Sông Mekong - bản tình ca nghiệt ngã?

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 04/08/2009 08:08 GMT+7

TTCT - Sông Mekong đang oằn mình trước sự khai thác của các nước mà nó chảy qua. Ở cuối dòng sông, Việt Nam đang và cần làm gì để thích nghi với môi trường sống mới?

Phóng to
Đập Tiểu Loan trên dòng sông Mekong do Trung Quốc xây dựng - Ảnh: cqyzsm.com

Năm 1999, Trung Quốc phát động “chiến lược phát triển miền tây”. Khu vực này bao gồm Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, càng về phía tây núi non càng hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển.

Cái khó nhất để phát triển miền tây Trung Quốc là đầu ra kinh tế. Chính quyền Bắc Kinh xác định một chiến lược kép phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và thiết lập quan hệ kinh tế xuyên biên giới, “mượn” biển của các nước Đông Nam Á lục địa để ra các đại dương thế giới. Bằng chiến lược “một trục, hai cánh”, chính quyền Trung Quốc đang tạo nên cơ sở hạ tầng hội nhập kinh tế: xuất khẩu tài nguyên Đông Nam Á sang miền tây và nhập khẩu trở lại hàng hóa từ miền tây. “Trục” - chính là hành lang kinh tế bắc - nam liên kết miền tây với Đông Nam Á, trước hết là năm nước lục địa. “Cánh” biển là hợp tác xuyên vịnh Bắc bộ giữa Quảng Tây với sáu nước Đông Nam Á có biển. “Cánh” bộ là hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Cái khó thứ hai là thiếu điện năng. Trung Quốc tận dụng mọi tiềm năng thủy điện. Phần thượng nguồn sông Mekong chiếm một nửa chiều dài sông Mekong, mà người Trung Quốc gọi là sông Lan Thương, tiếp nhận lượng nước tan băng tuyết trên cao nguyên Tây Tạng đổ xuống thành nhiều con thác với độ dốc rất lớn, có nơi cao đến 600m.

Trung Quốc đã xây tám đập thủy điện, bốn đập đầu tiên vận hành: đập Mạn Loan cao 126m, hoàn tất năm 1993; đập Đại Chiếu Sơn cao 118m, hoàn tất năm 2003; đập Cảnh Hồng cao 107m, hoàn tất năm 2007; đập vĩ đại nhất có tên Tiểu Loan, cao như tháp Eiffel, 292m, bắt đầu lấy nước từ sông Mekong vào hồ chứa dài 150 dặm, dự trù phát điện năm 2010. Các đường điện cao thế đang xây dựng vắt qua núi cao, vực sâu để đưa một nửa điện năng về Quảng Đông, Thượng Hải và các tỉnh ven biển khác.

Đập Nọa Trác Độ đang thi công xây dựng, dự tính hoàn thành năm 2014, lớn hơn Tiểu Loan, mới thật sự là con “khủng long” của sông Mekong. Trung Quốc có kế hoạch xây thêm sáu đập thủy điện nữa tại cao nguyên Vân Nam.

Mạnh ai nấy làm

Sông Cửu Long phải tự cứu mình. Các nhà khoa học nước ta đã có nhận thức bước đầu về các hậu quả đối với đồng bằng sông Cửu Long khi vài con đập đi vào hoạt động. Nhưng toàn bộ thách thức nghiêm trọng nhất đối với nước cuối sông còn ở phía trước một khi 25 đập thủy điện trên sông Mekong đi vào vận hành, đòi hỏi các công trình nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện. Xã hội nước ta xem ra vẫn chưa hoàn toàn thức tỉnh trước thách thức này. Một cán bộ ngoại giao nước ta nói rằng người Việt Nam biết rất ít về bản kiến nghị gửi tới lãnh đạo bốn nước thuộc Ủy hội sông Mekong hôm 18-6-2009; trong 15.000 chữ ký của công dân sáu nước liên quan, chỉ có hơn 300 người Việt Nam tham gia.

Ở vùng trung lưu sông Mekong, từ năm 2006 hình thành 11 dự án đập thủy điện (bảy đập tại Lào, hai đập tại biên giới Lào - Thái, hai đập tại Campuchia), tạo thành chuỗi đập cao 30-40m. Lào phấn đấu thành “xứ Kuweit thủy điện” của Đông Nam Á, dự tính sẽ bán 7.000MW điện cho Thái Lan năm 2015 và 5.000MW cho Việt Nam năm 2020. Chính phủ Campuchia có kế hoạch biến nước mình thành “bình ắcquy của Đông Nam Á”.

Phần lớn đập thủy điện ở Lào và Campuchia đều do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Hai năm trước, Chính phủ Thái Lan đã cho khảo sát dự án đập thủy điện Ban Koum ở đông bắc nước này. Dự án khổng lồ này nếu triển khai sẽ chắn ngang dòng chính sông Mekong và Lào là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng.

Sáu quốc gia nằm trên con sông dài 4.350km này không có cùng nhận thức về khai thác và bảo vệ nguồn nước sông Mekong. Có tới chín khuôn khổ hợp tác liên quan, làm phân tán tài lực cũng như các mối quan tâm chính yếu về phát triển điện năng và bảo vệ môi trường sông. Các nước đều tùy lợi ích quốc gia, lợi thì tham gia, hại thì tránh, nói “mạnh ai nấy làm” cũng không sai sự thật.

Tháng 4-1995, bốn nước hội viên ban đầu của Ủy ban sông Mekong đã họp tại bắc Thái Lan thành lập Ủy hội sông Mekong và ký kết Hiệp ước hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Văn kiện mới bỏ “quyền phủ quyết” của các hội viên đối với bất cứ dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong, chỉ còn chức năng tham vấn. Trung Quốc và Myanmar không tham gia hiệp ước này. Hoạt động của Ủy hội sông Mekong cho đến nay phần nhiều là “hoa lá cành”, còn gốc rễ là điều phối khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước của sông Mekong thì bất lực.

Trung Quốc, động lực của một khuôn khổ hợp tác mới - Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), xem phần thượng nguồn Mekong là “nội thủy”. Trung Quốc có nhiều giải pháp năng lượng. Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc mới đây cho biết nước này sẽ xây thêm 104 lò phản ứng hạt nhân, nâng công suất điện nguyên tử lên 75GW năm 2020. Nhưng Trung Quốc vẫn theo đuổi kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong đến mức tối đa.

Được biết, Trung Quốc có kế hoạch chuyển nước từ cao nguyên Tây Tạng lên miền bắc. Điều đó, theo Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, “vẫn chưa tai hại bằng đập Hoàng Hà đang xây để đưa nước Trường Giang lên phía bắc. Để bù lại nước Trường Giang, họ sẽ phải lấy nước từ sông Mekong và đó là điều tai hại nhất cho nước ở hạ nguồn như Việt Nam”.

Việt Nam phải tự cứu mình

Chỉ mới vài đập thủy điện đi vào vận hành mà sông Mekong đã nếm mùi cay đắng. Hiện tượng sông Mekong ở hạ nguồn cạn dòng với mực nước xuống thấp đột ngột năm 1993 và 2003 trùng hợp thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào hồ chứa của hai đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn.

Bảo vệ nguồn nước sông Mekong là lợi ích chính đáng của Việt Nam. Những khảo sát ban đầu cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ gánh chịu tất cả tác hại do việc dòng Mekong bị ngăn chặn, dẫn tới xóa sổ đặc trưng mùa nước lũ, làm mất 50% phù sa, lượng cá đánh bắt giảm, dòng chảy của sông yếu đi sẽ làm nước biển xâm thực gây ngập mặn, phèn tiềm tàng không được rửa trôi... An Giang và Đồng Tháp sẽ bị nạn đất xói mòn nghiêm trọng nhất, còn Tiền Giang sẽ bị khô hạn...

Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng các nước trung - thượng nguồn sẽ dừng bước hay làm chậm lại các kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong. Cũng không thể chỉ dừng lại ở những chương trình hợp tác thứ yếu hay kêu gọi “hãy cứu sông Mekong”. Phải nghiên cứu các quy tắc cũng như các tiền lệ thành công của hợp tác quốc tế (giữa Mỹ và Canada trên sông Colombia, giữa Brazil và Paraguay trên dòng sông biên giới La Plata...), kiên trì đấu tranh dư luận, xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác thiết thực, phù hợp lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia thuộc sông Mekong.

Bên cạnh đó cần tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các cơ chế phối hợp thông tin giữa các nước lưu vực sông Mekong. Được biết, trên bàn các quan chức Bộ Tài nguyên - môi trường nước ta đã có một số thỏa thuận của hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế ba con sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), tại Hà Nội tháng 11-2008, nhưng nay đã khởi động chưa?

Lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh của sáu nước nằm trên sông Mekong có tính tùy thuộc, gắn kết qua lại và ngày càng tăng cường. Không lý gì lại để câu chuyện “anh ở đầu sông, em cuối sông” trở thành bản tình ca nghiệt ngã!

------------------------------------

Ủy hội sông Mekong: Lập trang web nhận phản hồi về các dự án xây đập thủy điện
Nước ngọt, sao không là nước mưa?
Cận cảnh những cơn hấp hối bên dòng Mekong
Cứu lấy sông Mekong
Trung Quốc ngừng xây hai đập trên sông Kim Sa
Quanh co như sông Mekong
Sông Cửu Long sẽ khát nước... ngọt
“Bức tử” sông Mekong với đập cao 292m
Bàn thảo về an ninh nước cho sông Mekong
Campuchia sợ sông Mekong dâng cao bất thường
Thu thập ý kiến về các dự án thủy điện trên sông Mekong
Đập nước hủy diệt các con sông
Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận