So sánh Zelensky - Churchill: Bản sao không hoàn hảo

NHẬT ĐĂNG 01/01/2023 09:40 GMT+7

TTCT - Khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rạn nứt tới mức độ nguy hiểm như hiện nay, nhiều người đã nghĩ tới sự xuất hiện của một Winston Churchill thời hiện đại.

So sánh Zelensky - Churchill: Bản sao không hoàn hảo - Ảnh 1.

Ông Zelensky được chào đón như người hùng ở Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Ngày 13-12-1941, thiết giáp hạm HMS Duke of York của hải quân Hoàng gia Anh khởi hành một chuyến tàu lịch sử, đưa Thủ tướng Anh Churchill vượt Đại Tây Dương. 

Hành trình bắt đầu chỉ khoảng một tuần sau "nỗi ô nhục" Trân Châu cảng (7-12-1941): Nhật Bản tấn công Hoa Kỳ. Chiếc Duke of York cập bến nước Mỹ ngày 22-12-1941, đánh dấu một trong những bước ngoặt lớn nhất Thế chiến II.

Chuyến đi thế kỷ 21

Hơn 80 năm sau, chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi chiến tranh nổ ra đã được Washington và Kiev đạo diễn kỹ lưỡng hết sức để gợi lại hành trình của Churchill năm xưa. 

Ngày 21-12, ông Zelensky tới Mỹ, gặp gỡ Tổng thống Joe Biden tại Phòng bầu dục, thậm chí vẫn mặc bộ đồ quân đội na ná Churchill, để tỏ hết vẻ của một nhà "lãnh đạo thời chiến".

Tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, trong bài phát biểu "lịch sử" của mình, ông Zelensky cũng mượn những chi tiết lấy cảm hứng từ Churchill: "Chúng tôi không từ bỏ và không thua cuộc. Chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng, dưới mặt biển, trên không trung. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì lãnh thổ của mình bằng bất cứ giá nào".

Với ông Zelensky, mục đích chuyến đi Mỹ không gì khác là thuyết phục chính giới nước này tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ông cảm ơn các khoản viện trợ của Mỹ, khẳng định Ukraine đang chiến đấu tới cùng, và khẳng định Kiev cần nhiều hơn nữa.

Điều quan trọng nhất với ông không chỉ là khoản viện trợ bổ sung 1,8 tỉ USD, bao gồm hệ thống tên lửa tiên tiến Patriot, mà quan trọng hơn, là phải thuyết phục được lưỡng viện Mỹ cam kết hỗ trợ lâu dài, thậm chí là "cho tới khi nào còn cần thiết", như lời ông Biden. 

Nhưng những ai có đọc lịch sử đều hiểu những hứa hẹn kiểu đó không có gì là chắc chắn.

Thậm chí ngay từ bây giờ, khi phân tích chuyến đi của ông Zelensky, Hãng tin AP đã nhận định "cho tới khi nào còn cần thiết" là một cụm từ mạnh mẽ, nhưng một Quốc hội Mỹ đang quá chia rẽ chưa biết sẽ kiên nhẫn tới đâu. Đó là chưa kể công chúng Mỹ - những người đang phải thực sự gánh vác các phí tổn của một cuộc chiến ở bên kia đại dương.

Ở Mỹ, ông Zelensky cũng đã nói thẳng: viện trợ của Mỹ không phải từ thiện, mà là khoản đầu tư cho an ninh và dân chủ toàn cầu. 

Nhưng sau gần một năm trời chiến tranh với đủ thứ thiệt hại, những ý kiến hoài nghi cả ở Mỹ và châu Âu đều cần một lời đáp cho câu hỏi cuộc chiến sẽ kết thúc khi nào, và như thế nào. 

Viện trợ (hay đầu tư) "cho tới khi nào còn cần thiết" là một khẩu hiệu chính trị hay, nhưng chỉ là một khẩu hiệu chính trị không hơn không kém.

So sánh Zelensky - Churchill: Bản sao không hoàn hảo - Ảnh 2.

Ảnh: CEPA

Cuộc chiến còn dài

Những người ủng hộ Ukraine vẫn có thể lạc quan về những ngày sắp tới. Quốc hội Mỹ chào đón ông Zelensky nồng nhiệt. Những khung ảnh bắt cảnh các nghị sĩ Mỹ vây quanh và vỗ tay ca ngợi ông Zelensky như một người hùng. 

Rồi những màn trao cờ mang tính biểu tượng, và tất nhiên là cả gói hỗ trợ bổ sung 45 tỉ USD cho Ukraine trong năm 2023. Tuy nhiên, đó cũng có thể là tất cả những gì Mỹ còn làm được cho Ukraine. 

Giới hạn của Washington vẫn được đảm bảo xoay quanh nguyên tắc bất di bất dịch cho tới thời điểm này: sẽ hỗ trợ vũ khí, tiền tài cho Kiev, và không hơn.

Đó cũng chính là khác biệt lớn nhất giữa Zelensky và Churchill. Hơn 80 trước, Churchill tới Mỹ với hi vọng Mỹ tham gia Thế chiến II, và ông đã có điều đó. Còn giờ đây, ông Zelensky thậm chí không thể mở lời với một đề nghị như vậy.

Bên kia chiến tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp lại chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky bằng một gợi ý... hòa bình. 

Tại cuộc họp báo sau đó không lâu, nhà lãnh đạo Nga "cài cắm" thông điệp rằng đàm phán ngoại giao là không thể tránh khỏi, vì mọi cuộc chiến đều phải kết thúc, không là một hiệp ước hòa bình thì cũng là hiệp định ngừng bắn, kèm theo phân chia giới tuyến mới.

Ở phương Tây, ít ai tin lời ông Putin, nhưng thông điệp của ông vẫn có thể gieo thêm hoài nghi: ai rồi cũng đàm, tội gì phải đánh thêm để mất mát. Đó là lý do cả Ukraine lẫn chính quyền Biden nhanh chóng đả kích Putin. 

Các bên đều hiểu rồi sẽ phải tới lúc đàm phán, có điều hiện giờ có vẻ chưa ai hài lòng với những lợi ích thực tế trên chiến trường. Xung đột tiếp diễn, xem ra, là khó tránh khỏi. ■

Chuyến đi của ông Zelensky đã được xếp đặt trong vòng bí mật và an toàn tuyệt đối. Tới thứ ba tuần trước 20-12, ông vẫn xuất hiện như thường thấy trong một chuyến thăm tiền tuyến ở miền đông Ukraine.

_128102737_zelen3

Chuyến đi của ông Zelensky được bảo mật tuyệt đối. Ảnh: BBC

Sau đó, ông đáp tàu đêm và rạng sáng thứ tư thì tới Ba Lan. Từ Kiev tới Rzeszów, khoảng cách 608km, có sẵn đường xe lửa.

Song, ông đã xuống xe lửa ở ga Przemysl sát biên giới Ukraine - Ba Lan, được đại sứ Mỹ Bridget Brink đón và cùng lên xe của tòa đại sứ Mỹ chạy đến sân bay Rzeszów, cách đó 94,4km, khoảng hơn 1 giờ xe chạy trên cao tốc A4, rồi lên máy bay lúc 8h15 sáng 21-12, trực chỉ căn cứ không quân Andrews vào đầu giờ chiều cùng ngày.

Do khác múi giờ (7 tiếng), ông đáp một máy bay Boeing C-40 Clipper của không lực Hoa Kỳ đến căn cứ không quân Andrews ở Washington. Loại máy bay này thường dùng để chở các bộ trưởng Chính phủ Mỹ.

Chuyến bay của ông Zelensky được hộ tống bởi một máy bay cảnh báo sớm AWACS của NATO và một máy bay chiến đấu F-15, không khác gì chuyến bay của ông ngoại trưởng Mỹ trước đó.

Kín đáo chọn sân bay Rzeszów là một sân bay quốc tế chỉ xếp hàng thứ 8 ở Ba Lan, với hơn 250.000 lượt hành khách năm 2021 và chỉ bảy hãng hàng không sử dụng.

Năm 2022, sân bay này được sử dụng làm trung tâm trung chuyển cho các tổ chức dân sự, phi chính phủ và những người ủng hộ để tiếp tế cho Ukraine và người dân của họ cả trang thiết bị y tế lẫn vũ khí, vật tư.

Vũ khí và vật tư y tế được chuyển đến sân bay và sau đó vận chuyển qua biên giới Ba Lan - Ukraine bằng xe tải. Chính vì vậy sân bay này trở thành trọng điểm phòng không của Mỹ ở Ba Lan.

Ngày 3-9-2022, Mỹ triển khai hai hệ thống tên lửa Patriot ở đây, theo AP 3-11-2022. Cứ thế, ông Zelensky an toàn bay sang Mỹ, được hộ tống bởi một chiếc F-15 khác khi bay đến Anh. Nhà Trắng đợi đến khi ông đã ra khỏi hẳn Ukraine mới loan tin.DU LONG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận