TTCT - Các bên liên quan đến chuyện khởi nghiệp, từ nhà đầu tư mạo hiểm đến chủ doanh nghiệp non trẻ, kể cả nhân viên cặm cụi làm việc, chờ mong ngày được hưởng cổ phần giá cao - liệu họ thích hay ghét độc quyền? Bà Lina Khan đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống độc quyền. Ảnh: AxiosSự độc quyền ở đây là cách các tập đoàn lớn dễ dàng bóp chết đối thủ cạnh tranh từ trong trứng nước bằng cách mua đứt khi đối thủ mới manh nha bước chân vào thị trường.Mua… đứtTrước đây một doanh nghiệp non trẻ muốn phát triển nhanh chóng, chủ doanh nghiệp muốn trở thành triệu phú, nhân viên muốn kiếm ra những khoản tiền gấp nhiều lần tiền lương chỉ có một con đường: phát hành cổ phiếu ra công chúng, lên sàn chứng khoán. Lên sàn chứng khoán cũng là con đường thu hồi vốn cho nhà đầu tư rót vốn ban đầu cho doanh nghiệp như con đường các ông lớn như Google, Facebook hay Apple từng trải qua.Nhưng những năm gần đây nổi lên một mô hình khác: nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền vào doanh nghiệp khởi nghiệp, yêu cầu họ tập trung vào tăng trưởng, chiếm thị phần, bất kể lời lỗ. Đích nhắm của họ, cũng như của chủ doanh nghiệp, là "dọn mình" chờ có doanh nghiệp khác, thường là cùng ngành, lớn hơn nhiều lần, đến ngỏ lời mua.Theo The Atlantic, trích khảo sát của NVCA (Hiệp hội Vốn mạo hiểm quốc gia Mỹ), đến 58% nhà sáng lập doanh nghiệp hy vọng bán được doanh nghiệp tại một thời điểm nào đó. Hầu hết số còn lại, dù không muốn, nhưng cũng sẵn lòng bán mình cho nơi khác. Trong thập niên 1990, đến 70% doanh nghiệp chờ mong phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng như một cách thu hồi vốn; nay đến 90% thu hồi vốn bằng con đường mua bán, sáp nhập.Mua một công ty rồi xây dựng cho nó lớn mạnh lên, củng cố thêm vị thế của mình là điều hay, chắc không ai phản đối. Thế nhưng một tỉ lệ không nhỏ các công ty lớn tìm cách mua các công ty khởi nghiệp chỉ để tiêu diệt đối thủ tiềm tàng trong tương lai.Mua bán theo kiểu diệt cỏ tận gốc như thế từng xảy ra với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, khi họ bằng mọi giá mua lại Instagram hay WhatsApp. Thậm chí cũng có những trường hợp mua doanh nghiệp khác rồi đóng cửa, chấm dứt hoạt động, bỏ luôn sản phẩm của doanh nghiệp đó. Một nghiên cứu vào năm 2021 ước tính chừng 6% các vụ sáp nhập trong ngành dược là nhằm mục đích này.Ảnh: ReutersCũng có trường hợp mua về không phải để tận diệt như thế, nhưng doanh nghiệp lớn vô tình hủy diệt doanh nghiệp nhỏ sau khi sáp nhập vì khác quy mô, khác văn hóa như trường hợp Twitter mua Vine, một nền tảng video ngắn rất thành công nhưng sau đó đóng cửa luôn nền tảng này.Trong đa phần trường hợp, người sáng lập sau khi bán doanh nghiệp về đầu quân cho nơi mua xem như đánh mất động lực làm ngày làm đêm để gầy dựng "thứ của mình". Lúc mới khởi nghiệp, họ sẵn sàng can thiệp vào từng chuyện nhỏ để dọn đường cho doanh nghiệp phát triển; nay ở trong tập đoàn lớn hơn bội lần, bộ máy cồng kềnh, phức tạp, họ rất dễ nản chí, buông tay.Cứu tinh?Đến đây nhân vật chính của bài này mới xuất hiện: Lina Khan. Cô năm nay mới 35 tuổi, hiện đang làm chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), vị chủ tịch trẻ tuổi nhất từ xưa đến giờ. Khan đang bị cộng đồng giới đầu tư mạo hiểm ghét cay ghét đắng. Theo The Atlantic, Reid Hoffman, người sáng lập mạng LinkedIn và là người quyên góp nhiều tiền cho Đảng Dân chủ, gần đây nhất đã tặng ứng cử viên Kamala Harris đến 10 triệu đô la để giúp chiến dịch tranh cử tổng thống của bà này. Hoffman chỉ có một yêu cầu nếu Harris đắc cử: Sa thải ngay Khan. Trả lời phỏng vấn CNN, Hoffman cáo buộc cô chủ tịch FTC trẻ tuổi đang "gây chiến" với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Hoffman không phải người duy nhất ghét Khan; nhiều người khác, như Barry Diller, người sáng lập đài Fox, cũng bày tỏ quan điểm cho Khan là người gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, cản trở con đường phát triển kinh doanh.Để hiểu được nguyên do, phải quay lại những ngày Khan còn là sinh viên Đại học Yale, mới 27 tuổi nhưng đã viết một bài báo gây xôn xao dư luận. Bài viết dài 93 trang đăng trên tạp chí của trường tựa đề "Mâu thuẫn chống độc quyền của Amazon", trong đó Khan tìm cách thay đổi quan điểm chống độc quyền ở Mỹ. Cô cho rằng nếu không áp dụng luật chống độc quyền với các doanh nghiệp vận hành kiểu Amazon, chúng sẽ thâu tóm quyền lực ngày càng nhiều, đi đến chỗ kiểm soát mọi ngóc ngách của nền kinh tế và bóp chết các doanh nghiệp khác.Những người ghét Khan và Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng chống độc quyền theo kiểu ngăn cản không cho mua bán, sáp nhập thì các start-up bị tước mất cơ hội bán mình cho một doanh nghiệp lớn, xem như không còn trông chờ vào đó như cách thu hồi vốn nhanh chóng. Như vậy chẳng khác nào thúc giục nhà đầu tư thôi đừng rót tiền cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nữa. "Vậy là tát khô cạn dòng tiền đầu tư, vậy là rất tệ hại cho môi trường tạo ra cạnh tranh mới", Hoffman than.Ông Reid Hoffman ủng hộ phe Dân chủ, nhưng không chấp nhận Lina Khan. Ảnh: WiredQuan điểm này hiện đang được chia sẻ trong giới đầu tư ở Silicon Valley, bất kể xu hướng chính trị. Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, người ủng hộ ông Donald Trump, đã viết blog than phiền rằng giới quản lý đang trừng phạt, ngăn cản không để các start-up được các tập đoàn lớn sáp nhập. Chủ tịch NVCA cảnh báo mở rộng luật chống độc quyền để hạn chế việc mua bán sẽ làm tê liệt dòng đầu tư vào các start-up. Hiện chính sách kinh tế của Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris là thực thi chuyện chống độc quyền một cách mạnh mẽ và FTC cùng Khan là công cụ để họ thực hiện chính sách này.Đúng sai một quan điểmNgăn cản các vụ sáp nhập gây lo ngại trước tiên cho giới đầu tư mạo hiểm. Nếu công ty lớn không thể dễ dàng mua lại công ty nhỏ, dù để tăng cường khả năng cùng phát triển hay để diệt một đối thủ trong trứng nước, ắt hẳn công ty khởi nghiệp sẽ ít có nơi để mắt đến đòi mua. Ít có nơi chào mua sẽ dẫn tới mức định giá thấp hơn, nhà đầu tư không muốn mạo hiểm mà không thể hưởng thành quả, sẽ bóp hầu bao, ít rót tiền hơn. Thiếu vắng nhà đầu tư mạo hiểm, cơ may thành công của các start-up càng mong manh hơn.Các nơi phê phán Khan đã chỉ ra kể từ ngày Khan về làm chủ tịch FTC vào năm 2021 đến nay, ở Mỹ số vụ sáp nhập giảm còn một nửa. Đầu tư mạo hiểm cũng giảm, số lượng thương vụ rót vốn giảm 20%, giá trị rót vốn giảm 50%.Tuy nhiên, The Atlantic cũng nhìn nhận, nhìn ở giai đoạn dài hơn thì mức độ đầu tư mạo hiểm vẫn tương đương với năm 2019; năm 2021 là ngoại lệ vì lúc đó lãi suất xuống thấp, dòng tiền đầu tư mạo hiểm tăng vọt. Lúc đó mức định giá các start-up toàn là con số trên trời, nên nay là sự điều chỉnh cần thiết, chứ không phải giảm vì FTC siết chuyện sáp nhập. Quan trọng hơn, làn sóng khởi nghiệp bên ngoài giới chỉ trông chờ vào vốn mạo hiểm của Silicon Valley vẫn đang sôi động.Trên thực tế, việc siết lại tiêu chí sáp nhập của FTC thể hiện ở một số vụ lớn, được báo chí tường thuật kỹ, chứ không diễn ra trên diện rộng. Tuyên bố của FTC cho thấy họ không chống mua bán, sáp nhập nói chung, mà chỉ ngăn cản thương vụ nào giảm tính cạnh tranh, nhất là các vụ doanh nghiệp lớn mua để tiêu diệt doanh nghiệp nhỏ. Các chuyên gia nhận định trong một môi trường ít coi trọng chuyện chống độc quyền, sẽ có nhiều start-up công nghệ ra đời với những sản phẩm na ná nhau để tìm cách bán mình. Một môi trường chống cạnh tranh quyết liệt sẽ tạo điều kiện cho các start-up thật sự tham vọng dám nghĩ lớn và đối đầu với các ông lớn danh tiếng và lâu đời.Quan trọng hơn, cần trả lời được câu hỏi: mô hình đầu tư mạo hiểm, chờ ngày bán mình thay vì tìm cách niêm yết là có lợi hay có hại cho nền kinh tế? Ý tưởng tăng trưởng bằng mọi giá, lỗ lã kéo dài cũng không sao, đã từng nâng nhiều doanh nghiệp lên hàng kỳ lân nhưng sau đó dìm hầu hết vào chuỗi dài thua lỗ. Nhà đầu tư nay cũng đã nản với mô hình này vì nó không bền vững và không thực chất. Suy cho cùng, một start-up muốn có năm bảy nơi tranh nhau chào mua hơn là một hai gã khổng lồ hỏi mua với họng súng kề bên đầu. Cạnh tranh lúc nào cũng hơn độc quyền là thế. ■ Kể từ khi được Tổng thống Joe Biden cử làm chủ tịch FTC, Khan đã làm đúng những gì cô viết: tìm mọi cách xóa thế độc quyền của các tập đoàn lớn, kể cả Microsoft, Google, Facebook và đặc biệt là Amazon. Liên quan đến chuyện start-up và độc quyền, Khan rất tích cực trong ngăn ngừa các vụ sáp nhập, đặc biệt của các tập đoàn công nghệ, mà theo cô là để ngăn chặn các tập đoàn này xây dựng vị thế độc quyền. Cô từng kiện Microsoft để ngăn vụ tập đoàn này mua lại hãng Activision Blizzard trị giá đến 69 tỉ đô la ("tình cờ", Hoffman là một thành viên hội đồng quản trị Microsoft). Cục Chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cũng có quan điểm tương tự Khan và đang kiện Google ra tòa vì tội độc quyền trong một vụ rất rùm beng. Tags: Tổng thống Joe BidenChính sách kinh tếDoanh nghiệp MỹBà Lina KhanChống độc quyền
Huỳnh Như ghi cú đúp ở giải AFC Champions League nữ QUANG THỊNH 06/10/2024 Tiền đạo Huỳnh Như tỏa sáng trong chiến thắng 3-1 của CLB nữ TP.HCM trước TXG Blue Whale (Đài Loan) ở lượt trận đầu tiên của bảng C AFC Champions League nữ 2024-2025.
Ban đại diện cha mẹ học sinh đại diện cho ai? VÕ VINH 07/10/2024 Nhiều người chán họp phụ huynh. Một phần vì chuyện tiền bạc, phần vì ban đại diện đại diện cha mẹ học sinh dường như không phải là đại diện cho phụ huynh lớp!
Đại giáo chủ Iran trao huân chương cho tư lệnh không quân tấn công Israel MINH KHÔI 06/10/2024 Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã trao tặng huân chương cho tư lệnh không quân Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) vì vai trò trong các cuộc tấn công tên lửa vào Israel.
'Ngắm' dự án Saigon Sports City vừa được Keppel bán 70% vốn, dự kiến gần 7.500 tỉ đồng NGỌC HIỂN 06/10/2024 Dự án Saigon Sports City (SSC) của Tập đoàn Keppel sau 4 năm khởi công đến nay vẫn là bãi đất trống. Keppel sẽ thoái 70% vốn và dự kiến thu về tới 7.500 tỉ đồng.