải, Suau cho biết anh đang rất lo cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể khiến anh phải tìm một công việc khác hoặc phải rời bỏ căn nhà vừa mua được cho gia đình. Hai tháng vừa qua là thời gian tệ hại nhất, anh không tìm được hợp đồng nào trừ vài tấm ảnh chụp lễ nhậm chức tổng thống Mỹ, theo một đơn đặt hàng rất khiêm tốn của một nhà xuất bản Nhật. “Nếu tình hình tiếp diễn như hai tháng qua, có lẽ tôi phải đi tìm một công việc khác và có lẽ là ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh”.

Suau chuyên theo dõi các cuộc xung đột, các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới và từng đoạt hai giải thưởng của WPP, giải Pulitzer 1984 cho phóng sự ảnh và một số giải nhiếp ảnh khác.


“Sức mạnh của bức ảnh nằm trong sự ngược ngạo của nó. Thoạt trông có vẻ như đây là một cuộc đụng độ gì ghê gớm lắm, nhưng đối tượng chỉ là những người khốn cùng đang bị trục xuất khỏi căn nhà vừa bị tịch thu. Bây giờ thì chiến tranh, trong nghĩa đen của nó, đang ập vào nơi trú ngụ của người dân chỉ vì họ không còn khả năng trả nợ ngân hàng”

Suau chụp sự việc của thành phố Cleveland vào tháng 3-2008, vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất ở Mỹ bùng nổ. Mãi đến tháng 9, khi các ngân hàng đầu tư khổng lồ đổ sụp và thị trường tài chính chao đảo mạnh thì số đông người dân Mỹ mới nhận thức được hết tầm vóc của diễn biến này.


Ở Cleveland, Suau đã tháp tùng viên cảnh sát phụ trách việc cưỡng chế những người mất khả năng thanh toán nợ mua nhà. “Tôi muốn loạt ảnh này được đăng trên báo chí để tất cả mọi người đều thấy những cảnh tượng kinh khủng đó. Nhưng không hiểu sao báo chí Mỹ trong thời gian qua đều tránh né loạt ảnh này. Có thể vì các báo đã chuyển sang dùng loại ảnh tư liệu nhiều hơn để góp phần giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn”.

Trong gần một năm qua đã có đến ba biên tập viên ảnh từng làm việc với Suau phải rời Time vì tạp chí tinh giản bộ máy để đối phó với khó khăn tài chính. Mary Anne Golon, giám đốc phụ trách nhiếp ảnh của Time, nằm trong số bị tinh giản và đã được mời vào ban giám khảo của WPP trong cuộc thi ảnh vừa qua.

Suau và một số phóng viên ảnh tư liệu khác rất muốn làm phóng sự về những tác động về mặt nhân văn của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra, nhưng các báo và tạp chí đều từ chối tài trợ cho những dự án này. “Thật đáng nản lòng cho giới nhiếp ảnh Mỹ, vì đó là những việc cần làm”. Anh vừa mua được một căn nhà ở gần Brooklyn, nơi anh sống với vợ và con gái 8 tuổi. “Chúng tôi có thể thấy được những khó khăn sắp xảy đến với mình, nhưng những gì đang xảy ra với nhiều người khác còn tệ hại hơn nhiều”.

Suau đã chụp bức ảnh đoạt giải bằng máy Leica với phim Kodak trắng đen. Trong ảnh, viên cảnh sát Robert Cole của quận Cuyahoga đang nhắm súng vào một căn phòng trước khi bước vào kiểm tra xem còn ai ở lại trong căn nhà bị cưỡng chế nữa không. Chủ nhà trước đây là một đôi vợ chồng lớn tuổi, không con cái và hình như người chồng vừa mất ít lâu. 

“Những ngày ở Cleveland, tôi đã thật sự chứng kiến một thảm kịch của con người”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận