Sốt ruột

CẨM HÀ 20/06/2004 03:06 GMT+7

TTCN - Từ bảy năm nay, cứ vào mỗi tháng sáu (không chính thức) và tháng mười hai hằng năm, khu vực tư nhân (KVTN) trong và ngoài nước cùng quan chức chính phủ lại gặp nhau trong khuôn khổ của Diễn đàn doanh nghiệp (DN) VN để thảo luận về sự phát triển của KVTN tại VN.

Các năm trước diễn đàn diễn ra trong một ngày với khoảng tám giờ thảo luận, nhưng từ một năm nay rút xuống còn nửa ngày với hơn bốn giờ gặp gỡ. Vậy nên giới tư nhân được mời phát biểu phải tranh thủ từng giây, từng phút để trình bày những bức xúc của mình.

Có thể đó chỉ là những băn khoăn nhỏ của DN như cơ chế xin - cho của hàng loạt các quĩ hỗ trợ DN, quĩ hỗ trợ xuất khẩu, quĩ hỗ trợ việc làm... được các bộ ngành lập ra và kết quả là DN nhận được hỗ trợ thì phải chịu chi phí có khi còn cao hơn đi vay ngân hàng (Cao Minh Trúc, đại diện Hội DN trẻ Hà Nội).

Cũng có khi đó là bức xúc lớn của hàng loạt DN đầu tư nước ngoài về nghị định 105/2003 của Chính phủ qui định người sử dụng lao động trong nước chỉ được tuyển dụng lao động nước ngoài không quá tỉ lệ 3% (nhiều nhất không quá 50 người) so với số lao động hiện có. Trong bối cảnh nguồn nhân lực chuyên môn cao tại VN còn hạn chế, qui định này ảnh hưởng rất nhiều tới việc chuyển giao công nghệ cho VN và thể hiện một bước lùi trong việc tiến đến một “sân chơi bình đẳng” giữa các DN đầu tư nước ngoài và DN VN (Paul Fairhead, chủ tịch Hội DN Úc).

Mặc dù không trực tiếp nhắc tới từ “sốt ruột” nhưng trình bày của nhiều hiệp hội DN tại diễn đàn cho thấy họ đang bức xúc về sự cải thiện chậm chạp của môi trường kinh doanh tại VN, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng trong khu vực Đông Nam Á.

Vào cuối diễn đàn, Tony Salman - chủ tịch M&D (nhóm các nhà phân phối và sản xuất, thành lập năm 1999 với mục đích đệ trình lên Chính phủ VN các vướng mắc của KVTN trong và ngoài nước) - đã kết luận rằng năm bức xúc lớn nhất của DN (về cơ sở hạ tầng, đất đai, tham nhũng, lao động và thúc đẩy lấy ý kiến của DN trong quá trình làm luật) đều là những vấn đề mà Chính phủ VN sẽ phải mất thời gian rất nhiều để xử lý.

Kết luận của ông là dựa trên thực tế kết quả của các cuộc đối thoại giữa DN và Chính phủ. Sáu tháng trước tại diễn đàn lần 13 (tháng 12-2003), ông công bố báo cáo cho biết trong 10 vấn đề ưu tiên nhất mà M&D đã đệ trình lên Chính phủ từ năm 1999 chỉ có 20% vấn đề đã được đưa ra các biện pháp để giải quyết, còn lại tới 50% vấn đề không có tiến bộ gì đáng kể và khoảng 30% vấn đề chỉ được “hứa miệng”. Theo tính toán của ông, với tiến độ này VN sẽ cần thêm... 16 năm nữa để giải quyết hết các bức xúc của DN.

Tại diễn đàn lần 14 (ngày 14-6 tại Hà Nội), trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) K. Ishiwata nhẹ nhàng lưu ý VN cần phải thực hiện các lộ trình cam kết cải cách đúng tiến độ hơn. Trong khi đó Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại trước tình hình thiếu minh bạch, trách nhiệm tài chính còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, luồng đầu tư nước ngoài hạn hẹp, thâm nhập thị trường yếu, sự trì trệ trong việc cấp phép, tình trạng tham nhũng tràn lan trong mọi lĩnh vực và cơ chế thuế bất hợp lý làm cản trở đầu tư, tạo công ăn việc làm và kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở VN... AmCham cho rằng việc thực hiện kịp thời và hiệu quả Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ sẽ có ích cho tiến trình gia nhập WTO của VN”.

Về phía Chính phủ, bên cạnh một vài giải đáp rõ ràng đáp ứng phần nào yêu cầu của DN, một vài đại biểu Chính phủ vẫn phản hồi DN bằng những cụm từ nghe quen quen: “chúng tôi đang làm”, “cái này phải có lộ trình”, “sắp tới sẽ đẩy mạnh”... lặp lại nhiều lần.

Không biết các quan chức Chính phủ có thấy sốt ruột không khi nghe JETRO thông báo: năm ngoái Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan 2,4 tỉ USD (cao gấp ba lần năm 2002), vào Indonesia 1,3 tỉ USD (gấp 2,5 lần năm 2002), vào Malaysia xấp xỉ 400 triệu USD (gấp hai lần năm 2002). Riêng đầu tư vào VN cứ giảm đều đặn hằng năm: gần 200 triệu USD năm 2001 xuống còn 100 triệu USD vào năm 2003, chứ chẳng thấy xuất hiện làn sóng đầu tư mới nào từ Nhật Bản vào VN như dự báo từ hơn một năm trước.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới Klaus Rohland nói: “VN không thể tăng trưởng dựa trên ngân sách nhà nước hay nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) mà chỉ có thể dựa trên sự năng động của chính KVTN. Vậy KVTN ở VN lại đang đầy bức xúc và sốt ruột...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận