TTCT - Nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra rằng muốn có trò giỏi trước tiên phải có thầy giỏi. Hỏi học sinh ngày nay vì sao không còn ham thích học sử còn nhận được câu trả lời chung: thầy dạy không hay! Trên thực tế, câu trả lời của các em là xác đáng. Phóng to Tôi như bao đồng nghiệp khác cũng có nhiều băn khoăn về nội dung bài dạy, về phương pháp. Tôi đã thử chọn một cách dạy sử khác về hình thức, về cách diễn đạt mà vẫn đảm bảo nội dung bài học. Tôi vẫn nhớ cách các thầy cô của tôi ở bậc tiểu học đã dày công tìm tòi cách dạy sử để giúp chúng tôi luôn có được sự háo hức yêu thích môn học này. Hồi ấy, học bài “Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, thầy cho chúng tôi xem tranh chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách bị Tô Định cho người chặt đầu. Nét mặt Thi Sách trước khi chết được vẽ toát lên vẻ hiên ngang anh hùng làm chúng tôi khâm phục và càng căm thù quân xâm lược. Rồi hình ảnh Hai Bà Trưng trên lưng voi với lá cờ vàng bay phấp phới khi cuộc khởi nghĩa thành công đã làm tôi và các bạn cùng lớp ghi nhớ mãi kết quả của cuộc khởi nghĩa: Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta... Bài học lịch sử ấy và biết bao bài học khác đã khắc sâu trong tôi cho đến hôm nay. Tôi cũng nhớ ba tôi - một người thầy rất tài hoa như tôi nghĩ - khi dạy bài chiến thắng Bạch Đằng, ông đã bỏ nhiều công sức để vẽ từng tấm tranh lên giấy bóng mờ rồi chiếu cho học sinh xem với một dụng cụ rất thô sơ. Tranh chiếu tới đâu, ông thuyết minh tới đó. Trước khi lên lớp, ba tôi chiếu cho tôi xem để dự báo sự hấp dẫn đối với học trò. Sau này, ba tôi dành dụm tiền chụp lại những tấm tranh ấy để chiếu bằng phim slide nhanh hơn, sống động hơn và sử dụng dài lâu hơn. Bộ Giáo dục - đào tạo đã tặng bằng khen cho đồ dùng dạy học này của ba tôi trong triển lãm toàn quốc của ngành vào những năm 1976-1980. Những tấm tranh ấy, bây giờ nhìn lại thật đơn giản so với công nghệ thông tin ngày nay nhưng đối với tôi ngày ấy là cả một thế giới diệu kỳ. Ba tôi chính là người thầy đầu tiên truyền cho tôi cảm hứng học sử và trở thành người dạy sử sau này. Khi đã trở thành một người thầy dạy sử, tôi vận dụng tất cả những hiểu biết của mình để truyền ngọn lửa yêu thích môn học này cho các em. Không bao giờ tôi giới thiệu suông bài dạy của mình. Cách tôi dẫn nhập vào bài có khi là những câu thơ, những đoạn văn, bài hát liên quan đến bài dạy. Có tiết học, các em nghe chính bạn cùng lớp hát một bài hát liên quan chủ đề học hôm đó, có khi người biểu diễn là tôi - thầy của các em. Tôi tin những giờ sử như thế không còn là sự buồn chán nữa. Biết các em có thành kiến rằng môn sử toàn con số sự kiện, tôi sưu tầm tài liệu, tranh ảnh từ sách báo rồi làm thêm một nguồn tư liệu bằng hình ảnh tự ghi lại qua các chuyến đi đến nhiều vùng miền đất nước. Dạy phần Hiệp định Geneva, các em thấy thầy đang đứng cạnh cây cầu Hiền Lương lịch sử, giúp các em nhớ dễ hơn rằng đây chính là giới tuyến quân sự tạm thời - vĩ tuyến 17- trong thời gian chờ tổng tuyển cử của hai miền Nam - Bắc 1956. Từ đây, tôi nói với các em về tình cảm thống nhất, khát vọng hòa bình của nhân dân hai miền Nam - Bắc mà các em sẽ được học trong bài sau đó “Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Tôi nói với các em về suy nghĩ, tâm tư của bản thân khi đứng trước các địa danh lịch sử, lúc viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương ở Côn Đảo, hình ảnh các xà lim giam giữ đồng chí, đồng bào ta suốt thời chống Pháp, chống Mỹ... Không khí lớp học những khi ấy chùng xuống, tôi cảm nhận được sự xúc động nơi các em. Trong nhiều năm dạy học, tôi cùng đồng nghiệp tổ chức các tiết học thực địa cho các em, ở bảo tàng địa phương hay nhiều khu di tích lịch sử khác như Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, dinh Thống Nhất... Tôi khuyến khích các em vẽ tranh, chụp ảnh các tư liệu lịch sử được trưng bày ở các nơi này để làm giàu kiến thức, học sử tốt hơn. Thực tế dạy nhiều năm cho tôi thấy việc học trò tận mắt thấy di chứng chất độc da cam và hậu quả bom mìn trong chiến tranh để lại ở nước ta đã tạo hiệu quả cao hơn nhiều lần bài giảng trên lớp. Các em hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc, đồng cảm với nỗi đau của nhiều số phận con người trong chiến tranh để biết yêu hòa bình hơn. Trong mỗi chuyến đi ấy, tôi không chỉ là người thầy mà còn là một học trò cùng học sử với các em. Muốn học sinh yêu thích học sử, người thầy phải yêu thích trước đã. Nên để hết tâm tư, tình cảm của bản thân vào từng giai đoạn, từng sự kiện của lịch sử, sống như người xưa đã sống. Khi dạy sử bằng cả tấm lòng, ta luôn có thể tìm ra phương pháp dạy hiệu quả nhất. Tags: Lịch sửMôn sửCâu chuyện cuộc sốngHọc sử
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.