Sự hồn nhiên của người đi gieo hạt

LÊ THỦY LỆ 20/10/2011 01:10 GMT+7

TTCT - 1. Sau ngày rời bục giảng, niềm vui còn lại của tôi là dạy học ở nhà. Tôi nhận dạy vẽ, dạy đàn hay đôi khi chỉ là dạy viết chữ đẹp cho những đứa trẻ ở nhiều độ tuổi trong xóm tôi.

Có người gửi con nhờ tôi dạy không phải vì họ muốn con mình lớn lên sẽ trở thành nhạc sĩ, họa sĩ hay một người làm nghệ thuật. Thường thì rất đơn giản, họ chỉ muốn cho con học cái gì đó để chúng không có thì giờ rong chơi lêu lổng trong mấy tháng nghỉ hè.

Thú thật, số tiền ít ỏi gọi là thù lao mà tôi nhận được không đáng gì với công sức tôi bỏ ra, song bù lại tôi có được niềm vui và hạnh phúc mà có lẽ chỉ riêng tôi mới cảm nhận được.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Tôi yêu những đứa trẻ, yêu công việc của mình. Căn nhà tuềnh toàng của tôi ấm áp hẳn lên với những tiếng cười, giọng nói của lũ trẻ. Có đứa vào học khi vừa qua tuổi mẫu giáo, nhưng cũng có đứa học đàn guitar hay học vẽ để “cho biết” hay chuẩn bị thi vào một trường nào đó.

Tôi luôn luôn thích thú khi ngắm nhìn những cô bé, cậu bé mặt mũi xinh xắn ngồi chồm cả người lên mặt bàn, mắt dán gần sát tập vẽ, nắn nót tô màu những họa tiết trang trí. Tôi im lặng thán phục và ngạc nhiên khi nghe cô học trò đã học với tôi nhiều năm trước nói rành rẽ về những danh họa thời Phục hưng, kể tên từng họa sĩ với những sáng tác tiêu biểu.

Tôi gật gù vừa ý khi nhìn những ngón tay chạy thoăn thoắt trên phím đàn của cậu học trò với bản nhạc chuyển soạn cho guitar của André Segovia. Tôi vui cười thoải mái cùng đám học trò khi chấm điểm bài tập vẽ tự do về động vật, mà thật tình tôi không biết bọn trẻ đang vẽ con gì...

Đó là niềm vui, còn hạnh phúc lại nằm sâu thẳm và bàng bạc trong lòng tôi. Nếu định nghĩa hạnh phúc là sự bằng lòng với những gì mình có, tôi là một người rất hạnh phúc. Những đứa học trò lớn nhỏ của tôi, của năm này và cả những năm trước, chưa có đứa nào thành đạt hay đi theo con đường nghệ thuật. Chúng và cả ba mẹ chúng cũng hiểu điều đó khi nhìn căn nhà trống trơn, xập xệ của tôi.

Ai cũng có những mục đích để hướng tới, có niềm vui để đeo đuổi và có hạnh phúc để hưởng thụ nhằm quên bớt những nhọc nhằn trong cuộc sống. Trong tôi luôn tồn tại những niềm vui và hi vọng - dù rất mong manh - về một điều gì đó vô cùng tốt đẹp đang ở phía trước.

2. Tôi không nhớ có bao nhiêu đứa học trò đã đi qua lớp học của tôi. Chúng không là họa sĩ, nhạc sĩ. Chúng lớn lên chỉ là những con người rất bình thường giữa cuộc đời và sống ổn định bằng một nghề nào đó. Điều ấy không làm tôi buồn, mà ngược lại, tôi vui vì nghĩ chúng cũng tìm được những hạnh phúc nho nhỏ như tôi từng tìm thấy.

Bằng những bước đi chập chững từ lớp học này, các em sẽ có thêm sự hứng thú và say mê để bước tiếp trên con đường tìm hiểu nghệ thuật. Trong những đứa bé đáng yêu ấy, khi lớn lên chúng sẽ cảm nhận sâu sắc và trọn vẹn hơn vẻ đẹp của âm nhạc, không chỉ ở ca từ mà còn ở cả giai điệu, hòa âm, khúc thức... Chúng sẽ chẳng phải vội vã tìm lấy remote bấm nút chuyển kênh khi VTV3 giới thiệu một bản nhạc thính phòng, giao hưởng.

Sẽ có những đứa bé lớn lên, tần ngần đứng lại chiêm ngưỡng hoa văn cánh sen cách điệu của nghệ thuật kiến trúc thời Lý, Trần dưới chân một tượng Phật, để rồi càng yêu quý hơn cái hồn dân tộc từ trăm năm còn nằm lại trong những công trình nghệ thuật ấy. Và hi vọng sẽ có những đứa học trò của tôi, tất bật, ngập chìm trong học hành, công việc, nhưng bất chợt một buổi chiều nào đó dừng xe bên đường nhìn hoàng hôn chầm chậm buông xuống cánh đồng, bỗng buột miệng xuýt xoa trước vẻ đẹp lộng lẫy của những áng mây chiều.

3. Tôi luôn tin rằng nghệ thuật có thể ngấm vào máu, vào tim, vào từng tế bào con người, để từ đó tỏa ra, dậy lên nơi họ thành hương thơm, thành cái đẹp. Tôi tin những người biết quý trọng, biết nâng niu và gìn giữ những giá trị nghệ thuật thì cũng đồng thời biết trân trọng những giá trị đạo đức và tinh thần, biết yêu quý thiên nhiên và loài vật. Những con người ấy khó có thể là kẻ ác.

Trong quãng đời ngắn ngủi còn lại, tôi ngây thơ và hồn nhiên tin như vậy để hạnh phúc mà tôi đang có vẫn còn được nuôi dưỡng. Ngây thơ và hồn nhiên, phải chăng, đâu chỉ có ở trẻ thơ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận